Pages

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu sau Đại hội đảng CSVN XII?



Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức Đại Hội mỗi 5 năm để bầu ra thành phần lãnh đạo mới và hoạch định chính sách kinh tế và văn hóa cho Việt Nam trong một thập niến tới. Đại Hội XI đã được tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 và Đại Hội XII kế tiếp có thể sẽ diễn ra trong tháng Giêng năm 2016.

Vào ngày 30 tháng 5 năm 2014, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã ký "Chỉ Thị của Bộ Chính Trị" về Đại Hội Đảng Bộ các cấp tiến tới Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ XII, ra lệnh cho các chi bộ đảng tuyển chọn đại biểu tham dự Đại Hội.[1] 

Theo Giáo Sư Carl Thayer thì sẽ có khoảng 1200 đại biểu đại diện cho các chi bộ đảng từ cấp tỉnh cũng như đại diện cho giới quân đội và an ninh tụ về tham dự Đại Hội. Các đại biểu này Họ sẽ chọn ra 200 Ủy Viên Trung Ương Đảng và các ủy viên này sẽ chọn Tổng Bí Thư và 15 thành viên Bộ Chính Trị. Việt Nam áp dụng chế độ về hưu 65 tuổi. Nếu điều lệ này được áp dụng đúng mức thì sẽ có khoảng 1/3 số ủy viên Trung Ương Đảng và 2/3 thành phần Bộ Chính Trị phải về hưu vì quá tuổi. Các ủy viên trung ương phải nằm trong Bộ Chính Trị ít nhất một nhiệm kỳ trước khi được chọn giao cho các chức vụ lãnh đạo như là tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước hoặc chủ tịch quốc hội. Có nghĩa là chỉ có vài người hiện nay trong Bộ Chính Trị có điều kiện trở thành một trong những “tứ trụ” lèo lái con tàu Việt Nam trước phong ba bão táp tại Biển Đông trong thời gian sắp tới.[2] Trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là khi Việt Nam phải đối diện với những thách thức to lớn về mặt kinh tế và sức ép của Trung Quốc tại Biển Đông thì Đại Hội XII sắp tới có thể sẽ có một tầm vóc quan trọng như Đại Hội VI diễn ra 30 năm trước đây khi Đảng Cộng Sản đề ra chính sách Đổi Mới trong năm 1986.[3]

Theo nhận định của Giáo Sư Alexander Vuving thì quyền lực chính trị Việt Nam cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam bị chi phối bởi 3 thành phần: bảo thủ chế độ (regime conservatives), cải cách (modernizers) và những kẻ trục lợi (rent seekers).[4] Nhóm bảo thủ gồm có những người kiên định theo đuổi xã hội chủ nghĩa và vẫn nhìn thế giới tự do như là một đối thủ nguy hiểm. Nhóm này kiên quyết bảo vệ chế độ độc đảng bằng mọi giá, không muốn mở cửa với thế giới bên ngoài (trừ một vài nước cộng sản còn sót lại) và sẵn sàng đặt quyền lợi của Đảng trên quyền lợi dân tộc. Tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng quốc tế chỉ là phương tiện biện minh cho mục tiêu tối hậu là duy trì vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản. Thành phần của nhóm bảo thủ gồm có cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ Tịch Lê Đức Anh.

Nhóm cải cách muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản nhưng cũng muốn Đảng Cộng Sản xem quyền lợi dân tộc như là quyền lợi của Đảng. Họ xem xã hội chủ nghĩa qua lý tưởng của một xã hội giàu mạnh. Nhóm này đặt tinh thần yêu nước trên ý thức hệ Mác-Lê và sẵn sàng nới rộng một số quyền công dân. Tuy nhiên, khái niệm “dân chủ” của họ không hẳn là dân chủ qua hình thức đa đảng mà chỉ là dân chủ trong nội bộ của Đảng. Đa đảng, đa nguyên vẫn còn là đề tài cấm kỵ trong mọi thành phần của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhóm cải cách gồm có Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn An. Riêng trong trường hợp ông Nguyễn Văn Linh thì ông Linh bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Bí Thư với một tư tưởng cải cách nhưng đã đổi thành một người bảo thủ khi các chế độ cộng sản tại Đông Âu lần lượt sụp đổ.

Nhóm thứ ba thuộc thành phần cơ hội và chỉ biết trục lợi mà không thật sự theo đuổi một lý tưởng hay ý thức hệ nào cả. Nhóm này có lúc sẽ ngả theo phe bảo thủ hoặc phe cải cách, miễn là họ kiếm chác được. Có người cho rằng nhóm này còn mạnh hơn cả hai nhóm kia vì mãnh lực của đồng tiền trong một cơ chế quyền lực đóng kín. Mục đích của kinh tế thị trường là phát triển lợi nhuận ở mức tối đa. Trong khi đó thỉ chủ thuyết cộng sản kiên định việc bảo vệ độc quyền quyền lực. Hai yếu tố này tạo điều kiện để tiền có thể mua quyền và có quyền thì đẻ ra tiền. Ông Trần Đức Lương đại diện cho nhóm này. Tuy nhiên và nếu dựa theo tiêu chuẩn này thì tiêu biểu nhất có lẽ là Nguyễn Tấn Dũng vì dưới hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông trong thời gian qua thì các nhóm lợi ích đã và đang kiếm được nhiều tiền nhất. 

Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức to lớn gồm có một nền kinh tế cạn kiệt, một xã hội bị dồn nén và sức ép của Trung Quốc về cả hai mặt kinh tế và an ninh tại Biển Đông.[5] Nguyên nhân chính của những vấn nạn kinh tế, xã hội và chủ quyền lãnh hải này đều bắt nguồn từ thể chế độc đảng. Thể chế độc tài toàn trị đã tiêu diệt hết sức sáng tạo và mọi khả năng cạnh tranh của người dân Việt Nam trong lúc đồng bào ta bị lôi cuốn vào một cuộc chạy đua khốc liệt với những dân tộc khác trên thế giới trong một ngôi làng toàn cầu.

Kinh tế cạn kiệt

Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam thi hành chính sách Đổi Mới thì thành phần cơ hội là nhóm hưởng được nhiều quyền lợi nhất. Sau thời bao cấp thì kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phát triển đáng kể. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì sự yếu kém của cơ chế gồm có hệ thống hành chánh, tư pháp, giáo dục và hạ tầng cơ sở biểu lộ rõ nét khiến nền kinh tế Việt Nam như là một chiếc xe con quá tải cứ phải ì ạch không biết tắt máy lúc nào. Giữa năm 1988 và 1999, kinh tế Việt Nam phát triển đều đặn nhưng từ năm 2000 trở đi thì tỷ lệ phát triển đã giảm dần. Trong năm 2000 thì chính quyền tiến hành chương trình cải cách hệ thống tư pháp và hành chánh nhưng đến nay thì không có kết quả gì đáng kể. Việt Nam thiếu chuyên gia luật, thẩm phán và công chức có tầm vóc. Hệ thống giáo dục yếu kém không đào tạo được tài năng lãnh đạo có viễn kiến. Hệ thống luật pháp tuy đã có tiến bộ hơn nhưng sự hiểu biết và thực thi tình thần thượng tôn pháp luật vẫn còn quá kém.[6]

Thứ hai, cấu trúc kinh tế Việt nam không được cân bằng. Doanh nghiệp nhà nước lấn át và chiếm gần phân nửa nền kinh tế nhưng lại có năng suất thấp và không có hoặc thiếu khả nănh cạnh tranh. Đó là chưa kể cán bộ xem nó như là một phương tiện làm giàu riêng thể hiện qua các vụ tham nhũng Vinashin và Vinalines với hàng tỷ Mỹ kim bị thất thoát.[7] Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5.42% trong năm 2013 nhưng phụ thuộc vào hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. GDP của Việt nam trong năm 2013 lên khoảng 171.4 tỷ Mỹ kim và theo tỷ lệ tăng trưởng thì sẽ lên gần 190 tỷ Mỹ kim trong năm 2014. Giá trị hàng xuất khẩu chiếm 75% GDP so với 56% trong năm 2009.[8] Có nghĩa là kinh tế Việt Nam không đủ yếu tố nội lực và dễ bị dao động bởi tình hình kinh tế thế giới. Vì vậy, Việt Nam bị tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy xuất khẩu nhiều nhưng cán cân mậu dịch vẫn thường bị thâm hụt vì hàng hóa Việt Nam bán ra với giá rẻ so với hàng nhập từ nước ngoài.

Thứ ba, nợ công ở Việt Nam đã vượt qua ngưỡng báo động 65% GDP. Theo đồng hồ nợ công toàn cầu của báo Economist tính tới ngày 30/10/2014 thì nợ công của Việt Nam đã lên tới 85 tỷ Mỹ kim, tức gần $1,000 mỗi đầu người. Nhưng nếu cộng thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì tỷ lệ chắc chắn sẽ cao hơn 65% rất nhiều. Nếu so với các nước láng giềng thì Việt Nam có tỷ lệ nợ công cao nhất ví dụ như nợ công của Nam Dương chỉ là 24% GDP, Thái Lan 46%, Phi Luật Tân 50%, Lào 46% và Mã Lai Á 55%. Mặt khác, thu nhập trung bình của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều và chỉ xấp xỉ $1,400 Mỹ kim một năm cho mỗi đầu người so với Phi Luật Tân là $4,700 Mỹ kim, Nam Dương $5,200 Mỹ kim và Mã Lai Á $17,500 Mỹ kim. Dân số Việt Nam thì lại lão hóa mau hơn các nước khác ở mức 7% so với Lào là 4%, Nam Dương và Ấn Độ là 5%. Trong khi đó thì năng suất lao động ở Việt Nam ngày càng giảm và thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thua Singapore gấp 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Mã Lai Á 5 lần và Thái Lan 2.5 lần. Trong khi đó, Việt Nam phải dùng tới 25% ngân sách để trả tiền lời nợ công trong năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên tới 30% trong năm 2015.[9] Đây là một tỷ lệ rất cao cho một quốc gia kém phát triển. Nếu chiều hướng không thay đổi thì Việt Nam khó thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. 

Ngoài nợ công thì Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn với nợ xấu. Theo báo cáo của chính phủ Việt Nam trong tháng 11 vừa qua thì nợ xấu đã giảm đi một nửa xuống còn 5.43% so với 17% trong năm 2012. Nhưng sự thiếu minh bạch trong việc thống kê ở Việt Nam thì không có cơ sở nào để có thể tin vào các con số do nhà nước đưa ra. Ví dụ như Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì cho rằng tỷ lệ nợ xấu khoảng 8.6%. Còn các công ty quốc tế như Standard and Chartered Bank ấn định con số cao hơn nhiều từ 15-20% (tính tới cuối năm 2012).[10]

Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam đang đi vào ngõ cụt bởi 3 yếu tố cơ chế có liên quan với nhau. Đó là Việt Nam không có một ngân hàng trung ương độc lập để có thể điều hành chính sách tiền tệ một cách linh động và mau chóng đáp ứng được với những biến chuyển quy mô của tình hình kinh tế thế giới. Hệ thống hành chánh và tư pháp của Việt Nam lại quá kém cỏi và thiếu minh bạch. Tệ hại nhất, sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bóp nghẹt mọi sức sáng tạo cần thiết để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển đúng mức. Chính Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh cũng phải thú nhận là đến thời điểm này thì nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực phát triển. Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế dựa vào “vốn và bán tài nguyên dạng thô như dầu khí, than đá và các quặng khác. Trong khi lao động thì không phải dựa vào tăng năng suất mà lại nhờ giá rẻ. Các nước đang phát triển, chậm phát triển thì dựa vào các yếu tố trên. Nhưng 3 động lực ấy giờ đã cạn kiệt rồi. Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển”.[11]

Xã hội dồn nén

Bản chất toàn trị và độc đoán của chế độ cộng sản không có chỗ để cho người dân xả áp lực và bày tỏ bức rức. Hiện tượng “dân oan” chỉ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam trong vài thập niên nay. Nhưng chỉ từ năm 2008 tới 2011 thì có tới 1.570.000 người nộp đơn khiếu kiện[12] và có tới 700.000 vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai.[13] Theo nghĩa thường dùng hiện nay thì dân oan là nạn nhân của sự bất công, mà tại Việt nam thành phần dân oan đông đảo nhất là những người dân đang sống bình thường bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà, trở thành không có chỗ ở, không có việc làm và không có thu nhập để sống. Chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khai thác triệt để dẫn đến hậu quả là có nhiều người nông dân mất hết tài sản, đất đai. Đối với nông dân thì đó là tài sản quý giá nhất vì đất đai của họ không chỉ là nơi cư ngụ mà còn là cơ sở kinh tế nuôi sống cả gia đình. 

Có hàng ngàn vụ thu hồi đất đai có liên quan tới các nhóm lợi ích chiếm đoạt bất động sản và thu hồi đất đai nhưng không bồi thường thỏa đáng. Chính quyền các cấp thì hầu như vô cảm và vô lương tâm. Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc biểu tình phản đối của dân oan. Tuy không có con số thống kê nào nhưng "ước tính tầng lớp dân oan đất đai ở Việt Nam phải lên đến ít nhất 3-4 triệu người - tương đương với số lượng đảng viên trong đảng cầm quyền."[14] Khi người dân oan đi khiếu kiện thì họ bị đá như quả bóng từ huyện tới tỉnh lên tới trung ương rồi về lại địa phương mà không ai xét xử. Khi bị đẩy vào đường cùng thì họ phải liều mình sử dụng bạo lực hoặc tự sát như trường hợp của Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết.

Thứ hai, vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam coi như hết thuốc chữa. Trong cuộc phỏng vấn với Bảo Tuổi Trẻ năm 2005, cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã trả lời là "tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên". Gần đây hơn, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phải lên tiếng: “hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có".[15] Theo chỉ số của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng cao nhất thế giới. 

Một vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém là vấn nạn lạm phát cán bộ, quan chức và tướng lĩnh. Cả nước ưóc lượng có khoảng 139.000 cơ quan hành chính tức là có khoảng 139.000 cấp trưởng và gấp 2-3-4 lần cấp phó và có cơ quan có 5-6, 7-8 cấp phó. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng. Nên số tiền mỗi năm cả nước phải chi thêm có thể hơn cả 16 ngàn tỉ đồng. Đây là một con số khủng khiếp, nhất là với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi nợ công đang tăng lên hàng ngày. Đến nỗi Đại Biểu Trần Du Lịch đã phải nghẹn ngào thốt lên “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.[16]

Về mặt nhân quyền thì theo báo cáo của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2013 “xấu hẳn đi, khiến xu hướng tụt dốc đã biểu hiện trong mấy năm qua càng trở nên trầm trọng hơn”. Việt Nam đang giam giữ khoảng 150-200 tù nhân chính trị mà trong đó có nhiều tù nhân lương tâm bị bắt vì hoạt động tôn giáo. Tòa án của Việt Nam thiếu tính độc lập và khách quan và không theo đúng tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Tội danh chính trị được xử như tội phạm hình sự. Nhiều blogger bị đàn áp, đánh đập, sách nhiễu và bị công an bắt giữ tùy tiện.[17] Ví dụ như blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào đã bị bắt giữ và truy tố dưới Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự với án tù tối đa 7 năm vì họ đã phổ biến một số bài viết mà nhà cầm quyền không thích. Gần đây hơn, nhà cầm quyền đã bắt giữ hai blogger khác là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập vì họ bày tỏ thái độ phản đối dã tâm chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc. Rõ ràng là giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn răn đe mọi tiếng nói phản biện và triệt tiêu tinh thần yêu nước của người Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng biển đảo của Đảng Cộng Sản “đàn anh” từ phương Bắc. 

Một vấn đề khác cũng làm nhiều người phẫn nộ là chính sách kinh tế ưu đãi cho các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc dễ dàng thắng thầu các công trình, dự án xây cất hạ tầng cơ sở vì doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng cạnh tranh. Từ năm 2012 thì Trung Quốc đã thi hành quốc sách sa thải các công nghệ lạc hậu và đã công bố danh sách hàng ngàn nhà máy, dây chuyền lạc hậu cần phải loại bỏ. Họ không muốn mất trắng nên di chuyển công nghệ lạc hậu xuống Việt Nam.[18] Giới trí thức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc nhà nước cho phép các công ty Trung Quốc vào khai thác tài nguyên ở những vị trí chiến lược quan trọng như quặng bô xít ở Tây nguyên và thuê rừng ở phía Bắc. Gần đây nhất là vụ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có ý định cho một công ty Trung Quốc thuê đèo Hải Vân để xây dựng một khu du lịch sinh thái. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giá trị giao thương giữa hai nước tăng từ 3 tỷ Mỹ Kim trong năm 2001 tới 41,1 tỷ trong năm 2012. Nhưng cán cân mậu dịch luôn nằm về phía Trung Quốc. Cán cân thâm hụt của Việt Nam tăng từ 11 tỷ Mỹ Kim trong năm 2008 tới 23.7 tỷ trong năm 2013 và ước lượng sẽ lên tới 28,32 tỷ trong năm 2015, tức là khoảng 15% GDP của Việt Nam.[19] Trong lãnh vực đầu tư thì Trung Quốc áp dụng "chiến lược đầu tàu" (Bridgehead Strategy)[20]tại Việt Nam cũng như tại khắp mọi nơi trên thế giới bao gồm cả Phi Châu. Đó là các công ty Trung Quốc không chỉ mang vốn mà mang cả công nhân từ Trung Quốc, xây dựng phố thị Trung Quốc ngay tại Việt Nam làm cả nước “nhức mắt” với phố Tàu ở Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Bình Dương. Nhưng khi blogger lên tiếng phản đối thì nhà nước lại dùng Bộ Luật Hình Sự để bắt bớ và truy tố họ.

Chủ quyền bị đe dọa

Biển Đông là huyết mạch an ninh, chiến lược và kinh tế sống còn của Việt Nam. Với bờ biển dài hơn 3000 cây số, Việt Nam dễ dàng bị tấn công bằng đường thủy nếu bị mất chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên thủy sản ở Biển Đông đã nuôi sống ngư dân Việt Nam từ ngàn đời. Hiện tại, thu nhập của công ty PetroVietnam chiếm khoảng 25% GDP và đóng góp 30% vào ngân sách quốc gia. Hầu hết số tiền thu nhập này đến từ những dự án khai thác và hoạt động kinh doanh tại thềm lục địa ở Biển Đông.[21]

Sau Hội Nghị Thành Đô diễn ra vào ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, Việt Nam đã quyết định ngả về và tìm sự bảo trợ của Trung Quốc với hy vọng là tiếp tục duy trì vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong lúc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ toàn diện tại Đông Âu. Cái giá phải trả là phục tùng và không làm phật lòng Trung Quốc gồm có xóa bỏ hoặc không nhắc tới việc Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào năm 1979. Việt Nam có 3 loại quan hệ ngoại giao: đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Việt nam đã tuyên bố thiết lập đối tác chiến lược với Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương Quốc Anh (2010) và Đức (2011). Từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thành lập quan hệ đối tác toàn diện với Úc. Nhưng trong số này thì quan hệ với Trung Quốc và Nga đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Riêng với Trung Quốc thì Việt Nam có quan hệ đặc biệt và sâu sắc bao gồm quan hệ giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa Quân Đội Việt Nam và Quân Đội Trung Quốc và giữa Nhà Nước Việt Nam và Nhà Nước Trung Quốc. Quan hệ giữa hai Đảng dựa trên ý thức hệ Mác Lê. Đảng viên thường xuyên thăm viếng và trao đổi lý luận bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chống lại kẻ thù chung được gọi là “diễn tiến hòa bình”. Sau cuộc chiến biên giới năm 1979, quân đội hai nước nối lại quan hệ vào năm 1992 và kể từ năm 2005 thì hai bên có cuộc đối thoại quốc phòng thường niên. Trong tháng 11 năm 2010 thì Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu cuộc Đối Thoại An Ninh Chiến Lược tại Hà Nội. Có thể nói là không có một quyết định quan trọng nào của Việt Nam mà không có sự thông qua của Trung Quốc. Không có nước nào “lớn tiếng” với và có tầm vóc ảnh hưởng tới Hà Nội bằng Trung Quốc.[22]

Để chìu theo Trung Quốc, Việt Nam theo đuổi chính sách 3 không bao gồm: (1) không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; (2) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và (3) không dựa vào nước này để chống nước kia. Chính sách này đã được Thứ Trưởng Quốc Phòng Tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8 năm 2010. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu “nước này” là Hoa Kỳ và “nước kia” là Trung Quốc. Có một số người cho rằng Việt Nam đang thi hành chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sự thật thì không phải như vậy vì dưới cái nhìn của phe bảo thủ trong Đảng đang cầm quyền thì Trung Quốc vẫn là "anh em" dù có lúc có bất đồng ý kiến. Họ chỉ lợi dụng Hoa Kỳ khi cần thiết chớ không thật tâm xây dựng quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ.

Ngoài chính sách đa phương hóa quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng tìm sự hỗ trợ của Khối ASEAN để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.Tuy chỉ mới gia nhập từ năm 1995 nhưng Việt Nam đang là một thành viên tích cực nhất của Khối ASEAN.[23] Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Bản Tuyên Bố Ứng Xử (Declaration of Conduct) của các bên tại Biển Đông nhưng Bản Tuyên Bố này không có tính ràng buộc pháp lý. Từ đó thì ASEAN và nhất là Việt Nam luôn tìm cách hối thúc Trung Quốc tiến hành ký kết Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) tại Biển Đông có giá trị như một hiệp ước giữa Trung Quốc và ASEAN. Cho tới nay thì không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ chấp thuận yêu cầu này vì không muốn ý đồ thâu tóm Biển Đông của họ bị cản trở.[24] Chính Khối ASEAN cũng không đủ mạnh để có thể đối trọng với Trung Quốc. Đó là chưa kể có một số quốc gia thành viên bị Trung Quốc chi phối nặng nề như Cam Bốt và Lào. Sự yếu kém và tính thiếu đoàn kết của ASEAN biểu lộ rõ rệt tại Hội Nghị 20 ở Phnom Penh khi lần đầu tiên trong lịch sử 4 thập niên ASEAN đã không ra được một bản thông cáo chung trước khi bế mạc.

Trung Quốc luôn nói là sẽ trỗi dậy trong hòa bình nhưng hành xử thì hoàn toàn trái ngược. Có nghĩ là lời nói không đi đôi với việc làm. Khác với Nhật Bản và Phi Luật Tân, Việt Nam không có đồng minh yểm trợ khi bị Trung Quốc lấn át. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoang Hải Dương 981 vào khu đặc quyền kinh tế Việt Nam chứng minh chính sách ngoại giao “triệu người quen có mấy người thân” và sách lược quốc phòng 3 không của Việt Nam là không có hoặc thiếu hiệu quả. Sự kiện này cũng cho thấy giấc mơ trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc thật sự sẽ là cơn ác mộng cho thế giới và nhất là cho dân tộc Việt Nam. 

Kết luận

Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức to lớn về nhiều mặt. Kinh tế thì cạn kiệt, xã hội bị dồn nén và chủ quyền lãnh hải đang bị đe dọa trầm trọng. Nếu không thay đổi, cải cách thì hiểm họa mất nước có nguy cơ xảy ra. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tìm cách gia nhập vào TPP (Hiệp ước Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương) để giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Muốn vậy thì Việt Nam phải chấp nhận các quy chế gia nhập và cạnh tranh công bằng gồm có tôn trọng quyền lao động quốc tế, công nhận công đoàn độc lập, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước phải tiếu tục đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu kinh tế bằng cách cổ phần hóa hoặc tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước để giảm thiểu vấn nạn nợ công và nợ xấu.

Về mặt xã hội thì Việt Nam cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động để người dân có chỗ xã van áp lực trước những vấn nạn và bất cập của xã hội Việt Nam. Với căn bệnh ung thư tham nhũng bất trị hiện nay, Việt Nam không có con đường nào khác là phải thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí bằng cách tư hữu hóa hơn 800 doanh nghiệp truyền thông nhà nước. Như vậy thì mới mong có thể cầm được căn bệnh. 

Cũng như Nhật Bản và Phi Luật Tân, Việt Nam cần xây dựng quan hệ gần gũi với Hoa kỳ để đối trọng với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Muốn vậy thì Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền. Về việc này thì Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Một nước Việt Nam biết tôn trọng nhân quyền sẽ tìm được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Khối Liên Âu cũng như từ nhiều quốc gia khác trên thế giới tại các diễn đàn quốc tế.

Để thực hiện những đường lối cải cách nêu trên thì Việt Nam cần có giới lãnh đạo mới và có tư duy cải cách trong Đại Hội XII vì thành phần lãnh đạo hiện nay không đủ năng lực hoặc không có tư duy cải cách. Tốt nhất là nhóm lãnh đạo hiện nay nên về hưu hết[25] và nhường chỗ cho cho những thành phần trẻ có khả năng và đã từng tiếp thu hệ thống giáo dục tân tiến ở ngoại quốc có cơ hội nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo. Cần loại bỏ điều lệ phải là thành viên của Bộ Chính Trị ít nhất một nhiệm kỳ trước khi được giao chức vụ lãnh đạo vì nó kiềm hảm nhân tài và cản trở bước tiến của đất nước.

Nhưng những giải pháp nêu trên cũng chỉ là bước đầu và là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là thể chế độc đảng hiện nay. Muốn phát huy được tiềm năng và nội lực dân tộc thì phải thay đổi thể chế độc đảng thành đa đảng để tạo môi trường cạnh tranh chính trị lành mạnh. Chỉ có một thể chế đa đảng mới thay đổi và hiện đại hoá được những cơ chế căn bản gồm có hệ thống quản trị hành chánh, tư pháp và giáo dục để tạo điều kiện cho một nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và hiệu quả cao, một phong trào xã hội dân sự sinh động, một nhà nước pháp quyền biết tôn trọng nhân quyền và một dân tộc tự tin và tự trọng mà trong đó mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có cơ hội phát huy hết tiềm năng và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Có người vẫn mơ mộng tiếp tục theo gương của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc khác nhau rất nhiều. Nhưng Trung Quốc quá to lớn để thất bại (too big too fail). Ngay cả thế giới tự do cũng mong muốn Trung Quốc ổn định vì quyền lợi quốc gia của họ. Trung Quốc cũng có tham nhũng nhưng làm việc hiệu quả hơn. Giới lãnh đạo đều là những người được đào tạo ở những trường đại học có tầm vóc có thể so sánh với Harvard và MIT của Hoa Kỳ. Họ biết trọng dụng nhân tài và thu hút được trí thức người Hoa ở trong và ngoài nước. Trong khi đó thì giới lãnh đạo Việt Nam rất tự hào đã có thời cầm súng.[26] Việt Nam hiện tại không giữ nỗi chất xám trong nước, nói gì đến việc thu hút nhân tài ở hải ngoại. Đa số trí thức ở hải ngoại đã quen sinh sống và làm việc trong một môi trường tự do, trong sáng và lành mạnh. Không có lý do gì để họ phải quy phục một chế độ độc tài, toàn trị, tham nhũng và lạc hậu. 

Câu hỏi đặt ra cho 1200 đại biểu, 175 ủy viên trung ương và 16 thành viên Bộ Chính Trị trong Đại Hội XII là quyền lợi độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam hay là quyền lợi của Tổ Quốc Việt Nam quan trọng hơn? Còn 3 triệu đảng viên sẽ đóng vai trò gì với vận mệnh dân tộc? Đó cũng là câu hỏi cho 90 triệu đồng bào trong nước và 5 triệu người Việt ở hải ngoại. 


Nguyễn Văn Thân

Không có nhận xét nào: