Cảnh sát canh gác trong lúc tù nhân chờ được phóng thích khỏi nhà tù Hoàng Tiến, khoảng 100 km từ Hà Nội. |
Không thả!
Rốt cuộc, đã không có bất kỳ tù nhân chính trị nào được phóng thích trong dịp đặc xá 2/9 năm 2015 được coi là “hoành tráng” nhất từ trước tới nay. Không những không thả, một đoàn công dân dắt díu nhau đi thăm tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật - người vừa mãn án 4 năm tù vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia” - đã bị một nhóm đông đảo côn đồ tấn công và hành hung dã man trên cao nguyên Lâm Đồng - địa danh có mặt bằng văn hóa thuộc loại “cao nhất nước”, còn những nạn nhân bị đánh lại quá nghi ngờ về bàn tay của công an địa phương nhúng vào đợt trấn áp này.
“Biện pháp nghiệp vụ côn đồ” mà chính quyền và ngành công an bật đèn xanh Việt Nam từ năm 2013 đến nay, trong khi không dám bắt bớ tràn lan và quy tội bất kể như trong dĩ vãng đen nhẻm đối với giới bất đồng chính kiến, đã rầm rập nổi tiếng đến mức hầu hết các tổ chức nhân quyền quốc tế và giới ngoại giao Hoa Kỳ lẫn Tây Âu đều “rành sáu câu”. Một nhà ngoại giao phương Tây mới đây còn thổ lộ riêng rằng ông biết chắc tư gia của ông ở Hà Nội bị an ninh xâm nhập, bởi thế ông rất cảm thông với những người bị côn đồ đánh đập và do vậy ông chia sẻ nhiều hơn hẳn đến tình hình tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Nhưng vài năm gần đây, trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức cho tù nhân chính trị không chỉ là mối lưu tâm của giới đấu tranh nhân quyền trong nước và quốc tế, mà đã lan sang cả giới cán bộ hưu trí và cách mạng lão thành. Mới đây, một nữ cán bộ được ghi nhận là “có công với cách mạng” đã viết thẳng trên trang Việt Nam Thời Báo của Hội nhà báo độc lập Việt Nam:
“Cần trong dịp ngày 2/9 này một động thái ‘bứt phá’ như Myanmar, như Cuba; nhà nước hãy trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm cùng một lúc không cần lưỡng lự! Họ là những nhà bất đồng chính kiến muốn đất nước sớm cải tiến hướng đến nền dân chủ, tự do thực sự. Họ là những người con dũng cảm và hiểu biết, chống hành động xâm lược Trung Quốc. Họ là những người chọn con đường dấn thân cho nền báo chí tự do có ích cho sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Họ là những người dân oan bất hạnh, bị mất đất mất nhà, mất tài sản đi tìm công lý khi vẫn còn chút niềm tin ít ỏi... Họ cũng là những người tham gia biểu tình chống phá hủy môi trường hay công nhân đình công vì quyền lợi thiết thực của bản thân và con cái. Họ có tội tình gì?
“Chẳng cần những cuộc mít tinh ‘chỉ đạo’ huy động số người thật lớn (tốn thêm lực lượng bảo vệ vì cảnh giác...), chẳng cần những bài diễn văn tràng giang đại hải hoa mỹ nói về những ngọn lửa cách mạng đã bị thực tế cuộc sống hiện tại dập tắt, hô những khẩu hiệu lặp đi lặp lại vô hồn chưa biến thành hiện thực; chẳng cần nhiều cờ quạt, áp phích đầy đường! Hãy thử trả tự do cho con người, hãy thành tâm thực thi nhân quyền dân chủ không phải chỉ để đối phó nhằm TPP! Đất nước sẽ chứng kiến ngay nỗi xúc động khó tả tự trong sâu thẳm mỗi người dân bừng lên đẹp sáng và hoan hỉ hơn bất kỳ đợt pháo hoa tốn kém nhất nào trong thời gian gần đây ở Hà Nội, tp HCM, Đà Nẵng hay bất cứ nơi nào!”.
Thế nhưng Nhà nước Việt Nam lại cứ muốn diễn biến ngược lại. Không những không “thử”, giới cầm quyền thích thách đố dân đen còn tuyên bố thẳng thừng về chuyện sẽ “không có người nào phạm tội về an ninh quốc gia” trong quyết định đặc xá 18.298 tù nhân dịp lễ 2/9 năm nay.
Tuyên bố trên đã bác bỏ mọi lời “trấn an” của các ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng đối với giới chức Hoa Kỳ về việc “Việt Nam sẽ luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người” trong những chuyến công du xúng xính complet đến Washington vào tháng Ba và tháng Bảy năm 2015. Vài bản danh sách yêu cầu thả tù chính trị mà người Mỹ trân trọng trao cho tướng Quang hóa ra đã trở thành công cốc. Thậm chí những hứa hẹn nào đó của TBT Trọng trước và trong “chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ” đã không thể khiến Bộ Công an Việt Nam động lòng với hàng trăm con người đấu tranh ôn hòa nhưng đang phải nằm bẹp sau chấn song nhà tù vì bị quy tội “lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Thậm chí, nữ tù nhân chính trị Tạ Phong Tần của Câu lạc bộ nhà báo tự do - người có bà mẹ phẫn uất phải tự thiêu đến chết và được chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng can thiệp để đòi trả tự do - vẫn phải kéo lê tình trạng kiệt sức sau cánh cổng hoen gỉ của nhà tù.
Cuối cùng, điều gì đã xảy ra?
Thỏa mãn tạm thời
Tại cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà Nội vào tháng 5 năm nay, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã bất chợt dịu giọng hẳn so với nỗi phẫn nộ không giấu diếm về “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt thêm một chục người khác” mà ông thốt lên sau cuộc đàm phán nhân quyền với Hà Nội vào tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm ngoái lại chưa hiện ra nhu cầu tương tác mật thiết về quốc phòng Biển Đông giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chỉ đến đầu năm nay khi giàn khoan HD 981 của Trung Quốc lại lấp ló ở Biển Đông và lần đầu tiên một bộ trưởng công an Việt Nam chịu công du Mỹ, mối tương tác về quân sự giữa hai nước mới được đặt lên tiêu điểm, thậm chí còn có thể vượt hơn cả nhu cầu về TPP của Việt Nam.
Thế nhưng cũng từ đầu năm nay và cùng với quá trình “tích cực chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng”, có vẻ như vấn đề nhân quyền được chính phủ Mỹ bẻ lái một cách thận trọng hơn.
Tình hình đó diễn ra trong bối cảnh mà Hà Nội và Washington dường như phần nào thỏa mãn về tư thế “giao lưu hải quân” tại Đà Nẵng mật thiết hơn so với hai năm trước và hơn hẳn so với năm 2007 - thời điểm mới chỉ diễn ra những cuộc thăm viếng mang tính ngoại giao Việt - Mỹ và Hà Nội vẫn còn quá mặn mà với Bắc Kinh.
Gần như đã rõ, Washington đã chỉ đặt ra điều kiện trả tự do cho tù nhân chính trị một cách kém quyết liệt, trước và trong chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí kết quả cuộc công du của John Kerry đến Hà Nội vào đầu tháng 8/2015 cũng chẳng khiến tăng tiến hơn bao nhiêu cho hiệu quả chính sách bảo vệ nhân quyền của Mỹ.
Lẽ dĩ nhiên, thái độ thỏa mãn tình thế về Biển Đông và cử chỉ bị xem là mềm mỏng hơi thái quá của Hoa Kỳ đã dẫn đến hệ quả ngày hôm nay: Hà Nội nhận ra chưa cần thiết phải thả tù chính trị, nhất là khi kết quả đàm phán TPP vẫn còn khá trừu tượng.
Khi nào?
Khi dịp đặc xá lớn nhất 2/9 đã biệt tích hy vọng cho tù nhân lương tâm, người ta chỉ còn nén bớt thất vọng để trông mong quá trình đàm phán TPP sẽ được kết thúc vào một thời điểm không xa, khi mà đến lượt Quốc hội Mỹ với 2/3 thúc đẩy nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam sẽ ra điều kiện tối thượng để chính quyền Việt Nam bắt buộc phải thả người…, nếu muốn vào TPP.
Tương lai TPP cũng đồng nghĩa với ý đồ “để dành” tù nhân chính trị cho giai đoạn chính quyền Việt Nam phải đối mặt với không phải chính phủ Mỹ mà là Lưỡng viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những tin tức gần nhất lại cho thấy TPP khó lòng được kết thúc đàm phán trong năm 2015, tức thời gian để kết thúc cuộc tranh cãi về TPP và trình lên Quốc hội Hoa Kỳ có thể phải leo sang năm 2016. Mà vào 2016, ở Việt Nam sẽ chuyển sang thời kỳ “hậu đại hội 12”. Nếu vào thời kỳ đó, trong danh sách Bộ Chính trị Việt Nam xuất hiện một số khuôn mặt được tô điểm “kỹ trị” hơn thì cùng với đà hoàn thành TPP, mới có thể hy vọng sẽ bắt đầu một tiến trình thả dần và thả nhiều tù nhân chính trị.
Còn trước mắt, ngay sau khi phía Việt Nam không chịu thả tù chính trị vào dịp 2/9, hai dự luật Nhân quyền Việt Nam và Chế tài nhân quyền Việt Nam một lần nữa được giới nghị sĩ Mỹ đưa ra trước Quốc hội. Giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã tự làm khó chính họ.
Còn nhớ vào đầu tháng 8/2015, giới ngoại giao và báo chí nhà nước Việt Nam hoan hỉ thông báo “đã hoàn thành thỏa thuận FTA với Liên minh châu Âu” và có vẻ muốn hân hoan mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên ngay sau đó, những hãng tin chân xác của phương Tây đã “cải chính” rằng thực ra thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chỉ là “trên nguyên tắc”. Việc tìm hiểu nguyên do mà thỏa thuận này chưa thể đi vào chi tiết cụ thể đã phát hiện: một trong những nguyên nhân chính thuộc về các điều kiện nhân quyền. Cũng như Mỹ, phía EU đã liên tục nêu đòi hỏi này với Việt Nam, nhưng chỉ được hồi âm bằng những cái gục gặc mù mờ vô thức.
Phạm Chí Dũng
(VOA Blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét