Pages

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Quyền lực thuộc về cộng đồng blog

Tác giả THOMAS L. FRIEDMAN -THE NEW YORK TIMES *

Khoảnh khắc này là khó tránh khỏi. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu rũ áo cộng sản, trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo nước này đã theo đuổi chiến lược “gia tăng hoà bình” với những hành động khiêm tốn, thận trọng, không đe doạ láng giềng và gần như không kích động bất cứ một liên minh nào chống lại Mỹ.
Nhưng vài năm gần đây, khi mô hình kinh tế Mỹ tự vấp phải một cú sốc đầy lúng túng, và “Bắc Kinh đồng lòng cùng tiến”, thứ ngôn ngữ nổi lên ở Trung Quốc đó là “tương lai thuộc về chúng ta” hay và có thể chúng ta nên dẫn đầu thế giới. Gìơ đây, những ngôn từ như thế phần lớn xuất phát từ các vị tướng nghỉ hưu, và những bloger sắc sảo và giới lãnh đạo Trung Quốc thì vẫn thận trọng.

Nhưng mùa hè vừa rồi với những tranh chấp ngoại giao đã khiến các láng giềng của Trung Quốc, không đề cập tới Washington, phải tự hỏi, liệu Trung Quốc có thể duy trình hành động “người khổng lồ hiền lành” được bao lâu. Với con số ước tính khoảng 70 triệu bloger, các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây đang chịu một áp lực dai dẳng đòi hỏi họ phải quả quyết từ một cộng đồng blog theo chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa dân tộc mà trong bối cảnh thiếu vắng bầu cử dân chủ, đã trở thành tiếng nói của người dân trên thực tế.

Tranh cãi ngoại giao là một phiên họp của diễn đàn khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội. Cuộc họp này có sự tham gia của ngoại trưởng 10 nước thành viên, cũng như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Theo một trong các quan chức ngoại giao có mặt trong cuộc họp, thái độ của các ngoại trưởng ASEAN dù khó nhận thấy nhưng rõ ràng là thận trọng với việc Trung Quốc trở lại quyết định tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” với toàn bộ biển Hoa Nam (Biển Đông) – khu vực giàu tài nguyên, kéo dài từ Singapore tới Eo biển Đài Loan cũng như Việt Nam và chiếm khoảng một nửa lượng vận chuyển hàng hoá thế giới mỗi năm. Nơi đáy biển còn được tin rằng có dự trữ lớn về dầu và khí đốt; với việc Hải quân Mỹ trở nên gây hấn hơn trong việc bắt giữ các tàu cá mà họ cho rằng đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc tranh chấp hàng hải với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo lời một người tham dự, khi một vị ngoại trưởng tiếp theo một vị khác đứng lên trong cuộc họp ASEAN để khẳng định chủ quyền ở biển Hoa Nam (Biển Đông) hay khẳng định bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào cần phải được giải quyết hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, Ngoại trưởng Trung Quốc đã dần bị kích động. Và sau khi bà Clinton tuyên bố, biển Hoa Nam (Biển Đông) là khu vực mà Mỹ “có lợi ích quốc gia” trong “tự do hàng hải”, ngoại trưởng Trung Quốc đã yêu cầu ngừng họp thời gian ngắn và sau đó trở lại khá nặng nề.

Phát biểu không cần văn bản, ông Dương nói suốt trong 25 phút, khẳng định rằng, đây là vấn đề song phương, không phải giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo Washington Post, ánh nhìn của ông xuyên suốt căn phòng, dù có rất nhiều người, để tới tận ngoại trưởng Mỹ, ánh mắt đấy được mô tả kiểu như “Trung Quốc là một nước lớn” và hầu hết các thành viên ASEAN còn lại “là những nước nhỏ”.

Giới ngoại giao thì nhấn mạnh, phòng họp dường như có một sự đồng thuận khi ngoại trưởng Trung Quốc đang cố gắng chia tách nhóm, chia tách những nước tuyên bố chủ quyền với quốc gia không tuyên bố chủ quyền để có thể các thành viên trong khối không có một hành động chung ASEAN và mỗi nước sẽ phải đàm phán riêng lẻ với Trung Quốc.

Phản ứng tiêu cực mà ông Dương cảm nhận đã được chuyển tải tới Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn xoa dịu sự việc vì e ngại sau một thập niên Mỹ để suy giảm ảnh hưởng trong khu vực, thì chính họ có thể đẩy tất cả các nước láng giềng về phía Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể “trầm tĩnh” bao lâu, còn phụ thuộc dù chỉ một phần vào bên thứ ba: cộng đồng blog Trung Quốc – nơi cả một thế hệ được truyền dạy khái niệm rằng, Mỹ và phương Tây muốn kìm nén Trung Quốc, để giờ đây cộng đồng này có riêng chiếc loa phóng thanh để phủ nhận bất cứ vị quan chức nào của Trung Quốc cam kết thoả hiệp. Thậm chí, họ có thể gọi vị ấy là “ủng hộ Mỹ, hay kẻ phản bội”.

Thú vị là, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cũng đã bắt đầu với tay tới cộng đồng blog này, thậm chí mời các bloger đi xe cùng đại sứ Mỹ, Jon Huntsman, hay phỏng vấn ông khi ông tới thăm các tỉnh Trung Quốc của họ nhằm truyền tải thông điệp của Mỹ mà không cần “bộ lọc” bởi truyền thông chính thống Trung Quốc.

“Trung Quốc đầu tiên đã có một giới công khai thảo luận mọi thứ ảnh hưởng tới người dân Trung Quốc”, Hồ Dũng, một chuyên gia nghiên cứu cộng đồng blog tại Đại học Bắc Kinh nói. “Dưới thời truyền thông truyền thống, chỉ có người tầng lớp trên mới có tiếng nói, nhưng Internet đã thay đổi tất cả”, ông nhấn mạnh. “Giờ đây, chúng ta có một kiểu truyền thông vượt phạm vi quốc gia, đó là tiếng nói của toàn xã hội, vì thế mọi người từ các vùng miền khác nhau của Trung Quốc có thể thảo luận về những gì đang diễn ra ở một nơi xa xôi hẻo lánh, và tin tức lan truyền đi khắp nơi”. Ông tiếp tục, nhưng thế giới Internet thiên về “chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý hơn. Nhiều năm chúng ta được giáo dục kẻ thù đang nỗ lực kìm nén chúng ta đã sản sinh ra cả một thế hệ thanh niên có tư tưởng như vậy, và giờ đaâ, họ có internet để thể hiện điều đó”.

Hãy quan sát không gian này. Những ngày mà Nixon và Mao có thể cố quản lý mối quan hệ trong sự bí mật đã không còn tồn tại. Có quá nhiều yếu tố bất ổn tồn tại ở đó, và cũng có quá nhiều người chơi với đủ sức mạnh thổi bùng hay làm dịu lại quan hệ Mỹ – Trung. Hoặc có thể diễn giải theo kiểu Công nương Diana, là có ba người trong cuộc hôn nhân này.

Friedman là nhà báo nổi tiếng của New York Time, người ba lần giành giải Pulitzer.

Người dịch: Nguyễn Hùng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010

Không có nhận xét nào: