Ngày nay mỹ tục “lì xì” đã biến dạng một cách ghê gớm. “Lì xì” cho con trẻ là cả một câu chuyện dài, là những chuyện vui buồn.
No ba ngày tết
Ngày xưa chiến tranh cuộc sống vất vả cơ hàn, quanh năm tất bật miếng cơm manh áo nên bọn trẻ chúng tôi chỉ mong đến tết.
Vui vì tết có manh áo mới. Vui vì được ăn no (“no ba ngày Tết”). Vui vì được gặp lại người thân. Và vui nhất là được tiền mừng tuổi.
Tuổi thơ chúng tôi gắn với thời kỳ nông thôn đang bước vào hợp tác hóa với khí thế: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác”. Một khí thế hừng hực của ngày đầu xây dựng đất nước: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”.
Cuộc sống vẫn còn cơ cực nhưng tết đến xuân về thế nào lũ trẻ cũng được bố mẹ, nhất là những người đi xa về mừng tuổi và gọi là “lì xì”. Bố bảo “lì xì”từ chữ "lợi- thị" của tiếng Tàu, ta nói chệch thành "lì-xì', có nghĩa là… được may mắn.
Ảnh minh họa
Sau này tôi nghe nhiều về sự tích của phong tục “lì xì”, tuy nhiên có một câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Đó là cứ vào dịp giao thừa các vị thần tiên canh gác cho con người đều phải trở về trời để nhận công việc. Nhân cơ hội này, có một loài yêu quái xuất hiện. Chúng xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến trẻ giật mình khóc thét rồi bị sốt hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ thường thức suốt cả đêm để canh không cho chúng ám hại con mình.
Một lần có mấy vị tiên đi ngang biết chuyện muốn giúp họ, liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ. Cha mẹ chúng liền đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ. Khi con yêu quái đến, những đồng tiền trong tấm vải đỏ liền lóe sáng khiến yêu quái sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian nên khi tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, gọi là tiền mừng tuổi và mong những điều may mắn đến với trẻ nhỏ…
Không chỉ có tục mừng tuổi cho con trẻ mà sau này còn cả chuyện con cái mừng tuổi cho bố mẹ đầu xuân, rồi tục mừng thọ những người cao tuổi cũng xuất hiện. Đấy là những “mỹ tục” đáng trân trọng, rất đáng được nhân lên. Uống nước nhớ nguồn âu cũng là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay.
Cho đến giờ cái cảm giác mừng vui khi nhận được những đồng xu ngày tết vẫn còn đọng lại. Ngày xưa không có phong bao đẹp. Dân quê mộc mạc và lam lũ nhưng ngày tết ai cũng giành những đồng xu mới sáng bóng tặng con trẻ. Ngoài mấy đồng xu, lũ trẻ con còn được bố mẹ gói cho những chiếc bánh chưng con con.
Rồi đêm 30, nhất định thức đợi để vớt chiếc bánh của mình và được ăn cùng bố mẹ. Ngày tết có bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ, tiền “lì xì” là những đặc sản mùa xuân, là kí ức về tết của một thời.
Nhiều bạn bè cùng trang lứa khi lớn vẫn giữ lại những đồng xu sáng bóng, lấp lánh. Sau này khi chiến tranh xảy ra chúng tôi lên đường ra trận, “của để dành” này tặng lại cho những đứa em thân yêu. Đó là tình cảm gửi lại là hơi ấm của người ra trận. Sau này có người đã ngã xuống “của để dành” trở thành hơi ấm là một nguồn sức mạnh.
…Và những chuyện buồn
Ngày nay mỹ tục “lì xì” đã biến dạng. “Lì xì” cho con trẻ là cả một câu chuyện dài, là những chuyện vui buồn.
Trẻ con ngày nay vào dịp tết, “lì xì” được chúng cho là mùa thu hoạch. Trẻ con khoe với nhau tết này thu hoạch được bao nhiêu và số tiền đồng nghĩa với sự danh giá của bố mẹ gia đình chúng.
Khổ nhất bây giờ vẫn là cha mẹ những người nghèo. Ngày tết lo tiền mừng tuổi cũng toát mồ hôi. Thôi thì xã hội có hàng trăm mối ràng buộc. Chuyện con cái họ hàng thì thế nào cũng xong, có nhiều “lì xì” nhiều cho con cháu nhưng ngại nhất vẫn là thăm sếp ngày tết. Mà đâu chỉ có mình sếp.
Có chuyện cười ra nước mắt. Đến thăm sếp, chúc sếp ngày đầu xuân thấy mấy đứa trẻ của nhà sếp. Tết nhất ai lại đi hỏi danh tính, gốc rễ làm gì. Đã “lì xì” phải “lì xì” ngay chứ ai lại để sau mới làm. Mùa xuân cái gì cũng nhanh nhẩu mới thanh thoát, mới hanh thông. Mừng xong mới biết là con cái hàng xóm sang chơi cùng con cái “sếp”, nhưng mà trót mừng “nặng” mất rồi, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Mà bây giờ cũng lắm kiểu mừng tết. Trước tết là chuyện quà cáp biếu xén. “Nặng tay” đôi khi đồng nghĩa với thành tâm, sự trung thành. Nhiều sếp nhìn gói quà, nhìn phong bao để đong đếm sự… tín nhiệm.
Không thiếu những thức quà "khó nỡ từ chối", như, chậu hoa cây cảnh "đẫm chất văn hóa" nhưng giá đến cả trăm triệu.
Những kiểu mừng tết như trên có người gọi tên là “mừng tuổi buôn danh”. Mùa xuân trở thành nỗi ưu phiền, trăn trở. Cái tốt đẹp của mỹ tục trở thành gánh nặng.
Nhưng những kiểu “lì xì” như trên chỉ có ở một “bộ phận không nhỏ” những người “buôn danh”, còn đa số những người “chân lấm tay bùn” những “phó thường dân” mừng tuổi vẫn giữ được vẻ sáng trong của nó.
Về những miền quê dịp tết, mới thấy mỹ tục mừng tuổi người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Con cái quây quần bên ông bà, bố mẹ cầu chúc mạnh khỏe, trường thọ. Những chiếc áo đỏ áo vàng, những chiếc khăn tượng trưng cho sự trường thọ được trao tặng. Không chỉ trong gia đình mà cả làng xóm láng giềng, cả những hội đoàn quần chúng đều chăm lo cho người cao tuổi. Tôi có dịp về quê sau những ngày tết, thấy không khí làng trên xóm dưới rộn ràng, nhà văn hóa cờ hoa đông vui trong lễ mừng thọ mới thấy cái không khí ấm nồng của tình làng nghĩa xóm.
Sự lai căng, sự biến tướng cũng chỉ tồn tại ở những giai đoạn nhất định. Mỹ tục chỉ có thể trở thành cái đẹp khi nó phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống. Con người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết ‘gạn đục khơi trong” cho suối nguồn văn hóa ngày càng trong sáng tuôn chảy thì những thứ biến tướng cũng sẽ bị cuốn trôi.
Mùa xuân mở đầu cho những gì tốt đẹp, hãy biến những điều tốt đẹp luôn là hiện thực, sống mãi với thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét