Pages

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

TQ 'đang xây căn cứ quân sự gần Nhật'

Hình chụp vệ tinh cho thấy đã có 10 chỗ đậu máy bay được xây cất trên đảo Nam Cát
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh xác nhận nội dung được nêu trong các tường thuật trước, theo đó nói Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự gần khu vực mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, mà Nhật gọi là Senkaku, nơi Nhật cũng tuyên bố chủ quyền và đang quản lý, trang tin nationalinterest nói.

Tuần báo quốc phòng IHS Jane nói rằng các hình chụp được từ tháng Mười 2014 cho thấy Trung Quốc đang xây một bãi đáp trực thăng với 10 chỗ đậu, có turbin gió trên đảo Nam Cát (Nanji), là một trong cụm 52 đảo thuộc quần đảo của tỉnh Chiết Giang.
Đảo Nam Cát chỉ cách Senkaku/Điếu Ngư chừng 300km, còn Okinawa, nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ và Nhật, cách khu vực có tranh chấp này 400km.
Tin tức về việc Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Nam Cát lần đầu tiên được hãng tin Kyono News của Nhật loan tải hồi cuối tháng trước.
"Một số điểm đặt radar lớn đã được lắp đặt tại các vị trí cao trên đảo Nam Cát. Một số ô đáp trực thăng đã được xây, nhiều khả năng là để phục vụ các phi cơ chuyên đậu trên tàu chiến hoặc tàu tuần tra, và đã có thêm các ô đáp đang được xây trên một hòn đảo gần với Nam Cát trong thời gian năm tới," Kyodo nói.
Sau khi Kyodo đưa tin, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng đó "thuần túy là tin nhảm của báo chí", nhưng khẳng định: "Việc nghi ngờ và chỉ trích đã đi quá giới hạn khi Trung Quốc có các hoạt động và tiến hành xây dựng trên phần lãnh thổ của mình.
"Một số báo chí Nhật đã đưa ra những đồn đoán không liên quan về các hoạt động hợp pháp của Trung Quốc và đã cố làm tăng căng thẳng trong khu vực."
Việc xây dựng căn cứ trên đảo Nam Cát là nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó của Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng quân sự, và nhằm tăng cường khả năng giám sát vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đã tuyên bố trong khu vực hồi tháng 11/2013, theo nhận định của hãng tin Kyodo.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nói với hãng tin Bloomberg rằng quân đội Trung Quốc đã có sự hiện diện ở mức khiêm tốn tại nơi này từ trước.
"Đó là nơi có vị trí chiến lược quan trọng bởi rất gần với Điếu Ngư... Không tranh cãi gì, rõ ràng Trung Quốc muốn tăng sự hiện diện quân sự tại đây," nhà nghiên cứu không nêu tên nói.
Việc xây dựng căn cứ mới này cũng phù hợp với các động thái mới đây của Trung Quốc tại khu vực biển Đông, nơi Bắc Kinh đang triển khai một số căn cứ quân sự ở các đảo đang có tranh chấp, trong đó có cả việc đặt "tàu hàng không mẫu hạm không thể chìm" tại rặng Vĩnh Thử, tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef mà Việt Nam gọi là Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường sa, Bloomberg nhận định.

Không có nhận xét nào: