Giới quan sát nói với BBC rằng Asean sẽ tránh đẩy tranh chấp Biển Đông thành chủ đề chính gây tranh cãi với Trung Quốc tại một hội nghị ở Myanmar.
Myanmar đã khai mạc các hội nghị thượng đỉnh khu vực, bao gồm Thượng đỉnh Asean và Thượng đỉnh Đông Á, ở thủ đô Nay Pyi Taw hôm thứ Tư ngày 12/11.
Vào cuối hội nghị thượng đỉnh Asean trong ngày thứ Tư 12/11, các nhà lãnh đạo sẽ ra thông cáo chung bày tỏ ‘quan ngại về những diễn biến mới đây trên Biển Đông vốn đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực’, theo một dự thảo mà phóng viên hãng tin AFP tiếp cận được.
Căng thẳng giảm bớt
Tuy vậy, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho rằng Biển Đông sẽ không chi phối các cuộc thảo luận.
“Do Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng Bảy, căng thẳng đã giảm, ít nhất là hiện tại.”
“Thứ hai, hội nghị thượng đỉnh Asean không phải là nơi phù hợp để bàn về bộ quy tắc ứng xử. Vấn đề này đang được Asean và Trung Quốc thảo luận ở cấp cao và thông qua các nhóm công tác chung,” ông nói với BBC.
Trong khi đó, một chuyên gia quốc phòng ở Singapore tin rằng Asean muốn tránh lặp lại mâu thuẫn như hội nghị tháng Bảy 2012.
Khi đó, các bộ trưởng ngoại giao Asean không ra được tuyên bố chung do Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của Asean, không đồng ý đưa vào phần nói tới tranh chấp biển với Trung Quốc.
Ông Collin Koh Swee Lean, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhắc lại Asean đang muốn đưa đưa viễn cảnh về một Cộng đồng Asean thành hiện thực vào năm 2015.
“Gây ra thêm một cuộc tranh cãi sẽ phá hoại viễn cảnh cộng đồng năm sau, làm tổn hại uy tín của Asean,” ông nhận định.
'Nhiều năm nữa'
Nhà nghiên cứu này cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi xung quanh vấn đề Biển Đông.
“Hội nghị lần này cũng sẽ lặp lại, tức là kêu gọi các bên tranh chấp và bên liên quan tuân thủ luật pháp nhằm giải quyết tranh chấp trong hòa bình.”
Ông dự đoán tuyên bố chung của Asean về Biển Đông sẽ được soạn nhằm thúc Trung Quốc có nỗ lực cụ thể hơn để đưa ra được bộ quy tắc ứng xử.
Còn chuyên gia Ian Storey nói tiến bộ đã và sẽ vẫn chậm rãi.
“Trung Quốc muốn kéo dài các cuộc họp càng lâu càng tốt. Một thỏa thuận chung cuộc chắc phải nhiều năm nữa mới có,” ông bình luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét