Trong một thông cáo báo chí phát đi ngày 21/9/2015, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn khăng khăng ‘giá sữa sẽ không giảm đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường’.
Trong khi đó, thị trường sữa Việt Nam đang chứng kiến một nghịch lý nhẫn tâm ghê gớm khi giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đang xuống thấp nhất trong vòng 12 năm qua, nhưng giá sữa trong nước không hề giảm, thậm chí còn tăng.
Một tờ báo nhà nước dẫn minh họa về một nạn nhân của giá sữa trên trời: chị Phạm Thúy Hồng, ở Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội. Từ ngày sinh con trai, kinh tế của hai vợ chồng chị từ chỗ đủ ăn đủ tiêu cho mức sống trung bình đến suy giảm trầm trọng do chi phí cho con nhiều quá, đặc biệt là tiền sữa. Vậy là vợ chồng chị thu nhập được bao nhiêu tiền dồn hết mua sữa cho con. Mà thu nhập ấy không cao, lương của hai người làm công ty tư nhân như vợ chồng chị khoảng 8 triệu đồng/tháng. Cứ 450-500 nghìn đồng/ hộp 900g loại sữa ngoại nhập thì số tiền mua sữa mỗi tháng đã gần 2 triệu đồng. Vì hơn 1 tuần là con chị lại uống hết 1 hộp sữa. Chưa kể các chi phí khác như bỉm, thuốc thang mỗi lần con chị bị ốm đau… Thế nên, nuôi đứa con ăn sữa ngoài như chị, thực sự “méo cả mặt”, nhất là khi chồng chị không có lương do công ty hết việc.
Nhưng những gia đình ở thành phố dù sao vẫn còn đỡ về thu nhập. Còn nhiều gia đình ở vùng nông thôn, nơi thu nhập chỉ khoảng vài triệu đồng/tháng, thì việc mua sữa ngoại cho con cái chỉ là một giấc mơ xa vời. Giấc mơ đó càng bị phủ dập bởi những tập đoàn nhà nước luôn giữ vững mức tăng giá từ 4-5 lần so với mặt bằng giá sữa của các nước xung quanh.
Xem ra, công cuộc thanh tra của các ‘cơ quan liên ngành’ như Bộ công thương và Bộ tài chính đã chỉ là chuyện đánh bùn sang ao và càng làm cho giá sữa khuất tất nơi ‘túi khôn’ của giới quan chức. Những cuộc thanh tra được tổ chức từ năm 2014, khi dư luận xã hôi sôi trào về tình trạng đầu cơ sữa ngang ngửa kinh doanh ma túy, rốt cuộc đã hoàn toàn bị chìm xuồng. Tương tự, cái đượcgọi là ‘chính sách bình ổn giá’ do giới lãnh đạo các bộ quản lý này đưa ra cũng chỉ làm lợi cho giới thương gia, trong khi người tiêu dùng vẫn bị đè đầu móc túi.
Với nhiều người dân, nhắm mắt cũng biết là giữa hai Bộ Tài Chính - Bộ Công Thương với các doanh nghiệp đầu nậu sữa là ‘có vấn đề’. Thậm chí là ‘vấn đề’ rất lớn. Nhưng bằng chứng ở đâu ra, nếu đây là sự thông đồng xuyên suốt hệ thống từ ‘cơ sở hạ tầng’ lên ‘kiến trúc thượng tầng’, thậm chí cả đến chính phủ?
Cần nhắc lại, Bộ tài chính và Bộ công thương cũng là hai cơ quan liên đới trực tiếp trách nhiệm đến các chiến dịch tăng giá xăng dầu và điện phi mã trong thời gian qua.
Lê Dung/ SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét