· Vì đâu Nguyễn Phú Trọng lại có tật giật mình?
· Tại sao được Hồ Cẩm Đào ưu ái đặc biệt?
· Tăng cường âm binh và cai tư tưởng, báo chí nuôi ý đồ gì?
Mặc dầu đã công phu tính toán chọn ngày „tứ quí“ (11.1.2011) làm ngày mở hội, nhưng cũng đúng vào dịp này Hà nội đã rơi vào cái cực lạnh ít có, nhiều ngày lại có sương mù bao phủ dầy đặc không còn thấy lối đi! Cái lạnh của bên ngoài lại tiếp thêm sự nguội lạnh và vô cảm của những người chủ chốt khiến cho không khí các buổi họp của Đại hội lại càng trở nên lạnh lẽo, hời hợt. Cả tới thiên nhiên cũng còn biết chống lại. Điều này nói lên tín hiệu gì?
Sau 9 ngày trình diễn ngày 19.1 Nguyễn Phú Trọng, người đạo diễn đồng thời cũng đóng vai chính, đã tuyên bố bế mạc màn thứ nhất và sau đó đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách tân Tổng bí thư. Mở đầu cuộc họp báo ông Trọng nói là „hồi hộp tới phút chót“ và ông phân bua với các nhà báo là „lần đầu nghe được gọi là Tổng bí thư hãy còn ngượng…“Chẳng những thế Nguyễn Phú Trọng còn phân bua là ông làm „không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng“[1].
Những người quan sát thời cuộc VN, đặc biệt về các nhân vật đang có quyền lực, thì lại khám phá một hiện tượng trái ngược trong giới này, nói theo cách dân dã thì đó là thái độ nói vậy nhưng không phải là vậy. Chẳng hạn khi hoạt náo viên Nguyễn tấn Dũng được bầu làm Thủ tướng, trong cuộc nói chuyện trực tuyến (online) đầu tiên (9.2.07), khi được hỏi „ ông yêu điều gì nhất và ghét cái gì nhất?“ thì Nguyễn Tấn dũng đã hả hê trả lời ngay là „Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.“[2]
Nhưng suốt từ 2006 tới nay người ta lại thấy hoàn toàn ngược lại, Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng thích nổ và dối trá nhất từ trước tới nay, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong mọi lãnh vực: Đối với báo chí thì ông bảo là VN đang có chế độ tự do báo chí nhất. Nhưng ông lại ra lệnh báo chí „phải đi lề phải“ và ra quyết định không cho các chuyên viên, nhân sĩ được quyền phản biện công khai! Trong vụ tập đoàn Vinashin dưới quyền lãnh đạo của ông, nhưng đã gây ra món nợ khủng khiếp cho ngân sách quốc gia trên 86.ooo tỉ đồng (4,5 tỉ USD), ra trước Quốc hội ông nhận trách nhiệm, nhưng vẫn không chịu từ chức mà trái lại nay lại vẫn ngồi chỗm chệ trong Bộ chính trị và có thể bám cái ghế Thủ tướng tiếp.
Nguyễn Phú Trọng không muốn tự “đánh bóng”?
Trở về trường hợp người đứng đầu mới của chế độ độc tài toàn trị, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, ông không muốn tự „đánh bóng“ mình. Nhưng tại sao ngay trong cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách là Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã phải tự phân bua như vậy? Có tật giật mình hay sao? Nghĩa là nhiều giới đã thấy ông Trọng là con người nói vậy mà không là vậy, nói một đằng làm một nẻo, người đeo nhiều bộ mặt? Những người ranh mãnh thì thường có những câu nói ngọt sớt, nhưng ngọt lọt tới xương, như tục ngữ của VN đã cảnh báo!
Thông thường nếu một chính khách làm tốt có lợi ích cho nhân dân và đất nước thì được người dân kỉnh nể, dư luận ca ngợi, họ không cần phải tự đánh bóng. Trái lại, những người có tâm địa đen tối lại hay nói ngọt ngào, làm những cử chỉ và hành động có vẻ như rất dân chủ, đạo đức…Tất cả chỉ nhằm mục đích „đánh bóng“, tức là tìm cách che lấp tâm địa đen tối của mình.
Nếu theo dõi sát các hoạt động của Nguyễn Phú Trọng trong thập niên vừa qua thì nổi bật lên các điểm:
1. Ông là nhân vật có tư tưởng cực kì bảo thủ. Ngay từ giữa thập niên 90 khi còn làm Tổng biên tập Tạp chí CS ông Trọng đã về phe với cánh bảo thủ trong Bộ chính trị buộc tội Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy là „Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc“ [3] Vì trong thư 22 trang ngày 9.8.1995 gởi Bộ chính trị ông Kiệt đã phê bình và tố cáo nhiều việc, trong đó tệ hại nhất là tệ trạng mất dân chủ và vô trách nhiệm ngay trong cấp cao nhất và đòi phải từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ. Cho tới nay ông Trọng vẫn giữ nguyên lập trường cực kì bảo thủ và phản động này. Bằng chứng mới đây nhất và tập trung nhất là Bản cương lĩnh 2011 do chính Nguyễn Phú Trọng là tác giả vừa được Đại hội 11 thông qua.
Trước đó ngay cả nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu trong cuộc „Hội thảo khoa học“ 7.10.2010 đã phải gọi các tư tưởng trong Bản cương lĩnh này là „lỗi thời“, „ảo tưởng“ „phản động“, „giả dối“, „tự lừa dối“.[4]
2. Nguyễn Phú Trọng cũng là người thần phục Bắc kinh. Trong những năm đứng đầu ngành tư tưởng ông Trọng là người khai trương cho các cuộc Hội thảo định kì giữa hai ĐCS VN và Trung quốc để Hà nội dựa vào Bắc kinh và học cách cai trị của Bắc kinh . Gần dây nhất ông còn ngăn cản đòi hỏi đưa ra Quốc hội thảo luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông do việc Bắc kinh gia tăng các hành động gây hấn và xâm lấn. Câu nổi tiếng của ông Trọng chống lại đòi hỏi này là về tình hình biển Đông „không có gì mới“.[5]
Ông Trọng biết rõ đây là những dấu ấn chính trị nguy hiểm và rất bất lợi cho uy tín của mình ở trong Đảng và ngoài xã hội, nhất là trong các tầng lớp trí thức, chuyên viên, văn nghệ sĩ và thanh niên.
Chính vì thế để tìm cách xoa dịu dư luận trong xã hội và làm yên lòng các đảng viên, Nguyễn Phú Trọng đã dùng chức Chủ tịch Quốc hội để tự đánh bóng mình về mặt đối ngoại cũng như đối nội. Trong suốt hơn bốn năm làm Chủ tịch Quốc hội ông Trọng đã đi thăm nhiều nước và mời nhiều lãnh tụ các nước khác thăm. Hoạt động ngoại giao ồn ào của Quốc hội thời ông Trọng chưa từng có trước đây. Đầu năm 2010 ông còn thân hành thăm Ấn và Nam dương, hai nước Á châu có tiếng không có thiện cảm với Bắc kinh. Chọn lựa tính toán này cốt để „đánh bóng“ tiếng xấu người thần phục Bắc kinh!
Ngoài ra, Nguyễn Phú Trọng còn chủ ý biến các cuộc chất vấn trong Quốc hội vừa để đánh bóng mình trước dư luận, vừa để dằn mặt đối thủ chính trị ngay trong Bộ chính trị. Trong các cuộc chất vấn này không chỉ một số bộ trưởng mà cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải ra tường trình như trong hai vụ nổi tiếng bác „Dự án đường xe lửa cao tốc“ trong kì họp thứ 7 và „Tập đoàn Vinashin“ trong kì họp thứ 8 vừa qua. Các buổi đấu khẩu trước Quốc hội này đã làm một phần dư luận lạc quan tin rằng, Quốc hội đang có thực quyền. Nhưng nếu theo dõi kĩ hơn thì thấy đây chỉ là những trò múa rối giữa đạo diễn và vài hoạt náo viên. Bởi vì „Dự án đường xe lửa cao tốc“ tuy đã bị Quốc hội bác, nhưng nay lại vẫn được tiến hành. Đấy là chưa kể nay đang có các nguồn tin là ông Trọng đã hoãn dự án này với Nhật để dọn đường cho dự án với Bắc kinh.[6] Còn trong vụ Vinashin, chính Nguyễn Phú Trọng đã bác không cho Quốc hội lập Ủy ban điều tra và tuy Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng nay lại vẫn ngồi chỗm chệ trong Bộ chính trị mới, như đã trình bày ở phần trên.
Nguyễn Phú Trọng là chính khách dân chủ?
Cũng trong cuộc họp báo đầu tiên tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hả hê tự khen các cuộc bầu bán các chức vụ trong ba cơ quan cao nhất của Đảng là Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng rằng:
“Đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, thảo luận, lắng nghe rất kỹ lưỡng, nghiêm túc. Sự thành công của Đại hội tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, một sự thống nhất, đoàn kết, dân chủ thực sự chứ không phải là dân chủ hình thức” [7]
Ở đây không hiểu vì sao ông Trọng cũng phải lập lại „dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ hình thức“, phải chăng vẫn bị bệnh tâm lí có tật giật mình, nói không đánh bóng nhưng thực ra lại cố tình đánh bóng như trên, nói „dân chủ thực“, nhưng lại chính là dân chủ cuội! Đâu là sự thực?
Trong sinh hoạt chính trị ở các nước dân chủ đa nguyên, như ở Đức chẳng hạn, các đảng bộ địa phương của các chính đảng lớn Dân chủ Xã hội (SPD) hay Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) được độc lập trong việc hoạch định nhân sự, các chương trình và kế hoạch liên quan tới địa phương; các việc ứng cử, đề cử và bầu các cơ quan của đảng bộ là thuộc toàn quyền của đảng viên ở địa phương; việc chọn các đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc là quyền độc lập của đảng bộ địa phương. Chủ tịch đảng hay các nhân vật ở trung ương của đảng tham dự các đại hội đảng ở địa phương chỉ tới với tư cách là khách được mời, chứ không được chủ trì hay giữ vai chỉ đạo trong các cuộc họp của đảng bộ địa phương. Với nguyên tắc làm việc và sinh hoạt dân chủ thực sự này luôn luôn tạo nên một sinh khí sinh động, tranh đua dân chủ, các đảng viên có uy tín và khả năng thực sự thường trúng cử với số phiếu phù hợp với tỉ lệ tín nhiệm, còn các nhân vật tai tiếng đều bị phê bình nghiêm khắc và phải rút lui hay bị bất tín nhiệm của đảng viên hay cử tri. Chính sự sinh hoạt dân chủ và công khai trong các chính đảng ở các xã hội dân chủ đa nguyên là sự khuyến khích những đảng viên có năng lực và đạo đức thực sự, đồng thời là phương pháp kiểm soát hữu hiệu nhất để loại trừ những phần tử xôi thịt và lạm quyền.
Nhưng nếu theo dõi sát tình hình nội bộ ở cấp cao của ĐCSVN thì sẽ thấy giải pháp nhân sự mới vừa thành hình trong hai cơ quan có quyền lực nhất là Bộ chính trị và Ban bí thư tại Đại hội 11 vài ngày trước là cả một chuỗi công việc đã được Nguyễn Phú Trọng và một số người cùng vây cánh tính toán và chuẩn bị từ lâu.
Là một đảng độc tài toàn trị theo mô hình tổ chức đảng của Lenin-Stalin-Mao nên ĐCSVN vẫn giữ tổ chức theo hàng dọc, trên quyết định tất cả, dưới chỉ biết tuân lệnh thi hành. Dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị, mà thực tế là chỉ một vài người có thế lực nhất, Ban Tổ chức trung ương giữ nhiệm vụ đào tạo và chuẩn bị nhân sự cho cấp Ủy viên Trung ương đảng và các cấp trung cao khác. Trước khi Đại hội 11 diễn ra, các đại hội địa phương từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, thành phố, công an, quân đội…đều được tổ chức. Thành phần nhân sự dự tính trong cấp ủy của đảng bộ cấp tỉnh, thành phố….đều phải được cấp cao hơn chuẩn y, kể cả báo cáo hoạt động và chương trình tương lai đều phải trình cấp trên. Không những thế, trong mấy tháng trước Đại hội 11, các ủy viên Bộ chính trị đã thay phiên nhau về tham dự các đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố, quân đội, công an…Trong các đại hội này các ủy viên Bộ chính trị tới không phải là khách mời mà lại đứng vai trò „chỉ đạo“ ngay trong đại hội! Chính Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần tham dự các đại hội địa phương và đã ra các chỉ thị trực tiếp.
Tóm lại các cán bộ ở địa phương lên chức hay mất chức, được cử đi làm đại biểu trong Đại hội 11 là đã được trung ương xem xét, sàng lọc trước đó từ lâu. Cho nên dư luận rất thắc mắc, tại sao trong khi ông Trọng ca ngợi hồ hởi kì bầu cử trong Đại hội này là dân chủ nhất, vì số dư cao của các ứng cử viên do chính các đại biểu đề cử, nhưng tuyệt đại đa số những người trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương … lại đều là những đại biểu do Bộ chính trị đã giới thiệu. Vì vậy trong cuộc họp báo này Nguyễn Phú Trọng lúng túng biện hộ:
„Công tác nhân sự đại hội được chuẩn bị rất công phu, mỗi trường hợp giới thiệu đều được các cơ quan tổ chức bộ máy nghiên cứu, thẩm tra đánh giá toàn diện, qua nhiều khâu, nhiều vòng. Còn với những trường hợp được các đoàn đại biểu giới thiệu tại đại hội, ít người nắm được thông tin, nhiều thông tin chưa được thẩm tra đầy đủ.“[8]
Điều mà Nguyễn Phú Trọng bộc lộ là „công phu“, „nhiều khâu, nhiều vòng“ chỉ là sự xác nhận sự thực về lề lối làm việc cực kì độc tài ở trong Đảng. Chính một số người có quyền lực trong Bộ chính trị đã sàng lọc theo ý đồ riêng các đại biểu về tham dự và các ứng cử viên được giới thiệu. Nhiều cách mạng lão thành đã từng tố cáo các chuyện mua quan bán chức cả hàng tỉ đồng. Vì thế những người này đã trở thành như các hoạt náo viên và trò chơi dưới sự điều khiển của một vài đạo diễn trong Bộ chính trị! Cho nên có số dư cao chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ giả hiệu mà thôi, vì cuối cùng chuyện đâu vẫn vào đấy!
Thế vẫn chưa đủ, nếu không đồng ý thì những người có quyền lực trong Bộ chính trị có thể độc đoán bác cả các đề nghị về nhân sự của Ban Tổ chức, như trường hợp đã xẩy ra trước ngày khai mạc Đại hội 11 ít ngày. Vì thế Trưởng ban Tổ chức Hồ Đức Việt cũng đã bị mất ghế trong Bộ chính trị.[9] Hiện nay nạn chuyên quyền, độc đoán, mua quan bán chức của một vài người có quyền lực trong Bộ chính trị đã dẫn đến tình trạng mất dân chủ, coi thường Điều lệ Đảng, bệnh bè phái, con quan thì lại làm quan ngày càng bung ra trong ĐCSVN, rõ ràng nhất là trong Đại hội 11. (Một số con của vài ủy viên Bộ chính trị cũ và mới đã nhẩy được vào Trung ương đảng). Các tệ trạng này ttrước đây đã bị cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tố cáo và kết án mạnh mẽ. Nhiều lão thành cách mạng cũng đã chỉ trích. Gần đây trước Đại hội 11 cựu Chủ tịch Quốc hội và nguyên ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Văn An cũng đã nguyền rủa![10]. Nhưng nó đang trở thành căn bệnh bất trị có hệ thống mang đặc tính của chế độ độc tài toàn trị.
Một điểm khác đáng chú ý về thái độ dân chủ hay không của Nguyễn Phú Trọng đối với các quyết định trong Nghị quyết của Đại hội. Trả lời báo chí về việc 65% đại biểu đã bác chủ trương “công hữu tư liệu sản xuất”, như đã ghi trong dự thảo Cương lĩnh do chính Nguyễn Phú Trọng soạn thảo, ông Trọng đã trả lời như thế này: „Quyền của đại hội, biểu quyết thế nào thì phải chấp hành, đó là ý chí của toàn Đảng, chúng tôi nghiêm túc chấp hành „[11]
Tuy nhiên ông Trọng nói tiếp:
„Nhưng dù thế nào nữa cũng không ảnh hưởng tới chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, từng bước đi lên, trước hết là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, mà nói gọn lại là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.“ [12]
Mới vế trước tân Tổng bí thư bảo là „nghiêm túc chấp hành.“ Nhưng ngay đó vế sau Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng ý „dù [Đại hội quyết định] thế nào nữa“ thì „chính sách nhất quán“ của đảng – ở đây ngụ ý là của Nguyễn Phú Trọng và những người đang có quyền lực- sẽ tiếp tục đi theo chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.“ Nghĩa là „công hữu tư liệu sản suất“ (tức đất đai, tài nguyên…) đều thuộc độc quyền của Nhà nước, mà ở đây là các tham quan ở trung ương và địa phương sử dụng tùy tiện và tham nhũng thả cửa sẽ tiếp tục được duy trì bằng cách này hay cách khác. Trong thực tế có nghĩa là phe Nguyễn Phú Trọng sẽ dùng mánh khóe này hay thủ đoạn khác để làm Nghị quyết trên của Đại hội vô hiệu lực! Điều này đã từng xẩy ra đối với một số nghị quyết của Đại hội 10 đã không được Bộ chính trị thực hiện, như chính nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu đã tố cáo trong cuộc „Hội thảo khoa học“ ngày 7.10.
Qua cách trình bày theo lối „chấp hành…nhưng“, mọi người có thể thấy rõ Nguyễn Phú Trọng chẳng coi Nghị quyết của Đại hội có giá trị gì cả và điều đó lại càng khẳng định thái độ nói một đằng làm một nẻo của tân Tổng bí thư. Dân chủ chỉ ở cửa miệng, nhưng thực sự là người phản dân chủ nhất! Rõ ràng ông Trọng đã dùng trò dân chủ phường trèo, dân chủ cuội cốt đánh bóng bộ mặt của mình để nhẩy lên chức Tổng bí thư trong Đại hội 11 mà ông và vây cánh đã „rất công phu“ chuẩn bị vòng trong vòng ngoài ít nhất từ hai năm trở lại đây!
Điểm đáng ghi nhận cuối trong cuộc họp báo của tân Tổng bí thư liên quan tới vấn đề dân chủ và nhân quyền. Tuy mở đầu cuộc họp báo Nguyễn Phú Trọng nói sẵn sàng trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi của báo chí. Nhưng khi nhà báo của thống tấn xã AP hỏi về tình hình đàn áp nhân quyền của chế độ toàn trị thì ông Trọng đã để cho Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh nói thay. Việc không dám trả lời vấn đề quan trọng này chính Nguyễn Phú Trọng đã tự nói rõ quan điểm và thái độ của mình như thế nào!
Hướng về phương nào, đi thăm nước nào, ai mời trước?
Trả lời câu hỏi của nhà báo, nước nào và khi nào tân Tổng bí thư sẽ đi thăm? Nguyễn Phú Trọng đã trả lời:
„Chắc sau này cũng sẽ phải đi, nhưng đi đâu thì còn có Ban Đối ngoại, rồi Bộ Ngoại giao…”
„Thứ hai nữa là người ta có mời hay không thì mới đi, chứ mình chủ động đi thế nào được.” [13]
Đài BBC đã vội khen là ông Trọng trả lời khôn ngoan. Nhưng ngay ngày hôm sau (20.1) Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng tiếp Vương Gia Thụy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Trước đó ông Trọng đã tiếp Trưởng ban Đối ngoại đảng Nhân dân Cách mạng Lào (CS) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào. Trong dịp này Vương Gia Thụy, theo tờ CS điện tử, đã „trân trọng chuyển đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lời mời thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.“ [14] Và ông Thụy cũng lập lại tuyên bố của giới cầm đầu Bắc kinh ngày 19.1 sau khi Đại hội 11 vừa kết thúc ca ngợi thành công tốt đẹp của Đại hội với việc Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư. Về thành quả hợp tác giữa hai bên ông Thụy cho biết:
„Về chính trị, hai bên tích cực đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, trao đổi, giao lưu nhằm nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Quan hệ hợp tác kinh tế không ngừng được đẩy mạnh với kim ngạch thương mại song phương vượt 30 tỷ USD trong năm 2010. Về giao lưu giữa hai Đảng, hai bên đã tổ chức được 6 lần hội thảo lý luận, giao lưu đoàn thể được tiến hành thường xuyên, trao đổi cán bộ tiến triển thuận lợi. Các hoạt động giao lưu nhân dân trong “Năm hữu nghị Việt – Trung” diễn ra thuận lợi, Đại hội thanh niên Trung – Việt thành công rực rỡ, có ảnh hưởng sâu rộng.“[15]
Vương Gia Thụy cũng cho biết, thời gian tới hai bên sẽ „củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt – Trung “[16]
Trong dịp này khi trả lời sứ giả đặc biệt của Hồ Cẩm Đào, Nguyễn Phú Trọng sau khi lướt qua vài nguyên tắc ngoại giao bề ngoài của chế độ đã nhấn mạnh ngay:
„Trong đó dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường mạnh mẽ, toàn diện quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng tình cảm hữu nghị, sự ủng hộ to lớn và giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào và của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho sự nghiệp cách mạng, cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam và sẽ làm hết sức mình để các mối quan hệ tốt đẹp đó phát triển sâu sắc, hiệu quả và thiết thực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời thăm chính thức Lào và Trung Quốc vào thời gian thích hợp.“ [17]
Có một số sự kiện đáng lưu ý trong thái độ của Bắc kinh và cách trình bày của tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bắc kinh đã được coi là nơi lên tiếng đầu tiên khen ngợi kết quả Đại hội 11 và chúc mừng Nguyễn Phú Trọng. Không những thế chỉ một ngày sau Đại hội 11 kết thúc còn cử Trưởng ban Đối ngoại của ĐCS Trung quốc làm „đặc phái viên“ của Hồ Cầm Đào sang chúc mừng và mời Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung quốc. Tại sao Hồ Cẩm Đào lại ưu ái với Nguyễn Phú Trọng đến độ như vậy? Điểm đáng lưu ý nữa liên quan tới phương cách phổ biến cuộc tiếp Vương Gia Thụy của Nguyễn Phú Trọng. Tuy ông Trọng tiếp riêng biệt hai Trưởng ban đối ngoại đảng ĐCS Lào và Trung quốc, nhưng ông Trọng đã để các báo của chế độ (như tờ CS và CP điện tử) đưa tin cùng trong một bài hai cuộc tiếp đón này. Trong bài tường thuật tuy cho biết là Nguyễn Phú Trọng đã „lần lượt tiếp“ riêng rẽ hai đại diện ngoại giao, nhưng đã viết gộp lại làm một cả Lào lẫn Trung quốc. Việc này cũng không phải là tình cờ, mà trái lại cũng đã được tính toán kĩ. Bởi vì với cách phổ biến như vậy ra dư luận bên ngoài sẽ tạo một cảm tưởng như là không chỉ anh cả Trung quốc mà cả đàn em Lào cũng trân trọng Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Phú Trọng cũng coi hai nước láng giềng ngang nhau…Với cách trình bày như thế Nguyễn Phú Trọng muốn tránh dư luận nhòm ngó chê bai là người thần phục Bắc kinh.
Nhưng đối với những ai hiểu rõ con người của Nguyễn Phú Trọng thì lại càng thấy thái độ có tật giật mình của tân Tổng bí thư không chỉ rào đón trong cuộc họp báo là không muốn „đánh bóng“ như nói trên mà cả trong cách trình bày cuộc trình làng khi tiếp Vương Gia Thụy để bớt tai tiếng là người thần phục phương Bắc. Như vậy có lẽ Nguyễn Phú Trọng không còn phải chờ đợi lâu việc đi đâu và ai là người mời đầu tiên tân Tổng bí thư. Nhưng đối với ông Trọng thì hai khẩu hiệu „16 chữ vàng“ và „bốn tốt“ đã thuộc lòng lòng, biến cả vào máu rồi!
Có lẽ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ lâu năm ở Trung quốc, hiểu rất rõ con người thực của Nguyễn Phú Trọng. Nên trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi chỉ khoảng 1 phút trong Đại hội 11 cụ Vĩnh đã chỉ khuyên Nguyễn Phú Trọng hai việc khi lên làm Tổng bí thư, đó là „dân chủ“ và „tự chủ“.[18] Thật là thâm thúy!
Họ tính gì khi cho tăng cường âm binh và bọn cai tư tưởng và báo chí vào các cơ quan cao nhất?
Nếu để ý thành phần nhân sự trong ba cơ quan cao nhất của Đảng là Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng thì cái đập vào mắt mọi người là số tướng lãnh quân đội và công an gia tăng đặc biệt. Trong tổng số 175 ủy viên Trung ương đảng thì chiếm tới khoảng 1/6 là các tướng quân đội và công an. Trong Bộ chính trị mới có 3 Tướng, 1 quân đội và 2 công an. Ngoài việc mở rộng giao quyền cho các tướng, còn có cả việc tăng cường bọn cai tư tưởng và báo chí ngay trong Bộ chính trị. Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân dân và Chủ tịch Hội nhà báo VN đã chui được vào Bộ chính trị. Chính ngay trước Đại hội 11 một ngày Đinh Thế Huynh đã thách đố dư luận, ngạo mạn đòi giữ tiếp chế độ độc tài toàn trị. Trong cuộc họp báo ông đã tuyên bố rất phản động:
“ Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đã đảng.“ [19]
Như thế số người đã từng và đang lãnh đạo công tác tư tưởng và báo chí trong cơ quan cao nhất của Đảng đã lên tới 4 trong tống số 14 ủy viên Bộ chính trị mới. Nếu cộng với 3 tướng chỉ huy âm binh thì chiếm một nửa trong Bộ chính trị.
Những người cầm đầu chế độ toàn trị nói là tin vào đồng chí, tin vào dân, đưa đất nước tới dân chủ-văn minh, nhưng tại sao lại phải vội vàng gia tăng âm binh và tăng cường bọn kiểm soát tư tưởng và canh trừng người cầm bút như thế? Tại sao coi phát triển kinh tế, giáo dục là những „đột phá“ trong thời gian tới, nhưng lại vắng bóng các chuyên viên kinh tế, tài chánh, giáo dục…hàng đầu trong các cơ quan cao nhất? Họ đang âm mưu tính toán gì vậy? Rõ ràng là bàn tay sắt bọc nhung!
Hơn 60 năm nay các tầng lớp nhân dân đã phải nghe đến nỗi nhàm chán khẩu hiệu „thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội“. Nhưng chẳng có ai, ngay cả những người kêu gào khẩu hiệu này, vẫn không thấy „niết bàn“ hay „thiên đàng“ chính trị bao giờ tới, mặt mũi nó như thế nào. Tuy nhiên ai cũng thấy – chỉ những kẻ có quyền tiền thì không thấy và không muốn thấy- trước mắt hiện ra một VN, đất nước thân yêu của gần 90 triệu người, đang là một địa ngục trần gian: nghèo đói, bất công, tham nhũng như rươi, đàn áp, bị bịt miệng bị bịt mắt, bị che tai…Suốt trên 60 năm bao nhiêu triệu người đã là nạn nhân từ nông dân, công nhân, bộ đội, chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ…
Nếu theo dõi tâm trạng, thái độ và những tính toán của những người đang nắm quyền lực một cách bất chính thì thấy họ đang rất lo âu: Thanh niên, chuyên viên, trí thức, nhiều nhà báo và cả những đảng viên còn giữ lòng tự trọng đã khinh thường và rất bất mãn với nhóm bất tài, tham nhũng chỉ tham quyền cố vị; đa số người dân bình thường cũng không tin họ. Điều mọi người còn khám phá ở nhóm bạo quyền này là họ không còn tin vào chính họ nữa. Là những người mê sảng với quyền tiền nên họ cầu mong giữ được quyền lâu. Nhưng chẳng còn mấy ai tin họ, đi đâu họ cũng chỉ gặp sự khinh bỉ, cho nên họ phải vận dụng âm binh yểm trợ. Không những thế, tuy nhận là người vô thần, nhưng nay họ còn tin huyền bí của thế giới khác giúp họ giữ quyền lâu dài. Họ đang bắt chước lối mê tín dị đoan của vài giới phương Tây. Vì thế họ cũng đã tìm „ngày tứ quí“ để tổ chức cuộc họp quan trọng. Chẳng hạn thay vì thông lệ họp vào ngày Thứ hai trong tuần, lần này họ đã mở đầu Đại hội 11 vào ngày Thứ ba 11.1. 2011. Một vài giới ở phương Tây vẫn tin dị đoan chọn các ngày „tam quí“ hay „tứ quí“ để lập gia đình hay làm việc gì quan trọng. Nếu kể thêm Đại hội này là Đại hội số 11 thì họ tin rằng đã có „lục quí“ với 6 con số 1, như vậy sẽ được thần linh phù hộ tha hồ tham nhũng lộng quyền suốt đời!
Nhưng họ đã quên rằng, dân trí đã tiến bộ; thanh niên, chuyên viên và trí thức đã tự tin; lòng dân VN đã thay đổi. VN đang hội nhập quốc tế. Thế giới đang chuyển vào kỉ nguyên hiện đại với toàn cầu hóa và kĩ thuật truyền thông điện tử tân kì và nhanh chóng. Cho nên các hành động tìm cách che mắt nhân dân, đánh lừa đảng viên, bịt miệng trí thức, chuyên viên của tân Tổng bí thư đã thực sự qua rồi. Các biện pháp đàn áp, dân chủ trí trá, đánh bóng hay giả dối không thể che dấu được nữa và cũng chẳng làm ai sợ!
* * *
Tâm địa đen tối, lòng nguội lạnh và vô cảm trước những bức xúc của nhân dân và trước nguy cơ xâm lấn của phương Bắc của Nguyễn Phú Trọng và những người thân tín trong Bộ chính trị mới làm người ta nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn. Một thương gia rất giầu có sau khi đã chuẩn bị công phu đã mời cả ngàn khách hàng tới một khách sạn sang trọng để thuyết phục họ mua hàng của ông.
Sau lời chào mừng rất ngọt ngào, thương gia giầu có này đã thao thao bất tuyệt kể về gia tài kếch sù, cách làm ăn lương thiện và tấm lòng quảng đại của mình…! Giữa khi đang thao thao bất tuyệt tự đánh bóng thì thương gia thấy nhiều người cứ nhìn ông chằm chặp rồi hoảng hốt chạy ra ngoài, hết người này đến người khác.
Người thương gia vừa thất vọng, vừa bực tức không biết chuyện gì đã xẩy ra. Ông vội chạy về phòng nhìn vào tấm gương lớn thì cũng hốt hoảng, vì trong gương hiện nguyên hình của bộ mặt con hổ! ♣
· Để hiểu rõ thêm các tính toán và chuẩn bị công phu của Nguyễn Phú Trọng và những người thân tín để leo cao hơn ngồi lâu hơn trong Đại hội 11, chúng tôi gởi kèm hai bài của cùng người viết đã được phổ biến trên Web: www.dcpt.org vào đầu năm 2010.
GHI CHÚ
[1] . Vietnam Net (VNN) 19.1
[2]. Chính phủ điện tử
[3] .Tạp chí Cộng sản số 2,1.1996,tr.26; Nguyễn Thế An, Võ Văn Kiệt đang bị thách đố gay gắt, Tạp chí Dân chủ & Phát triển số 7, 10.1996.
[4] .Toàn bộ cuộc hội thảo xem trong Blog Basam
[5] . Lao động 26.8.2010
[6] . RFI 21.1;Bauxite VN 22.1
[7] . Sài gòn tiếp thị 19.11
[8] . VNN 19.1
[9] . Tin nội bộ tiết lộ là thời gian giữa hai Hội nghị Trung ương 14 và 15 đã có đấu đá ở cấp cao nhất, trong đó Nông Đức Mạnh trong tư cách là Trưởng ban Nhân sự của Đại hội 11 đã bị Hồ Đức Việt chỉ trích cố ý làm sai tiêu chuẩn chọn lựa nhân sự.
[10] . Nguyên Chủ tịch QH khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị, Tuần VN 8.12
[11] . VNN 19.1
[12] . Như trên
[13] . BBC191
[14] . Cộng sản điện tử 20.1
[15] . Như trên
[16] . Như trên
[17] . Như trên
[18] . BBC 21.1
[19] . Vietnam Express 10.1
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét