Đảng cộng sản Việt Nam đã dùng hết các từ ngữ cao nhất để nêu quyết tâm chống tham nhũng, vấn đề là hiệu quả trên thực tế thế nào, theo một nhà phân tích chính trị - xã hội Việt Nam từ Hà Nội.
Bình luận với BBC hôm 29/9/2015 về sự kiện Việt Nam vừa loan bố sẽ đưa ra xét xử 8 vụ án 'trọng điểm' về tham nhũng trước Đại hội đảng lần thứ 12, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói:
"Việc chống tham nhũng của Việt Nam thì về mặt lời nói đã dùng những ngôn từ cao nhất rồi, tức là đã cạn ngôn từ rồi: 'giặc nội xâm', rồi 'nguy cơ tồn vong' của đất nước.
"Thế nhưng hiện nay việc chống tham nhũng, Việt Nam rất kém hiệu quả. Cụ thể là xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về cảm nhận tham nhũng của Việt Nam, thì điểm ba năm: 2013, 2014 và 2015 cứ là 31/100, không có thay đổi gì cả."
'Không phải là nhiều'
Theo nhà phân tích, việc đưa ra xét xử tám vụ án 'không phải là nhiều', Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói thêm:
"Theo tôi hiểu 8 vụ ấy thì không phải là nhiều và so với tham nhũng mà xã hội Việt Nam hiện nay đang đề cập, chắc chắn số vụ tham nhũng rất là nhiều chứ không phải là ít.
"Thế nhưng vấn đề ở đây là chuẩn bị được đến đâu, hồ sơ được đến đâu, điều tra được đến đâu, thì đưa ra đến đấy là một.
"Việc thứ hai nữa là tham nhũng ở Việt Nam không thể nào thực hiện được, nếu như không có ô dù nhất định.
"Nếu mà xử tham nhũng vụ này, hay vụ kia, rất có thể là sẽ đụng đến cái ô dù nào đấy và đấy là một vấn đề cần tiếp tục theo dõi thêm là việc xử nhân vật tham nhũng này có tác động gì đến ông A, ông B nào đấy, ở đâu đấy trên cao hay không.
"Và điều ấy là điều đáng chú ý trong việc xử tham nhũng trước kỳ Đại hội," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét