Tại Hoa kỳ, khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi và khí trời càng trở lạnh cũng là lúc cả đất nước Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào những ngày lễ trọng đại. Một trong những ngày lễ quan trọng đó là Lễ Tạ ơn. Ngày lễ này là dịp để nhìn lại những thành quả mình đạt được và để tạ ơn Thượng đế. Đây cũng như là cơ hội để gia đình sum vầy. Đối với các bạn sinh viên du học thì ngày này đối với họ ra sao? Và họ có suy nghĩ gì về ngày lễ này. Mời quý vị và các bạn cùng đến với diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với phần chia sẻ của các bạn Nguyễn Khoa, Lệ Tuyền, Khanh Nguyễn.
Nhớ nhà khôn nguôi
Chân Như: Xin chào các bạn, chắc chắn là không ít thì nhiều các bạn cũng đã có được cơ hội tham dự và hiểu được đôi chút về ngày lễ thật ý nghĩa này. Các bạn có thể chia sẻ về kỷ niệm ngày lễ Tạ ơn đầu tiên của các bạn trên đất Mỹ được hay không?
Nguyễn Khoa: Thật sự, ngày đầu tiên mình đặt chân đến Mỹ mình mới biết được ngày Lễ Tạ Ơn ra sao. Mình nhớ hôm đó mình đi làm về xong mình đi Nhà Thờ. Khi xong Lễ thì cũng trễ rồi, đi ngang nhà ai cũng sáng đèn, thấy mọi người ăn uống vui vẻ. Lúc đó, hàng quán cũng đã đóng cửa, mình thì đói nghĩ đến cảnh phải về nhà cặm cụi nấu nồi cơm rồi ngồi ăn một mình. Hên sao lúc đó đám bạn thân lại nhắn tin rủ qua ăn Thanksgiving. Lúc đầu, mình cũng không nghĩ đến tụi bạn vì nghĩ ai cũng có nhà, họ ăn uống với gia đình họ. Ai ngờ đâu nguyên nhóm độc thân rủ nhau tự nấu. Lúc ăn mình luôn miệng “thank you” bọn bạn; Sao mà “linh” quá đỡ thấy tủi thân một mình nơi xứ người.
Với mình thì ngày Lễ Tạ Ơn lại có một chút gì đó man mác buồn và cảm giác nhớ nhà khôn nguôi cho mình vào khoảng thời gian ấy.
-Lệ Tuyền
Lệ Tuyền: Với mình thì ngày Lễ Tạ Ơn lại có một chút gì đó man mác buồn và cảm giác nhớ nhà khôn nguôi cho mình vào khoảng thời gian ấy. Như các bạn cũng biết, thường Lễ Tạ Ơn là dịp để gia đình sum vầy và tạ ơn Chúa đã ban cho họ những gì họ có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, với mình thì mình lại không có được hạnh phúc như vậy vì gia đình mình vẫn còn bên Việt Nam. Mình chỉ ở đây học tập và sinh sống một mình. Vậy nên ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của mình ở trên đất nước Mỹ lại làm mình có một cảm giác gì đó buồn man mác và nỗi nhớ nhà khôn nguôi rất khó tả mỗi khi nhắc về kỷ niệm đó. Khi nhìn mọi gia đình sum vầy bên nhau, mình ước gì bố mẹ ở đây với mình ngay lúc này. Nó không hẳn là một kỷ niệm quá lớn lao nhưng lại thiên về cảm xúc mỗi khi Lễ Tạ Ơn về. Cảm xúc ấy có lẽ là mình khó mà quên được. Qua những lần trải nghiệm về cảm xúc ấy, mình chợt nhận ra rằng mình thầm cám ơn những gì mà bố mẹ đã cho, đã hy sinh và sẽ mãi hy sinh cho mình. Mình tự thấy rằng bản thân mình cần phải phấn đấu rất nhiều hơn nữa để một ngày nào đó đền đáp lại một phần chút nhỏ nhoi những gì mà bố mẹ đã hy sinh, công ơn nuôi dưỡng bố mẹ đã cho mình cho đến ngày hôm nay.
Khanh Nguyễn: Thực ra ngày Lễ này là ngày gia đình sum họp. Thông thường, những du học sinh thường sẽ cảm thấy cô đơn, nói chung là trống vắng khi không có ba mẹ người thân ở bên. Đối với mình, mình vẫn có một gia đình riêng đó là anh chị họ và những người cháu. Nói chung, ngày Lễ Tạ Ơn thì mọi người sum vầy với nhau. Cũng có những anh em của anh chị từ phương xa tới tham dự, nên cũng rất đông vui. Đêm đó ngồi chung với nhau cùng nhau cầu nguyện và ăn turkey, rồi chia sẻ với nhau về cuộc sống, những kỷ niệm về gia đình. Nói chung cho dù du học sinh như mình xa nhà thì Lễ Tạ Ơn vẫn có ý nghĩa với mình.
Chân Như: Đối với các bạn, thì ngày lễ Tạ ơn nó mang một ý nghĩa gì ngoài việc được nghỉ học và được ăn uống vui chơi?
Nguyễn Khoa: Lễ Tạ Ơn nghe tên là biết có ý nghĩa cảm tạ rồi. Ngoài chuyện được nghỉ học, được ăn uống vui chơi, mình nghĩ khoảng thời gian đó mọi người đều nhìn lại những gì đã trải qua trong suốt một khoảng thời gian dài; Thầm biết ơn và dâng lời cám ơn đến những người, hay những việc tốt đẹp mà bản thân đã gặp gỡ, được đem lại. Riêng mình, mình dành thêm một ngày để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã dành cho mình và cho gia đình. Thực sự cũng có rất nhiều người thích ngày Lễ Tạ Ơn tại vì sau ngày Lễ là ngày Black Friday, ngày đó đồ giảm giá nhiều lắm, đi mua mỏi tay luôn.
Lệ Tuyền: Mình nghĩ ngày Lễ Tạ Ơn vẫn mang một ý nghĩa gì đó lớn lao hơn là việc được nghỉ học và được ăn uống vui chơi trong quảng thời gian nghỉ Đông dài. Theo mình nghĩ, Lễ Tạ Ơn đó là một đặc trưng của văn hóa ở nước Mỹ. Mình nghĩ ngày lễ này có ý nghĩa lớn vì đó là dịp để gắn kết mọi thành viên trong gia đình gần nhau hơn sau mọi bộn bề lo toan của cuộc sống; Có những giây phút gần gũi bên gia đình và chia sẻ những kỷ niệm, những chuyện vặt vãnh hằng ngày. Từ đó họ sẽ có thêm những kỷ niệm về mỗi Lễ Tạ Ơn của mỗi năm.
Khanh Nguyễn: Theo em ngày Lễ Tạ Ơn mang ý nghĩa lớn hơn việc đơn giản là nghĩ học và được ăn uống vui chơi. Đây là một nét đẹp văn hóa của nước Mỹ vì đa số người dân của nước Mỹ họ rất tin vào Chúa. Chẳng hạn như mình thấy trên tiền có ghi chữ “In God we trust” hoặc trong “pledge allegiance” mình vẫn nghe “Under God”. Như vậy, Thiên Chúa đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của họ. Ngày Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ người Mỹ dành ra để tạ ơn những gì Thiên Chúa ban cho họ. Và đây cũng là dịp để gia đình, tất cả mọi người sum vầy, cùng nhau dâng lời tạ ơn về lương thực cuộc sống mà Chúa đã ban cho họ. Đây là một lễ để mọi người trong gia đình nhớ đến nhau, cũng như gởi gắm tình thương của nhau đến với gia đình. Cho dù ở phương xa hay có bộn bề công việc thì trong ngày này những thành viên trong gia đình vẫn xum họp lại với nhau, có những phút giây vui vẻ cùng nhau.
Giữ kỷ niệm ngày Lễ Tạ Ơn
Chân Như: Sau này khi trở về lại VN làm việc, liệu các bạn có còn muốn giữ ngày lễ này cho mình hay không? Vì sao?
Thực ra nếu muốn ăn mừng với những người xung quanh thì hơi khó xảy ra tại vì văn hóa của mình và văn hóa nước Mỹ khác nhau.
-Khanh Nguyễn
Khanh Nguyễn: Đối với mình, cho dù giả sử sau này mình về Việt Nam sinh sống và làm việc, tất nhiên là mình vẫn giữ kỷ niệm của ngày Lễ Tạ Ơn bên trong lòng mình. Nhưng thực ra nếu muốn ăn mừng với những người xung quanh thì hơi khó xảy ra tại vì văn hóa của mình và văn hóa nước Mỹ khác nhau. Và đa phần người Việt Nam không phải là người Công Giáo, cho nên nhiều khi họ sẽ không hiểu được ý nghĩa thực sự của ngày lễ. Mặt khác, người Việt Nam cũng có nhiều lễ hội, chẳng hạn như Tết hay Trung Thu vẫn có những thời gian quây quần bên nhau, không chỉ đơn gian chỉ có ngày Lễ Tạ Ơn mình phải mang từ Mỹ đem về Việt Nam. Nhưng riêng đối với bản thân mình thì Lễ Tạ Ơn vẫn là một kỷ niệm gì đó rất sâu đậm, một kỷ niệm để mình nhớ đến gia đình, nhớ đến bạn bè, người thân. Cho dù mình có về Việt Nam sinh sống làm việc, thì tới ngày này mình vẫn nhớ đến nó, và vẫn biết ơn vì mình cảm thấy may mắn vì mình được sống trong bầu không khí gia đình thân thương.
Nguyễn Khoa: Sau này, nếu có dịp trở về Việt Nam làm việc, mình dĩ nhiên sẽ giữ lại ngày lễ này cho bản thân mình, vì người Việt Nam mình có câu “Uống nước nhớ nguồn”. Nhiều khi mình nghĩ ngày này giúp mình nhớ nguồn, trong khi 364 ngày còn lại trong năm mình có lỡ quên phải cám ơn ai đó thì vẫn có ngày Lễ Tạ Ơn để nhắc mình là mình cần phải cám ơn người ta.
Lệ Tuyền: Khi sau này nếu có dịp trở về Việt Nam làm việc và sinh sống, thì mình không chắc là mình có thể giữ được ngày lễ này. Như các bạn biết, đối với văn hóa Việt Nam thì ngày Lễ Tạ Ơn vẫn còn chút gì đó mới mẻ với văn hóa của nước nhà. Nhưng theo mình nghĩ ngày Lễ Tạ Ơn có chút gì đó na ná giống như Tết Âm Lịch theo văn hóa của nước ta, đó là lúc mọi người sum vầy, quây quần bên nhau, và qua đó mà tình cảm gia đình lại gắn bó khắn khít hơn.
Chân Như: Những năm trở lại đây thì tại Việt Nam du nhập khá nhiều các văn hoá lễ hội cuả phương Tây và được các bạn trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Điển hình là ngày Valentine, rồi Halloween. Theo các bạn thì liệu lễ Tạ ơn này một ngày nào đó sẽ được du nhập vào Việt Nam?
Nguyễn Khoa: Việc du nhập ngày Lễ Tạ Ơn này về Việt Nam mình nghĩ sớm muộn gì cũng sẽ có thôi. Bản thân mình lúc nào cũng mong những người Việt trẻ tuổi như mình sẽ biết thêm về một nét văn hóa đáng quý khi mà Lễ Tạ Ơn được du nhập vào Việt Nam. Mình nghĩ là không sớm thì muộn.
Lệ Tuyền: Mình không biết là mình có thể giữ được ngày lễ này cho riêng bản thân mình hay riêng gia đình hay không nhưng mình cũng rất hy vọng một ngày nào đó trong tương lai gần thì bên cạnh các Lễ hội văn hóa phương Tây đã du nhập vào Việt Nam như lễ hội hóa trang Halloween thì ngày Lễ Tạ Ơn cũng sẽ được dịp chào đón và được hội nhập với văn hóa của nước mình.
Khanh Nguyễn: Theo mình nghĩ Lễ Tạ Ơn mà một ngày nào đó du nhập vào Việt Nam thì khả năng đó hơi khó. Như mình đã nói thì văn hóa người Việt Nam mình khác với người Mỹ và người Việt Nam đa số không theo đạo Công Giáo; Cho nên ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn sẽ không có thấm nhuần vô trong tâm trí của người Việt Nam. Những ngày lễ như Valentine, Halloween du nhập vào Việt Nam được vì những ngày đó chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là ngày lễ về tình yêu hay hóa trang ma quỷ. Những cái đó là để cho vui thôi. Tuy nhiên, ngày Lễ Tạ Ơn có ý nghĩa rất lớn về gia đình, về Chúa, hay bạn bè. Trong Trường hợp đó, khả năng Lễ Tạ Ơn khó du nhập vào Việt Nam.
Chân Như: Cám ơn ba bạn Khanh Nguyễn, Lệ Tuyền, Nguyễn Khoa đã dành thời gian cho chủ đề đặc biệt này, cầu chúc những ngày lễ được an vui. Chân Như cũng cầu chúc cho tất cả quý độc giả của RFA một mùa lễ thật an lành bên gia đình và người thân. Hẹn lại kỳ sau.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua địa chỉ email: hoangc@rfa.org hoặc theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rf
a
a
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét