Liberty Melinh - "Anh tôi hi sinh tại biên giới phía Bắc năm 1979 không được coi là liệt sĩ".
Đứng trước một ngôi mộ, người đàn ông đến thắp nhang tại nghĩa trang liệt sĩ sáng nay, 17/2 nói gần như khóc với chúng tôi. Anh kể rằng cách đây khoảng 5 năm, phường thông báo các gia đình liệt sĩ đến nhận 5 triệu đồng tiền nhang khói. Khi gia đình anh đến thì bị từ chối với lời giải thích: "Không thấy chính quyền nhắc đến. Những người hi sinh ở biên giới phía Bắc không có trong danh sách này".
Sáng nay chúng tôi đến thắp nhang, đặt hoa, và dán biểu ngữ với hình ảnh hoa sim cùng dòng chữ NHÂN DÂN KHÔNG BAO GIỜ QUÊN lên từng ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang thành phố Hà Nội. Trước đó, khi đứng căng biểu ngữ lớn với cùng nội dung trên thì chúng tôi bị bảo vệ nghĩa trang xông vào ngăn cấm, có sự chứng kiến của một số người thân liệt sĩ cũng đến thắp nhang, nên tôi nghĩ họ có thể e ngại khi chúng tôi dán biểu ngữ lên phần mộ của người thân họ. Nhưng không, tôi đã chứng kiến sự xúc động thể hiện trên gương mặt của họ, họ còn cẩn thận lau đi lau lại cho thật sạch phần sẽ dán biểu ngữ trước khi chúng tôi tiến đến ngôi mộ.
Khi chúng tôi ra về thì một người tần ngần gọi lại: "Mộ của anh tôi chưa có cái biểu ngữ". Rồi anh ấy phân trần rằng ngôi mộ tuy nằm cách biệt nhưng người trong mộ cũng hi sinh ở biên giới phía Bắc vào ngày này. Và trên đây là câu chuyện của người đàn ông ấy.
Sự vinh danh và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ là cần thiết, chỉ có chính quyền tay sai cho giặc thì mới cố tình quên đi nghĩa vụ ấy.
Họ cố tình quên, nhưng NHÂN DÂN KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!
(Ảnh Dtt Tùng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét