Pages

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Sợ để sống

Kỹ thuật trấn áp của các chế độ độc tài là gây sự sợ hãi trong quần chúng, để tạo sự tuân thủ tuyệt đối của nhân dân. Thời Việt Minh thì cắt đầu mổ bụng, bỏ bao bố thả sông, thời “giải phóng” thì nửa đêm đập cửa xét nhà, tập trung cải tạo không thời hạn.

Công an lùng sục, nhòm ngó khắp nơi, mà chế độ Cộng Sản đã hãnh diện cho rằng đó là tai mắt nhân dân. Dân tộc miền Bắc từ năm 1954 và toàn dân Việt Nam từ sau tháng 4-1975 đã biết sợ, sợ để sống còn, đến nỗi trí thức dưới chế độ sắt máu như nhà văn Nguyễn Tuân đã phải thốt lên câu: “Sở dĩ tao còn sống là vì biết sợ!” Tôi phỏng đoán Nguyễn Tuân nói câu này đang lúc say nên không bị ai bắt tội, chứ nếu biết sợ thì đã không ai dám nói là mình sợ. Cũng như ngày nay vượt qua được nỗi sợ, nhạc sĩ Tô Hải mới viết được “Nhật Ký Một Thằng Hèn.” Người ta sợ vì biết rằng sẽ không có ai bênh vực mình, sẽ không có công lý nào đứng về phía mình, vậy tốt hơn là tự bảo vệ lấy sự an nguy của mình bằng cách giấu mình hay thuận theo dòng nước, làm kẻ “ngu si hưởng thái bình”. Những người vượt biển hai mươi năm trước vì không chịu nổi sự sợ hãi mà phải ra đi. Nỗi sợ hãi chế độ “hà chính mãnh ư hổ” khiến người dân quên hết nỗi sợ hãi vì nguy hiểm, đói khát, chết chóc và ô nhục.

Khi ra đi là một người trốn tránh bước xuống ghe, thấy bóng dáng công an, bộ đội sợ là phải, ngày nay trở về mang quốc tịch một quốc gia khác, ung dung xuống phi cơ mà nỗi sợ chưa hết. Lần này không bị bắt, không vào tù mà vẫn sợ. Ở các quốc gia khác người lương thiện sống trong “rừng luật” cũng không có gì đáng sợ, nhưng ở dưới chế độ Cộng Sản hiện nay, người dân bình thường phải sợ “luật rừng”. Bạn có chắc chắn là bạn không bị giữ lại cho đến giờ phút chót, thùng hành lý của bạn không bị banh ra để khám xét vì nghi ngờ có hàng quốc cấm, và ở dưới chế độ này liệu người ta cũng có thể bỏ một khẩu súng vào hành lý của bạn rồi hô hoán lên để còng tay bạn lại, như người ta đã làm với một nhà hoạt động chính trị về Tân Sơn Nhất trước đây ít lâu không?

Không phải khi người ta về nước có đem thêm mấy thứ máy móc mà họ phải đút lót cho hải quan, mà chính người chỉ mang quà cáp về cho bà con cũng muốn hối lộ cho xong sau mười mấy giờ bay mệt nhọc, giữa trưa nắng gắt và trước sự lóng ngóng trông chờ của thân bằng quyến thuộc ngoài kia đường. Người về nước không sợ bắt bớ, tù đày nữa mà sợ sách nhiễu, sợ gây khó khăn trong khi bạn không hề được che chở bằng luật pháp của quốc gia hay với một thứ quy luật nào của cái phi trường “chết tiệt” này. Nỗi sợ này được trấn an bằng 10 đô la kẹp vào giữa passport không phải là đắt.

Do vậy, khi Nhật Báo Người Việt ở Nam Cali mở mục tham khảo ý kiến độc giả và đặt câu hỏi: “Người Việt hải ngoại về Việt Nam thăm nhà, có nên hối lộ hải quan hay không?” thì câu trả lời vẫn chưa dứt khoát giữa “Yes” và “No”. Người thì nhất quyết không bỏ một đồng, kẻ lại cho rằng dùng đồng tiền để mua sự yên thân, khỏi rắc rối, thì vì sao lại không làm.

Tôi thật không đồng ý với một bạn nào đó đã tự xưng là thương binh miền Nam, cho rằng việc lên án những tệ nạn ở các phi trường Việt Nam là mang tính cách chống Cộng, và biện minh rằng “thật ra các anh công an cửa khẩu không đòi hỏi gì và không một ai phải đưa tiền hối lộ cả”. Chỉ vì có một số người mang vào Việt Nam những hàng không đóng thuế có tính cách buôn bán nhỏ làm lộ phí cuộc hành trình, cho nên mới chịu kẹp tiền vào passport mà được gọi là hối lộ. Nếu đã đi nhiều nơi trên thế giới này, dù là đến một đất nước bán khai, có nơi nào bạn thấy khi người ta làm thủ tục nhập cảnh mà phải đút lót như đến Việt Nam không? Nếu như đến các ở phi trường ở Mỹ, Pháp, Ðức, Anh… lúc du khách trình Passport cho nhân viên quan thuế ở phi trường mà kẹp vào đó tờ giấy 10 đô la thì bạn phải nhận hậu quả như thế nào? Hay ở Mỹ, chắc chắn bạn sẽ bị còng tay và tống giam, bị đưa ra tòa nếu như lúc bị ngừng xe vì vi phạm luật đi đường mà lại “xùy” ra tờ 20 đô la cùng một lần với bằng lái xe cho cảnh sát.

Bạn lại biện minh rằng “các anh công an cửa khẩu không đòi hỏi gì cả”, vậy thì việc nhận hối lộ ở các quốc gia văn minh khác có là một trọng tội không. Chính vì “không đòi hỏi gì cả” nhưng “biết làm khó” và “biết ăn” mà bao nhiêu lần ma túy đã được đưa lên phi cơ ra khỏi Việt Nam, khi thì bị phát giác tại Singapore, khi thì ở Sydney. Tôi cho rằng những chuyện xảy ra ở các phi trường quốc tế tại Việt Nam là một sự ô nhục. Khốn nỗi là công an phi trường Việt Nam chỉ là bọn “khôn nhà dại chợ” , chỉ biết hà hiếp đồng bào ruột thịt, mà sợ hãi kiêng dè, mang khuôn mặt hiếu khách đối với người ngoại quốc. Một bạn đọc có kinh nghiệm với những chuyến đi Việt Nam đã kể chuyện có lần công an hô lên là đã có người lấy nhầm visa của khách (mà không thấy nói là có visa của người kia bỏ lại). Cuối cùng người khách gợi ý thưởng 100 đô la cho ai lấy nhầm visa trả lại, thì chỉ một phút sau đã có ngay visa.

Có ý kiến lại bênh vực cho rằng cử chỉ bỏ 5 hay 10 đô la vào passport khi vào việt Nam cũng như tiền tip, “đây là văn hóa và là cách đối xử công bằng với người phục vụ mình”. Xin cám ơn loại “văn hóa xã hội chủ nghĩa” này, như vậy thì nước Úc quả đã thiếu văn hóa với vụ in tiền polymer của ông Lê Ðức Thúy để lấy tiền nuôi con ăn học. Và Nhật Bản cũng đối xử mọi rợ với dự án đại lộ Ðông Tây Sài Gòn của ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Một ý kiến khá độc đáo mà không kém phần khôi hài thì cho rằng chính vì hối lộ là nuôi dưỡng tham nhũng nên chúng ta lại càng nên hối lộ thêm: “Một đô la hối lộ cho Cộng Sản là một bước giúp cho chế độ Cộng Sản suy tàn vì tham nhũng.” Nhưng Huỳnh Ngọc Sỹ nuốt vài triệu đô la Mỹ, Lê Ðức Thúy được chôm tới 15 triệu cũng chưa ăn nhằm gì, chúng ta cứ tà tà bỏ 10 đồng vài passport mỗi khi vào Việt Nam thì bao giờ cho đủ đinh để đóng nắp quan tài cho chế độ này.

Các giới chức có thẩm quyền các ngành liên hệ đến chuyện công an phi trường tại Việt Nam làm tiền đồng bào về nước, có lẽ còn cho đây là chuyện quá nhỏ nếu so với chuyện ăn bạc triệu của các ủy viên trung ương đảng. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền đâu chưa thấy, nhưng thấy ngay cái bộ mặt quốc gia mỗi khi ra vào như thế, người có liêm sỉ phải biết ngượng.

Sợ tù đày, sợ chết cũng là sợ, thì sợ phiền, sợ bị quấy nhiễu, sợ mất thời giờ cũng là sợ. Dù biện minh đồng bạc kẹp giữa passport là tip, là bố thí, là tránh phiền phức, là góp nhát búa đánh vào chế độ thì đó cũng là đồng đô la nói lên sự sợ hãi. Sợ hãi để sống còn. Bây giờ ở ngoại quốc nơi xứ sở văn minh, tự do, bạn chẳng thấy sợ hãi là gì, vậy mà bước chân về đến Tân Sơn Nhất đã thấy sợ, hay sợ mà không ý thức được là mình sợ, vậy thì đừng về nữa. Sau hết, chế độ Cộng Sản luôn luôn tạo ra sự sợ hãi để khống chế, trấn áp con người. Sự sợ hãi sẽ chấm dứt, nếu thật sự chế độ Cộng Sản không còn tồn tại trên hành tinh này nữa.

Không có nhận xét nào: