Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011
Khi công an cùng đi biểu tình
Công an Tunisia biểu tình cùng dân chúng
Cuộc cách mạng chớp nhoáng
Ngày 17/12/2010, một thanh niên người Tunisia 26 tuổi, tên là Mohamed Bouazizi, châm dầu vào người tự thiêu. Đúng 4 tuần lễ sau đó, Tổng Thống Ben Ali, nhà độc tài nắm quyền tuyệt đối tại Tunisia trong suốt 23 năm liền, đã lên máy bay rời Tunisia đi tị nạn tại Saudi Arabia. Cả một chế độ độc tài toàn trị, tham nhũng, nổi tiếng là không chừa một khoảng trống nào cho đối lập, đã hoàn toàn sụp đổ trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới.
Nhận định về sự sụp đổ mau chóng và bất ngờ của chế độ độc tài Ben Ali, các nhà phân tích chính trị cho rằng còn cần nhiều thời gian trước khi người ta có thể hiểu được chính xác những nguyên do thật sự của cuộc cách mạng tại Tunisia. Cuộc cách mạng tại Tunisia được gọi là Cách Mạng Hoa Nhài (The Jasmine Revolution) không phải vì những người đi biểu tình dùng hoa nhài làm biểu tượng như trong một số cuộc cách mạng khác đã diễn ra trước đây, mà vì hoa nhài là quốc hoa của nước Tunisia.
Bối cảnh
Là một nước nhỏ ở Bắc Phi, Tunisia có nhiều khác biệt với những quốc gia láng giềng như Algeria, Libya, Morocco và Egypt. Trong khi Tunisia được tiếng là có một số những ưu điểm so với các nước trong vùng, như có một nền giáo dục đào tạo tiên tiến, một nền kinh tế phát triển, thì dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ben Ali, Tunisia cũng bị mang tiếng là một quốc gia có chế độ cai trị cực kỳ tham nhũng, gia đình trị, và tuyệt đối độc tài mạnh tay đàn áp mọi hình thức bất đồng hay đối lập.
Tuy kinh tế phát triển và lợi tức bình quân cao, nhưng lợi tức đó thực sự chỉ tập trung trong tay một thiểu số những người có quyền thế, nên đại đa số người dân Tunisia lại rất nghèo khó, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp rất cao, nhất là ở thành phố Sidi Bouzid nơi anh Bouazizi sống. Tham nhũng đã trở thành một quốc nạn của Tunisia mà không thể nào ngăn chặn được, vì chính đại gia đình của Tổng Thống Ben Ali, nhất là gia đình bên vợ của ông ta, là những người tham nhũng nhất nước. Do đó, nạn tham nhũng hối lộ hoành hành khắp mọi địa phương cũng như trong các cấp chính quyền. Đặc biệt công an cảnh sát vừa là thành phần đựợc bao che vì có công bảo vệ chính quyền tham nhũng, lại vừa là lực lượng trực tiếp tiếp cận, hù doạ người dân, nên thường giàu có nhanh chóng. Hậu quả là đời sống người dân vô cùng khổ cực khó khăn. Tình trạng này dẫn tới những cuộc biểu tình ngày một lớn dần, để cuối cùng chấm dứt chế độ cai trị độc tài tại Tunisia.
Cuộc cách mạng Hoa Nhài tại Tunisia là một điển hình của đấu tranh bất bạo động, trong đó không nhất thiết phải có một lãnh tụ hay một lực lượng nào điều hướng cho cuộc đấu tranh. Điều này cũng dễ hiểu, vì dưới chế độ độc tài không khoan nhượng đối với bất cứ một sự bất đồng hay đối lập nào của chế độ Ben Ali. không có một lực lượng đối lập nào có cơ hội tồn tại hay phát triển được, để có khả năng điều hướng cuộc cách mạng. Nhưng không phải vì thế mà cuộc cách mạng không thể bộc phát được. Ngược lại, cuộc cách mạng đã bộc phát và thành công như thế giới đã chứng kiến.
Cái tát làm đổ một chế độ
Tuy sự căm phẫn tích tụ của quần chúng đối với chế độ độc tài của tổng thống Ben Ali là yếu tố tạo nên những cuộc biểu tình rộng khắp giật sập chế độ Ben Ali, nhưng chính sự tự thiêu của Anh Bouazizi đã là ngọn lửa khai hoả cho các cuộc biểu tình. Anh Bouazizi có một chiếc xe đẩy dùng để bán trái cây; đây là nguồn lợi tức duy nhất để nuôi đại gia đình Anh tại thành phố Sidi Bouzid. Chiếc xe trái cây của anh đã bị cảnh sát tịch thu nhiều lần khiến anh vô cùng khốn đốn. Những khiếu nại của anh không mang lại một kết quả nào. Không những thế anh còn bị chửi mắng, đánh đập. Nhưng cái tát vào mặt anh của một nữ nhân viên của chính phủ đã là giọt nước làm tràn ly. Quá phẫn uất, và tuyệt vọng, anh Bouazizi đã tưới dầu vào người để tự thiêu ngay trước Dinh Toàn Quyền.
Cách mạng bùng nổ
Hành động của anh Bouazizi đã là tiếng nói thay cho nhiều triệu người dân Tunisia bấy lâu nay mang nỗi uất hận trong lòng không có cơ hội bày tỏ. Cái chết của Bouazizi như có khả năng làm tan biến đi mọi sự sợ hãi của bao nhiêu triệu con người bị trấn áp từ mấy chục năm nay. Mỗi người dân cùng khổ của Tunisia giống như những thùng xăng chờ đợi một mồi lửa, và sự tự thiêu của Bouazizi chính là mồi lửa đó.
Thế là cả một phong trào phản kháng bùng lên như nước vỡ bờ. Mặc dầu Tổng Thống Ben Ali đã có những nhượng bộ như hứa hẹn cải tổ và ngay cả việc bãi nhiệm một vài bộ trưởng, nhưng những nhượng bộ cầm chừng, mang tính cách câu giờ đó không đáp ứng được quyết tâm đòi phải thay đổi triệt để của đại khối quần chúng đã thức tỉnh, cùng với ý chí đấu tranh quyết liệt của họ. Điều người dân Tunisia mong muốn bây giờ không còn là một vài cải cách vá víu, mà là chấm dứt toàn diện chế độ của Ben Ali. Và cuối cùng thì chế độ độc tài bị sụp đố và Ben Ali phải bỏ trốn ra nước ngoài.
Những bài học rút tiả
Qua cuộc cách mạng Hoa Nhài, người ta có thể rút tỉa và ghi nhận được một số điểm của đấu tranh bất bạo động như sau:
Việc dân chúng kéo xuống đường biểu tình đông đảo là một hành động tự phát, xuất phát từ sự căm phẫn chế độc độc tài vốn đã tích luỹ từ nhiều năm qua, chứ không do một đảng phải hay lực lượng nào lãnh đạo, kêu gọi và điều động. Điều này một lần nữa cho thấy, sự hiện hữu của một lực lượng chủ động điều hành không phải là yếu tố bắt buộc phải có để cách mạng thành công. Yếu tố tuyệt đối cần phải có chính là số đông đến từ ý thức và quyết tâm của người dân.
Như mọi cuộc đấu tranh đối đầu bất bạo động với một chế độ độc tài có những thành phần quyết tâm bảo vệ chế độ, cuộc đấu tranh tại Tunisia cũng có những cái giá phải trả. Đó là những đổ máu do sự dàn dựng và khiêu khích của công an để lấy cớ đàn áp, mà hậu quả đã khiến cho hàng chục người phải bị thiệt mạng.
Người dân Tunisia đã tận dụng kỹ thuật hiện đại, mà điển hình là điện thoại cầm tay, để thông tin và liên lạc; và sau đó đã khai dụng triệt để yếu tố số đông để tạo sức mạnh và gây áp lực. Đây là một đặc điểm quan trọng không chỉ trong cuộc cách mạng Hoa Nhài này, mà còn là đặc điểm dẫn đến thành công của hầu hết các cuộc đấu tranh bất bạo động khác.
Tương tự như các cuộc đấu tranh có đông đảo quần chúng tham gia ở những nơi khác, tư lệnh quân đội Tunisia đã không thi hành lệnh đàn áp bắn vào người biểu tình của Ben Ali. Đây là yếu tố then chốt đưa đến việc Ben Ali bỏ chạy.
Một hậu quả giống nhau của các cuộc đấu tranh mà quần chúng dành được thắng lợi là, cũng như những nhà độc tài một thời hét ra lửa khi còn nắm quyền lực trong tay, đến giờ phút cuối Ben Ali đã dẫn cả vợ con và đại gia đình bỏ trốn, bỏ mặc số phận của các đàn em, những cộng sự viên một thời đã sống chết vì ông ta. Một lần nữa, đây là bài học cho những người vẫn cúc cung bảo vệ cho các chế độ độc tài đi ngược lại lòng dân.
Giống như hình ảnh ông Yelsin đứng trên xe thiết giáp của quân đội Nga được phái đến để đàn áp biểu tình trong cuộc cách mạng tại Liên Xô 20 năm trước, hình ảnh cảnh sát sắc phục Tunisia sát cánh cùng những người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Tunis hôm 22 tháng 1, 2011 đã cho thấy, hai cột trụ quan trọng nhất để chống đỡ chế độ là cột trụ quận đội và cột trụ cảnh sát nếu chưa gãy đổ thì ít ra cũng đã bị lung lay tận gốc rễ. Sau khi thanh toán được hai cột trụ này để ngăn ngừa sự đàn áp đẫm máu, thì việc giật sập các cột trụ chống đỡ chế độ khác tương đối không còn khó khăn. Trong trường hợp Tunisia, cột trụ bị thanh toàn kế tiếp là cột trụ truyền thông. Cuối tuần qua lực lượng cách mạng đã bắt giữ chủ nhân và là người điều hành hệ thống truyền hình Hannibal, vốn là thân nhân của tổng thống bỏ trốn Ben Ali. Hệ thống truyền hình vừa kể vẫn tiếp tục theo lệnh của Ben Ali từ nước ngoài, cổ suý cho việc trở về của ông ta cũng như khích động bạo lực.
Và cũng như vô số vợ của những nhà độc tài trên thế giới, vợ của Ben Ali là Leila Trabelsi, đã thiết lập cả một hệ thống tham nhũng dựa trên gia đình trị, lôi kéo bà con họ hàng vào những vị trí béo bở nhất trong guồng máy nhà nước và vung tay tham nhũng. Bà Trabelsi đã được mệnh danh là bà Imelda Marcos của thế giới Ả Rập. Trong khi đào tẩu sang Saudi Arabia, bà Trabelsi đã mang theo khoảng 2 tấn vàng ròng lấy cắp từ ngân khố quốc gia.
Suốt 23 năm cầm quyền Tổng Thống Ben Ali và gia đình đã chuyển bao nhiêu tiền của ra ngoại quốc và cất giấu ở đâu thì khó có thể biết được. Nhưng ngay sau khi Ben Ali bỏ trốn sang Saudi Arabia, Hội Người Tunisia tại Thụy Sĩ đã lập tức gửi kiến nghị đến chính phủ nước Thụy Sĩ để yêu cầu phong toả những tài sản của gia đình Ben Ali. Vào ngày 19/1/2011, tức là chỉ 5 ngày sau khi Ben Ali bỏ trốn, bà Calmy Ray, Tổng Thống của Thụy Sĩ đã tuyên bố trên đài truyền hình TSR1 là Thụy Sĩ đã quyết định phong toả những trương mục ngân hàng và những tài sản của cựu Tổng Thống Ben Ali, của gia đình ông và của những người từng điều hành chế độ của ông. Đây không phải là lần đầu nước Thụy Sĩ phong toả ngân hàng của những nhà độc tài hết thời. Đây là một bài học thêm nữa cho những nhà độc tài trên thế giới nghĩ tới tương lai của họ.
Sau khi Tổng Thống Ben Ali bỏ trốn, cựu Thủ Tướng Tunisia là Mohamed Ghannouchi đã tự động đứng ra nhận trách nhiệm tạm thời điều hành việc nước. Tuy nhiên, Quốc Hội không đồng ý và đã quyết định là trách nhiệm này thuộc về Chủ Tịch Quốc Hội là ông Foued Mebazaa. Nhưng dân chúng Tunisia không đồng ý với cả hai quyết định nói trên bởi vì cả hai ông Foued Mebazaa và ông Ghannouchi trước đây đều là những tay chân thân cận Ben Ali. Dân chúng Tunisia đang tiếp tục xuống đường biểu tình để phản đối quyết định nói trên cũng như việc nội các chính phủ lâm thời vẫn còn bao gồm những thành phần của chế độ cũ. Người dân Tunisia nay muốn gạt bỏ hẳn mọi tàn tích của chế độ cũ.
Dân chúng cũng biểu tình đòi dẫn độ Ben Ali về nước để bị xử tội. Cựu Thủ Tướng Ghannouchi đã tuyên bố là sẽ yêu cầu các quốc gia Ả Rập dẫn độ gia đình Ben Ali.
Một điểm đặc biệt nữa là thái độ của rất nhiều công an viên sau khi chế độ Ben Ali sụp đổ. Rất nhiều công an viên đã thẳng thắn trình bày hoàn cảnh khó xử của họ dưới thời Ben Ali, bị bắt buộc phải làm theo lệnh của cấp trên. Một số các công an viên này đã đi biểu tình cùng dân chúng và lên tiếng kêu gọi các công an viên khác hãy hỗ trợ phong trào đòi dân chủ tại Tunisia.
Những gì xẩy ra tại Tunisia trong những ngày vừa qua đã trở thành niềm ước mong của người dân của một số quốc gia Ả Rập trong vùng. Kể từ ngày ông Ben Ali bỏ trốn đánh dấu sự thành công của cuộc cách mạng Hoa Nhài, thì đã có cả chục cuộc tự thiêu diễn ra tại Algeria, Egypt với hy vọng cách mạng diễn ra như ở Tunisia.
Rút tỉa bài học từ cuộc cách mạng Hoa Nhài, nhà phân tích chính trị Amr Hamzawy đã rút ra những bài học như sau:
Thứ nhất: Đừng bao giờ coi thường sức mạnh của người dân sống dưới các chế độ độc tài. Bất kể thời gian ngắn dài của chế độ cũng như mức độ kềm kẹp, người dân luôn có khả năng vùng dậy để lật đổ chế độ một cách bất ngờ.
Thứ hai: Từ những đòi hỏi căn bản như cơm áo, người dân sẽ nhanh chóng chuyển qua đòi hỏi tự do dân chủ.
Thứ ba: Các nhà độc tài thường không thấu hiểu những khổ đau của người dân, và chỉ vào những giờ phút cuối khi họ hiểu ra sức mạnh vùng dậy của người dân thì đã quá muộn.
Thứ tư: Các cuộc cách mạng lật đổ những chế độ độc tài có thể xẩy ra bất chợt và bùng lớn rất nhanh
Thứ năm: Các nhà độc tài thường dựa vào một số quốc gia khác. Họ nên nhớ rằng những quốc gia này sẽ là những người đầu tiên bỏ rơi họ.
Nhận định về sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của chế độ độc tài Ben Ali, Giáo Sư Mounir Khelifa tại Đại Học Tunis đã đưa ra nhận định là “những nhà độc tài là những người khổng lồ với đôi chân bằng đất sét!”
Kết luận
Ước mong của dân tộc Tunisia là cơm no áo ấm và dân chủ. Người dân đã tự động đứng lên để giành lại những quyền mà họ đáng phải có và chế độ độc tài đã bị lật đổ. Tuy vậy, chưa có gì bảo đảm là tự do dân chủ sẽ đến với đất nước này trong thời gian tới. Trong suốt 53 năm kể từ khi được độc lập, dưới triều đại của 2 tổng thống đầu tiên là Habib Bourguiba là Ben Ali, lần lượt nắm quyền 30 năm và 23 năm, nước Tunisia chưa thật sự có cấu trúc của một xã hội dân sự mà căn bản là đa nguyên với quyền lực được phân phối cho dân chúng. Chính Ben Ali đã lật đổ Bourgiba để nắm quyền tuy là qua một cuộc đảo chánh không đổ máu. Ngày nay Ben Ali ra đi nhưng cơ cấu lãnh đạo nhất nguyên vẫn còn đấy. Đây là lúc mà dân tộc Tunisia phải nắm lấy cơ hội quý báu để đưa đất nước họ đến một nền dân chủ thật sự và bền vững.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét