Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Gương sáng Dân Chủ – Tunisie, Belgique: Tiếng Nói của Dân, tiếng nói của Dân Chủ

Paris 28 tháng giêng 2011. Hôm kia khi viết xong bài thì ở Ai Cập dân chúng xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Hosni Moubarack phải từ chức. Effet domino hay effet ketchup. Hiện tượng vết dầu loan, hay hiện tượng ketchup. Chai Ketchup chúc đầu mãi nay đã vọt ra. Cách mạnh Bông Lài đang đơm hoa kết trái. Ở Ai Cập con đường đầy máu cả ngàn người đang bị đàn áp vào tù ; hôm qua 4 người ngã gục, hôm nay lại tám người nữa. Tổng Thống Moubarack ra biện pháp mạnh, tung quân đội vào đàn áp, thiết luật Thiết quân Luật. Chờ xem, Quân đội cũng như ở Tunisie sẽ là cái chìa khóa. Cuộc đọ sức giữa cái Phải Dân Chủ và cái Trái Cường quyền Độc tài.

Vox populi, vox Dei. Ý Dân Ý Trời

Từ thời xa xưa, từ thời những Cộng Hòa La – mã, vào thế kỷ thứ V trước T.C. đã có từ ngữ nầy. « Tiếng nói của Dân, tiếng nói của Trời ».. Trước thời huy hoàng của Đế quốc La – mã, dân Hy – Lạp cũng đã biết tổ chức những thị xã (bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII trước T.C.) thành những đơn vị hành chánh nho nhỏ rồi. Ngay từ thế kỷ thứ V trước T.C. sau khi đã đánh đuổi được đoàn quân xâm lược của đế quốc khổng lồ Ba Tư, Hy Lạp đã bước vào một thời đại huy hoàng, với những nhà hiền triết như Parménide, Empédocle, Leucippe, họ cho ra đời một trường phái mới, với những nguồn tư tưởng mới, tư tưởng Dân chủ đa nguyên, với một một cái nhìn mới, cái nhìn Dân chủ, đa nguyên, cho một thế giới mới, thế giới Dân chủ : thành phố Athène với một chế độ Dân chủ là cái nôi của một nền văn minh mới, với nhiều trường phái tư tưởng chánh trị và trường phái nghệ thuật đầy sáng tạo đa nguyên đa diện.

Sau thời kỳ huy hoàng của Hy Lạp đến thời kỳ của La – mã. Người La – mã là người có đấu óc tổ chức. Những người La-mã đầu tiên thễ hiện dân chủ qua những tổ chức comita (tạm dịch là hội nghị – assemblée hay comice). Các hội nghị ấy là cái điển hình của một thể chế dân chủ trực tiếp, đây là một cố gắng đại diện cho tất cả những thành phần xã hội hay thành phần sắc tộc có mặt trong thành phố. Thành phần quý tộc trong các hội nghị lập thành một Hội đồng thành phố các bô lão (conseil municipal des anciens). Hôi đồng thành phố các bô lão cuối cùng biến thành Sénat (tạm dịch là Thượng Viện) các Bô lão. Theo truyền thuyết La – mã, Sénat đầu tiên gồm 300 bô lão (patres) của ba sắc tộc đầu tiên có mặt ở La – mã. Đó là 300 vị sénateurs – nghị sĩ đầu tiên của La – mã.

Về sau dân chúng và các bô lão cần một người lãnh đạo chánh trị duy nhứt gọi là rex. Rex do dân bầu, và các bô lão sẽ là những cố vấn tham mưu.

Nếu Dân Chủ Démocratia là của Hy – lạp thì Cộng hòa – République là do từ ngữ “Res publica”, tức là “của công” của La Mã. Lãnh đạo, quản trị là coi sóc chăm sóc, làm việc cho của công, cho cộng đồng. Tiêu đề của Cộng hòa La – mã là “Senatus Populusque Romanus” – Pour le Senat et le peuple Romain, cho Thượng Viện và Nhơn dân La – mã. Câu nầy nói lên cái đoàn kết của Thượng Viện La – mã, nơi các đại diện những gia đình quý tộc La – mã và toàn thể các công dân La – mã. Vox Populi Vox Dei.

Như vậy, như chúng ta đã thấy từ ngàn xưa, vai trò người dân đã được đặt lên ngang hàng các quyền chức lãnh đạo. Những nhà chánh trị, những lãnh đạo một đất nước, một lãnh thổ đều cai trị quản trị do dân và vì dân, họ là những nhà đại diện nhơn dân quản trị một lãnh thổ, nhơn danh nhơn dân của lãnh thổ ấy.

Vox populi, Vox Dei. Đó là những thời đại huy hoàng của những thể chế Dân chủ và Cộng hòa.

Thế nhưng nhơn dân có thật sự cai quản là một chuyện khác. Vì quyền hành cuối cùng vẫn do các người đại diện nhơn danh Nhơn Dân.

Nhưng chẳng chốc, vì lòng tham lam, các bô lão, các quý tộc, các thành phần chức sắc hoặc cần một vị lãnh đạo, hay ngược lại có thể có một vị quan chức đầy tham vọng được bầu lên hoặc tự phong lên một chức vụ duy nhứt, chức vụ Rex tức là Vua . Vua – Rex cho một lãnh thổ nhỏ, Đế -Emperator dùng cho ông Vua đã bắt đầu tham lam đi cướp đất người, để chinh phục. Emperator -Empereur – Đế. Dân Tàu thêm mầu Vàng cho xôm tụ Hoàng Đế (Yellow Emperor). La – mã có tục lệ các Hoàng Đế lên ngôi tại mặt trận, các tướng khoác Long bào cho Hoàng Đế trước ba quân, (cũng như ở Việt Nam ta có Lê Hoàn được các tướng khoác Long Bào trước ba quân để thành Vua Lê Đại Hành). Nhưng khi được làm Vua thì không muốn xuống nữa, và cũng vì vậy, sợ đủ chuyện, sợ bị ám sát, sợ bị hạ bệ do đảo chánh, nên phải mua chuộc để có thêm tay chơn bộ hạ vây cánh. Nếu không mua chuộc được dân, phải làm cho dân sợ, phải khủng bố, phải đàn áp, phải có Công An riêng, lính hầu riêng, khám lớn, khám nhỏ, trại tập trung, trại cải tạo… Ngự Lâm Quân, Mật Vu, Công An ..KGB.. Stasi.

Nhưng không phải tự nhiên thành bạo chúa đâu? Những người bắt đầu một triều đại bao giờ cũng một minh quân, có tài quản trị ba quân, biết đảo chánh, biết làm cách mạng thay đổi một thời kỳ đen tối thành sáng sủa hơn. Chính thời gian cầm quyền đã biến các minh quân thành bạo chúa. Vì vậy không được cầm quyền lâu. Một thể chế muốn có dân chủ phải biết thay người lãnh đạo. Néron, Caligula trước khi biến thành những bạo chúa là những minh quân. Các Hiến Pháp các quốc gia dân chủ trên thế giới ngày nay đều hạn chế nhiệm kỳ các vị Chủ Tịch Nước, Tổng Thống ..kể cả các Đảng phái, người cầm quyền phải thay đổi, thay thế. Check and Balances, Kiểm soát và Thay thế là nền tảng của Dân chủ.

Trở lại thời La – mã, các tướng lãnh các bô lão và nhơn dân bầu Rex, lên ngôi Rex thì nhơn danh Dân, nhưng khi làm Vua thì phải Trị dân. Vì chức vị do Dân Bầu, quá nguy hiểm ! Dân bầu được thì Dân hạ bệ được. Nếu mua chuộc không đủ, trị dân không xong, thì chức Vua phải do Ý Chúa do Ý Trời, vì vậy phải Thần thánh hóa cái chức vụ Rex ấy, bày đặt nói là do Thiên mệnh, và nếu cần nói hơn nữa, nói Thiên Tử chẳng hạn, và buộc dân xem như ông ông Thần. Chế độ Dân chủ, chế độ Cộng Hòa của những Văn minh La-Hy chẳng chốc biến thành những chế độ Quân chủ Thần quyền của những thời đại đen tối Trung Cổ Âu Châu. Đó là ta nói chuyện bên trời tây, Âu Châu. Á Châu ta thì khỏi nói ? Chiến Quốc, Xuân Thu, Tam Quốc của Tàu ; Sứ quân , Trịnh Nguyễn của Việt nam. Sử ký Á châu có bao giờ nói đến người dân đâu ? Toàn chuyện các quan, các vua hết đánh nhau, nôi chiến để giành đất lẫn nhau, nếu có ngoại xâm đánh đuổi ngoại xâm cũng để giữ đất nước, nhưng khi hết ngoại xâm lại giành đánh giết lẫn nhau. Mỗi lần thay triều đại là mỗi lần làm cỏ sạch triều đại, chế độ cũ. Trần Thủ Độ bắt cháu lấy dì, để đổi máu mũ, giết cả họ nhà Lý trừ hậu hoạn, buộc gia đình nhà họ Trần phải lấy nhau để giữ cho máu mũ không bị lai đi. Thiếu Đức thiếu luân lý như vậy, nhưng lại có công giữ được đất nước mà Nhà Trần được sử ký Việt nam ghi tên nhớ ơn. Chỉ vì trong những quốc nạn biến cố Nhà Trần biết dựa vào dân và được cả toàn dân ủng hộ chống ngoại xâm. Nhà Lý cũng thế chỉ cần có một Tướng tài ba Lý Thường Kiệt với “Nam Quốc Sơn hà Nam Đế cư” khẳng định rõ ràng Không gian sanh tồn của dân tộc Việt là toàn dân Việt đã dám hy sanh đánh quân Tống. Chỉ cần một bài Hịch là Đức Trần Hưng Đạo đã thúc được lòng yêu nước của toàn dân Việt.

Vox Populi Vox Dei. Ý dân Ý Trời

Ngày nay, thế giới đang tự ru ngủ với những tập tục « tự cho là Dân Chủ ». Ai ai ngày nay cũng biết rằng Dân chủ là cái cần thiết cho một quốc gia, cho một dân tộc. Mọi người từ thường dân đến chánh khách đều nói từ ngữ Dân chủ trong những bài nói bài viết chánh trị. Và mọi người đều quan niệm rằng Dân chủ sẽ đến với Kinh tế Thị trường . Kinh tế thị trường mọi người có cái ăn, có cái mặc và có xài, có sắm, có tiêu thụ, nói tóm lại có Phát triển. Khi có Phát triển, chẳng bao lâu thì Dân chủ sẽ đến. Từ 1848, Karl Marx (Các Mác) cũng đã nói như vậy rồi. Trong Tư Bản Luận, Các – Mác, sau khi nghiên cứu tư bản trung lưu Anh quốc (le capitalisme bourgeois anglais) kết luận rằng kinh tế thị trường sẽ đem lại Dân Chủ . Vì Kinh tế thị trường sẽ tạo ra giai cấp tư sản trung lưu, giai cấp tư sản trung lưu rất cần ổn định, vốn liếng để đầu tư sáng tạo sản xuất. ..vi vậy sẽ cần Dân Chủ.

1. Trường Hợp Tunisie

Hai Tuần qua ở bên kia bờ Địa Trung Hải, chỉ cần mười ngày biểu tình là đã làm sập một chế độ 23 năm cầm quyền. Chế độ Ben Ali, độc đảng, độc tài, gia đình trị, tham nhũng, công an trị. 23 năm trị vì, bàn tay sắt trong chiếc găng nhung. Chế độ Ben Ali là biểu hiện của cái lý thuyết Các Mác. Tạo kinh tế thị trường, tạo một giới trung lưu tư sản doanh thương, tạo công ăn việc làm cho dân. Sáng tạo, sản xuất, thị trường, củng cố phát triển, xây nhà cao ốc, tạo khách sạn, hôtel, xây biệt thự … Làm giàu, làm giàu … thì dỉ nhiên có dân chủ. Và Tunisie được thế giới xem là nước có phát triển có dân chủ. Bất kể Ben Ali được bầu 5 lần, mỗi lần độc diển, số phiếu gần 100 %, bất kể người ngoại quốc khi đến làm ăn ở Tunisie đều phải đút lót, thông cảm, bôi trơn, biết điều.. Bất kể ai cũng biết là tất cả gia đình Ben Ali và vợ Ben Ali đều cầm tất cả những ngành doanh thương kỷ nghệ ở Tunisie.. Bất kể ở Tunisie không có một tờ báo tư độc lập, không có một đài phát thanh truyền hình độc lập… Bất kể, bất kể. … Không một ai nói đến nhơn quyền ở Tunisie, trái lại, ca tụng : hãy xem, dân Tunisie, có quyền làm ăn, buôn thúng bán bưng,.. Nhưng không ai thấy dân Tunisie không có quyền chủ trích, phê phán…. Hãy đi du lịch. Tunisie đi ! Tunisie đẹp lắm, rẽ lắm, dân Tunisie làm công rất rẽ. Hãy đầu tư ở Tunisie đi ! dân Tunisie khéo tay, lương rẽ. Tunisie ở gần nước Pháp chuyên chở rẽ, vé máy bay, vé tàu rẽ. Dân Tunisie biết tiếng Pháp ; các dịch vu- trả lời qua điện thoại đặt bên Tunisie rất rẽ. Nói tóm lại , thiên hạ mê Tunisie, một chế độ tiên tiến, phụ nữ được giải phóng, giáo dục thoải mái, kinh tế mở cửa, Tunisie là một quốc gia (có một bề ngoài ) phát triển, đang lên, đầy triển vọng cho khu vực Địa Trung Hải. Ngành du lịch mở cửa cho du khách ra vào, rộng rãi. Công dân buôn bán tự do với du khách. Không ai nhìn thấy dân chúng Tunisie đang bị kềm kẹp.

Trong nước không có một tự do ngôn luận ư ? không có một tờ báo đối lập ư ?, không có một đài truyền thông đối lập ư ?, không có một người bất đồng chánh kiến ư ? vì họ đã hoặc ly hương hoặc ở tù. Cũng như các quốc gia chậm tiến đang lên có chỉ số phát triển cao như Việt Nam, như Trung Quốc, như Ai Cập, . . thiếu dân chủ thiếu nhơn quyền, chả sao. Vì các quốc gia chậm tiến ấy có một quan niệm Dân chủ một quan niệm Nhơn quyền khác các người Âu Tây . Và cứ thế giòng sông Phát trìển, giòng sông đầu tư và lợi nhuận lặng lẻ trôi. Những nhà đấu tranh dân chủ ?, những nhà bất đồng chánh kiến ? bị đàn áp, bị đi tù, người Âu tây chúng ta đã có những cơ quan từ thiện và lương tân theo dõi, nào Amnesty International, nào Human Rights Watchers, và chúng ta cũng có một Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa Bình để cứu mạng. Thật đáng hảnh diện cho giải Nobel khi giải Nobel Hòa bình được tặng cho những vị Tổng thống Mỹ cựu hay đương nhiệm như Jimmy Carter và Barack Obama, và cho cả những cựu hay đương nhiệm tù chánh trị như Bà Aung San Sưu Ky và ông Lưu Hiển Ba… Với giải Nobel hòa bình chúng ta có thể đem lại Dân chủ cho Thế giới chậm tiến .

Đang viết đến đây thì tôi nhận được một bài dịch do một bạn đồng môn Yersin gởi cho Việt Thức của bài viết của Ông Jacques Attali đã đăng trên tuần báo Express của Pháp tuần trước. Jacques Attali,cựu đảng viên Đảng Xã hội Pháp từng là cố vấn chánh trị cố Tổng Thống François Mitterand Pháp (1916 – 1996 ), thuộc phái tả, là một tay bình luận gia chánh trị , kinh tế hàng đầu của nhóm trí thứcphái tả Pháp của những năm 1990/ 2000. Vừa qua Ông được Tổng Thống Nicolas Sarkozy giao cho nhiệm vụ thành lập một ban nghiên cứu tình hình kinh tế những năm sắp tới, hậu khủng hoảng kinh tế và tài chánh, và đề nghị những biện pháp cải tổ. Đầu năm 2010, ông đã đệ trình bản báo cáo ấy với những đề nghị táo bạo gây xôn xao một dạo cho dư luận các chuyên gia kinh tế và chánh trị Pháp.

Quý vị có thể tham khảo bài viết trên trên Vietthuc.org.

Lý luận của ông Attali cho là lý thuyết của Các – Mác, ngày nay vẫn đúng. Muốn có Dân chủ phải có Phát triển qua Kinh tế thị trường Nhưng tại sao Tunisie đã qua giai đoạn Kinh tế thị trường, nhưng vẫn không có Dân chủ . Và muốn được Dân Chủ Dân chúng phải xuống đường đi tìm Dân chủ. Và như vậy đừng hòng trông mong Trung Quốc Việt Nam Ai Cập Phi Châu Algérie hay Syrie … một cách tự nhiên, Dân chủ phải do dân tự tìm lấy không ai cho cả. Và cũng không phải do tư bản vào đầu tư phát triển mà Dân chủ đến.

Tất cả những quốc gia chậm tiến kể trên đều phải trải qua một cuộc Cách Mạng để tìm Dân Chủ ! Nhưng không được Cách mạng kiểu Mác xít vì những cuộc Cách Mạng kiểu Mác Xít đều biến thành những Độc tài cả ! Những anh hùng giải phóng nhơn dân ngày xưa, nay đã biến thành những nhà độc tài khác máu với nhơn dân mình : Cuba, Việt Nam, Trung Quốc Bắc Hàn, … Lybie, Syrie, Ai Cập.

Và Attali phân tách để có một cuộc Cách Mạng thật sự Dân chủ. Quốc gia đó, phải hội đủ 5 điều kiện:

1. Một giai cấp trung lưu tư sản có trí thức và đủ sức mạnh sáng tạo và tổ chức. Điều kiện nầy Việt Nam ngày nay bắt đầu có.

2 . Một quân đội thế tục – dân sự (anh bạn tôi muốn dịch từ laïque , từ laïque ý muốn nói là không dính líu gì đến Tôn giáo,) Tôi không đồng ý quan điểm của Attali, Laïque là ở trường hợp Tunisie, cả quốc gia Tunisie là Laïque, Tunisie cấm không cho các thiếu nữ đội khăn tôn giáo đến những nơi công cộng. Tunisie cấm những đảng phái có mầu sắc tôn giáo. Nhưng một quốc gia như Tàu hay Việt Nam ? Điều kiện nầy không có, Tàu và Việt Nam không phải thế tục, laïque, Tàu và Việt Nam chống Tôn giáo, nhưng Đảng Cộng sản và thuyết Cộng sản là một Tôn giáo, với các linh mục chánh ủy ,các chi bộ Đảng là nhà thờ.. Quân đội phải độc lập. Làm sao Quân đôi làm Cách mạng khi Quân đội bị quân ủy thuộc Đảng Cộng sản nắm mọi quyết định?

3 . Một giới trẻ không còn gì để mất. như giới trẻ Việt Nam?

4 . Sự thiếu vắng một nhà lãnh đạo được lòng dân và có khả năng thu hút quần chúng. Người lãnh đạo phải được phát từ dân. Đã qua rồi cái thời các lãnh đạo… bao năm lê chơn tìm đường cứu quốc, đã qua rồi cái thời các lý thuyết nhập cảnh từ phương xa, Cộng sản, hay Nhơn Vị, đã qua rồi cái thời đi tìm triết lý cuộc sống, từ người nước ngoài Khổng tử hay Jésus, và cũng đã qua rồi cái thời phải đi tìm đàn anh đở đầu, Tàu, Nga, Tây hay Mỹ. Người Việt Nam hãy lớn lên, hãy tự tin, hãy trưởng thành để lo đến cái thân mình.

5 . Một môi trường thuận lợi. Môi trường Việt Nam hôm nay thuận lợi rất thuận lợi ; Chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền yếu như thế nầy. Dân chúng Việt Nam hết mê hết sợ, phỉ nhổ ngạo báng, động một chút là xuống đường, phản đối không bằng lòng. Chưa bao giờ bạn bè ngoại quốc nó khinh như thế nầy. Thụy Điển người bạn muôn đời, người bạn từ những thời chống Mỹ cứu nước, nay đã hết kiên nhẫn , vì tham nhũng, vì gian manh, đã đóng cửa Tòa Đại sứ hổng thèm chơi với thằng bạn du côn nữa. Và Nhựt bổn, người bạn Nhựt bổn bao nhiêu năm chịu đựng nay, cũng bỏ.

Ngày hôm nay, khi tôi viết những giòng nầy. Dân chúng Tunisie vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình. Nhưng trong ôn hòa, không xô xát, hổn loạn, nhưng vẫn cương quyết. Họ đòi gi? Họ đòi phải có một chánh phủ đàng hoàng và tử tế, biết tôn trọng dân và lẽ phải, công bằng, dân chủ, và sạch sẻ nghĩa là không xử dụng lại những viên chức cũ lem nhem, có dính líu với thời Ben Ali. Dẹp bỏ tất cả cựu viên chức của Đảng cầm quyền cũ. Bất kể Tunisie không có người giỏi , bất kể không có chuyên viên… Nhưng nhân dân Tunisie vẫn tin tưởng rằng, sau cuộc Cách mạng, với tin thần với lòng yêu nước, với đạo đức Tunisie vẫn vượt qua mọi trở ngại.

2. Trường hợp Belgique – Vương quốc Bỉ

Như chúng ta cũng đã biết Vương quốc Bỉ gồm có hai phần khu vực với hai ngôn ngữ khác nhau với những tập tục khác nhau. Một vùng gần biên giới Pháp, gọi là Wallonie, nói ngôn ngữ Pháp, tập tục sanh hoạt giống người pháp. Và một vùng phía Bắc thủ phủ Bruxelles, nói tiếng Hoà lan, flamand tập tục và sanh hoạt giống người Hòa lan. Cả hai ngôn ngữ nầy đều là hai quốc ngữ của Vương quốc Bỉ . Các công chức Bỉ bắt buộc phải nói cả hai quốc ngữ. Anh bạn nhà báo truyền hình Đỗ Hiếu của Đài RFA, dân Bruxelles thứ thiệt từng là công chức Bỉ biết nói cả hai quốc ngữ Bỉ !

Vương quốc Bỉ không có chánh phủ từ hơn 10 tháng nay. Lý do, các nhà chánh trị Flamands, muốn ly khai thành lập một nước Bỉ hoàn toàn của dân Bỉ gốc Flamands, không bằng lòng có dân Bỉ gốc Wallons trong nhà nước, trong các nội các, trong cả các quyết định chánh trị ; viện cớ rằng Wallonie nghèo, dân Wallon không xứng đáng vi không có phát triển không có một nền kinh tế cao, và Flandres ngày nay phải nuôi sống Wallonie. Cũng như dân miền Nam Việt Nam Sàigon và đồng bằng sông Cửu Long đòi bỏ miền Bắc và Hà nội nghèo nàn, không có sanh hoạt kinh tế chỉ đề Sài gòn nuôi mấy năm nay.

Từ mười tháng nay, Vương quốc Bỉ đang bị khủng hoảng chánh phủ không thành lập được, do các nhà chánh trị và các Đảng phái cầm quyền hay đối lập cãi cọ nhau.

Tuần qua dân chúng Bỉ xuống đường biểu tình, đòi các nhà chánh trị phải giải quyết, phải có nội các, phải có thủ tướng điều hành. Vox Populi , vox Dei. Nhà vua hứa sẽ giải quyết mọi mâu thuẩn để mau lẹ có một nhà nước điều hành.

Hai trường hợp người dân đã đứng lên, quyết định vận mạng đất nước mình.

Và Việt Nam?

Hãy nhìn vào Tunisie, 23 năm độc tài, cũng dùi cui, cũng lựu đạn cay, cũng đàn áp, bỏ tù. Hôm nay, Công An đã xin lỗi dân, Quân đội, (dám từ chối không bắn vào dân), ngày nay đứng ra bảo đảm với người dân là chăm sóc để giữ Dân chủ trong tất cả những chuyển tiếp, trong tất cả mọi quyết định để thành lập một nội các tạm thời, trong cuộc bầu cử tương lai.

Tunisie đã trưởng thành, dân chúng Tunisie hết mê hết sợ đã dám đứng lên giành quyền tự chủ vận mạng đất nước mình.

Cách mạng Bông Lài đã thành công

Chừng nào cách mạng Bông sen? Thời cơ đã đến. Nước đã mất đất, Nước đã mất biển, Nước sẽ mất Dân.

Nếu Dân Việt Nam không đứng lên giữ nước

Dân Việt Nam sẽ mất luôn tiếng nói, sẽ mất luôn quốc ngữ.

Còn chần chờ gì nữa?

Hồi Nhơn Sơn 25 tháng giêng 2011
Phan Văn Song

Không có nhận xét nào: