Pages

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

VIỆT NAM CẦN ỦNG HỘ CHÍNH SÁCH AN NINH, QUỐC PHÒNG MỚI CỦA NHẬT BẢN

BienDong.Net: Trước những mối đe dọa từ Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh chính sách quốc phòng để đối phó với Trung Quốc. Đây là điều có lợi cho Việt Nam.
Để triển khai chính sách tăng cường tiềm lực quốc phòng, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tích cực triển khai nhiều chính sách an ninh mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quân sự để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình trước sự khiêu khích, lấn lướt của Trung Quốc.
Việc Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe Nhật Bản quyết định giải thích lại điều 9 Hiến pháp của Nhật mở đường cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động an ninh tập thể khác nhằm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của Nhật ở biển Hoa Đông. Hơn thế nữa, theo giải thích này Nhật còn có thể tham gia vào các hoạt động an ninh tập thể với các đồng minh, kể cả các hành động quân sự theo các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc về quyền tự vệ tập thể nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhật Bản. Việc giải thích điều 9 Hiến pháp của Nhật đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh từ đồng minh Mỹ bởi lẽ Nhật có cùng một lợi ích chiến lược ở khu vực với Mỹ trong việc ngăn chặn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Về cơ bản chính sách mới của Nhật Bản về quyền phòng vệ tập thể sẽ có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu không cân sức với chính sách cường quyền và sự bành trướng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

Chính sách an ninh mới của Nhật còn được thể hiện rõ trong “Sách trắng quốc phòng 2014” của Nhật mới được công bố hôm 05/8/2014. Trong đó, Nhật Bản đánh giá môi trường quốc tế xung quanh đang ngày càng trở nên khắc nhiệt hơn, chứa đựng nhiều thách thức và các yếu tố bất ổn định hơn và kịch tính hơn, nhất là về chủ quyền và lợi ích kinh tế biển.
“Sách trắng quốc phòng 2014” nhấn mạnh Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước hành động hiếu chiến của Trung Quốc sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây tình hình bất ổn ở khu vực và tạo ra những thách thức toàn cầu.
“Sách trắng quốc phòng 2014” nêu rõ những phát triển mới trong chính sách an ninh, quốc phòng của Nhật kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền như: việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia và thông qua Chiến lược An ninh quốc gia cũng như thông qua Đại cương Kế hoạch Phòng vệ mới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn 2014 - 2019 tháng 12/2013.
Sách trắng cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản thông qua cách giải thích mới đối với Điều 9 Hiến pháp, cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể giới hạn, gọi đây là quyết định “có tầm quan trọng lịch sử trong việc bảo vệ hơn nữa hòa bình, an ninh cho Nhật”.
Liên quan đến Biển Đông, “Sách trắng quốc phòng 2014” của Nhật đề cập đến một số hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam như vụ Trung Quốc nổ ng vào tàu cá Việt Nam tháng 3/2013; Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Sách trắng cho rằng Việt Nam đang đối mặt với các thách thức an ninh đa dạng hơn và phức tạp hơn ở Biển Đông; Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược.
Nhìn tổng thể, việc Nhật Bản tăng cường chính sách an ninh quốc phòng là có lợi cho Việt Nam vì đây chính là nhân tố kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Hiện Việt Nam có cùng một lợi ích với Nhật Bản là phải đối phó với âm mưu bành trướng của Bắc Kinh, chống lại chính sách cường quyền của Trung Quốc.
Trên thực tế, Nhật Bản có cùng quan điểm với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, phản đối yêu sách “đường lưỡi bò”; yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; phản đối sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép. Thời gian qua Nhật Bản đã luôn đứng về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông; lên tiếng công khai phê phán các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông; trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, Nhật Bản đã nhanh chóng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Nhật Bản là nước có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam, là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhật Bản tích cực trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý biển. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đầu tháng 8 mới đây, Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam 6 tàu đã qua sử dụng và nhiều trang thiết bị trị giá 5 triệu USD để tăng cường cho lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam.
Trong bối cảnh, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát, không chế biển Hoa Đông và Biển Đông tạo bàn đạp mở rộng hoạt động ra các vùng biển xa để thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển như Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Việt Nam cần phối hợp với Nhật Bản về các chính sách trên biển, thậm chí cần tính tới khả năng liên kết với Nhật để đối phó với Trung Quốc.
Trước mắt, Việt Nam cần ủng hộ việc Nhật Bản triển khai chính sách an ninh, quốc phòng mới, ủng hộ quyết định về thực hiện quyền phòng vệ tập thể giới hạn của Nhật Bản. Một Nhật Bản mạnh về an ninh, quốc phòng sẽ buộc Trung Quốc phải tập trung lực lượng để ứng phó và giảm bớt sự hung hăng, gây hấn ở Biển Đông. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc thì Nhật Bản là đồng minh tự nhiên của Việt Nam.
Sự liên kết chặt chẽ giữa Việt Nam, Nhật Bản và cả Philippines sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan nhất cho cả Việt Nam, Nhật Bản và Philippines để chống lại mối đe dọa lớn từ Trung Quốc.
BDN

Không có nhận xét nào: