Pages

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Bước kế tiếp sau vụ Giáo Dục & Đào Tạo tiếng Hoa tại VN…

Tác giả : Đỗ Đăng Liêu

Trong khi Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiên trì trong việc thẳng tay đàn áp, kết tội, bỏ tù hàng trăm nhà dân chủ như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cày,… vì họ dám lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Bắc thuộc lần thứ 5 đang diễn ra;
Trong khi Nhà Nước CSVN thẳng tay đàn áp, đánh đập, thậm chí đạp vào mặt người biểu tình, bắt cóc, bắt giam, bỏ tù những người yêu nước đã xuống đường hơn chục lần biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lấn biển đảo của Việt Nam như Nguyễn Chí Đức, Bùi Thị Minh Hằng,…;

Trong khi Nhà Nước CSVN hèn nhát làm ngơ trước thảm nạn của hàng ngàn ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Cộng xua đuổi không cho đánh bắt cá ngay trong hải phận của nước Việt và đánh đập, bắn giết họ,… để lại những goá phụ, trẻ thơ không cha trong hoàn cảnh vô cùng thảm thương;

Trong khi Nhà Nước CSVN tự bịt mắt và bỏ ngoài tai những báo động khẩn cấp của các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước về hiểm họa bùn đỏ đối với môi sinh của việc khai thác bôxít mà Nhà Nước CSVN đang giao cho các công ty Trung Cộng khai thác ở Tây Nguyên;
Trong khi Nhà Nước CSVN tiếp tục bỏ ngoài tai tất cả những báo động của các các tướng lãnh, các chuyên gia quân sự, kể cả tướng Võ Nguyên Giáp, về nguy cơ chiến lược khi để cho quân đội Trung Cộng trá hình đội lốt công nhân chiếm đóng và dùng Tây Nguyên làm bàn đạp cho tham vọng kiểm soát toàn vùng Đông Dương;
Trong khi Nhà Nước CSVN bỏ mặc những báo động của các chuyên gia môi sinh về nguy cơ đất lở, lũ lụt nghiêm trọng, và ô nhiễm nguồn nước gây nên do việc cho Trung Cộng thuê rừng dài hạn và phá rừng ở đầu nguồn;
Trong khi Nhà Nước CSVN thản nhiên bỏ mặc cho các sản phẩm Made in China đổ vào Việt Nam bằng mọi ngả, tràn ngập thị trường, phá nát kinh tế và gây ra muôn vàn những bệnh hoạn và khuyết tật cho người dân Việt;
Trong khi lòng người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đang uất nghẹn nhớ về những mốc điểm bi hùng trong quá khứ như ngày 19/1/1974 Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 17/2/1979 Trung Cộng xua quân tràn qua biên giới phía Bắc, ngày 14/3/1988 Trung Cộng đánh chiếm Trường Sa, đánh dấu sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng đối với Việt Nam và sự hy sinh của bao người con yêu của Tổ Quốc;
Trong khi 85 triệu người dân Việt phẫn uất của trước thái độ hèn với giặc — ác với dân của Đảng và Nhà Nước CSVN; 85 triệu trái tim sục sôi vạch mặt gọi thẳng những tàu lạ, nước lạ là “Trung Cộng” và cũng gọi thẳng 16 chữ vàng, 4 tốt là thuốc độc quậy đường;
Thì…
Nhà Nước CSVN bất thần thông báo tiếng Hoa sẽ được đem giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc.
Người ta không thể không sững sờ và đặt câu hỏi “tại sao” Nhà Nước CSVN tung ra việc dạy tiếng Hoa vào thời điểm này! Một quyết định cực kỳ “nhạy cảm” như vậy không thể xuất phát từ cái bộ phận cỏn con trong cả guồng máy là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, mà hẳn nhiên phải phát xuất từ bộ phận đầu não là Bộ Chính Trị Đảng CSVN.
Xét về mặt quyền lợi của dân tộc Việt Nam, không ai có thể tìm thấy một lời giải thích nào hợp lý cho quyết định này của lãnh đạo Đảng CSVN. Đã gần cả thế kỷ qua, với đà tiến hoá của Việt Nam và tình hình phát triển thế giới, việc học chữ Nho đã không còn là một nhu cầu của các thế hệ dân Việt. Rõ ràng học tiếng Hoa để làm gì khi đại đa số học sinh và sinh viên Việt Nam ùn ùn đi du học ở các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada…?
Xét về mặt duy trì một ngôn ngữ cho nhân loại thì đây lại càng là chuyện “lo bò trắng răng”. Khác với các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số miền núi tại Việt Nam, các loại tiếng Tàu đang được hàng tỉ người xử dụng. Loại tiếng Tàu ít người dùng nhất cũng vẫn đông hơn dân số cả nước Việt Nam.
Nếu bảo rằng mục tiêu là để bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam thì cũng rất khiên cưỡng. Sau mấy thập niên đảng CSVN liên tục tẩy sạch MỌI loại văn hóa, bất kỳ gốc rễ nào, để dành chỗ độc quyền cho “văn hóa con người mới XHCN”, thì còn gì để mà bảo tồn. Ngay cả văn hóa cổ truyền của cha ông Việt cũng từng bị liệt vào loại văn hóa tàn dư phong kiến và bị triệt để “tẩy sạch” thì nói chi đến văn hóa Tàu trên đất Việt! Còn nếu xem đây là các di tích lịch sử hiếm hoi còn sót lại thì việc bảo tồn lại càng thuộc về cấp đại học, hậu đại học chứ không phải của các em nhỏ tiểu học và trung học.
Và khi làn sóng phản đối của dân chúng lên quá cao, lãnh đạo đảng bèn cho Bộ GD&ĐT chữa cháy bằng tuyên bố rằng chương trình này chỉ áp dụng cho các trẻ em gốc Hoa và mục tiêu vẫn là để bảo tồn di sản văn hóa Tàu trên đất Việt. Tuy nhiên, sự vô lý trong cả 2 tuyên bố vẫn còn nguyên!
Nhìn vào chương trình học mà Bộ GD&ĐT công bố người ta thấy ngay họ sẽ dậy nói tiếng Quan Thoại (tức tiếng Hán hay còn gọi là tiếng Phổ Thông) và dậy cách viết ít nét (tức kiểu giản thể do nhà nước Trung Cộng chế biến). Trong khi đó, đại khối người Hoa từng sống tại Việt Nam đều nói tiếng Quảng Đông. Một thiểu số nói tiếng Phúc Kiến và tiếng Hẹ. Và tất cả đều dùng cách viết truyền thống nhiều nét (còn gọi là kiểu phồn thể).
Do đó, nhìn từ góc độ nào cũng vẫn thấy đối tượng của việc dạy tiếng Hoa là con em của thế hệ người Hoa mới tới Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể là tại các khu biệt lập của người Hoa trên khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam, từ Tây Nguyên đến trên 20 vùng cho thuê rừng dài hạn, đến ngay giữa lòng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, v.v. Các lý do khác chỉ là những màn che đậy vụng về.
Câu hỏi kế tiếp, thế thì tại sao lãnh đạo đảng CSVN lại muốn chọc giận cả dân tộc khi làm rình rang việc “hỏi ý” nhân dân về việc đưa tiếng Tàu ra dậy dân Việt? Việc Bộ GD&ĐT, hay bất kỳ ban ngành nào, hỏi ý nhân dân về một kế hoạch của họ là điều gần như chẳng bao giờ xảy ra. Ngay cả các phản biện “tự phát” của nhân dân còn bị xem là phản động như đã thấy qua các vụ xây nhà máy lọc dầu Dung Quất, khai thác Bôxít Tây Nguyên, xây nhà máy điện hạt nhân, v.v. thì làm gì có nhu cầu khuyến khích phản biện về một chủ đề nhậy cảm đến như vậy.
Nhiều người đã cố tìm lời giải, nhưng có lẽ chỉ có một giải thích hợp lý là Đảng CSVN đã làm việc này theo các đòi hỏi hoặc giao ước đã có với Bắc Kinh. Và mục tiêu tối hậu là để làm lờn sự phẫn uất của dân tộc Việt nhằm chuẩn bị cho các bước kế tiếp.
Nếu nhìn vào quá trình “xâm lược mềm” được Bắc Kinh tiến hành tại Miến Điện, người ta có thể đoán được sau khi đã thành công bước khó nhất là lập được các khu riêng biệt của người Hoa trên đất Việt, Bắc Kinh sẽ tiến tới việc chính thức cho lập các trường riêng cho con em người Hoa sống trong các khu này và các vùng lân cận. Dĩ nhiên học sinh Việt không được vào học vì “không thích hợp”. Tiếp theo sau trường học là các trụ sở cộng đồng của người Hoa trong vùng. Sau đó là quyền sở hữu nhà, đất của người Hoa trong khu biệt lập và vùng lân cận được chính thức công nhận. Nghĩa là họ không còn sang làm việc tạm thời mà sẽ ở vĩnh viễn trên đất Việt. Bước kế tiếp, cư dân trong khu biệt lập “bầu” ra ban đại diện để tự điều hành khu vực. Sau đó, Bắc Kinh mời lãnh đạo của các ban đại diện này về tham dự các lễ hội tại Bắc Kinh và gọi đó là các “đại biểu” từ các vùng sâu vùng xa. VÀ TỪ ĐÓ TỪNG KHU VỰC NÀY ĐƯỢC COI LÀ VÙNG MÀ BẮC KINH CÓ BỔN PHẬN PHẢI “BẢO VỆ”. Thế là xong!
Cả tiến trình “tằm ăn dâu” này đã tuần tự diễn ra trên đất Miến Điện và đang đi đến các giai đoạn chót khi giới lãnh đạo nước này bừng tỉnh nhận ra chẳng có quan chức gốc Tây Tạng hay Ngô Nhĩ (Uighur) nào đang cai trị 2 đất nước bị Bắc Kinh lấn chiếm này cả.
Người ta còn nhớ vào tháng 9 năm 1990, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, tháp tùng chuyến đi “cầu hòa” của lãnh đạo CSVN gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, và Cố Vấn Phạm Văn Đồng với giới lãnh đạo Trung Cộng ở Thành Đô gồm Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Lý Bằng. Vì quan điểm khác biệt, ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị gạt ra ngoài, không được tham dự cuộc họp cực mật nói trên. Ông dư biết các điều kiện từ phía Bắc Kinh và đã phải than thở: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”. Hậu quả tức thời, mà tự nó xác nhận giá trị lời báo nguy của ông Nguyễn Cơ Thạch, là ông ta đã tức khắc bị loại khỏi chức vụ Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao và mất luôn chiếc ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị, Uỷ Viên Trung Ương Đảng. (1)
Ngày hôm nay, thực tế cho thấy tiến trình “xâm lược mềm” khởi đầu từ thời ông Nguyễn Cơ Thạch đã tiến không ngừng nghỉ suốt 22 năm qua và đang đi vào các giai đoạn chót. (2)
Ghi chú:
(1) Nguồn
(2) Ông Nguyễn Cơ Thạch có tên thật là Phạm Văn Cương. Oái oăm thay, nay chính con trai của ông, tức đương kim Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, đang góp phần giúp giới lãnh đạo Hà Nội hoàn tất các giao ước trong tiến trình Bắc thuộc đó.
Đỗ Đăng Liêu

Không có nhận xét nào: