Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

“Lạm phát” tướng lãnh và bài toán ngân sách

Theo những chuyên viên kinh tế cho hay, chỉ trong vòng khoảng từ 3-5 năm nữa, nền kinh tế Việt Nam có thể tụt hậu so với Lào và Campuchia, cho dù hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn hơn hẳn hai nước láng giềng.
Cali Today News -  Nhưng cũng theo các chuyên viên, kinh tế Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những cảnh báo của các chuyên viên kinh tế quả thực không thừa khi nhìn vào nền kinh tế không mấy sáng sủa ở Việt Nam. 
 
Nền kinh tế bết bát là thế, ngân sách thâm thủng nghiêm trọng phải vay mượn nước ngoài để trả lương cho công nhân, viên chức. Vậy nhưng, trong vài năm trở lại đây chính quyền Việt Nam lại thường xuyên phong tướng cho lực lượng vũ trang trong quân đội và công an. Đây chính là điều nghịch lý. Trong lần thảo luận về luật sĩ quan quân đội Việt Nam, người dân mới tá hỏa ra rằng, trong quân đội hiện nay có quá nhiều tướng lãnh. Chính vì thế nên Bộ Chính Trị đảng CSVN mới quyết định đưa ra số tướng lĩnh Việt Nam sẽ không được vượt quá 415 người. Quả thực Việt Nam đang “lạm phát” tướng lĩnh ngay trong thời bình.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ. Photo courtesy: Thanhnien.com.vn
 
Khó có thể biết được nhà chức trách Việt Nam phong tướng theo những tiêu chí nào, vì rõ ràng nếu dựa theo quân số thì không thể nào có được số quân nhân mang quân hàm tướng nhiều đến như vậy. Còn nếu dựa trên thành tích thì từ khi cuộc chiến tranh biên giới với Trung Cộng, Campuchia đến nay chẳng có trận chiến nào để quân nhân có thêm thành tích. Từ sau khi hòa bình lập lại, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách từ tiền thuế của dân, chính quyền đã cho tinh giảm đội ngũ quân nhân, giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ đối với những người đi làm “nghĩa vụ quân sự” xuống còn 18 tháng. Theo những con số mà chúng tôi được biết, hiện nay trong quân đội có đến hơn 366 tướng, trong đó có 272 thiếu tướng, 86 trung tướng, 7 thượng tướng, 2 đại tướng. Lực lượng công an hơn 200 tướng. Đó là chưa kể đến cấp tá, nếu tính thêm có khi đến hơn chục ngàn. Việc chi trả tiền lương cho những tướng lãnh này là bài toán nan giải trong việc làm sao không tăng thêm gánh nặng cho ngân sách.
 
Trong một lần hiếm hoi được ngồi nói chuyện bên bàn nhậu với một chiến sỹ an ninh, anh ấy tiết lộ cho biết, một giám đốc công an của một tỉnh từ đại tá muốn được phong lên hàm thiếu tướng phải chi trả cho cấp trên 2 tỷ đồng. Việc mua quan bán chức ở Việt Nam không còn là điều mới mẻ nhưng những tiết lộ ấy khiến cho chúng ta giựt mình. Và đó phần nào lý giải vì sao từ sau khi ông Dũng liên làm thủ tướng, tất cả giám đốc công an tỉnh đều là Thiếu tướng, không phải là Đại tá như trước đây.
 
Mới đây, cũng trong phiên họp Quốc hội thảo luận về luật sĩ quan, một vị đại biểu của tỉnh Ninh Bình còn đưa “cao kiến” cho rằng nên phong hàm tướng “đối với trưởng khoa Mác-Lê Nin” trong học viện quốc phòng. Để biện giải cho ý kiến của mình, vị đại biểu ấy cho rằng cần phải đề cao môn Mác- Lê Nin để “các thế lực thù địch không thể xuyên tạc chúng ta phần nào phai nhạt lý tưởng Mác- Lê Nin”.
 
Đó là ông đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương. Ông Phương cùng các đồng chí của ông có thể không “phai nhạt lý tưởng Mác-Lê Nin” nhưng đừng bắt dân tộc này phải gánh chịu hậu quả của lý tưởng ấy. Bên cạnh đó, cùng đừng bắt người dân phải đóng thuế để nuôi lực lượng tướng lãnh hùng hậu chỉ vì lý tưởng Mác-Lê Nin.
 
Tướng lĩnh ở Việt Nam ngày nay không phải để ra trận mà chỉ để làm cảnh. Đó là điều chắc chắn. Điển hình trong đợt Trung Cộng đưa giàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt Nam, không thấy xuất hiện tướng lãnh nào ra nghênh chiến mà chỉ ngồi ở nhà. Và đến khi Trung Cộng quyết định rút giàn khoan ra về vì thời tiết thì các tướng lãnh lại lên trên báo, truyền hình để “chém gió”. Một điều hết sức bi hài, có rất nhiều vị được phong tướng chỉ đi làm kinh doanh, viết nhạc, làm văn, làm báo. Lực lượng tướng nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà kinh doanh rất rất nhiều. Các vị ấy hằng tháng đang ngốn biết bao là tiền thuế của dân. Không những vậy, với quyền lực trong tay họ thoải mái trù dập, o ép doanh nghiệp, chiếm những mảng kinh doanh sinh ra nhiều lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân mình. Mới đây, ông Đại tướng Phùng Quang Thanh công khai ủng hộ việc xây dựng sân golf ở phi trường Tân Sơn Nhất và khuyến khích xây dựng phi trường mới ở Long Thành. Rất nhiều đất đai quốc phòng hiện nay đang được quân đội dùng để kinh doanh, hoặc hợp tác với doanh nghiệp để kiếm lợi.
 
Theo những thống kê cho thấy, sau năm 1975 quân đội Việt Nam có 36 vị tướng, nhưng đến ngày nay, đang là thời bình mà số lượng tướng lãnh lên đến gấp hơn 10 lần. Biên cương trong thời bình đâu có nhiều những xáo trộn, cũng chẳng phải lo kẻ thù xâm chiếm, đánh úp như thời chiến thành ra việc phong quá nhiều tướng lãnh chỉ làm nặng thêm tiền thuế của dân. Thay vì dùng tiền thuế, ngân sách để kiến thiết quốc gia, chính quyền Cộng sản lại dùng số tiền ấy để chi trả cho tướng lãnh, hòng mua chuộc sự phục tùng, phục vụ chế độ.
 
Chính quyền vận hành dựa trên một bộ máy rệu rã phải dùng tiền, quyền lợi để vận hành cho trơn tru. Do đó họ phải thường xuyên in tiền thêm để trả cho viên chức khiến cho đồng tiền trở nên mất giá. Thay vì phải tinh giảm biên chế, làm nhẹ guồng máy vận hành, loại bỏ những viên chức vô dụng “sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về”, giảm được gánh nặng cho người dân thì chính quyền Cộng sản lại liên tục phong tướng cho lực lượng vũ trang. Không những vậy, họ còn nảy sinh ra những ý tưởng hết sức điên rồ để phong tướng như ông đại biểu Bùi Văn Phương đã nêu. Những việc làm đó khiến người dân nghi ngờ về sự chân thành của chính quyền trong việc họ muốn làm nhẹ bộ máy để khỏi tốn tiền thuế của dân. Bên cạnh đó, người dân cũng nghi ngờ về việc liệu chính quyền có thực sự muốn giải quyết vấn đề nợ công đang tồn tại bấy lâu nay.
Kinh tế quyết định chính trị, với một nền kinh tế ọp ẹp, bi đát và dường như không có lối thoát hiện nay, lại phải thường xuyên đi vay nợ để đáo hạn, rồi vay nợ để có tiền chi trả lương cho bộ máy công quyền, đến khi không còn tiền để trả thì chế độ trước sau gì cũng phải sụp đỗ. Một sự việc bao giờ cũng có tính hai mặt, những tưởng việc đi vay nợ để chi trả cho tướng lãnh hòng mua chuộc sự tuân phục, thì chính việc đi vay mượn đó lại càng khiến cho chế độ nhanh chóng sụp đỗ. Và chúng ta mong chờ ngày ấy sẽ đến sớm.
 
Người Quan Sát

1 nhận xét:

người già VN đau khổ nói...

Tướng không có quân(trên bảo dưới không nghe vì biết trên là đồ bất tài+ngu+tham+ác) thì như quần không đáy .Cu cứ tô hô,cu hô lòi ra cái đạo đức muốn chơi thì tầm bậy lắm lắm .Loạn đảng sinh loạn tướng sinh loạn quyền sinh loạn ác là chấu đích tôn của dòng họ Độc .Sắp tuyệt chủng rồi đẻng ơi !