∇ Nghe Bài Này
|
Quyết sách: hoà bình- hữu nghị
Hội nghị trung ương 9 bế mạc thứ tư tuần trước. Các cuộc biểu tình tố cáo Trung Quốc vào cuối tuần hôm 18 tháng 5 đã bị giải hóa từ giai đoạn chuẩn bị và dập tắt ngay từ lúc sơ khởi. Hoạt động của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam trước đây là tin hàng đầu trên khắp các báo, thì đã dịu xuống nhiều. Hôm nay chỉ còn dăm giòng tin về hoạt động thường lệ của các tàu chấp pháp Việt Nam và máy bay cùng tàu Trung Quốc đe dọa, ngăn cản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố hòa bình và an ninh quốc gia đang bị đe dọa, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng đồng thời kiên trì giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc. Ý nghĩa của những diễn tiến đó là gì?
Việt Nam tỏ ra đã quyết định hướng đi để đối phó với Trung Quốc, đó là đấu tranh hoà bình, tránh nguy cơ chiến tranh. Các giới chức hành pháp và lập pháp của Việt Nam cũng nói rõ chủ trương đó là chủ trương mà đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam kiên quyết thực hiện, và chỉ đạo cho toàn đảng toàn dân đừng lệch hướng.
Từ Tổng Bí Thư đến chủ tịch quốc hội và Thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đều nói cùng một luận điểm, là đấu tranh hoà bình, tránh chiến tranh. Riêng ông Nguyễn Sinh Hùng có gợi thêm 16 chữ vàng, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì vẫn thường tố giác và chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, như qua thượng đỉnh ASEAN, hay ngay trong chuyến công du Philippines dài ngày đang diễn ra. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng có những tuyên bố tương tự như ông Dũng.
Qua ngày thứ năm 22 tháng 5,giữa lúc Thủ tướng Dũng còn ở Manila, Thông tấn xã Việt Nam đăng bài phỏng vấn của Reuters và AP, trong đó ông Dũng tuyên bố ‘Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không đánh đổi điều thiêng liêng này để lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc nào. Như các nước khác, Việt Nam đang cân nhắc nhiều phương án tự vệ, kể cả phương án đấu tranh pháp lý dựa theo luật pháp quốc tế’.
Ngoại trưởng Việt Nam thường liên lạc với phía Trung Quốc cũng như với Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Dường như qua ông Phạm Bình Minh giới lãnh đạo Việt Nam muốn thuong lượng với Trung Quốc và thăm dò ý kiến của người Mỹ trong vấn đề này.
Đến nay có thể nói sẽ không nổ ra chiến tranh từ biển Đông. Lý do chỉ đơn giản là cả hai bên đều không muốn chiến tranh.
Tương quan lực lượng
Trung Quốc biết chắc rằng họ không cần đến biện pháp quân sự mới thực hiện được kế hoạch tằm ăn dâu để lấn chiếm dần dần đến 80% diện tích biển Đông theo đường lưỡi bò, bao gồm toàn bộ hải phận quanh quần đảo Trường Sa.
Phía Việt Nam cũng hết sức tránh chiến tranh và hoàn toàn không muốn xảy ra đụng độ quân sự vì đang yếu thế và sẽ còn tiếp tục yếu kém hẳn so với Trung Quốc về mặt quân sự trong một tương lai rất lâu dài. Một trận chiến trên không và trên biển xảy ra sẽ đem lại tổn thất vô cùng to lớn cho các cơ sở sản xuất, căn cứ quân sự, cùng với vô số quân dụng, vũ khí của Việt Nam cũng như của Trung Quốc; tuy nhiên Việt Nam là phía sẽ bị cạn vốn trong canh bài ấy, trong khi những tổn thất tương đương về phía Trung Quốc không làm suy giảm đến 10% sức mạnh quân sự của họ. Và kết quả của cuộc chiến, nếu chằng may xảy ra với 1% xác suất, là giàn khoan HD-981 vẫn trơ trơ bên trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoặc được thay bằng một hay nhiều giàn khoan khác tương đương nếu có bị không quân hải quân Việt Nam đánh sập.
Thực ra Việt Nam đã nói đến chính sách hoà bình ngay từ đầu, cùng lúc với những lời tố cáo mạnh mẽ sự xâm lấn của Trung Quốc, đồng thời cho phép biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và cho báo chí tung ra những quan điểm tố cáo Trung Quốc quyết liệt, cổ võ lòng yêu nước mà đã được toàn dân thể hiện mạnh mẽ khắp nơi. Vì thế lúc đó người ta chưa rõ chính sách của Việt Nam thực sự ngả theo hòa hay chiến, hay Việt Nam đang cố đứng thẳng lên để chống Trung Quốc trong khi nghe ngóng sự trợ giúp quốc tế...
Từ thờ ơ đến hời hợt
Nhưng nay đã rõ là cả thế giới không một ai tỏ ý sẵn lòng dang tay giúp Việt Nam chống Trung Quốc. Cựu đồng minh truyền thống Liên Bang Nga vừa ký hiệp ước năng lượng lịch sử với Bắc Kinh trong khi đang dồn hết nỗ lực chính trị và quân sự vào Ukraine. Lời chỉ trích mạnh nhất đến từ Hoa Kỳ chỉ là "hành động của Trung Quốc mang tính cách khiêu khích, gây hại cho hoà bình ổn định của khu vực, khiến Hoa Kỳ quan ngại cho vấn đề tự do thông thương", cùng lúc khuyến khích các bên giải quyết vấn đề trong hoà bình. Soái hạm USS Blue Ridge của hạm đội 7 và một tàu hộ tống đang có mặt ở biển Đông, hôm 19 tháng 5 tiếp đón các cấp chỉ huy của hải quân Malaysia để trao đổi các đề tài kỹ thuật và chiến thuật. Hạm đội 7 ngỏ ý muốn gia tăng những cuộc thăm viếng các hải cảng Việt Nam, tăng cường trợ giúp huấn luyện theo chương trình hằng năm. Việt Nam tuyên bố mong muốn tăng cường hợp tác nhưng nay còn quá sớm để nói đến sự thay đổi đường lối tiếp cận của Việt Nam.
Chỉ hời hợt có thế, giữa lúc Việt Nam như đang ngồi trên lửa. Khỏi cần nói đến cái khối ASEAN hữu danh vô thực; nói ra chỉ thêm đau lòng.
Cho nên sau những cuộc tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc, Việt Nam đã khẳng định chính sách đấu tranh hoà bình, duy trì tình hữu nghị truyền thống cho trọn vẹn 16 chữ vàng.
Có thể từ lâu Việt Nam đã biết rõ sẽ rơi vào tình thế mà trong đó Hoa Kỳ và quốc tế chỉ lên tiếng khuyên nhủ giữ hoà bình rồi khoanh tay đứng nhìn, không động đến móng tay dù có xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ai cũng hiểu người Mỹ chắc chắn sẽ hành xử như vậy khi nào Việt Nam còn giữ chặt chế độ cai trị như hiện nay. Người Mỹ không bao giờ tiếp sức cho một chính quyền để giữ vững quốc gia ấy dưới một chế độ Cộng Sản.
Chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam thì đã rõ mười mươi, là không thể mất đi quyền cai trị của Đảng. Muốn mất đi quyên cai trị đó thì Hà Nội hãy chống lại Bắc Kinh, một chế độ Cộng Sản chí thân sát cạnh đang cùng Việt Nam cố duy trì cái vỏ bọc Cộng Sản.
Hiển nhiên Trung Quốc biết chắc điều đó, nếu không phải là đã khẳng định điều đó với Việt Nam từ lâu qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, tiếp xúc với giới lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Người Việt Nam chưa quên những đại hội đảng mà Ủy viên chính trị bộ của Bắc Kinh đến tận phòng họp để gây áp lực...
Tương lai đã rõ
Mưu đồ Trung Quốc chiếm hữu biển Đông không còn là một mối nghi ngờ, và chính Bắc Kinh đã nhiều lần xác nhận. Phản ứng của Việt Nam với chính sách xâm lấn của kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc thì ta từng thấy qua những cuộc chiến từ 1979 đến 1986 ở biên giới phía Bắc. Việt Nam cũng đã quyết chiến để giành lại dãy cao điểm chiến lược ở Hà Giang bị Trung Quốc chiếm mất từ cuộc chiến 1979, quan trọng nhất là cao điểm 1509, Trung Quốc gọi là Lão sơn. Nhưng sự hy sinh anh dũng của quân nhân, bộ đội Việt Nam chỉ để gánh chịu những tổn thất nặng nề trước hỏa lực quá mạnh và quân số đông đảo vô tận của quân Trung Quốc.
Ngày nay dù muốn dù không Việt Nam cũng không thể nổ phát súng đầu tiên ở lô 143 nơi có giàn khoan của Trung Quốc. Giữa những lời rao giảng hoà bình hữu nghị ngọt ngào của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nói rõ với cử tri Sài Gòn là đừng sập bẫy. Việt Nam chỉ còn cách tiến hành thương lượng với Trung Quốc, và sau đó khởi kiện Trung Quốc ở các tòa quốc tế. Chính sách này sẽ đem lại được gì?
Thương lượng với Trung Quốc thì không khác nào nói chuyện với tảng đá. Khởi kiện chỉ cùng lắm là đem được chính nghĩa về cho mình, vì Trung Quốc chẳng bao giờ chấp nhận một phán quyết nào bất lợi. Trong tình thế như vậy Trung Quốc sẽ thản nhiên lắp đặt thêm nhiều giàn khoan nước sâu, lấn dần vào phía duyên hải Việt Nam, kéo dài xuống phía nam cho đến khi chiếm hết lãnh hải Trường Sa là kết thúc tiến trình hoàn tất đường lưỡi bò.
Sắp tới, song song với chiến dịch hạ đặt giàn khoan Trung Quốc còn thiết lập vùng nhận dạng phòng không, và việc này sẽ được tiến hành vào lúc lực lượng không quân Trung Quốc đủ lớn mạnh để hoàn toàn khống chế bầu trời biển Đông đến tận Trường Sa. Tương lai biển Đông là như thế
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét