Trong suốt tuần qua, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin, thậm chỉ chỉ trích việc bổ nhiệm Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam trẻ nhất nước từ trước tới nay. Giám đốc sở mới vốn là con trai của nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam mới xin về hưu vào tháng 7 năm nay.
Bình thường hay bất bình thường
“Bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi: Bình thường và bất bình thường”, “tài không đợi tuổi”, là một vài tựa đề những bài báo trên báo chí chính thống tuần qua nói về trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam.
Đây là trường hợp không phổ biến trên báo chí chính thống tại Việt Nam khi các báo và trang tin online đồng loạt đưa tin, chỉ trích việc bổ nhiệm một người là con của nguyên Bí thư tỉnh ủy.
Báo Tiền Phong trích lời của một cán bộ nhà nước đang làm việc tại tỉnh Quảng Nam cho biết người dân và nhiều cán bộ chưa biết được những dấu ấn, thành tích, cống hiến của ông Bảo. Báo này còn trích lời cán bộ này cho biết người dân chỉ biết ông Bảo là con trai của Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam mà thôi.
Có lẽ họ kích báo chí để làm một phong trào gì đấy vì báo chí ở Việt Nam là công cụ của chính quyền và họ thường làm như vậy.
TS Nguyễn Quang A, Hà Nội
Báo pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tuần rồi cũng phỏng vấn ông Trần Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Nam về quy trình bổ nhiệm của ông Bảo xem có hợp lệ hay không.
Trang Infonet trích lời của ông Lê Văn Cuông, đại biểu quốc hội khóa 11 nói rằng ông chưa bao giờ thấy một giám đốc sở trẻ như vậy và ông thấy trường hợp này là không bình thường.
Bài viết dù không chỉ trích trực tiếp nhưng sử dụng nhiều câu chữ như ‘anh hùng xuất thiếu niên’ có chi lạ, hoặc đi du học các nước lấy cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng nhiều người, đâu phải chỉ mình anh, nhưng anh được chọn vì anh nổi trội về tài năng hơn nhiều người khác.
Nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng bị thất sủng chẳng hạn thì báo chí lại được huy động đồng loạt lên tiếng nói xấu bêu riếu. Đó là chuyện dễ hiểu ở Việt Nam. Còn nếu ông vẫn đương quyền thì toàn bộ báo chí này lại im thin thít.
TS Nguyễn Quang A, Hà Nội
Công cụ của chính quyền
Nói về hiện tượng này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Giám đốc viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) ở Hà Nội nhận định:
“Thực sự báo chí Việt Nam là nền báo chí không được khách quan cho lắm… nền báo chí này là do bản thân đảng cộng sản điều khiển hết. Trong cuộc đấu tranh có lúc nó thể hiện…. có những trường hợp báo chí im có trường hợp báo chí đồng loạt lên tiếng, biểu hiện người lãnh đạo báo chí là thất thường. Thuộc phe cánh của họ thì họ im đi còn những khi khác thì họ đẩy lên.
Trong trường hợp cụ thể con của ông nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam, có lẽ họ kích báo chí để làm một phong trào gì đấy vì báo chí ở Việt Nam là công cụ của chính quyền và họ thường làm như vậy, rất đáng tiếc như vậy và nhiều khi không được khách quan.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói đến trường hợp của hai con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mới được bổ nhiệm các chức danh quan trọng cách đây không lâu:
“Nếu giả sử như ông Nguyễn Tấn Dũng bị thất sủng chẳng hạn thì báo chí lại được huy động đồng loạt lên tiếng nói xấu bêu riếu. Đó là chuyện dễ hiểu ở Việt Nam. Còn nếu ông vẫn đương quyền thì toàn bộ báo chí này lại im thin thít”.
Con trai Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Thanh Nghị đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào năm 2011 khi mới 35 tuổi. Ông Nghị được coi là thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam tính cho đến lúc được bổ nhiệm. Ông cũng là một trong hai ủy viên dự khuyết trung ương Đảng trẻ nhất được bầu tại đại hội đảng 11. Năm 2014, ông Nghị được Bộ Chính trị luân chuyển về tỉnh Kiên Giang làm phó bí thư Tỉnh Ủy.
Năm ngoái, con út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Minh Triết cũng được đưa vào ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khi mới 24 tuổi và là thành viên trẻ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định.
Nó là chuyện không tốt không xấu vì nó chỉ là biểu hiện bề ngoài của chuyện tranh giành quyền lực thôi.
Blogger Nguyễn Lân Thắng, Hà Nội
Tranh giành quyền lực trong Đảng?
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc báo chí chính thống đưa tin mổ xẻ vụ bổ nhiệm của ông Bảo trong thời gian này mặt khác cũng cho thấy sự tranh giành nội bộ Đảng không còn bị che giấu để thể hiện sự thống nhất trong đảng. Tuy nhiên sự tranh giành thể hiện trên mặt báo lại hoàn toàn bị méo mó do thiên vị.
Blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội thì cho rằng việc báo chí nhà nước đưa tin chỉ trích về trường hợp ông Bảo mới đây không thể coi là chuyện tốt và cũng không hẳn là xấu:
“Nó là chuyện không tốt không xấu vì nó chỉ là biểu hiện bề ngoài của chuyện tranh giành quyền lực thôi. Chuyện tranh giành quyền lực thì cũng là những người cộng sản với nhau chứ ở Việt Nam không có đa đảng, không có đảng phái chính trị nào có thể tham gia chính trường. Cho nên chuyện này không thể tốt hơn được mà xấu đi thì cũng chưa thể nói được.”
Đại hội đảng toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam sắp diễn ra vào năm tới với những bổ nhiệm chức vụ quang trọng trong đảng. Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, trong bối cảnh đại hội đảng, việc người này người kia dùng kênh báo chí để bơm thổi, đưa tin một cách chủ đích về người này người kia là điều không có gì lạ.
Tuy nhiên với việc bổ nhiệm của ông Lê Phước Hoài Bảo và việc rầm rộ đưa tin bài của báo chí chính thống, mặt khác cũng khiến mạng xã hội tại Việt Nam vào cuộc để đưa tin, phân tích các khía cạnh của vấn đề.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều này cũng góp phần nào làm cho tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của những người đương chức được cải thiện phần nào
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét