Thủ tướng Trung Quốc và một phó thủ tướng Việt Nam vừa cùng “cam kết” sẽ “gia tăng hợp tác hàng hải” nhằm “duy trì sự ổn định trên biển” và “giao lưu văn hóa” nhằm “thúc đẩy lòng tin.”
Một phó thủ tướng Việt Nam (trái) và thủ tướng Trung Quốc (phải) lại vừa
“cam kết” với nhau về việc “gia tăng hợp tác giữa hai bên.”
Dường như ông Lý Khắc Cường - thủ tướng Trung Quốc và ông Nguyễn Xuân Phúc - phó thủ tướng Việt Nam, cùng không thấy, không nghe và không biết gì về thực tế.
Ông Phúc đến thăm Trung Quốc ba ngày từ 15 đến 17 tháng 9. Ngay vào lúc ông Cường “ca ngợi mối quan hệ Trung-Việt,” còn ông Phúc nhấn mạnh, mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam” thì ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tái khẳng định với các viên chức ngoại giao của nhiều quốc gia đang thường trú tại Bắc Kinh rằng, quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ của Trung Quốc.”
Cùng thời điểm này, Tân Hoa Xã cáo buộc, sở dĩ tình hình biển Đông trở thành căng thẳng là vì, vào thập niên 1970, Philippines và Việt Nam đã xâm lấn, chiếm đóng nhiều đảo, bãi đá ngầm tại biển Đông. Trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc chỉ là... nạn nhân. Hãng thông tấn của chính quyền Trung Quốc, khuyến cáo Hoa Kỳ rằng, biển Đông không phải là chuyện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và không nên để biển Đông chi phối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, Việt Nam hiểu một cách tường tận cả về tham vọng của Trung Quốc lẫn những hiểm họa tiềm ẩn từ tham vọng đó. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam tìm mọi cách để xây dựng và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Úc, Philippines,...
Tuy nhiên trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam chọn lối ứng xử theo kiểu “đi nhẹ, nói khẽ” và luôn làm như “không nghe, không thấy, không biết!”
Cũng có tranh chấp về chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam nhưng Philipipines hành xử khác.
Có thể vì Philippines không có Đảng Cộng Sản lãnh đạo, không có “sự tương đồng về ý thức hệ” với Trung Quốc như Việt Nam nên trong vòng chưa đầy hai tháng, Philippines vỗ mặt Trung Quốc ít nhất ba lần.
Lần gần nhất là thượng tuần tháng này, ngay sau khi ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, khẳng định tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai, rằng Trung Quốc quyết tâm theo đuổi con đường duy trì hòa bình ở biển Đông và chưa bao giờ có ý tưởng “bá quyền,” Philippines khuyên rằng, thay vì tiếp tục đưa ra những tuyên bố dối trá về thiện ý mưu tìm hòa bình ở biển Đông, Trung Quốc nên thực hiện ngay một số “hành động cụ thể” để không gây thêm bất ổn. Những “hành động cụ thể” mà Philippines đề nghị Trung Quốc nên thực hiện ngay là ngưng xây dựng tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp, không gây bất kỳ trở ngại nào cho lưu thông hàng không và hàng hải ở biển Đông.
Theo Philipines, nếu thật lòng muốn gìn giữ hòa bình, Trung Quốc nên thôi hung hăng, trước khi những hành động hung hăng đó gây ra những tổn hại lớn hơn và không thể khắc phục được đối với cả khu vực lẫn cộng đồng quốc tế.
Trước nữa, vào trung tuần tháng 8, sau khi ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định, hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại biển Đông chỉ nhằm thiết lập những cơ sở hỗ trợ tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm và ứng phó khi có thảm họa, thiên tai, Philippines đề nghị cộng đồng quốc tế suy nghĩ xem tại sao Trung Quốc lại xây dựng các cơ sở hỗ trợ tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm và ứng phó khi có thảm họa, thiên tai tại những khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền (?).
Philippines nhận định, những tuyên bố của Trung Quốc về việc xây dựng các cơ sở hỗ trợ tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm và ứng phó khi có thảm họa, thiên tai chỉ nhằm che đậy dã tâm của Trung Quốc đối với biển Đông. Cũng vì vậy, nếu tiếp tục để Trung Quốc dựng radar, làm phi đạo, lập quân cảng... thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng về an ninh, quốc phòng trong khu vực.
Xa hơn một chút, vào thượng tuần tháng 8, ngay sau khi ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố ở Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 48, diễn ra tại Malaysia rằng, Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, Philippines lập tức cảnh báo, Trung Quốc đang lừa gạt cộng đồng quốc tế!
Sở dĩ Trung Quốc ngưng bồi đắp đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là vì kế hoạch bồi đắp đã hoàn tất. Ông Jose nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện ý đồ thiết lập một chuỗi căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa nhằm độc chiếm toàn bộ biển Đông. (G.Đ)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét