Hãng thông tấn AFP ngày 12/11 có bài nhận định đợt IPO vào ngày 14/11 của Vietnam Airlines sẽ không có nhiều tác động đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Sau hàng chục năm đồn đoán và nhiều lần thất bại, IPO (đợt bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên) của Vietnam Airlines cuối cùng cũng sẽ diễn ra vào ngày 14/11.
Tuy nhiên nhiều ý kiến trong giới chuyên gia cho rằng điều này khó lòng tạo lực đẩy cho tiến trình tư nhân hóa ở quốc gia cộng sản.
Theo AFP, đợt IPO này là một bước ngoặt mang tính hình tượng trong kế hoạch lớn hơn của chính phủ nhằm giảm sở hữu nhà nước tại hàng trăm doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 75% cổ phần tại hãng hàng không này, điều cho thấy dường như nhà cầm quyền không thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi đáng kể nào, AFP nhận định.
"Các nhà lãnh đạo vẫn muốn tránh né cổ phần hóa thực sự," kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với AFP.
"Khi cả hệ thống kinh tế bị vận hành bởi các quan chức nhà nước, nền kinh tế không thể tăng trưởng một cách hiệu quả".
Chỉ 3,5% số cổ phần sẽ được bán ra trong đợt IPO vào ngày 14/11, một bước đi mà Vietnam Airlines hy vọng sẽ giúp hãng này huy động 51 triệu đôla vốn.
Khoảng 20% cổ phần sẽ được bán cho các đối tác chiến lược, trong khi phần còn lại sẽ dành cho các nhân viên và công đoàn.
"Ở góc độ giá cả thì đây là điều đáng thất vọng," ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP Vietnam, nói, đồng thời cho biết rằng giá cổ phiếu khá đắt so với lợi nhuận.
"Cách hiểu của nhà nước về quy trình cổ phần hóa có vấn đề," ông nói.
"Người ta không hiểu những điều cơ bản về thị trường chứng khoán và cách hoạt động của nó".
Tại Việt Nam, IPO lại cách thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán đôi lúc là đến nhiều năm, điều mà ông Snowball nói là yếu tố dễ làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.
Vietnam Airlines đang có vị thế khá mạnh tại thị trường nội địa, bất chấp sự cạnh tranh từ hãng hàng không giá rẻ VietJet Air.
Tuy nhiên hãng này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ trong khu vực khi muốn mở rộng các đường bay dài, và nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về việc liệu Vietnam Airlines có thể tìm một hãng hàng không khác làm đối tác chiến lược hay không.
"Ở châu Á, chỉ có một vài cái tên nhất định xuất hiện khi một hãng hàng không này muốn bán cổ phần cho hãng hàng không khác, và rất ít thương vụ thực sự được chốt lại," ông Brendan Sobie, một nhà phân tích tại Trung tâm Hàng không CAPA, nói.
"Hầu hết các hãng hàng không trong khu vực đã mất tiền và các đợt IPO mới nhất đều bán ra dưới giá gốc," ông nói thêm.
Bộ máy quan liêu
Kế hoạch cổ phần hóa của Việt Nam là một phần trong nỗ lực nhằm lôi cuốn đầu tư từ nước ngoài.
Nước này hiện đang ngày càng phụ thuộc vào ngành xuất khẩu, vốn đang giúp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong khi ngành ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước đang ngập nợ và kìm hãm nền kinh tế.
Bất chấp các đợt bạo động chống Trung Quốc hồi tháng Năm khiến nhiều nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại, Việt Nam, vốn mở cửa nền kinh tế từ những năm 80, đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với mức đánh giá tín dụng vừa được nâng cấp gần đây.
Nước này cũng đã có nỗ lực giảm tình trạng quan liêu để thuyết phục các công ty như tập đoàn điện tử Samsung của Nam Hàn đầu tư hàng tỷ đôla vào các nhà máy.
"Những gì Samsung đang làm - xây dựng nhà máy, xuất khẩu sản phẩm, giờ đây trở nên khá dễ dàng," ông Tony Foster, một luật sự tại Freshfields, nói.
Nhưng trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng do "bộ máy quan liêu khổng lồ".
Nhiều doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ, có những chiến lược kinh doanh khó hiểu và các khoản đầu tư mạo hiểm vào những lĩnh vực không thuộc ngành chuyên môn.
Nhiều tập đoàn, trong đó có tập đoàn đóng tàu Vinashin hay tổng công ty hàng hải Vinalines, đang chìm trong khối nợ hàng tỷ đôla.
Trước sự phẫn nộ của dư luận về nạn tham nhũng và tình trạng lãng phí, Việt Nam đã tuyên án tù và thậm chí án tử hình đối với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn cho rằng chính quyền đã không có đủ biện pháp nhằm giải quyết các nhóm lợi ích và tái cơ cấu hệ thống.
Những nhân vật chủ chốt trong chính phủ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra ủng hộ việc cổ phần hóa, nhưng một số khác lại tỏ ra mâu thuẫn.
Các nhà phân tích cho rằng đợt IPO này sẽ giúp Vietnam Airlines huy động thêm vốn và có thể mang về kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài, giúp tập đoàn này tăng tính hiệu quả trong kinh doanh.
Tuy nhiên, điều này khó lòng mang lại những thay đổi lớn tại tập đoàn này cũng như cả khối doanh nghiệp nhà nước.
"Họ muốn vừa giữ được phần bánh của mình, vừa có thể ăn nó", ông Foster nói, đồng thời cho rằng đợt IPO sẽ không làm thay đổi thực tế rằng "khu vực doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam là một thảm họa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét