Pages

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Tin 'Nga sử dụng sân bay Cam Ranh' của TTXVN: Ngẫu nhiên hay ẩn ý?

VNTB: Trong khi liên tục các tin tức quá đặc biệt về "chuyến về" của ông Nguyễn Bá Thanh còn chưa kết thúc, lại một thông tin thuộc loại "nhạy cảm" nữa được khơi mào. Nhưng lần này không phải từ trang mạng bị xem là "phản động" như blog Chân dung quyền lực, mà bởi chính trang tin chính thống Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam.
Nhiều năm qua, Cam Ranh đã được sử dụng như cảng dân sự và đã xa rồi thời quân cảng do người Mỹ trú đóng. Nhưng vài năm gần đây, đặc biệt sau chuyến công du của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta đến Cam Ranh, dư luận bắt đầu xì xào về khả năng người Mỹ có thể trở lại chốn xưa này. Bên cạnh đó, dường như Bắc Kinh cũng không muốn bỏ qua triển vọng họ có chân tại cảng nước sâu an toàn và có tính chiến lược đặc biệt ấy.


Sự việc TTXVN tiết lộ "lần đầu tiên Nga sử dụng sân bay Cam Ranh" cũng bởi thế làm bật ra hoài nghi về lối đưa tin không hẳn là ngẫu nhiên của cơ quan ngôn luận đảng này. 
Phải chăng đó là tin tức nhằm hợp thức hóa vai trò của người Nga ở Cam Ranh? 
Hay sâu xa hơn thế, tin tức trên nhằm vừa đánh tiếng vừa cảnh báo đối với chính phủ Hoa Kỳ về tương lai "trâu chậm uống nước đục" dành cho Mỹ, liên quan đến "quân cảng Cam Ranh" trong chính sách xoay trục châu Á - Thái Bình Dương?
Trong mối quan hệ tay tư Việt - Trung - Nga - Mỹ, tất cả những gì được xem là chiến lược đều có thể được mang ra mặc cả. 2015 lại là năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và hứa hẹn một chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Barak Obama...


Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta trong một lần hiện diện ở Cam Ranh

----------------------------------


Không quân Nga lần đầu tiên sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam



(Ảnh: Reuters)

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong năm 2014, máy bay ném bom tầm xa và máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu thường xuyên hạ cánh tại các sân bay nước ngoài; trong đó, lần đầu tiên máy bay tiếp dầu của nước này sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam.
 

Thống kê trong năm 2014, các tổ lái thuộc lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Không quân Nga đã tiến hành hơn 50 chuyến bay tầm xa.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 đã hạ cánh tại sân bay các nước khu vực Caribe. Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Việc thể hiện sự hiện diện quân sự của Nga tại các khu vực xa xôi được khôi phục từ năm 2007. Thực hiện các nhiệm vụ là tổ lái Tu-160 và Tu-95MS, các sư đoàn máy bay tầm xa Engels và Ukrainka. Trên thực tế, các chuyến bay tuần tra đã được khôi phục."

Theo cơ quan trên, kể từ khi nối lại các chuyến bay tuần tra, một lượng lớn công việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho cơ cấu bay, thu được những kinh nghiệm bay tầm xa đáng kể tại vùng Bắc cực và vĩ tuyến Nam, khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Thông cáo cho biết: "Thông qua việc sử dụng máy bay tiếp dầu từ các sân bay ở Nam Phi và Đông Nam Á, máy bay tầm xa đã vươn tới các vùng biển Địa Trung Hải và Biển Đông. Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên sân bay Cam Ranh (Việt Nam) được sử dụng để hạ cánh máy bay IL-78, tiếp dầu trên không cho các máy bay Tu-95MS."

Trong khi thực hiện chuyến bay, tổ lái máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã đi qua các khu vực khí hậu khác nhau (vùng Biển Philippines và khu vực đảo Mariana). Phi công và nhân viên kỹ thuật đã thu được nhiều kinh nghiệm tổ chức các chuyến bay tiếp dầu từ sân bay nước ngoài, cũng như bảo dưỡng máy bay trong điều kiện khí hậu nhiệt đới./.
Vietnam +

Không có nhận xét nào: