Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011
Lại nói về ý thức lãnh tụ
Trương Duy Nhất – Hình ảnh Ôn Thủ tướng liệu có gợi nhắc cho các lãnh tụ Việt điều gì? Rất nhiều lần tôi viết đi viết lại câu này: Ta luôn kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở… ý thức lãnh tụ?
Đầu năm 2008, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tức tốc bay đến Quảng Châu, cầm chiếc loa tay đứng giữa trời băng giá cất lời xin lỗi dân chúng trong vụ bão tuyết khiến hàng trăm nghìn người nghẹt tại ga xe lửa không kịp về quê ăn Tết: “Xin chào các bạn. Tôi là Ôn Gia Bảo“. Ông cúi đầu: “Tôi chân thành xin lỗi tất cả mọi người“. Chuyện băng giá và bão tuyết là thiên tai, nhưng lãnh tụ Ôn lại coi đó là… nhân tai và bay lên vùng giá lạnh trực tiếp xin lỗi dân.
Khi đó tôi đã viết bài “Ý thức lãnh tụ”. Các hãng truyền thông danh tiếng trên cả thế giới ngay lập tức loan đi hình ảnh xúc động này và gọi đó là động thái sưởi ấm lòng dân. Nhưng tôi gọi đó là một động thái thể hiện Ý THỨC LÃNH TỤ! Trước những giờ phút hiểm nguy của dân, trước những tình huống khẩn cấp, người lãnh tụ cần biết mình phải làm gì.
Năm nay, Ôn Thủ tướng lại vừa thêm một động thái chưa từng có một vị Thủ tướng nào dám làm và làm được trong lịch sử 62 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Trực tiếp gặp gỡ người dân khiếu kiện, nhận đơn giải quyết và ông kêu gọi, khuyến khích mọi người dân hãy mạnh dạn phê bình chính phủ.
Hình ảnh Ôn Thủ tướng liệu có gợi nhắc cho các lãnh tụ Việt điều gì? Rất nhiều lần tôi viết đi viết lại câu này: Ta luôn kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở… ý thức lãnh tụ?
http://www.truongduynhat.vn/2011/01/lai-noi-ve-y-thuc-lanh-tu.html
*
Thủ tướng khuyến khích dân phê bình chính phủ
Vietnamnet: Xuất hiện ở cơ quan tiếp nhận đơn từ kiến nghị cao nhất tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chỉ thị tạo điều kiện dễ dàng hơn để người dân phê bình và giám sát chính phủ.
Ông Ôn Gia Bảo được biết tới với cách tiếp cận rất bình dân. Ông thường vội vã tới tận những nơi xảy ra các thảm họa để thị sát tình hình, thăm hỏi các nạn nhân. Và trên truyền hình quốc gia, người ta có thể chứng kiến ông cùng ăn với những người nghèo, ở các ngôi làng nông thôn hẻo lánh. Chính vì thế, nhiều người đặt cho ông danh xưng “Ông Ôn”.
Đầu tuần này, vị Thủ tướng 68 tuổi đã làm một điều được nhiều nhà phân tích coi là sự dũng cảm hơn bình thường: Xuất hiện ở cơ quan tiếp nhận đơn từ kiến nghị cao nhất Trung Quốc tại Bắc Kinh, nơi những người dân thường đệ đơn than phiền hay thể hiện sự bất bình về vấn đề nào đó, và khuyến khích người dân phê bình chính phủ, yêu cầu đưa các trường hợp của họ ra công lý.
“Chúng ta là chính phủ của dân và quyền lực của chúng ta được nhân dân giao cho”, báo chí Trung Quốc dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong suốt chuyến thăm cơ quan trên. “Chúng ta nên sử dụng quyền lực trong tay chúng ta để phục vụ lợi ích của nhân dân, giúp họ vượt qua khó khăn một cách có trách nhiệm”.
Động thái này được coi là khác thường vì cơ quan kiến nghị quốc gia được biết đến như “chiếc cột thu lôi” những bất bình về nạn quan chức tham nhũng, chiếm giữ đất đai trái phép, tranh chấp lao động và mọi than phiền khác.
Trong ngày 26/1, các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc đã phát đi hình ảnh ông Ôn Gia Bảo gặp gỡ với một nhóm người khiếu kiện tại cơ quan này. Ông yêu cầu các nhân viên chính phủ giải quyết các trường hợp khiếu kiện một cách hợp lý.
Ông Ôn cũng chỉ thị việc tạo điều kiện dễ dàng hơn để người dân phê bình và giám sát chính phủ. Theo báo chí Trung Quốc, đây là lần đầu tiên một thủ tướng xuất hiện ở cơ quan khiếu kiện để gặp gỡ những người dân thường kể từ khi Trung Quốc thành lập năm 1949.
Trên các blog và diễn đàn Internet tại Trung Quốc hôm qua đã tràn ngập thông tin về chuyến thăm trên của ông Ôn Gia Bảo. Hơn 6.000 người đã đưa thông tin hay bình luận về chuyến thăm lên các trang web phổ biến, phần lớn là hoan nghênh việc làm của ông Ôn.
Trong suốt năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc được coi là biểu tượng của sự thay đổi, khi ông công khai kêu gọi cải cách chính trị ở nước này. Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu Thẩm Quyến hồi tháng 8, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, các quyền dân chủ và quyền hợp pháp khác của người dân phải được đảm bảo. Người dân cần được huy động và tổ chức tham gia vào các vấn đề luật pháp, hành chính, kinh tế, xã hội và văn hoá.
Theo ông, vấn đề tập trung quyền lực quá mức với sự giám sát không hiệu quả cần được giải quyết bằng nỗ lực cải tổ các thể chế. Ông yêu cầu tạo điều kiện để người dân được phê bình và giám sát hoạt động của chính phủ. Ông cũng cam kết xây dựng một xã hội Trung Quốc công bằng, đặc biệt trong luật pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time (Mỹ), ông Ôn Gia Bảo nói: “Tôi tin rằng, tự do ngôn luận là không thể thiếu với bất kỳ nước nào. Tôi thường nói rằng, chúng ta không nên chỉ cho phép mọi người tự do ngôn luận; chúng ta cần tạo điều kiện để cho phép họ chỉ trích công việc của chính phủ”.
Sau đó, trong cuộc phỏng vấn ngày 3/10 trên CNN, ông khẳng định: “Mong mỏi của mọi người, sự cần thiết cho mọi người, dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại được. Những ai đi cùng xu thế này sẽ thịnh vượng, những ai đi ngược lại sẽ thất bại”.
Thái An (tổng hợp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét