Trong buổi thảo luận trực tuyến có tên Vì Sức khỏe Nhân dân do Cổng Thông tin Điện tử của Chính phủ Cộng sản Việt Nam tổ chức trong ngày 12 tháng 9, nhiều giám đốc bệnh viện đã lên tiếng phát biểu về tình trạng khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ, y sĩ trong nước.
Ông Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương- nói sau 2 tháng thi hành dự án thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân của bác sĩ, đã có 20 bệnh viện ký tên cam kết làm hài lòng bệnh nhân. Nhưng theo thống kê của đường dây nóng ngành y tế, bệnh nhân bất mãn với nhân viên ngành y tế chỉ gia tăng chứ không giảm. Đặc biệt là tại bệnh viện theo hệ thống trung ương, và các tỉnh. Ông Nhung cho rằng làm bệnh nhân hài lòng không phải dễ, nhưng không phải quá khó, nếu trong lúc khám chữa bệnh, các y bác sĩ xem bệnh nhân như người thân của họ.
Nhiều người cho rằng do hàng ngày y, bác sĩ phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân nên không thể đối với ai cũng ân cần, nhã nhặn. Nhưng điều này chỉ là cách ngụy biện. Nếu ai đã dấn thân vào nghề y và yêu nghề thì phải biết tỏ ra thương yêu bệnh nhân.
Ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt-Đức- nói rằng hiện nay trên toàn quốc có trên nửa triệu cán bộ y tế. Với con số lớn như vậy, không thể tránh có người không tốt, không làm hài lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, đa số cán bộ y tế trong nước chưa có thái độ nghiêm túc, hết lòng với bệnh nhân. Thảo luận về giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu làm hài lòng bệnh nhân, ông Nhung nói rằng vấn đề này nên để mỗi y sĩ, bác sĩ tự suy nghĩ. Muốn làm bệnh nhân hài lòng, không chỉ cần tinh thần, thái độ mà còn cần giỏi tay nghề, trình độ.
Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Y tế- tuyên bố vào cuối năm 2016, tất cả các bệnh viện trong nước phải ký cam kết làm hài lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện giờ những gì cộng sản đề ra chỉ là hình thức, khẩu hiệu rỗng, không thực chất.
Dân chúng nói rằng các bệnh viện có ký hàng trăm chữ ký cam kết cũng sẽ không thay đổi được điều gì. Bác sĩ, y tá sẽ tiếp tục ưu tiên phục vụ cho những người có tiền. Đa số bệnh viện ở Việt Nam đều quá đông bệnh nhân. Khám bệnh của bác sĩ có 2 dạng: khám theo dịch vụ và khám thường. Nghĩa là ai chi tiền sẽ được khám trước, chữa trước. Bệnh nhân nghèo dù nặng tới đâu cũng phải ngồi chờ. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông máu me đầy mình, thoi thóp, nhưng thân nhân chưa xì tiền thì nhân viên phòng cấp cứu cũng thờ ơ, mặc cho nạn nhân sống hay chết./Hồng Tú / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét