LĐ) – Người dân đi làm thuê, chạy xe ôm, đi biển đánh cá… là chuyện quá đỗi bình thường đối với bất kỳ làng quê nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc người dân đi làm thuê, chạy xe ôm, đi biển đánh cá… đang được xem là… chuyện lạ đời! Vì sao lạ đời? Tôi đã về Phong Hải để tìm câu trả lời.
Phong Hải là một trong những làng biển có lịch sử lâu đời nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế khi tổ tiên họ được xác nhận là những cư dân Đàng ngoài theo chân các chúa Nguyễn vào Đàng trong bằng đường biển rồi định cư ở đó sớm nhất. Tuy nhiên, lịch sử “đáng nói” nhất của Phong Hải lại được kể từ thời điểm những năm 1980 của thế kỷ này.
Đó là những năm tháng trước đổi mới, người dân nơi đây cũng như nhiều làng biển khác ở Thừa Thiên – Huế đứng trước sự lựa chọn sinh tử: Vượt biên hoặc chết đói. Và lớp lớp người dân Phong Hải đã chọn vượt biên bằng đường biển, dù không ít trong số họ đã vĩnh viễn không bao giờ tìm tới được miền đất hứa. Để rồi khoảng 10 năm sau, Phong Hải và nhiều làng biển khác đã phất lên đổi đời một cách ngoạn mục đến không tưởng nhờ những đồng ngoại tệ từ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ gửi về…
Cả làng ăn chơi
Và như để bù đắp cho những tháng ngày khốn khó, toàn bộ người dân Phong Hải gần như ngừng lại tất cả mọi công việc kiếm sống để “lao” vào những ngày tháng ăn và chơi đúng nghĩa. Tấn – một người bạn mới quen của tôi ở Phong Hải – nhớ lại: “Hồi nớ tiền bên tê (bên Mỹ) gửi về nhiều lắm. Nhiều đến mức dân họ không còn thiết tha với nghề biển vì tiền kiếm được một ngày trên biển không bằng số lẻ của một đồng đô (USD) đổi ra tiền Việt. Hồi nớ dân trong làng (ở xã Điền Hải kế bên trong) cơm không đủ ăn và toàn uống rượu trắng, hút thuốc Mai, Đà Lạt không có đầu lọc thì tụi em không những ăn no, ăn ngon mà còn được hút thuốc lá ngoại, uống bia ngoại thoả thích không cần toan tính, không lo sợ hết tiền…”.
Bây giờ tiền nước ngoài gửi về ít hơn 10 lần, nhưng tỉ lệ hộ nghèo ở Phong Hải lại ít hơn ngày xưa. Ảnh: H.V.M
Sau khi cơ bản giải quyết xong chuyện ăn uống, người dân Phong Hải nghĩ đến một nhu cầu lớn hơn là xây nhà. Lần lượt những ngôi nhà, từ rách nát tạm bợ cho đến nhà xây cấp 4 đều được phá bỏ để làm mới. “Nhưng bi hài là một thời gian sau khi làm nhà xong, ông A chợt thấy nhà ở bên, ở trước… vì xây nhà sau nên đã xây cao, đẹp, to hơn nhà mình, rứa là máu ganh tị nổi lên. Điện thoại lập tức được nối qua Mỹ đại ý con ơi, em ơi, nhà thằng B, con C cũng có người đi Mỹ như nhà mình nhưng hắn lại xây nhà to hơn, đẹp hơn nhà mình. Chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” lan sang tận Mỹ.
Thế là tiền lại gửi về. Thế là những ngôi nhà mới xây lại bị… đập đi để xây mới cho to, đẹp hơn nhà hàng xóm, dù ngày khánh thành mới qua có hơn một năm. Chưa hết, một thời gian sau, ông B, bà C hàng xóm thấy nhà ông A bỗng dưng cao đẹp hơn nhà mình, rứa là lại điện thoại qua Mỹ kể lể, xin tiền. Lại… đập ngôi nhà mới xây của mình để làm cho đẹp hơn nữa, to hơn nữa…” – Tấn kể. Cứ vậy, cái vòng đập nhà, xây nhà cứ luẩn quẩn hết năm này sang năm khác cho đến hồi mệt mỏi, chán chê thì chuyển qua việc xây nhà thờ họ, đình làng, lăng mộ. Và cũng như chuyện làm nhà, chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” trong lĩnh vực này lại lặp lại ở Phong Hải với việc đình làng, nhà thờ, lăng mộ… làm sau luôn to đẹp hơn những nơi làm trước; và những nơi làm trước lại đập bỏ để làm cho to đẹp hơn những nơi làm sau…
Tấn dẫn tôi đi tham quan một vòng Phong Hải từ nhà cửa cho đến nhà thờ, đình làng, lăng mộ… và tôi buộc phải thừa nhận niềm tự hào của Tấn rằng, “có nhiều thứ ở quê em đẹp lộng lẫy không thua gì các di tích triều Nguyễn” là không xa lắm với sự thật. Nhưng tôi cho rằng, vẻ đẹp của những “di sản” đó là kết tinh của sự… điên rồ. Tấn cười: “Nhưng chính nhờ sự điên rồ đó đã tạo công ăn việc làm nuôi sống hàng ngàn người dân các làng bên như Điền Hải, Điền Hoà, Quảng Ngạn… suốt một thời gian dài”.
Tấn làm tôi nhớ tới triết lý “chuyện đời không biết mô mà lần” của một lão nông tên Cam ở xã Điền Hải đã gặp trước đó: “Những năm 1980, người dân Phong Hải vô làm thuê, thậm chí xin ăn người dân Điền Hải, nhưng chỉ 10 năm sau, tình thế thay đổi, người dân Điền Hải lại ngược ra Phong Hải để làm thuê (xây dựng nhà cửa, lăng miếu…) kiếm sống…”.
Những chuyện lạ…
Sau khi đi loanh quanh thăm làng, Tấn dẫn tôi ra bến đò Chợ Mới thuộc xã Điền Hải bên cạnh. Đến chỗ đội xe ôm chừng 7-8 người đang chuyện phiếm chờ khách, Tấn kéo tay một thanh niên trạc 35 tuổi, giới thiệu tên là Long cùng đi uống càphê. “Trong tất cả những người chạy xe ôm ở đây, chỉ có mỗi mình Long là người Phong Hải” – Tấn nói. Long cho biết, mình chạy xe ôm đã được gần một năm và cho đến bây giờ, người dân ở đây vẫn chưa hết ngạc nhiên rằng, vì sao lại có chuyện một người dân ở Phong Hải đi chạy xe ôm? Long cười: “Không phải riêng em mô, còn những đứa bạn khác của em vô đây đi phụ thợ hồ, đi làm thợ đụng (ai thuê chi làm nấy)… cũng đều bị coi là chuyện lạ và bị thắc mắc như rứa hết.
Nguyên nhân là do trước đây, mấy nghề chân tay như chạy xe ôm, thợ xây, làm thuê… chỉ có người ở Điền Hải và các địa phương khác quanh đây ra Phong Hải làm. Bây giờ họ thấy chuyện ngược lại nên thắc mắc là đúng thôi”. Thắc mắc vì răng mà cuộc sống lại phú quý giật lùi đến mức ni? Long cười buồn: “Thì trước đây tiền bên tê gửi về nhiều, tiêu mãi không hết, mấy năm ni không biết răng không gửi nữa, hoặc gửi rất ít. Như em đây, trước mấy ông anh trung bình mỗi năm cho tới mấy ngàn (USD), bây giờ chỉ còn lại một – hai trăm, gạo mua không đủ, đói thì đầu gối phải bò thôi”.
Với Phong Hải, việc người dân quay lại với nghề đi biển là… chuyện lạ. Ảnh: H.V.M
Tan chuyện với những người làm thuê ở quán càphê, Tấn lại dắt ngược chúng tôi trở lại xã Phong Hải, đi thẳng ra phía bờ biển, nơi có những người dân đang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi cuối chiều. “Đây cũng là chuyện lạ bởi những hình ảnh như ri mới có lại hơn một năm nay. Trước đó, do dân bỏ nghề làm biển, do không có thuyền bè nên cả bờ biển dài mấy cây số sạch sẽ như một bãi tắm du lịch dù chẳng có ai tắm” – Tấn giải thích. Một trong những người tôi gặp hôm đó là ông Võ Khuyến (40 tuổi) – người dân thôn Hải Thành, xã Phong Hải khi được hỏi nguyên nhân của việc trở lại với nghề đi biển đã tâm sự rất thật: “Trước đây tui nghĩ đơn giản là tiền bên tê gửi về nhiều đến mức tiêu không hết, đi làm chi nữa cho mệt xác. Nhưng đến bây giờ, tui ngẫm ra một điều là tiền mô cũng không bền vững bằng tiền do mình làm ra…”.
Liên quan đến chuyện tiền gửi về, ông Lê Văn Từ – Chủ tịch UBND xã Phong Hải – cung cấp cho tôi những thông tin cụ thể hơn: Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm nguồn ngoại tệ gửi về Phong Hải cả triệu USD, thì hai năm trở lại đây, con số trung bình chỉ trên dưới 100.000USD. “Bây giờ ở nước ngoài chỉ gửi tiền về để làm những việc cụ thể chứ không gửi tràn lan như các năm trước. Nguyên nhân ngoài việc Mỹ đang suy thoái kinh tế, kiếm tiền khó khăn, còn có việc bà con mình ở nước ngoài sau một thời gian đã giật mình nhận ra những đồng tiền mình kiếm được bằng mồ hôi và cả nước mắt, nhưng khi gửi về Việt Nam lại được sử dụng rất hoang phí…” – ông Từ lý giải.
Khi không thể ỷ lại vào tiền nước ngoài, nói cách khác là bị cắt viện trợ, người dân Phong Hải buộc phải làm một việc chẳng đặng đừng là… đi làm bất kể việc gì để kiếm sống. Ông Từ tiếp tục cung cấp thêm những con số: Hai năm trở lại đây, người dân Phong Hải đã bắt đầu đi biển trở lại với hơn 92 thuyền máy. Từ không làm gì cả trong nhiều năm, bây giờ Phong Hải là một địa phương đa ngành nghề với việc nuôi tôm trên cát, làm nước mắm, đóng thuyền, may công nghiệp, làm thuê…
Một chuyện lạ đầy bất ngờ nữa là dù tiền nước ngoài gửi về bây giờ chỉ bằng một phần mười lúc trước, nhưng “đừng tưởng bây giờ Phong Hải nghèo hơn ngày xưa mô nghe” – ông Từ đổi giọng: Là bởi trước đây, dù tiền nước ngoài gửi về nhiều, nhưng không phải ai cũng có, nên toàn xã có đến hơn 20% hộ nghèo. Bây giờ, tiền ít hơn, nhưng năm nay toàn xã chỉ còn 4,46% hộ nghèo. Hiện toàn xã có 45ha tôm trên cát nuôi 3 vụ.
Trung bình mỗi năm thu được khoảng 39 tấn tôm/ha. Mỗi kilôgram tôm thời điểm này bán khoảng 60.000đ. Con số này đem nhân với 39 tấn, tính sơ sơ mỗi hécta tôm mỗi năm lãi khoảng 2 tỉ đồng. Ông Từ giọng đầy tự hào: “Người dân nuôi tôm cho thu nhập cao rứa nên bây giờ, nói thiệt là ngay cả tiền Mỹ cũng không ăn thua. Có thể anh không tin nhưng tết vừa rồi, do khó khăn nên bên Mỹ có mấy người phải điện về cho mấy chủ hồ tôm ở đây để… mượn tiền gửi cho người thân ở Việt Nam ăn tết”.
Hoàng Văn Minh
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Di-lam-thue-la-chuyen-la/29077
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét