Lâu nay, để biện hộ cho vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản tại Việt Nam (một điều được ghi trong hiến pháp), nhà cầm quyền thường nêu lên ba lý do chính: Một, họ đã có công trong việc giành độc lập cũng như thống nhất đất nước; hai, chỉ có họ mới đủ khả năng lãnh đạo; và ba, họ được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân. Theo họ, ba lý do ấy tạo nên tính chính đáng (legitimacy) của chế độ.
Sự thật thế nào?
Về điểm thứ nhất, liên quan đến công trạng của đảng Cộng sản trong việc giành lại độc lập và thống nhất đất nước, trong bài “70 năm sau Cách mạng tháng Tám”, tôi đã bàn qua. Xin tóm tắt hai luận điểm chính: Một, tôi thừa nhận công của họ trong việc giành lại độc lập cho đất nước từ tay của chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng tôi lại không thừa nhận công của họ trong việc thống nhất đất nước. Đã đành sau năm 1975, đất nước đã thống nhất. Điều đó không ai có thể phủ nhận được. Nhưng cái giá phải trả cho sự thống nhất ấy lại quá đắt với hơn ba triệu người dân từ cả hai miền bị giết chết và với sự ly tán đầy đau đớn của hàng triệu người khác sau khi chiến tranh kết thúc. Hai, tôi cho song song với những công trạng họ lập được, đảng Cộng sản đã vấp phải quá nhiều sai lầm gây nên những hậu quả thảm khốc cho cả nước.
Hơn nữa, việc giành độc lập và thống nhất với việc lãnh đạo và quản trị đất nước là hai điều khác nhau. Trong lịch sử thế giới, không hiếm trường hợp những người được xem là anh hùng trong các cuộc chiến giành độc lập, sau đó, lên cầm quyền, đã trở thành những tên độc tài chỉ làm được một việc duy nhất là phá nát đất nước của chính họ. Kim Nhật Thành cũng có công chống Nhật và góp phần quan trọng trong việc giành lại độc lập cho Bắc Hàn đấy chứ? Nhưng sau đó, điều gì đã xảy ra? Chỉ có ba điều: Một, cuộc nội chiến giữa hai miền Nam và Bắc Hàn; hai, ách độc tài man rợ ở Bắc Hàn kéo dài đến tận ngày nay; và ba, như là hậu quả của chế độ độc tài man rợ ấy, Bắc Hàn trở thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới. Ở Zimbabwe, Robert Mugabe cũng có công giành lại độc lập cho nước ông, nhưng sau đó, ông cũng lại làm cho đất nước ông tan tành với tỉ lệ nghèo đói lên đến trên 80% và tỉ lệ thất nghiệp có khi lên đến 90% dân số, mức độ lạm phát có khi lên đến cả chục ngàn, thậm chí, 100.000 phần trăm/ năm khiến, có lúc, cả trăm triệu đồng Zimbabwe mới đổi được một Mỹ kim.
Về điểm thứ hai, chỉ có đảng Cộng sản mới đủ tài năng để lãnh đạo đất nước, chỉ là một khẳng định vu vơ và sai lầm. Vu vơ vì đảng Cộng sản chưa bao giờ cho phép một chính đảng nào khác được tự do hoạt động và thi thố khả năng cả. Bằng quyền lực tuyệt đối trong tay, họ dẹp tan mọi nỗ lực hình thành các đảng đối lập. Có thể nói họ chưa bao giờ chấp nhận sự canh tranh với các đảng khác. Trong cái thế thiếu cạnh tranh như thế, nói không có đảng nào đủ sức lãnh đạo đất nước chỉ là một điều vô nghĩa, hơn nữa, nhảm nhí. Nhưng quan trọng nhất, lời khẳng định ở trên hoàn toàn sai lầm. Từ khi hoà bình lập lại đến nay, đảng Cộng sản chưa bao giờ chứng tỏ là họ có khả năng quản trị đất nước. Nhiều nhà bình luận quốc tế thường nhận xét: đảng Cộng sản Việt Nam chỉ biết cai trị chứ không biết quản trị. Đó là hai khía cạnh khác nhau. Cai trị chỉ nhằm đập tan mọi sự phản biện và phản đối trong khi quản trị nhằm làm cho đất nước ngày một giàu mạnh. Cai trị nhằm duy trì nguyên trạng; quản trị nhằm thay đổi và tiến bộ. Cai trị chỉ cần súng đạn và ngục tù, quản trị cần trí tuệ và viễn kiến. Trước phong trào đổi mới, họ sai lầm; sau phong trào đổi mới, đến tận ngày nay, họ vẫn tiếp tục vấp những sai lầm khác làm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế càng lúc càng suy yếu và mức độ phát triển càng lúc càng chậm chạp, trong khi đó nợ nần càng lúc càng chồng chất thêm lên.
Cuối cùng, thứ ba, lời khẳng định về sự ủng hộ của nhân dân là một lời khẳng định hàm hồ, hơn nữa, dối trá. Hàm hồ bởi tính chất mơ hồ của ý niệm nhân dân. Nhân dân là ai? Là trên 90 triệu công dân Việt Nam đang sống trong nước. Có bằng chứng nào cho thấy trên 90 triệu người ấy ủng hộ đảng Cộng sản Việt Nam? Ở các quốc gia khác, để thấy được ý nguyện của nhân dân, người ta tổ chức các cuộc bầu cử tự do thường kỳ trong mỗi ba, bốn hay năm năm. Nhưng ở các nước dân chủ, không có đảng nào lên cầm quyền với sự ủng hộ của toàn thể nhân dân cả. Họ chỉ nhận được sự ủng hộ của đa số, có khi chỉ hơn 50% một tí. Khi đã lên cầm quyền, để thay đổi một chính sách quan trọng nào đó, người ta thường tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, hoặc, một cách thường xuyên và không chính thức, qua các cuộc điều tra dư luận để biết được ý kiến của người dân.
Ở Việt Nam, không những không có bầu cử tự do, người ta cũng không hề tổ chức bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý, hay thậm chí, bất cứ một cuộc điều tra dư luận nào cả. Trong hoàn cảnh như thế, nói đến sự ủng hộ của nhân dân chỉ là một sự dối trá. Người ta nói đến nhân dân nhưng lại bất cần ý kiến của nhân dân. Hơn nữa, chỉ cần lắng nghe các cuộc đàm thoại hàng ngày của người dân, người ta cũng sẽ thấy rõ một điều: những người dân bình thường rất chán ghét chế độ cộng sản. Họ đặt ra vô số các câu chuyện tiếu lâm cũng như những câu ca dao mới để chế giễu giới lãnh đạo cũng như đảng Cộng sản nói chung.
Nói một cách tóm tắt, cả ba lý do đảng Cộng sản thường nêu lên để biện minh cho tính chính đáng của chế độ do họ lãnh đạo đều là những sự nguỵ biện, hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Nguyễn Hưng Quốc Blog
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét