Đối với một nước nhỏ như Việt Nam mà dám bàn tới đề tài “ vượt Trung “ thì e rằng có cái gì đó duy ý chí , thậm chí là nghịch lý và viển vông chăng ?
Thế nhưng thực tế cuộc sống với nhiều minh chứng sinh động lại cho thấy cái sự vượt này không phải là điều gì quá lạ lẫm. Trong Kinh Thánh có sự tích chàng David bé nhỏ đánh bại người khổng lồ Goliath , văn hóa dân gian Việt Nam từ lâu đã có câu “ tuy bé , nhưng là bé hạt tiêu “, “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” v.v… . Còn văn hóa Trung Hoa cũng từng khẳng định “ quý hồ tinh , bất quý hồ đa” tức là sự đời ăn nhau ở độ tinh xảo, thà có ít cái chất lượng cao còn hơn có nhiều cái phẩm cấp thấp. Với tinh thần này Bia Sài gòn ( loại chai nhỏ) có đoạn quảng cáo rất ấn tượng :” Tôi tuy không cao lớn nhưng nhiều người phải ngước nhìn”.
Vậy là trong cái vòng tuần hoàn muôn thuở Lượng chuyển hóa thành Chất của Tạo hóa thìChất luôn ở “ chiếu trên “ ( hay trạng thái mục tiêu ) mà Lượng cần nhắm tới để đạt được .Chất hay độ tinh nhuệ, tinh xảo tới mức nào đó hoàn toàn có thể khống chế được Lượng, dù Lượng rất đông , rất to , rất rộng và rất nhiều…
Phải có cách tiếp cận như vậy thì mới không bị “ ngợp” để rồi rơi vào trạng thái bi quan dẫn đến thái độ nhu nhược, đầu hàng trước chính sách bành trướng hung hăng ngày càng gia tăng của những kẻ xâm lược vốn lắm tiền , nhiều mưu mô thủ đoạn và quân đội hùng hậu. Một khi có được bản lĩnh như vậy thì mới đủ sự tự tin ,bình tĩnh và sáng suốt để phán xét một cách căn cơ, sâu sắc , toàn diện và khách quan những điểm mạnh , điểm yếu của bản thân cũng như của đối phương và đề ra đối sách phù hợp.
Muốn vượt Trung cần phải hiểu Trung
Đối với bên ngoài, Trung Hoa luôn là một thế giới bí hiểm, khó lường rất khác với Thiên hạ và có lẽ không quá tự phụ khi nhận định rằng ít có ai hiểu Trung Quốc cặn kẽ như người Việt Nam. Cái sự hiểu này đôi khi đã phải trả giá bằng núi xương, sông máu và cả những thời kỳ dài đằng đẵng bị xâm chiếm, bị lệ thuộc , bị ô nhục khôn xiết . Tuy nhiên dường như kiến thức và kinh nghiệm lịch sử phong phú của chúng ta trong giao lưu và cọ sát với Trung Hoa vẫn thiếu một nền tảng khoa học mang tính khách quan và hệ thống , do đó gần như mang tính chu kỳ, quan hệ Việt – Trung hết thăng lại trầm khiến chúng ta nhiều khi bị dồn vào thế bị động, thế yếu mà lẽ ra không đáng có. Nói cách khác là chúng ta giống như một người ốm chưa có cách nào để đoạn tuyệt với con bệnh kinh niên cứ dai dẳng đeo bám gần như suốt cuộc đời. Phải chăng đây chính là cơ sở thực tiễn đầy bức xúc và trăn trở cho những cuộc tọa đàm về “thoát Trung”hiện nay ?
Khách quan mà nói không chỉ có riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đã hoặc đang chịu thảm cảnh tương tự khi họ “ trót” ở cạnh những người hàng xóm khổng lồ , nham hiểm và tham lam. Tuy nhiên những tấm gương của các nước nhỏ vẫn có thể tồn tại trong tư thế độc lập và thịnh vượng bên cạnh những đối thủ to lớn, đồng thời biết hóa giải mối quan hệ xung khắc thành quan hệ bình đẳng hơn giữa các đối tác là điều đáng để chúng ta quan tâm đặc biệt.
Trong bất kỳ một cuộc chơi nào cũng đều hiện diện 2 thành phần không thể thiếu đó là người chơi và luật chơi. Ở đây luật chơi là các quy định, quy ước hành vi , các ràng buộc thành văn và bất thành văn đối với nội bộ các đội chơi cùng mối tương tác giữa các đội chơi . Khi một cuộc chơi thiếu tính công bằng , lẽ thường, người ta phải thay đổi Luật chơi và thành phần người chơi.
Trong lịch sử mấy ngàn năm, cuộc chơi Việt- Trung chỉ có 2 kẻ tham dự và Luật chơi ở đây luôn dành thế thượng phong cho kẻ mạnh là Trung Hoa cho nên người chơi yếu thế là Việt Nam dù có hiểu chân tơ kẽ tóc kẻ ăn hiếp mình thì cũng đành chịu thiệt và miễn cưỡng chấp nhận thứ Luật chơi bất bình đẳng đó.
Đây là thứ Luật chơi của chế độ toàn trị Trung Hoa nơi quyền lực chính trị chi phối mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội . Thứ Luật chơi này chính là sản phẩm của mô thức phát triển kiểu phong kiến Á Châu lại được kết hợp với văn hóa đặc thù Trung Hoa mang đậm nét Đại Hán, đại bá , mưu lược thâm hậu như đã nêu trên.
Một khi phải chấp nhận Luật chơi Trung Hoa suốt mấy ngàn năm lịch sử dù miễn cưỡng, lẽ tự nhiên cách ứng xử trong nội bộ của kẻ tham gia cuộc chơi là Việt Nam cũng bị điều chỉnh cho phù hợp với thể chế toàn trị Phương Bắc.
Đây là nguyên nhân chủ yếu vì sao dù không ưa Tàu nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ “ thoát Trung” chứ chưa nói là đã “ vượt Trung” thành công.
Do vậy, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập của thế kỷ XXI “ thoát Trung” hay mục tiêu cao hơn nữa là “ vượt Trung” phải là áp dụng Luật chơi phổ biến của thế giới văn minh với thành phần người chơi là cả cộng đồng Quốc tế.
Với bản chất Đại Hán, bá quyền và mưu mô thâm hậu không bao giờ chúng ta có thể thu lợi được gì khi tự giam hãm mình vào một phe “ cùng ý thức hệ” với Trung Quốc ( phe này hiện nay chỉ còn vẻn vẹn vài người chơi , chẳng hạn như Bắc Triều Tiên ). Ngày xưa khi chưa nổi lên vai trò của Quốc tế thì ông , cha ta đành cam chịu bó hẹp trong quan hệ chỉ với Thiên triều , nhưng ngày nay mà vẫn tự trói tay, nộp mình như trước thì quả là hành động thiếu tầm nhìn không chấp nhận được !.
Vượt Trung theo diện hay theo điểm ?
Vượt theo diện tức là một sự bứt phá trên cả một phương diện nào đó và bao giờ cũng mang ý nghĩa to lớn , sâu sắc, còn vượt theo từng điểm cụ thể tuy chỉ diễn ra trong một lĩnh vực hẹp hơn nhưng có liên hệ khăng khít và hữu cơ với vượt theo diện.
Để vượt theo diện phải cải cách thể chế chính trị- kinh tế - xã hội.
Mặc dù đạt được những thành tựu rất to lớn trong hơn 30 năm qua nhưng nền
kinh tế Trung Quốc vẫn là một thị trường với tiêu chuẩn phân phối bị méo mó do thiếu động lực sáng tạo, đổi mới thực sự vì các doanh nghiệp thấy có lợi khi chạy chọt để có quan hệ tốt với các quan chức chính quyền hơn là tập trung tạo đột phá trong công nghệ và phương pháp kinh doanh. Liên quan tới tình trạng này là nạn tham nhũng thâm căn cố đế ở mọi cấp chính quyền , sự cách biệt giàu nghèo và suy đồi đạo đức xã hội.
Thể chế kinh tế toàn trị , nơi mà nhà nước vẫn nắm phần lớn các nguồn lực và ưu tiên phân bổ cho các doanh nghiệp nhà nước , đồng thời ủy quyền quản lý sở hữu đất đai cho các đại diện của mình ( thường là không do Dân trực tiếp bầu ra ) cũng là nguyên nhân của tình trạng sử dụng vốn xã hội kém hiệu quả khiến sản sinh tham nhũng lớn và hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo đời sống chính trị- xã hội Trung Quốc ngày nay. Chính sách một con, hệ thống hộ khẩu ở các thành phố là những tảng băng trôi ngáng đường con tàu cải cách kinh tế nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và thị trường lao động trong tương lai gần.
Sửa đổi những khiếm khuyết hệ thống này gần như là nhiệm vụ bất khả thi ( mission impossible ) nếu như không tiến hành cải cách sâu rộng thể chế chính trị. Đối với một đất nước đông dân và rộng lớn như Trung Hoa , cộng thêm sức ỳ của lịch sử và thực trạng không đồng nhất về dân tộc, tín ngưỡng thì công cuộc cải cách sẽ rất khó khăn, kéo dài và chứa đầy những rủi ro khó lường. Trong khi đó, một yếu tố quan trọng có vai trò hỗ trợ đắc lực cho quá trình cải cách thể chế chính trị diễn ra êm thấm, tránh tối đa bạo lực và tạo nền tảng xã hội bền vững cho thể chế mới sau này là các tổ chức xã hội dân sự ở Trung Quốc lại bị bóp nghẹt .
Tiến hành cải cách toàn diện thể chế chính trị- xã hội theo hướng dân chủ hóa và hội nhập theo các tiêu chuẩn Quốc tế mà Việt nam đã ký kết tham gia chắc chắn sẽ đem lại sự vượt trội về diện so với Trung Quốc. Tầm cỡ nhỏ của chúng ta trong trường hợp này lại chính là một lợi thế rõ nét .
Những sáng kiến trong kinh doanh, sản xuất với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, hoàn thiện hệ thống cung ứng nguyên vật liệu, phân phối hàng hóa v.v… trong định hướng xây dựng khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và đổi mới công nghệ, phương pháp kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường nhằm củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo nên những hướng vượt trội về điểm .
Vượt trội về diện chắc chắn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự vượt trội về điểm . Cũng trong ý nghĩa này thì chính sự vượt trội về thể chế sẽ là tiền đề cho những cuộc vượt trội đáng khích lệ của muôn vàn điểm sáng trong kinh tế, văn hóa, khoa học- công nghệ, giáo dục, thể thao , nghệ thuật…Ngược lại , những thành công trong vượt trội về điểm cụ thể sẽ củng cố cho tiến trình vượt trội về diện nói chung.
Tuy hiện nay hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, bóp chết nhiều ngành sản xuất trong nước nhưng vẫn có những điểm riêng biệt hàng Việt Nam đã đẩy lùi thành công hàng Trung Quốc, ví dụ như bia Vạn Lực của TQ, xe máy TQ ngày nay gần như vắng mặt ở Việt Nam . Những thành công này cần được mổ xẻ , rút ra bài học để nhân rộng.
Trong khi phân tích quá trình phát triển của Trung Quốc để định ra phương hướng vượt theo diện và vượt theo điểm rõ ràng chúng ta cần nhận thức rằng:
Vượt Trung không loại trừ việc học hỏi có chọn lọc những cái hay của Trung Quốc nhưng không bị sa vào những cái bẫy chính sách và lặp lại mù quáng những sai lầm của Trung Quốc.
Vượt Trung là không bị lệ thuộc về hệ tư tưởng và thể chế chính trị- xã hội của Trung Quốc tuy vẫn chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế nhưng phải vạch ra được lằn ranh đỏ hay một hành lang an toàn cho nền kinh tế Việt Nam.
Thực hiện được quá trình vượt Trung như vậy cũng chính là đã thoát Trung một cách có định hướng nhằm hội nhập hàng ngũ các quốc gia văn minh và dân chủ hiện nay.
Con đường đi đã sáng tỏ , lòng dân đã thuận nhưng cần có quyết tâm và bản lĩnh của những người lãnh đạo
Thăng long- Hà nội 26/8/2014
Phạm Gia Minh
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
(Quê Choa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét