Pages

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Trung Quốc vẫn áp dụng các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình về đối ngoại.

Lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 110 của Đặng Tiểu Bình, tại Tứ Xuyên,
 Trung Quốc, 18/08/2014 - 
REUTERS/Stringer
RFI
Báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 21/08/2014, có bài « Các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình về đối ngoại vẫn còn được áp dụng cho đến nay », nhận định rằng các nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm thực hiện ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính trường quốc tế vẫn phản ánh những nguyên tắc chỉ đạo mà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra từ đầu những năm 1990.

Khi nhậm chức cách nay hai năm, ông Tập Cận Bình bắt đầu biểu dương sức mạnh quân sự và khẳng định sự dấn thân của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực.
Lúc đó, nhiều nhà phân tích tự hỏi phải chăng ông Tập đoạn tuyệt với lời cảnh báo của Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc không nên thu hút sự chú ý và nên « ẩn mình kín đáo », tránh đối đầu trong các vấn đề đối ngoại để tập trung sức lực vào những vấn đề đối nội.
Thế nhưng, các nhà phân tích và quan sát về Trung Quốc cho rằng triết lý của Đặng vẫn tiếp tục dẫn dắt các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc - cho dù có khi việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc bị lãnh đạo các quốc gia khác nhìn nhận như là một sự đe dọa. Thực vậy, theo ghi nhận của một số nhà quan sát, phong cách của Tập Cận Bình vẫn theo những nguyên tắc mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra.
Ví dụ, cho dù Trung Quốc có những động thái muốn kiểm soát Biển Đông, các nhà quan sát nói rằng quốc gia này chưa sẵn sàng để trở thành một lãnh đạo có tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực an ninh – bởi vì các chi phí để làm việc này rất cao.
Ông Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Học viên Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, nói : « Cái mà chúng ta nhìn thấy hiện nay, đó là một nước Trung Quốc sẵn sàng năng động hơn để làm điều mà họ muốn, như bảo vệ các đòi hỏi của mình trong các tranh chấp lãnh thổ».
Nhưng, theo giáo sư Fravel, mong muốn thống trị của Trung Quốc lại có giới hạn. « Vai trò lãnh đạo thế giới là tốn kém và chỉ có thể lãnh đạo thế giới nếu chấp nhận trả giá cho việc này. Trung Quốc không sẵn sàng đảm đương vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc có lập trường của mình, nhưng không sẵn sàng trở thành lãnh đạo để giải quyết các vấn đề ».
Chiến lược đối ngoại của Đặng Tiểu Bình xuất hiện đầu những năm 1990, sau sự sụp đổ của Liên Xô, vào lúc Trung Quốc cố gắng ổn định tình hình trước sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế về vụ trấn áp đẫm máu chống lại những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, năm 1989. Phải đối mặt với sự phản đối của quốc tế, Đặng tập trung vào việc phát triển nền kinh tế quốc gia. Các lãnh đạo cấp cao trong hai chính quyền của thời kỳ hậu Đặng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tiếp tục đi theo những nguyên lý của Đặng Tiểu Bình.

Trong một tài liệu của đảng Cộng sản liên quan đến cuộc nói chuyện với các quan chức hồi tháng 12 năm 1990 và được công bố, Đặng Tiểu Bình đã nói : « Một số nước trong thế giới thứ ba muốn Trung Quốc trở thành lãnh đạo, nhưng chúng ta không thể và đó là chính sách cơ bản của đất nước chúng ta ». « Chúng ta không thể trở thành người đi đầu và chúng ta không có đủ sức lực ».
Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2001 – tức là bốn năm sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời – Trung Quốc đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới và bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Năm 2011, Trung Quốc cấp một tỷ euro tín dụng cho Hungary.
Hồi tháng Năm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hứa cấp hơn 12 tỷ đô la tín dụng và viện trợ cho Châu Phi để mua sắm công nghệ mới và phát triển hệ thống tàu cao tốc. Báo chí Trung Quốc cho biết, số tiền mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ cho Châu Phi, từ 2013 đến 2015, lên tới 20 tỷ đô la.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng đáng kể vai trò của mình trong các hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Theo Học viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, năm 2000, Trung Quốc có dưới 100 binh sĩ duy trì hòa bình ; nhưng Liên Hiệp Quốc ghi nhận là vào tháng Bẩy vừa qua, Trung Quốc đã huy động gần 2200 cảnh sát, quan sát viên quân sự, kỹ sư và nhân viên y tế, chủ yếu sang làm việc tại Châu Phi.
Ông François Godement, chuyên gia hàng đầu về chiến lược tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Châu Âu, nhận định, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh là Trung Quốc phải tránh đi đầu trong các vấn đề chính trị quốc tế, nhưng sẵn sàng bảo vệ tổ quốc nếu ông ta cho rằng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bị thách thức.
Ví dụ, trong những năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ đề nghị của Anh Quốc muốn tiếp tục quản lý Hồng Kông, cho dù Luân Đôn thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh thổ này sau năm 1997.
Vào đầu năm 1979, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Việt Nam sau khi Hà Nội tràn sang Cam Bốt và lật đổ chế độ giết người Khmer Đỏ được Bắc Kinh ủng hộ. Ở Biển Đông, Việt Nam cũng chiếm đóng quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Phó Thủ tướng, cũng đã nâng cao sức kháng cự chống lại chính quyền Liên Xô. Để ngăn ngừa Matxcơva tới bảo vệ Việt Nam, Bắc Kinh đã điều động quân lính lên khu vực biên giới Trung-Xô. Cuộc xung đột Việt Nam –Cam Bốt đã kết thúc sau khi Việt Nam rút quân ra khỏi nước này vào năm 1989.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã bắt đầu thể hiện thái độ rõ ràng hơn đối với các nước láng giềng – đôi khi theo cách mà các nước bên ngoài coi là hung hăng.
Tuần vừa rồi, ông Tập Cận Bình đi thăm Mông Cổ - chuyến công du đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Hoa kể từ 11 năm qua –tại đây, ông chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng cơ sở.
Vào một số thời điểm, Trung Quốc tỏ ra muốn lãnh đạo khu vực trong lĩnh vực ngoại giao. Tại Hội nghị về an ninh ở Thượng Hải, hồi tháng Năm, Tập Cận Bình kêu gọi các nước Châu Á cần có một diễn đàn để thảo luận các vấn đề quốc phòng, mà trong đó không có Hoa Kỳ và nói rằng, vấn đề an ninh Châu Á phải do người Châu Á xử lý.
Thế nhưng, gợi ý này được đưa ra sau nhiều động thái bị coi là khiêu khích, ít nhất là đối với các cường quốc, như Hoa Kỳ. Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, yêu cầu cung cấp bản đồ bay và có liên lạc radio hai chiều với chính quyền Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Nhật Bản, nước có những đòi hỏi chủ quyền ở biển Hoa Đông – đã tố cáo Trung Quốc gây căng thẳng.
Đối với lãnh đạo nhiều nước, điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc đã xác quyết quyền kiểm soát đối với Biển Đông, gạt bỏ các đòi hỏi chủ quyền của những nước khác trong khu vực. Điều này đã dẫn đến sự phản đối của nhiều nước láng giềng. Gần đây, Philippines đã tố cáo Trung Quốc thực hiện một « lịch trình bành trướng » và gạt bỏ nỗ lực của trọng tài quốc tế để giải quyết các đòi hỏi.
Trong tháng Năm, Bắc Kinh đã đặt một dàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa, gây ra bế tắc trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Động thái này đã dẫn đến các cuộc nổi loạn bài Trung Quốc ở miền nam Việt Nam và làm ít nhất ba người chết, theo báo chí Việt Nam (Trung Quốc nói có 4 nạn nhân) và các cuộc đối đầu trên biển giữa tàu đánh cá Việt Nam và các tàu Trung Quốc ; truyền thông Trung Quốc đưa hình ảnh Tập Cận Bình tới thăm các binh sĩ, sĩ quan và kêu gọi các binh sĩ « sẵn sàng chiến đấu ».
Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân (Renmin University), nói rằng tăng trưởng kinh tế nhanh đã giúp Trung Quốc tự tin hơn và do vậy, Bắc Kinh càng xác quyết hơn trong các đòi hỏi về chủ quyền và có tiếng nói của mình trên phạm vi quốc tế.
Trò chơi quyền lực của Trung Quốc cũng diễn ra trong lĩnh vực tài chính. Tháng trước, Bắc Kinh khẳng định vị trí của mình như là đối tác chủ chốt với khả năng cung cấp tài chính cho các thị trường đang trỗi dậy, qua việc góp một phần vốn rất lớn, 41 tỷ đô la, vào Tân Ngân hàng Phát triển do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vừa thành lập. Theo các nhà phân tích, Tân Ngân hàng Phát triển có thể cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, do Châu Âu và Hoa Kỳ thống trị.
Ông Thái Phương Bách (Cai Fanbai), đại sứ Trung Quốc tại Pháp năm 1990 nói là Trung Quốc cần theo đuổi chiến lược « ẩn mình kín đáo » trong hoạt động chính trị bởi vì Trung Quốc tự thấy mình vẫn còn là một quốc gia đang phát triển ; tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người chỉ vào khoảng 6800 đô la, so với Nhật Bản là khoảng 37000 đô la/người.
Ông Thái, hiện là thành viên Tiểu ban tham vấn chính sách đối ngoại, thuộc Bộ Ngoại giao, tuyên bố : « Chúng tôi không đang trở thành một cường quốc lãnh đạo và Trung Quốc vẫn cần tập trung sức lực vào phát triển kinh tế » và « Trung Quốc vẫn đang tìm cách tự phát triển và củng cố sức mạnh của mình ».

Theo ông Fravel, để có thể thiết lập vai trò lãnh đạo, Trung Quốc cần giảm thiểu tác động của Mỹ tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương và phải sẵn sàng trả giá đắt, ví dụ như đóng quân ở nước ngoài.
Ông Sở Thụ Long (Chu Shulong), Phó Giám đốc Học viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và phát triển, tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University), nói Trung Quốc biết rằng, cùng với sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự, thì có rất nhiều đòi hỏi phải đáp ứng để có thể can dự nhiều hơn vào vấn đề an ninh quốc tế.
Thực vậy, trong bài trả lời phỏng vấn báo New York Times, ngày 10/08/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Trung Quốc là một « kẻ trục lợi » và Bắc Kinh đã không giúp giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu, hàm ý nhắc đến cuộc khủng hoảng nổi dậy đang diễn ra tại Irak.
Tổng thống Obama nói : « Một mặt, một số nguời muốn Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn. Nhưng khi Trung Quốc thực hiện vai trò của mình và dấn thân vào cuộc, thì lại có người nói rằng Trung Quốc đang thách thức Hoa Kỳ và muốn thay đổi trật tự thế giới ».
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu và quan chức đã hối thúc Trung Quốc phát triển một chiến lược ngoại giao mới, xác định rõ ràng Trung Quốc muốn trở thành loại cường quốc nào.
Ông Vương Kiến Vĩ (Wang Jianwei), giáo sư khoa học chính trị và hành chính công tại trường đại học Macao, người đã viết về lý thuyết ngoại giao của Đặng Tiểu Bình, nói rằng, không có lý do gì mà Trung Quốc lại phải gắn bó với các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình.
Ông nói : « Đã thực sự đến lúc Trung Quốc cần cho thế giới biết về đường lối đối ngoại mới, xác định rõ ràng các lập trường của mình và muốn các nước khác nhìn nhận mình ra sao ».
« Trung Quốc phải chấp nhận thay đổi. Không có nhiều người tin rằng một quốc gia lại có thể duy trì đường lối đối ngoại không thay đổi trong vòng hai thập niên ».

Không có nhận xét nào: