Khoảng vài năm trước, sinh viên tốt nghiệp đại học tại các nước tiên tiến, điển hình là Anh quốc, được chào đón nhiều ở các công ty nội địa.
Có trong tay tấm bằng khá, giỏi từ Anh dường như mở ra nhiều cơ hội cũng như chắc chắn được mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ đáng mơ ước.
Tuy nhiên, thực tế ngày càng cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã không còn mặn mà nhiều với những ứng viên này.
Khắt khe hơn
Bỏ nhiều thời gian cũng như tiền bạc cho việc học tập, sinh hoạt tại Anh quốc, nơi sinh viên Việt Nam trung bình phải trả tới 30,000 đô la một năm nên mong đợi và đòi hỏi cao từ du học sinh khi quyết định trở về lập nghiệp là điều dễ hiểu. Từ góc nhìn của người tuyển dụng lao động, các công ty trong nước đánh giá nguồn nhân lực này như thế nào?
Điểm cộng trước đây của du học sinh là việc sử dụng tiếng Anh thành thục, vậy nhưng, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ cùng với sự phát triển của các trung tâm ngoại ngữ, trường quốc tế, sinh viên Việt Nam cũng được trau dồi và làm giàu vốn ngoại ngữ của mình mà không phải đi du học.
Ngôn ngữ từ lâu đã không còn là rào cản lớn cho việc hòa nhập môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, khi đưa ra so sánh, trong mắt nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp trong nước có vốn tiếng Việt phong phú hơn cộng với khả năng hiểu biết thực tế thị trường nội địa, điều mà nhiều người học nước ngoài về không có được.
Tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Thế Việt, từng phụ trách trực tiếp tham gia tuyển dụng tại công ty AIC Việt Nam. Kể về thực tế trong công ty mình, ông chia sẻ:
“Nhà tuyển dụng từ lâu đã không còn so sánh giữa người học ở Anh về hay người học trong nước, mà đơn giản họ chỉ cân nhắc giữa ứng viên này và ứng viên khác. Thực tế cho thấy, các sinh viên Việt Nam có thái độ cầu tiến hơn, ham học hỏi, biết mình biết người và thường chăm chỉ hơn trong công việc.”
Thái độ làm việc vẫn là điều tối quan trọng: “các nhà tuyển dụng đang dần có cái nhìn công bằng hơn đối với sinh viên Việt Nam, và ngược lại có cái nhìn khắt khe hơn với các du học sinh”.
Cụ thể, đó là “con nhà giàu, du học khi trượt đại học ở Việt Nam, không quá cần tiền và đòi hỏi cao, tuy nhiên thái độ tốt thể hiện ngay khi phỏng vấn sẽ được điểm cộng rất nhiều”.
Phân bố ngành nghề bất tương xứng
Theo số liệu thống kê của chính phủ, hiện có hơn 8000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Anh, con số này mỗi năm tăng thêm 15%.
Sinh viên Việt Nam ở Anh ngày càng nhiều, cộng với việc phần lớn theo học kinh doanh hay tài chính ngân hàng, những ngành nghề đã “nguội” sức hút cũng như thị trường lao động trong nước đang dư thừa nhân lực, các doanh nghiệp đã không còn mặn mà với những ứng viên du học nước ngoài. Theo như ông Việt, đó là “không đáp ứng được nhu cầu nhân sự đa ngành nghề của các công ty trong nước”.
Ví dụ điển hình trong năm vừa qua, nhiều ngân hàng đồng loạt cắt nhân sự, giảm lương thưởng như Maritimebank giảm 1.343 lao động, thu nhập bình quân của nhân viên Ngân hàng ACB từ 14 triệu xuống còn 12,75 triệu đồng/người/tháng.
Điều đó chỉ ra sự bất cân xứng giữa định hướng nghề nghiệp, đào tạo, học nghề và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Các sinh viên hay chạy theo những nhu cầu trước mắt mà thiếu hoạch định dài hạn.
Hạn chế và lợi thế
Đưa ra lời kết với vai trò của một nhà tuyển dụng , ông Việt cho hay, quan trọng nhất vẫn là khả năng cống hiến được nhìn nhận từ bốn yếu tố: Kinh nghiệm, Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức. Tấm bằng đại học ở đâu từ lâu đã không còn quá quan trọng.
“Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng là điều các sinh viên phải tìm hiểu kĩ để có hành động và thái độ đúng mực, điều này các du học sinh khi quay trở lại làm việc tại môi trường trong nước rất hay mắc lỗi.”
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, du học sinh có những lợi thế về kĩ năng mềm và hiểu biết văn hóa bản địa– điều rất có ích khi công việc đòi hỏi cộng tác với người nước ngoài, phù hợp khi làm việc tại các ban hợp tác đối ngoại, tổ chức phi chính phủ hay các doanh nghiệp quốc tế.
Tác giả bài viết vừa tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh ở Anh. Bạn đọc có thể gửi bài viết cho BBC về địa chỉ Vietnamese@bbc.co.uk.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét