Pages

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Hạn chế “quyền của dân”?


Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh mới đây đã đề xuất ý tưởng “nhạy cảm” về quản lý giao thông. Đó là trong tuần trừ ngày chủ nhật, các ngày khác chỉ cho phép xe ô tô cá nhân mang biển số kiểm soát chẵn đi vào trung tâm thành phố vào ngày chẵn, xe mang biển số lẻ đi vào ngày lẻ. Cho dù tình trạng ùn tắc giao thông trên đường phố vẫn nan giải và ngày càng trầm trọng thì giải pháp cấm xe ô tô sở hữu tư nhân lưu thông như vậy vẫn đồng nghĩa với việc hạn chế quyền đi lại chính đáng của dân bằng biện pháp thiếu cơ sở pháp lý và điều kiện thực tiễn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân được quyền sử dụng các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình, miễn là không vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, cơ quan chức năng muốn xử phạt, cấm đoán phương tiện tham gia giao thông chỉ căn cứ vào biển số kiểm soát xe chẵn hay lẻ thì cần phải có các quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt, lực lượng xử phạt... phù hợp luật pháp. Nghĩa là, nếu muốn thực hiện lệnh cấm lưu thông xe ô tô bằng cách thức nói trên, cơ quan quyền lực Nhà nước phải đủ thẩm quyền sửa luật và rất nhiều văn bản dưới luật liên quan cũng phải thay đổi một cách có hệ thống chặt chẽ. Những đòi hỏi ấy quả vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Hồ Chí Minh hay bất kỳ tỉnh thành nào khác. Còn nhớ cách đây chưa lâu, TP.Hà Nội cũng từng có ý định hạn chế xe gắn máy tương tự như “ý tưởng” vừa mới được công bố tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng ý định đó cũng liền vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận xã hội và các nhà chuyên môn, bởi nguy cơ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của dân bị công nhiên vi phạm.

Thực tế các đô thị phát triển trên thế giới hầu như đều không cấm sử dụng ô tô theo khu vực hoặc theo ngày, mà chỉ kiểm soát và gián tiếp cung cấp những điều kiện khách quan khác để hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân. Người tham gia giao thông sẽ tự giảm sử dụng xe ô tô cá nhân ở nhiều khu vực đô thị bằng việc tự nguyện lựa chọn các hình thức lưu thông khác thuận tiện hơn ở khu vực đó, như sử dụng xe buýt, metro, xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng được phát triển bằng chiến lược lâu dài, chuẩn bị sẵn sàng đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân trước khi nhà chức trách thực thi các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân.

Rõ ràng, nhu cầu đi lại của người dân phải được đáp ứng là đòi hỏi tất yếu không thể cản trở. Không ai có thể ngừng công việc hay tạm dừng việc đi lại theo kiểu “nay làm, mai nghỉ” chỉ vì lệ thuộc vào biển số xe chẵn hay lẻ. Do vậy, nếu như lệnh cấm được ban hành theo biển kiểm soát chẵn hay lẻ đối với xe ô tô cá nhân, thì rất có thể nhu cầu sở hữu xe ô tô cá nhân đối với những người có điều kiện sẽ gia tăng đột biến. Những người cần đi lại bằng xe ô tô cá nhân sẽ nỗ lực sở hữu cả hai loại xe mang biển kiểm soát chẵn và lẻ, kéo thêm biết bao rối ren phiền lụy về kinh tế - xã hội.

Việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cần một chiến lược, một quy hoạch đồng bộ lâu dài. Điều quan trọng là phải tổ chức hiệu quả hệ thống giao thông công cộng trước khi đề cập đến việc hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Một khi hệ thống hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh cùng với mạng lưới giao thông công cộng đô thị hoạt động hiệu quả thì chắc chắn người tham gia giao thông sẽ tự nguyện từ bỏ việc di chuyển bằng xe cá nhân mà không cần đến các giải pháp mệnh lệnh cấm đoán của cơ quan chức năng. Không thể liên tục “thí nghiệm” bằng những giải pháp tình thế, trong đó ẩn chứa không ít sự vi phạm nguyên tắc pháp quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Thạch Sơn

DaiDoanKet

Không có nhận xét nào: