Quân đội Đài Loan tập trận ngày 04/07/2015.REUTERS |
RFI xin giới thiệu :
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan giải thích vì sao và bằng cách nào quân đội Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan.
Hôm qua (02/09/2015), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã trình lên Quốc hội bản báo cáo 2015 về bộ máy quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo đã đưa ra nhiều kịch bản mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể xâm chiếm Đài Loan và giải thích chiến lược tấn công mà Bắc Kinh có thể tiến hành.
Theo bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh lo ngại cuộc bầu cử Tổng thống tại Đài Loan năm 2016. Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen), ứng viên của đảng đối lập Dân Tiến (DPP) hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và Bắc Kinh có những kỷ niệm không hay ho gì đối với vị Tổng thống trước đây thuộc đảng Dân Tiến, ông Trần Thủy Biển. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng các cuộc tập trận gần đây của quân đội Trung Quốc dường như được tiến hành với giả định một cuộc tấn công Đài Bắc, thủ đô Đài Loan và động thái này là hậu quả trực tiếp của những lo lắng của Bắc Kinh.
Bản báo cáo viết, Bắc Kinh có thể quyết định xâm chiếm Đài Loan trong một số trường hợp :
- nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hoặc có một số biện pháp hướng tới một nền độc lập đương nhiên (theo luật pháp);
- nếu Đài Loan có vũ khí nguyên tử ;
- nếu quân đội nước ngoài được triển khai trên lãnh thổ Đài Loan ;
- nếu xẩy ra rối loạn nghiêm trọng hoặc hỗn loạn nội bộ tại Đài Loan ;
- nếu thế lực ngoại quốc can thiệp vào công việc của Đài Loan ;
- hoặc nếu Đài Loan trì hoãn các cuộc đàm phán về khả năng thống nhất đất nước.
Năm 2005, lo ngại về khả năng Đài Loan có động thái tiến tới độc lập, dưới thời Tổng thống Trần Thủy Biển, vào lúc đó, Bắc Kinh đã thông qua « Luật chống ly khai » nêu rõ là Bắc Kinh sẽ sử dụng «các phương tiện phi hòa bình » nếu như Trung Quốc cho rằng Đài Loan đang tiến tới độc lập. Luật này cũng cho phép sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan nếu « hoàn toàn không còn có các khả năng thực hiện tái thống nhất hòa bình ». Chính điểm cuối cùng này làm luôn làm cho các lãnh đạo Đài Loan lo ngại – đó là khả năng Bắc Kinh có thể ra lệnh xâm chiếm chỉ vì họ nghĩ rằng các cuộc đàm phán về thống nhất đất nước không đi đến đâu cả.
Về việc Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan như thế nào, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng quân đội Trung Quốc rất có thể kết hợp sử dụng giữa đe dọa quân sự và phong tỏa Đài Loan để hăm dọa hòn đảo này. Rồi Bắc Kinh sẽ chuyển sang sử dụng tên lửa bắn vào các trung tâm quân sự, chính trị của Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đệ nhị Binh đoàn Pháo binh quân đội Trung Quốc hiện có 1500 tên lửa được triển khai chống lại Đài Loan. Sau các cuộc tấn công bằng tên lửa, quân đội Trung Quốc có thể huy động cả không quân và các xe lội nước để thực hiện xâm cuộc xâm lăng.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các khoảng cách chênh lệch to lớn giữa ngân sách quân sự của Đài Loan và ngân sách quân sự của Trung Quốc (năm ngoái, lại tăng thêm 10% nữa) đã làm nghiêng cán cân quân sự về phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, bản báo cáo nhấn mạnh là quân đội Đài Loan được chuẩn bị để bảo vệ chống lại nguy cơ một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc. Tuần tới, Đài Loan sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự thường niên Han Kuan, bao gồm một cuộc luyện tập mới với giả định bảo vệ Đài Bắc. Cuộc tập trận mới này mang tên « Phản công chặt đầu » - trong khi đó, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc với giả định tấn công Khu Văn phòng Tổng thống Đài Loan mang tên « Chiến dịch chặt đầu ».
Ngoài nguy cơ quân đội Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đề cập đến các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm mục đích quân sự hóa các tiền đồn này. Báo cáo còn dự báo Trung Quốc sẽ lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Theo tài liệu này, các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã làm thay đổi sự năng động chiến lược trong vùng có tranh chấp.
Đài Loan chia sẻ các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng lo lắng theo dõi các căng thẳng gia tăng trong khu vực. Hồi tháng Năm, Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-Jeou) đã đưa ra Sáng kiến Hòa bình cho Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên tranh chấp hãy tạm gác bất đồng sang một bên và tìm kiếm khả năng cùng khai thác các nguồn tài nguyên. Đồng thời, sáng kiến cũng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) và xây dựng một bộ luật ứng xử để làm giảm các căng thẳng./Đức Tâm (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét