Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Nỗi ngán ngẩm của các nước với ‘gã nhà giàu’ Trung Quốc


a5f9db48-a343-11e0-8d6d-00144feabdc0.imgMinh Thái
Châu Âu là mục tiêu quan trọng của Trung Quốc trong chiến dịch đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng đang hoành hành tại Châu Âu. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc vượt mặt Mỹ về tốc độ tăng số lượng tỷ phú và “gã nhà giàu” này đang trở thành “kẻ xâm lăng” khó chịu đối với nhiều quốc gia.

Giàu lên nhanh chóng
Năm 2014 là một năm đáng nhớ với Trung Quốc khi lần đầu tiên nền kinh tế này được đánh giá đã vượt Mỹ dựa trên phương pháp ngang giá sức mua (PPP).
Theo trang GQ, dựa vào báo cáo về số người giàu nhất Trung Quốc của Hurun, năm 2004 quốc gia này mới chỉ có 3 tỷ phú đôla. Đến năm 2014, con số này đã là 354 người. Như vậy, chỉ sau một thập kỷ, số tỷ phú của Trung Quốc đã tăng 11.700%.
Mặc dù có nhiều dự báo về sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc, nhưng trang GQ vẫn dự báo, số lượng tỷ phú Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 2 năm tới.
Giàu lên nhanh chóng, các tỷ phú Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Theo Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong năm 2014, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vốn ròng lần đầu tiên trong lịch sử nước này, với tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) vượt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc. Theo báo cáo, Tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 116 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm trước. Trong tổng số vốn ODI này có 102,89 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính, tăng 14,1%. Cả hai mức tăng trưởng này đều vượt mức tăng 1,7% của FDI vào Trung Quốc (đạt 119,6 tỷ USD). Tuy nhiên, nếu tính cả nguồn đầu tư của Trung Quốc thông qua bên thứ 3, thì tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 140 tỷ USD.
“Kẻ xâm lăng”
Các lĩnh vực được Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là bất động sản, kinh doanh và các tài sản khác, trong bối cảnh tăng trưởng trong nước đang chậm lại. Điều này trở thành nỗi lo lắng của dư luận nhiều nước.
Tờ Le Monde của Pháp trong chuyên mục Hồ sơ đã phân tích nỗi lo lắng này dưới tựa đề đầy tính châm biếm: “Chào mừng Trung Quốc xâm lăng!”
Sự kiện gây lo lắng trong dư luận Pháp là việc tư nhân hóa sân bay Toulouse. Trước đó, Club Med, một hãng lữ hành Pháp, cũng đã rơi vào tay tập đoàn Fosan của Trung Quốc.
Nhưng chưa hết, trong giới thể thao, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux thuộc tập đoàn Peugeot, cũng có khả năng bị LED Ledus của Trung Quốc mua lại.
Hay gần đây, một công ty sản xuất đèn LED khác, Bắc Kinh Shenan, cũng vừa kí hợp đồng mở một nhà máy sản xuất tại Verdun bắt đầu từ năm 2016 tới.
Theo một chuyên gia, “Đây mới chỉ là bước đầu!”. Năm 2014, có 272 thương vụ mua bán và đầu tư với tổng số tiền lên tới 103 tỉ USD (khoảng 90 tỉ euro), so với 200 thương vụ vào năm 2013.
Đây là kết quả của việc chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt các thủ tục rườm rà và xóa bỏ việc phải xin phép trước nếu số tiền cần chuyển ra nước ngoài vượt quá 100 triệu USD.
Châu Âu là mục tiêu quan trọng của Trung Quốc trong chiến dịch đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng đang hoành hành tại châu Âu. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Không chỉ mua đứt, họ còn quan tâm tới xây dựng các khu vực mới hay trùng tu các cơ sở đã tồn tại. Khoảng 150 hợp đồng đã được kí kết năm 2014 với số tiền lên tới 18 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2013, trong đó, khoảng 10 hợp đồng liên quan tới Pháp.
Có thể kể tới việc China Huaxin mua lại tập đoàn Alcatel-Lucent hay Jin Jiang International mua lại tập đoàn Louvre Hôtels quản lý các chuỗi khách sạn như Campanille, Première Classe, Kyriad, Tulip…
Ngoài ra, phải kể tới việc quỹ China Investment Corporation đang nắm 30% hoạt động khai thác và sản xuất của công ty sản xuất khí đốt Pháp, GDF Suez.
Tại Anh, Hony Capital đã mua lại Pizza Express, chuỗi cửa hàng pizza của xứ sở sương mù.
Minh Thái (tổng hợp)
Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào: