Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Đất nước của những đường cong

Vừa trải qua cuộc hành trình ba ngàn cây số, và hai đêm gần như thức trắng lái xe chở mấy ông bạn từ Việt Nam cỡi ngựa xem hoa, dọc mấy nước Tây Âu. Sáng nay, vẫn còn tơ lơ mơ gà gật, chợt có tiếng luận đàm từ trên kênh VTV4 làm tôi tỉnh hẳn. Một ông nhà đài dẫn kịch và ba ông tai to mặt lớn trong ngành nông nghiệp đang diễn, tụng ca công cuộc đổi mới. Từ hợp tác xã đói nghèo, Đảng, chính phủ đã sáng tạo ra khoán mười, và tư nhân hóa đồng ruộng đi đến cường thịnh, là nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ ba trên thế giới…

Giời đất ạ! Có lẽ Đảng, chính phủ và mấy ông tuyên truyền coi chín mươi triệu người dân đất Việt trong và ngoài nước là con nít chăng?

Phải nói thẳng, từ đứa trẻ thò lò lỗ mũi đến các cụ sắp trở về với đất, ai cũng thừa biết, mở cửa, đổi mới sáng tạo của Đảng là trở về cái cội nguồn, cái chính sách kinh tế, qui luật đúng đắn từ ngàn năm qua của cha ông ta. Tức là Đảng đang đổi về cái quan hệ sản xuất cũ. Cái mà Đảng đã tự tay bóp chết bằng cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, sau khi cướp được chính quyền.

Thật vậy! Đây là sự che đậy cái dốt nát, lưu manh một cách trắng trợn và bỉ ổi nhất, kể từ ngày lập quốc đến nay. Và sự lưu manh hóa truyền hình (sống bằng tiền của dân), để đánh bóng, phục vụ cho một cá nhân, hay tập đoàn là cái tận cùng của bẩn thỉu, trơ trẽn.

Không những thế, dây thần kinh mắc cỡ, xấu hổ của lãnh đạo và giới truyền thông cũng đã hoàn toàn bị đứt bỏ. Và tuy không phải ngày nói phét tháng tư, mà là ngày đàn ông tháng năm ở Đức, trong lúc nhậu nhoẹt, ông bạn giáo viên trường Đảng cao cấp đã bị tuột xích, rất chăm chỉ đọc báo trong nước còn thông báo rất hùng hồn: Sau Thái Lan, là một số nước Tây, Bắc Âu trong đó có Đức sang Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm về trật tự an toàn giao thông và phòng chống tham nhũng đấy. Các ông đã thất kinh chưa? Làm mấy ông ngồi cạnh nhao lên, hỏi tới tấp: Ông lấy thông tin ở đâu? Hay lại từ trang Webseite của công ty rác rưởi, vệ sinh (Reinigungsfima) bình bầu cho đồng chí Ba Ếch, Tư Nhái dạo năm ngoái?

-Đây là tin thứ thiệt từ trong nước, đã qua kiểm chứng, kiểm duyệt của anh Huynh (Đinh Thế Huynh), tổng biên tập của 700 tờ báo. Chắc như bắp.

Có lẽ, trong cái xã hội à uôm, lộn nhộn này, không chỉ có giới lãnh đạo, truyền thông mà dường như cả giới trí thức văn nghệ sĩ cũng mắc chứng tụng ca hão huyền này. Tuy rất yêu mến tài năng của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Qúy, nhưng hôm rồi đọc lời tụng ca nhà thơ Trần Đăng Khoa của ông, làm tôi nhột hết cả người:

“TRẦN ĐĂNG KHOA GIỎI THẬT!

Năm 1969, thần đồng thi ca Việt,Trần Đăng Khoa viết bài thơ ”Kể cho bé nghe” có mấy câu sau cùng thế này:

Người em yêu thương
Là chú bộ đội
Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ...

Thời ấy, tôi còn bé, nhưng rất thuộc bài thơ này, đến bây giờ còn nhớ mồn một như thế.
Bây giờ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bỏ mấy câu trên và thay nó bằng những câu như sau:

Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích choè
Hay múa xập xoè
Là cô chim trĩ… 

GIỎI THẬT! TRẦN ĐĂNG KHOA GIỎI THẬT! THỜI NÀO CŨNG GIỎI!“
(Trần Đăng Khoa giỏi thật- Nguyễn Hữu Qúy)

Không ai có thể phủ nhận, nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay từ thuở thiếu thời cho đến nay có khá nhiều bài thơ và những câu thơ hay. Và tôi cũng là một trong những người đọc yêu mến ông. Nhưng với những câu vần vè thì, là, mà của cả hai đoạn thơ trên của Trần Đăng Khoa, quả thật chưa phải là thơ, và không có giá trị nghệ thuật gì ở đây. Những câu dạng vần vè, nặng tính nhồi sọ, tuyên truyền ngay từ tuổi ấu thơ như thế này, ta có thể nghe (bắt gặp) rât nhiều, từ những đứa trẻ trên lưng trâu thuở ấy, hay từ những ông phó cối trong giờ giải lao vui đùa.

Đã lâu rồi, tôi có đọc nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bốc thơm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nói tiếng Anh nghe như người Mỹ, trong một lần cùng dắt tay nhau đến xứ sở này. Không biết đây là câu khen đểu, hay khen thật của bác Khoa. Đã du học ở Tây, chắc bác Khoa cũng thừa biết, tiếng Việt ta đơn âm, tiếng Tây âm kép do vậy, chỉ có các cháu sinh đẻ, hoặc từ nhỏ học ở Tây mới phát âm được như Tây. Còn dạng sang Cu Ba học tiếng Tây như bác Thiều, hoặc nửa nạc nửa mỡ như chúng tôi dù có sống mấy chục năm ở Tây, cũng chỉ là giọng Tây giả cày, rau muống mà thôi.

Có thể, mấy bài (vần) vè chúc mừng năm mới: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…“ vì của lãnh tụ (Hồ Chủ Tịch), nên các bác bốc lên là thơ, còn là thơ tuyệt tác nữa. Rồi xúm vào tụng ca thật lực, bắt học sinh học và phân tích qua rất nhiều thế hệ…Điều này, dân chúng và người đọc còn có thể hiểu được. Chứ không rõ, các bác nhà thơ, nhà văn ở trong nước cứ lòng vòng bốc thơm nhau, nhằm mục đích quái quỷ gì?

Nhìn vào cơ cấu tổ chức chính trị, văn nghệ tuyên truyền phình ra như hiện nay, ta có thể thấy, quân đội Việt Nam quá cồng kềnh, không có sức mạnh chiến đấu, và chẳng giống ai. Bởi, chẳng có nước tân tiến nào quân đội lại đẻ ra cả một trường đại học sân khấu nghệ thuật và các đoàn ca kịch, hội nhà văn, tuyên truyền từ trên xuống từng đơn vị, cơ sở. Vì phải nuôi quá nhiều các văn nhân, nghệ sỹ, báo chí tuyên truyền ương ương dở dở, tào lao chi khươn. Và bác nào bác nấy cứ đến hẹn lại lên, nhiều sao lắm gạch, tiền dân chịu sao cho thấu. Gánh nặng này, là một trong những nguyên nhân làm cho quân đội ì ạch, yếu đuối cũng là phải.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có giới trí thức thật sự. Bởi trí thức, nghệ sỹ văn nhân ngoài kiến thức, tài năng còn phải có nhân cách, chí khí, luôn luôn đối đầu, phản biện với chính quyền, xã hội đương thời. Dù xã hội có dân chủ, tự do, đời sống xã hội cao như các nước Âu- Mỹ cũng vẫn phải cần những tri thức, chí khí ấy, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Nhưng cũng có những biện hộ, Trí thức Việt Nam đói quá buộc phải thúc thủ theo chính quyền là lẽ đương nhiên. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Chúng ta có thể thấy, “đại trí thức“ như Ngô Bảo Châu không hề bị đói khát, bởi lương Giáo sư ở Mỹ của ông rất cao. Thế mà ông vẫn bị (hay được) chặn họng bằng căn nhà giá trị nhiều triệu Dollars. Do vậy, ông bị nghẹn, nên lúc nào cũng ú a ú ớ như mắc rọ, trước đời sống, xã hội khổ đau của người dân quê ông.

Tuy nhiên, ngoái nhìn lại lịch sử ta thấy, không riêng gì Ngô Bảo Châu, phục vụ (tụng ca) chế độ (nếu coi là) chính thống, để ôm chặt quyền lợi, dường như đó là đặc điểm chung của sĩ phu, trí thức Việt (?). Và chính lòng tham, cũng như nhân cách ấy đã giết dần tri thức của họ.

Sau tết vừa rồi, tôi ngồi lai rai bia rượu với nhà văn Nguyễn Hoàng Đức trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dù yêu cầu nhà hàng đóng hết các cửa sổ, nhưng vẫn nghe tiếng cưa cây ầm ầm ngoài đường. Tôi hỏi, sao lại chặt cây đồng loạt như vậy, Nguyễn Hoàng Đức cười buồn, hết nạc vạc đến xương thôi, chúng đã đến lúc ăn quẩn rồi. Vậy là Hà Nội đã trở thành thành phố trọc đầu, dưới bàn tay của những kẻ trí thức giả, tiến sỹ đểu đang nắm quyền.

Trong cái trầm ngâm u buồn đó, chợt hiện ra trước mặt, đường tàu điện trên cao cong keo đang dở dang xây dựng, như mũi tên gẫy găm vào lòng người. Và không biết bao nhiêu những đồng tiền dơ bẩn cùng với bàn tay nham hiểm, đê tiện của ngoại bang đang luẩn quất đâu đó.

Và phía sau nơi tôi ngồi, đường Trường Chinh (Tàu Bay) đã bị bẻ cong, trở thành đường “cong mềm mại“ một mỹ từ che đậy của lũ đội lốt trí thức, sâu mọt quan tham, để nghiền nát nhiều nghìn tỉ đồng của nhân dân, đất nước. Thật vậy, nếu một đất nước giới trí thức đã bán linh hồn cho quỷ, hay đang tự ru mình, ru người bởi những danh vọng, hoặc vật chất tầm thường, thì chế độ xã hội đó đã đến ngày tàn lụi.

Đây không phải là bài văn nghị luận, mà chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối lộn xộn, được ghi lại trong cuộc hành trình du ngoạn Tây Âu cùng hai ông bạn thuở hoa niên. Hai thằng này, đều là Đảng viên cấp cao, nhưng nói như đại tá Bùi Văn Bồng: “Tuy là Đảng viên, nhưng hai thằng này vẫn còn chơi được“.

Và những câu chuyện vặt này, đã được khép lại, bởi câu hỏi của tôi trước khi hai ông bạn lên máy bay trở về Việt Nam: Hai thằng mày đều là cán bộ cấp cao, sang chơi với thằng bạn đã từng bị an ninh Việt Nam trục xuất về Đức vì can tội viết văn, không sợ bị liên lụy, hay bị đấng ngồi trên cho đi tàu suốt sao?

Cả hai thằng cười khầng khậc: Yên tâm đi, đất nước đang lộn tùng phèo, không biết thằng bé sợ thằng to, hay thằng ngồi trên sợ thằng ngồi dưới. Thằng nào cũng có cái Thóp để bóp cả. Đường cong nhìn thấy, chưa hẳn là cái đáng sợ. Đường cong trong lòng người mới là cái kinh tởm hơn.

Vâng! Và đất nước tôi cứ nằm trong vòng cong kinh tởm như vậy.

Leipzig ngày 17-9-2015

© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: