Vài năm trở lại đây, cứ như một thông lệ trong mỗi dịp xuân về, không ít thì nhiều dân chúng cả nước lại được nghe những người đã hoặc đang giữ cương vị lãnh đạo nước nhà bàn về hai đề tài cũ mèm. Một là chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc, hai là chính sách tìm kiếm và đãi ngộ nhân tài nhằm xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình. Thật lòng, không hiểu sao mỗi khi nghe các vị “đức cao vọng trọng” nước nhà phát biểu về hai vấn đề cũ mèm này bản thân tôi vừa “dị ứng” vừa thấy lòng buồn vô hạn. Vì lẽ, nghe các vị phát biểu tôi buộc phải nghĩ đến vận mệnh và tương lai của nước nhà sao cứ mãi quẩn quanh, năm này qua tháng nọ đi trên con đường không có lối ra.
Thử hỏi đất nước đã thống nhất, giang sơn đã thu về một mối kể ra có hơn nửa đời người rồi vậy mà năm này qua tháng nọ hai chuyện trên vẫn - cứ - phải - mang ra nhắc đi nhắc lại là sao? Điều này, theo tôi ít nhiều cũng đã nói lên một sự thật: nội lực quốc gia hiện nay vẫn đang bị phân tán rất nhiều và không biết đến khi nào mới thật sự hòa hợp, thống nhất. Thứ nữa, thiển nghĩ những người đã và đang nắm quyền cai quản nước nhà có thực sự muốn hòa hợp đan tộc và tìm kiếm nhân tài thật sự để xây dựng đất nước phồn thịnh hay không? Bởi nếu muốn thì theo tôi đây là chỗ không nên nói nhiều và nói trùng lắp mãi mà phải nhanh chóng bắt tay vào làm ngay thôi. Vì đất nước, quốc gia đến nay theo tôi, cái “nguyên khí” đã và đang vơi đi nhiều lắm rồi; nguồn tài nguyên “rừng vàng biển bạc” mà tạo hóa ban tặng cũng đang dần bị thu hẹp và việc khai thác gần như muốn cạn kiệt rồi... Vậy nên, thời điểm này mà vẫn ngồi “run đùi” bàn chuyện hòa hợp dân tộc và tìm kiếm nhân tài thì có phải là quá muộn màng và kỳ cục lắm không? Có thể có ai đó cho rằng mới nửa đời người mà làm được bao nhiêu chuyện là giỏi lắm rồi nhưng thử hỏi nửa đời của hơn 90 triệu dân cộng lại thì sao, có chua xót và cay đắng không?
Thôi thì ở đây, vấn đề hòa hợp dân tộc xin tạm thời gác lại, sẽ bàn vào một dịp khác. Bài viết này chỉ xin góp vài ý kiến xung quanh chuyện tìm kiếm nhân tài.
2.
Có một thực tế mà ai cũng thấy ở nước ta thời gian qua là, mỗi khi có một người “nổi tiếng” (nhất là những người từng giữ cương vị lãnh đạo cấp cao trong bộ máy chính quyền) nào đó mất đi thì qua các phương tiện truyền thông công chúng sẽ biết được trong các bài điếu văn, trong các sổ tang gia đình tràn ngập những lời ca tụng, biểu dương công đức người vừa nằm xuống như những “nhân tài kiệt xuất” của đất nước. Nào là “vĩnh biệt đồng chí kiên trung”, “vĩnh biệt người con ưu tú của...”, “vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba”; nào là “ đồng chí là tấm gương sáng ngời, suốt đời tận tụy vì dân, vì nước....”v.v..
Vẫn biết “nghĩa tử là nghĩa tận”, vẫn biết “uống nước nhớ nguồn” là đạo lý và truyền thống cao quý của dân tộc cần phải gìn giữ, với lại, cũng không ai có quyền ngăn cấm việc thể hiện tình cảm yêu thương, sự mến mộ của ai đó đối với người đã khuất. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, tôi tin là bất cứ một người Việt Nam nào thật lòng quan tâm, trăn trở với hiện tình đất nước cũng ít nhất một lần tự đặt câu hỏi tại sao Việt Nam có rất nhiều “nhân tài kiệt xuất” như vậy nhưng đến nay nước nhà vẫn lẹt đẹt và không thể hóa rồng? Lẽ ra, với truyền thống dày dặt nhân tài như vậy thì Việt Nam phải bay cao, bay xa từ lâu rồi chứ không thể ì ạch mãi thế này?
Chưa hết, như mọi người đã biết, Đảng là tổ chức nắm quyền lãnh, chỉ đạo trong mọi đường hướng phát triển đất nước và dân tộc suốt mấy mươi năm qua. Và lâu nay việc kết nạp người vào hàng ngũ của Đảng đều phải tuân theo một quy trình rất chặt chẽ và ngặt nghèo, chỉ có những người thật sự có Đức, có Tài và lý lịch “ba đời trong sáng như gương” thì mới được xét cho vào. Theo cái logic thông thường mà suy thì những người đã và đang nắm quyền lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và chính quyền hẳn nhiên phải là những cá nhân ưu tú và xuất sắc nhất (theo nghĩa những nhân tài của đất nước). Thế thì tại sao mấy mươi năm qua những “nhân tài” này vẫn không thể đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như mong mỏi của chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời?
Từ hai nghịch lý trên, người viết bài này “trộm” nghĩ hay là Việt Nam từ khi đất nước hòa bình thống nhất đến nay ít có hoặc không có nhân tài thật sự ngoài đời mà chỉ có nhân tài tồn tại trong trí tưởng tượng của những người dân vì quá yêu, quá hâm mộ, quá “thần tượng” đồng đội, đồng chí trong tổ chức, cơ quan, làng xã của mình thôi? Cho nên, mỗi khi “thần tượng” của mình qua đời thì vì “nghĩa tử là nghĩa tận” nên mạnh ai nấy thần thánh hóa “thần tượng” lên như những anh hùng xuất chúng của dân tộc? Phải chăng vì vậy mà đi suốt chiều dài nước Việt đến đâu người ta cũng thấy tượng đồng bia đá, nhà mồ, nhà tưởng niệm, đền đài, lăng tẩm rất nguy nga tráng lệ dành cho những “nhân tài kiệt xuất” ấy?
Công bằng mà nói, nếu căn cứ vào sự đánh giá của nhân dân dành cho những lãnh đạo sau khi họ mất đi thì gần đây nổi bật lên là hai nhân vật có thể xem là nhân tài của đất nước trong thời bình. Một là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và hai là ông Nguyễn Bá Thanh – nguyên Bí thư Đà Nẵng và Trưởng ban Nội chính Trung ương. Tuy vậy, nếu so sánh hai nhân vật này với Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long ở Singapore thì theo tôi hai người tài của Việt Nam vẫn chưa đủ “tầm phủ sóng” để có thể hiệu triệu toàn dân, từ đó tạo ra động lực thật sự để xoay chuyển vận mệnh của đất nước. Dĩ nhiên, so sánh như thế là khập khiểng, tuy nhiên, qua so sánh này tôi muốn lưu ý rằng, trong nhiều trường hợp người Việt cần phải hết sức cẩn trọng trong việc phong “nhân tài” cho các lãnh đạo trong nước. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nếu chúng ta vẫn cứ “đóng cửa” và tự phong “nhân tài” cho nhau thì có khác gì đang một mình... “tự sướng” trong đêm đen?
Nói cách khác, qua đây cho thấy thời gian qua người Việt dường như đang có sự nhầm lẫn trong quan niệm và quá dễ dãi khi phong danh hiệu “nhân tài” cho một lãnh đạo hay một cá nhân nào đó.
Tuy chưa có một công trình nghiên cứu nào nhằm so sánh mật độ nhân tài giữa các nước trên thế giới nhưng tôi tin rằng nếu có một công trình như thế thì Việt Nam chí ít cũng sẽ có thêm một kỷ lục thế giới về mật độ “nhân tài” trong dân chúng. Bởi không biết tự lúc nào hễ nghe tin một anh nào đó được bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo cao hơn trong bộ máy nhà nước; hay anh nào đó vừa “lấy xong cái Tiến sĩ”, vừa mới được phong GS hay PGS... thì cả làng, cả xóm, cả tỉnh, cả nước gọi đó là “nhân tài” và “phong Thánh” mà chẳng thèm xem xét anh ta đã có đóng góp gì thiết thực cho dân cho nước hay chưa; chẳng thèm tìm hiểu việc thăng quan tiến chức của anh ta có minh bạch, có đường hoàng hay vì phe phái và lợi ích nhóm nên được nâng đỡ và tâng bốc lên?
Chính sự nhầm lẫn và dễ dãi này, theo tôi đã dẫn đến một hệ lụy là lâu dần cả một dân tộc quay cuồng trong căn bệnh háo danh, khoe mẽ và nhất là “thùng rỗng kêu to” lúc nào không hay. Từ đó làm cho việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài nhất là nhân tài trong hàng ngũ lãnh đạo và quản lý đất nước rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”, người thực tài và có tâm với đất nước thì bị vứt ra bên lề xã hội và ngược lại.
Không những vậy, nhìn ở góc độ văn hóa, sự nhầm lẫn và dễ dãi trong quan niệm về “nhân tài” của người dân thời gian qua cũng ít nhiều nói lên cái tâm lý mặc cảm về nguồn gốc xuất thân và sự thiếu hụt nhân tài thật sự của cả dân tộc. Người ta đua nhau để được lên quan, để được gọi là GS, TS, để trở thành người nổi tiếng, để rạng danh dòng tộc bằng con đường bất lương và thiếu minh bạch là một trong những biểu hiện rõ nhất cho cái tâm lý mặc cảm này. Điều này vô tình đã tạo ra cái hệ lụy rất nguy hiểm là có không ít người thay vì dũng cảm nhìn vào sự thật về hiện tình của đất nước trong thời điểm hiện tại để mà thay đổi thì lại bấu víu vào những ánh hào quang xưa cũ của các vị tiền nhân, xem đó như là cứu cánh, là phép mầu rồi biện hộ, lấp liếm cho những sai lầm trong quá trình lãnh đạo của mình.
3
Đất nước muốn ổn định và phát triển thì nhất định phải có sự hòa hợp của cả dân tộc. Nhưng muốn có sự hòa hợp của cả dân tộc thì xã hội cần có một hành lang, một không khí “đối thoại” chân thành và dân chủ giữa lãnh đạo, chính quyền với mọi tầng lớp nhân dân hay giữa các tầng lớp nhân dân với nhau. Nói cách khác, nếu không có không khí “đối thoại” chân thành và dân chủ này (mà chỉ là sự “độc thoại”, muốn nói gì thì nói từ một phía nào đó) thì mọi chính sách dù đúng đắn đến mấy cũng rất khó đi vào đời sống, rất khó trở thành hiện thực.
Bởi lẽ, trong cuộc sống những suy nghĩ và lời nói chân thành là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ vì nó không quan trọng bằng những hành động và việc làm cụ thể nhằm hiện thực hóa suy nghĩ và lời nói ấy. Cho nên, nói cho cùng một đất nước muốn phát triển và thịnh vượng thì những lời nói cùng những việc làm chân thành từ phía người lãnh đạo là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Có được điều này rồi thì chắc chắn nhân tài của đất nước sẽ xuất hiện và tự nguyện chung tay góp sức xây dựng quê hương thôi. Khi ấy, “nguyên khí quốc gia” chắc chắn cũng sẽ theo đó mà sung mãn, tràn trề mà không cần đến những phong trào “trải thảm đỏ” để thu hút, tìm kiếm nhân tài mang nặng tính hình thức như hiện nay.
Cần Thơ, 26/2/2015
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn tham khảo:
Nguồn tham khảo:
1. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói về giải pháp để thu hút nhân tài. http://vov.vn/chinh-tri/nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-noi-ve-giai-phap-de-thu-hut-nhan-tai-383588.vov
2. Hòa hợp dân tộc: Mong người trên ngựa chìa bàn tay. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/220166/hoa-hop-dan-toc--mong-nguoi-tren-ngua-chia-ban-tay.html
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 26-2-15
(Viet-studies)
1 nhận xét:
85 năm qua đi như 85 kiếp người chó săn Hán cẩu làm gì có nhân tài ( Bảo Châu cho tiền đi Pháp học tự túc được thầy Pháp giúp đỡ nhé )lớp trẻ Vnam bây giờ theo gương Đảg chỉ mì ăn liền mánh mung có tiền để hưởg thụ ngay. Còn lớp trẻ đoàn đảg còn qúa tệ hơn nữa.
Đăng nhận xét