Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc : Kiểm duyệt Internet

mediaGiám đốc tập đoàn Qualcomm Paul Jacobs và giám đốc tập đoàn Alibaba Jack Ma Đại hội Internet Toàn cầu - REUTERS /Stringer
    Trong mảng thời sự quốc tế, báo chí Pháp hôm nay rất quan tâm đến Trung Quốc với hai hồ sơ Hồng Kông và hội nghị Internet ở Ô Trấn, bên cạnh những hồ sơ về thánh chiến, Ukraina, nhập cư Mỹ... Về Đại hội Internet Toàn cầu mở ra ngày 19/11 vừa qua tại Trung Quốc, báo Libération đã chạy một tựa mỉa mai ở trang quốc tế : " Thay vì bãi bỏ kiểm duyệt Internet, Bắc Kinh lại mơ ước xuất khẩu " mặt hàng này.









    Bài viết của Philippe Grangereau từ Bắc Kinh nhìn thấy trong việc tổ chức Đại hội Internet Toàn cầu, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn tạo tính chính đáng trên sân khấu thế giới cho"công trình" Internet bị họ khóa chặt, và dĩ nhiên Bắc Kinh đã kêu gọi các nước tăng cường việc kiểm soát.
    Nhân dịp này, Trung Quốc đã phô bày một bộ mặt cởi mở, cho phép các khách mời nước ngoài vào các trang web ngày thường bị cấm như Facebook, Twitter, Google, New York Times..., trong lúc mà hàng trăm cư dân mạng bị bắt giữ.
    Bài báo ghi nhận là để đảm bảo có nhiều khách nước ngoài đến tham dự, bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản, đứng sau việc tổ chức hội nghị, đã phải tốn phí nhiều công sức, và mánh lới sử dụng là triệu tâp chủ tịch các tập đoàn Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent, Qihoo..., để thu hút các chàng khổng lồ phương Tây, trong đó có Cisco, Amazon, Nokia..., chiêu dụ họ với thị trường béo bở 632 triệu cư dân mạng Trung Quốc.
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gởi thông điệp đến hội nghị, nhấn mạnh trên khái niệm" chủ quyền " của Net Trung Quốc, điều không làm mấy ai ngạc nhiên, vì màng lưới gọi là internet - nghĩa gốc là " lưới quốc tế " - của Trung Quốc thực ra chỉ là một loại intranet - lưới nội bộ " - nơi mà nội dung bị hàng ngàn nhà kiểm duyệt chọn lọc kỹ lưỡng, với hàng đội cảnh sát đặc trách tuần tra. Net Trung Quốc, theo Libération, nối liền với mạng thế giới một cách rất chọn lọc.
    Biến mô hình Internet của Trung Quốc thành mô hình thế giới
    Bài báo nhắc lại lời một quan chức Bộ Thông tin Trung Quốc đã kêu gọi khách ngoại quốc đến tham dự hội nghị là hãy " hợp tác thiết lập một hệ thống quốc tế điều hành một mạng Internet, hòa bình, an toàn và cởi mở ".
    Trong mắt giới quan sát, Bắc Kinh đang muốn đưa mô hình quán xuyến Internet của mình thành mô hình cho thế giới.
    Theo Libération, đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh nỗ lực thử mở rộng các phương thức khuất phục truyền thông của mình ra ngoài : Kể từ 2009, mỗi năm Trung Quốc đều tổ chức một Thượng đỉnh Truyền thông Thế giới, mà mục tiêu tối hậu là khuyến khích các phương tiện truyền thông nước ngoài hiện diện ở Trung Quốc tự kiểm duyệt. Lúc đầu, đã có nhiều hãng truyền thông quốc tế tham gia, nhưng về sau họ đã rút lui. Ấn bản năm 2014 hầu như không có phản hồi nào.
    Bắc Kinh dằn mặt giới trí thức
    Cũng về Trung Quốc, thông tín viên Brice Pedroletti của tờ Le Monde tại Bắc Kinh đã có bài nhận định về chiến dịch trấn áp trí thức của Tập Cận Bình. Bài báo mang tựa " Bắc Kinh cảnh cáo trí thức Trung Quốc : "Phải có tư tưởng tích cực! "
    Theo Le Monde, khi gởi lời kêu gọi phải có suy nghĩ " tích cực " đến tận các giảng đường Đại học, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng một mức thái độ sự thù địch đối với những bộ óc phê phán. Tình hình này đã khiến giới trí thức Trung Quốc hết sức quan ngại, thậm chí phẫn nộ, vào lúc mà các vụ bắt bớ vì tội bất đồng chính kiến gia tăng.
    Le Monde nêu bật sáng kiến gần đây của tờ báo tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Phương tiện truyền thông chính thức của Tỉnh ủy Liêu Ninh đã cử phóng viên của họ đến 20 trường đại học lớn.
    Cuộc điều tra của ông, được công bố ngày 13/11 dưới hình thức của một bức " Thư ngỏ gửi các giáo sư triết học và khoa học xã hội", đã lập luận rằng "80% sinh viên đã gặp phải giảng viên công khai than phiền [về Trung Quốc]" và "cách bôi nhọ đất nước và xã hội... khiến sinh viên không thoải mái."
    Bài báo nói tiếp : " Những giáo sư đã thích thú với việc chia sẻ những ấn tượng bề ngoài mà họ thu được từ các chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài. Họ ca ngợi sự phân quyền tại các cường quốc Tây phương và tin rằng Trung Quốc phải đi theo con đường của Phương Tây ".
    Phần còn lại của bài báo, theo Le Monde, chỉ là một quyển cẩm nang nhỏ về những gì mà một giáo sư Trung Quốc   "yêu nước chân chính " không nên làm và nhất là cần phải làm. Đó là trung thành với Đảng Cộng sản, trong một nước Trung Quốc của Tập Cận Bình.
    Hồng Kông : Bắc Kinh toàn thắng ?
    Về Hồng Kông, nhật báo Le Figaro hôm nay nhìn thấy trong hàng tựa là " Bắc Kinh gần như đã thắng cuộc tại Hồng Kông ". Tờ báo giải thích bên dưới : Phong trào đòi dân chủ - Occupy Central / Chiếm lĩnh Trung Hoàn – có dấu hiệu sắp tắt vì không được lòng dân, chỉ còn được 28% ủng hộ.
    Bài báo mở đầu với nhận xét : Bắc Kinh có vẻ sắp thâu tóm tiền đánh cuộc vào trò chơi " để cho tình hình ở Hồng Kông thối rữa ". Phong trào đòi dân chủ và bầu cử tự do cho năm 2017, chiếm lĩnh đường phố từ ngày 28/9, đã mất dần hậu thuẫn của người dân. Phong trào bị mất hết hơi sức có lẽ sắp tắt đi mà Trung Quốc không cần phải trực tiếp can thiệp.
    Bài báo nêu lại kết quả thăm dò dư luận gần đây : 83% muốn phong trào chấm dứt biểu tình, xuống đường, 68% muốn chính quyền giải tỏa các nơi bị chiếm đóng.
    Thời gian hơn 2 tháng biểu tình, chiếm đường phố bị cho là khá dài, ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt người dân, đến hoạt động kinh tế : Giao thông tắc nghẽn, những khu mua bán sầm uất bị cản trở, người dân dù muốn dân chủ, dù ủng hộ phong trào, nhưng cũng đã mệt mỏi. Hình ảnh phong trào còn bị hoen ố thêm khi có một số người phá cửa vào Nghị viện Hồng Kông. Hiện nay số người chiếm đóng đường phố giảm nhiều nhưng vẫn gây cản trở không ít cho lưu thông.
    Nhưng mặc dù thế, giới lãnh đạo phong trào vẫn kêu gọi " bám trụ " trong khi chờ đợi một phương thức đấu tranh khác để giành lại các quyền dân chủ từ tay Trung Quốc.
    Ukraina : Từ Maidan đến chia cắt lãnh thổ
    Một phong trào đấu tranh khác, không dẫn đến kết quả ước muốn, đó là phong trào Maidan, ở Ukraina, diễn ra cách đây đúng một năm, vào ngày 21/11/2013, tại Kiev. Le Figaro dành một tựa trang nhất ghi nhận : " Một năm sau Maidan, miền đông Ukraina lún sâu vào chiến tranh ".
    Bên dưới dòng tựa, tờ báo tóm lược tình hình : Trong những chiếc hầm bunker xây dựng từ thời Liên Xô cũ, người dân Donetsk bắt đầu sống mùa đông đầu tiên trong chiến tranh. Trong giá lạnh, dưới bom đạn, điều kiện sống của họ vô cùng khó khăn. Thỏa thuận ngưng bắn ký kết tháng 9/2014 đã vô hiệu khiến gần một ngàn người chết.
    Nhìn lại thủ đô Kiev, một năm sau cuộc " cách mạng " của quãng trường Maidan, những người xuống đường biểu tình trước đây, đòi dân chủ, đòi liên kết với Châu Âu, đã được bầu làm nghị sĩ, họ muốn đưa một thế hệ lãnh đạo chính trị mới lên nắm quyền, muốn thay đổi quyền lực từ bên trong.
    Nhưng Ukraina hầu như bị chia cắt, Nga và phương Tây như trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh.
    Trong bài phân tích trang trong tựa đề " Đông – Tây : Tuyên bố chiến tranh lạnh ", nhận xét mà bài báo nêu bật là : Mỹ và Châu Âu đã thực sự tìm cách giao hảo, làm việc với chủ nhân điện Kremly nhưng vô ích. Chủ trương, hành động của Nga ở Ukraina đẩy phương Tây vào một thế đối đầu mà họ không biết quán xuyến ra sao.
    Tác giả mở đầu bài viết với nhận xét là có một điều mà ông Obama không bao giờ tìm kiếm khi lên nắm quyền đầu năm 2009, là một sự đối đầu với nước Nga của ông Putin. Ông không hề xem Nga là một mối đe dọa hay một ưu tiên, vì quan tâm của ông là ở nơi khác : Irak, hồ sơ hạt nhân Iran...
    Ông cũng không mấy quan tâm đến Gruzia, Ukraina, Đông Âu, chỉ nghĩ đến một mối quan hệ thực tiễn với Matxcơva để thúc đẩy hồ sơ giải trừ vũ khí hạt nhân và hạt nhân Iran. Washington, qua ngoại trưởng Mỹ thời đó, Hillary Clinton, còn cổ vũ cho một chính sách mới, thúc đẩy quan hệ hai bên gọi là ‘reset’ – khởi động lại.
    Châu Âu cũng vồn vả không kém đối với Matxcơva, quên đi Gruzia, quên đi các quyền tự do để thúc đẩy quan hệ thương mại với Nga.
    Ông Putin đã diễn giải thái độ của phương Tây qua lăng kính của ông có nghĩa là phương Tây không làm gì hết nếu ông manh động ở Ukraina.
    Bây giờ phương Tây bừng tỉnh, lớn tiếng nêu lên mối lo ngại, nhưng lại lúng túng trong phương thức đối phó. Washington tiếp tục chủ trương chỉ trừng phạt kinh tế thôi, nhưng biện pháp này, theo một số chuyên gia, không đủ để cho Putin lùi bước.
    Putin thì không tin là Châu Âu có đủ can đảm để ngăn cản các mục tiêu của ông.
    Vì sao Putin cứng rắn ?
    Theo bài báo, một cuộc tranh luận đang diễn ra ở phương Tây để tìm hiểu lý do khiến Putin có thái độ không khoan nhượng hiện nay.
    Theo một số người, Putin phản ứng do cảm nhận Nga bị NATO bao vây. Còn nhà phân tích đối lập Nga Serguei Parkhomenko còn nêu lý do nội bộ : Căn nguyên thật sự tình hình khủng hoảng hiện nay là do " nỗi lo sợ của Putin mất đi quyền kiểm soát ở Nga ". Ông đã ký một hợp đồng với dân chúng Nga : đời sống sung túc, nhưng chịu giới hạn các quyền tự do. Nhưng ngày nay dân Nga đòi quyền tự do. Chiến tranh ở Ukraina giúp ông Putin động viên lại dân chúng.
    Vấn đề trước mắt, như nói trên, là phương Tây phải đối phó ra sao với Putin, một chiến thuật gia biết tính toán và hành động bất ngờ ? Bài báo trích lời một nhà ngoại giao phương Tây công nhận : " Thật sự không ai biết Putin có thể đi đến đâu ". Một nhà phân tích cho là ai cũng biết là Putin rất nguy hiểm, nhưng không biết là nguy hiểm đến đâu ? Nguy hiểm đối với các nước láng giềng hay cả với Mỹ.
    Quốc hội Mỹ theo bài báo muốn có một đáp án cứng rắn đối với Matxcơva, nhưng cũng có tiếng nói là phải cẩn thận, phải tính những bước kế tiếp. Vì Putin đã tính trước nhiều bước A, B, C , D..., người khác cũng phải tính như thế. Bây giờ còn phải chờ xem quyết tâm của phương Tây ra sao.
    Số phận lênh đênh của phim Hunger Games 3 trong chế độ độc tài
    Trong lãnh vực điện ảnh, nhật báo Pháp Les Echos đã nhìn sang Thái Lan để ghi nhận một hành động tự kiểm duyệt của tập đoàn điều hành một dây chuyền rạp chiếu phim lớn. Vì sợ gặp rắc rối về mặt chính trị với chế độ quân phiệt đang cầm quyền, họ đã hủy bỏ việc chiếu bộ phim Hunger Games 3 - ở Việt Nam đặt tên là "Húng nhại" hay " Đấu trường sinh tử ".
    Trên nguyên tắc bộ phim này được chính thức công chiếu ở Thái Lan kể từ hôm qua 20/11/2014. Thế nhưng Apex, một trong những tập đoàn lớn khai thác các rạp chiếu phim tại Vương quốc này đã cho biết là họ hủy bỏ kế hoạch công chiếu phim này từng được dự kiến.
    Nhóm Apex giải thích rằng họ sợ là các rạp chiếu phim của họ " bị các phong trào chính trị lợi dụng ".
    Phải nói là bộ phim rất ăn khách Hunger Games của Mỹ - đến nay đã ra được ba tập - không mấy được giới quân sự đang cầm quyền tại Thái Lan ưa thích, vì kể lại câu chuyện về phong trào nổi dậy của một nhóm thanh niên trong một chế độ độc tài toàn trị hư cấu.
    Sau khi giới tướng lãnh làm đảo chánh lên nắm quyền tại Bangkok, nhiều người trong giới đấu tranh đòi dân chủ tại Thái Lan đã sáng tạo ra một cách phản kháng mới. Họ tụ tập trước các rạp xi nê, chào nhau bằng ký hiệu nhận dạng được các nhân vật chống chế độ độc tài trong phim sử dụng : Giơ thẳng tay ra, dùng ngón cái đè lên ngón út và giương thẳng ba ngón còn lại.
    Cách chào này, từ mùa xuân vừa qua, đã dần dần trở thành một biểu tượng của phong trào phản kháng chế độ mà quân đội Thái Lan đã thiết lập sau cuộc đảo chính.
    Theo Les Echos, để đối phó, giới tướng lãnh Thái Lan trong thời gian gần đây đã cho bắt giữ một số sinh viên ở Bangkok cũng như thành phố Khon Kaen đã dám có cử chỉ bị coi là " chống chính phủ " đó. Những người này đã được thả ra sau khi được quân đội " đưa vào khuôn khổ về mặt đạo đức ". Họ đã bị đe dọa là có nguy cơ bị đuổi khỏi trường đại học, và đã phải hứa là sẽ không tham gia biểu tình chống chính quyền.
    Theo tờ báo Pháp, trong những tháng gần đây, Tướng Prayuth, nhân vật đứng đầu chính quyền Thái Lan, cũng đã cho bắt giữ các sinh viên dám đọc tiểu thuyết " 1984 " của văn hào Anh George Orwell tại những nơi công cộng. "1984" là một tiểu thuyết ngắn, cũng mang nội dung tố cáo chế độ độc tài.
    Số phận của Hunger Games 3 cũng không suôn sẻ tại Trung Quốc : Ngày công chiếu của phim này đã bị dời qua năm 2015. Tuy nhiên, theo Les Echos, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân không phải là vì chế độ muốn kiểm duyệt một bộ phim có thể gieo vào đầu óc thanh niên nước này tâm lý nổi loạn chống độc tài.
    Lý do dời ngày chiếu rất có thể chỉ là thuần túy thương mại : Hậu thuẫn cho các phim Trung Quốc nhân dịp cuối năm thay vì các bộ phim bom tấn nổi tiếng của Mỹ. Trước đây, những bộ phim Mỹ hầu như chẳng có nội dung chính trị nào như Transformers - " Robot đại chiến " - cũng từng bị dời ngày ra mắt chỉ vì lý do thương mại.

    Không có nhận xét nào: