Pages

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

“Hương hoa lài” khích lệ các tiếng nói đối kháng

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

Trong tuần qua, tại Việt Nam xuất hiện một số kêu gọi ngươì dân đứng lên đòi hỏi những quyền cuả họ như dân chúng ở tại Bắc Phi, Trung Đông.

Ảnh: Hoàng Khương chụp lại qua video.
BS Nguyễn Đan Quế ký biên bản khám nhà của công an hôm 26-2-2011.


Lời kêu gọi được các nhân vật đối kháng trong nước soạn thảo. Trước làn sóng đó, chính phủ Việt Nam đã có hành động ngăn chặn.


Độc tài lo ngại

Phong trào dân chúng đòi hỏi cải tổ chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông bắt đầu từ giữa tháng 12 tiếp tục diễn tiến sôi động sau khi tổng thống Tunisia và Ai Cập phải ra đi theo như yêu cầu cuả ngươì biểu tình. Hẳn nhiên những nhà cầm quyền độc tài đều phải lo ngại phong trào dân chủ như thế sẽ tạo nên thành một hiệu ứng đô mi nô lan tỏa đến đất nước họ. Trong thực tế, tinh thần cách mạng từ Bắc Phi và Trung Đông, cũng đã lan tới Trung Quốc và Việt Nam, qua những kệu gọi được phổ biến qua mạng Internet.


Thứ Hai tuần trước (ngày 21 tháng 2) khối 8406 đã công bố trên mạng một Bản Tuyên bố kêu gọi mọi người xuống đường đấu tranh cho tự do dân chủ.


Theo LM Phan Văn Lợi, thuộc Ban Đại diện của khối 8406, một trong những lý do của lời kêu gọi này là hy vọng dân chủ cho Việt Nam đang lóe lên. Ông nói:


“Các cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Trung Đông đã thổi một luồng gió tới những nước đang bị ách độc tài, nhất là độc tài cộng sản. Sự thành công của dân chúng ở đó lật đổ các chế độ độc tài mà so với VN còn thua kém, thì chính những thành công đó đã làm cho người dân VN rất phấn khởi và đầy hy vọng”.


Bản Tuyên bố này được bao gồm 5 điểm nhận định tình hình dân chủ và 6 điểm kêu gọi, được các trang mạng trong và ngoài nước truyền đi. Trong 6 điểm kêu gọi của Bản Tuyên bố, khối 8406 kêu gọi toàn thể các tầng lớp trong xã hội bao gồm giới trẻ, trí thức, tôn giáo, dân sự và người Việt tại hải ngoại. Đặc biệt hơn, Bản Tuyên bố còn kêu gọi lực lượng công an, quân đội và đảng viên đứng về phía người dân.


Bản Tuyên bố có đoạn:


“Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình. Hãy ý thức rằng “an ninh xã hội và ổn định đất nước không phát xuất từ sự đàn áp của dùi cui và họng súng theo lệnh lãnh đạo độc tài, nhưng từ sự đồng thuận và góp sức của mọi công dân trong tự do”.


Và:

Cảnh sát chống bạo động Ai Cập theo dõi mọi người cầu nguyện bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Cairo, sau cuộc bạo động lật đổ chính quyền hôm 28/1/2011. AFP Photo.



“Các đảng viên Cộng sản nói chung, Bộ Chính trị lẫn Ban Chấp hành trung ương Cộng sản nói riêng hãy sớm trả lại cho nhân dân những gì thuộc về nhân dân: những tài sản tinh thần (các nhân quyền và dân quyền) cũng như các tài sản vật chất (tài nguyên quốc gia, đất đai tư hữu…)”.


Một thành viên Ban Đại diện khác, kỹ sư Đỗ Nam Hải cũng nói thêm về Bản Tuyên bố này:


“Tuy nhiên Khối 8406, và nói chung những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, đều tin tưởng rằng Tunisia, Ai Cập hôm nay chính là Việt Nam ngày mai. Điều đó sẽ đến,thời cơ dân chủ sẽ đến với dân tộc Việt Nam vì đấy là quy luật, là nội dung của thời đại”.


Có thể thấy, Bản Tuyên bố cuả mang hơi hướm của Văn bản hiệu triệu Cách Mạng hoa Lài Trung Quốc ra đời chỉ vài ngày trước đó, kêu gọi mọi thành phần trong xã hội tham gia biểu tình, vì thành phần nào cũng cần cơm ăn áo mặc và “có trách nhiệm với tương lai vì con cháu sau này”.


Toàn dân xuống đường

Mới đây nhất ngày 25 tháng 2, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao Trào Nhân Bản cũng đã cho phổ biến “Lời kêu gọi toàn dân xuống đường để cứu nước”. Trong đó, ông kêu gọi mọi tầng lớp đứng thẳng lên để giành ấm no, tự do và có thể bảo vệ tổ quốc. Lời kêu gọi có đoạn:


“Xuống đường dứt điểm độc tài nhũng lạm quyền thế: đòi việc làm, đòi cơm áo, đòi nhà ở, đòi được học hành; đòi được chăm sóc y tế; chống áp bức bất công, nông dân chống cướp đất canh tác, công nhân chống bóc lột sức lao động”.


Sau khi lời kêu gọi này được công bố và truyền đi trên mạng, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế còn cho đăng một bài báo trên tờ Washington Post. Qua đó, ông nhận định tình hình cuộc cách mạng ở xứ Bắc Phi và Trung Đông, đồng thời nên lên trường hợp Tùy viên chính trị tòa đại sứ Hoa Kỳ Christian Marchant bị công an Việt Nam đối xử thô bạo và kêu gọi người dân nắm bắt cơ hội thay đổi chế độ hiện thời.


Vào chiều ngày 26 tháng 2, bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị cơ quan an ninh tại thành phố Hồ Chí Minh đến nhà lục soát và sau đó mời ông đến trụ sở Công an Quận 5 làm việc. Truyền thông trong nước, vào chiều Chủ Nhật 27 tháng 2 đồng loạt loan tin bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt tạm giam vì theo lời cuả đại diện cơ quan an ninh có dấu hiệu lật đổ chính quyền.


Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến đồng thời là người thân của BS Nguyễn Đan Quế cho biết:


“Chúng tôi nhận được tin chính xác từ trưa thứ bảy 26 tháng hai, công an đã đến bao vây nhà BS Quế và sau đó chừng 20 người xông vào nhà lục soát, lấy đi điện thoại cầm tay và máy computer”.


Trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán, một số người công khai lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam lâu nay cũng phải làm việc với cơ quan chức năng.


Luật sư Lê Trần Luật bị công an “mời” lên “làm việc” nhưng không thành. Đến tối thứ 2 tuần trước, luật sư này bị công an vào nhà tịch thu máy tính và bắt đi làm việc. Ông nói:


Người Maroc biểu tình đòi lật đổ chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak bên ngoài đại sứ quán Ai Cập tại Rabat ngày 31 tháng 1 năm 2011. AFP Photo.



“Họ mời công an khu vực và chủ nhà chứng kiến việc thu giữ máy tính của tôi, tôi không ký vào biên bản thu giữ, họ chuyển cái máy tính đó đi và yêu cầu tôi đi làm việc. Tôi nói tôi không đi vì tôi đang bệnh nặng, khoảng 15 phút sau họ cho 4 người vào khiêng hai chân, hai tay tôi lên bỏ vào xe rồi chở thẳng tôi về công an phường 28 quận Bình Thạnh. Tại đây khi họ thấy tôi quá mệt thì họ cho xe chở tôi về lại nhà”


Cứ như thế, trong vòng 1 tuần, luật sư Lê Trần Luật đã bị mời đi “làm việc” vài lần.


Một nhân vật bất đồng chính kiến khác, cựu tù nhân chính trị luật sư Nguyễn Bắc Truyền cũng bị công an mời lên làm việc và yêu cầu xét hộ khẩu vào ban đêm. Tuần qua, ông đã có 3 buổi làm việc với an ninh xoay quanh các bài viết của ông trên Internet và các tổ chức chính trị mà ông tham gia.


Trong khi đó, sáng ngày 25 tháng 2 nhà báo tự do Tạ Phong Tần cũng bị một nhóm công an gồm 6 người bắt về trụ sở công an phường nhốt đến chiều.


Báo Công an Nhân dân cho biết vào sáng ngày 23 tháng 2 vừa rồi, Cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận tiến hành một cuộc diễn tập chống biểu tình. Tình huống giả định được nêu ra là có hằng trăm dân kéo nhau đến biểu tình trước Uỷ Ban Nhân dân tỉnh. Lực lượng công an diễn tập lên đến 500 người, có sự hổ trợ cuả các tổ chức quần chúng và cả những vị chức sắc tôn giáo. Tình huống giả định cho rằng có một số người dân nghe lời giải thích giải tán ra về, còn chừng 10 người không nghe nên công an đã dùng xe vòi rồng phun nước vào đám đông, quăng trái nổ khói và bắt một số người phẫn nộ mà công an cho là “quá khích”.


Lâu nay, tại Việt Nam những cuộc tập trung khiếu kiện đông ngươì đều đã bị chính quyền giải tán bằng bạo lực. Dù nay chưa xuất hiện những cuộc xuống đường đông đảo như lời kêu gọi, nhưng cơ quan chức năng đã có chỉ dấu phòng ngừa.


Phong trào dân chủ tại Việt Nam như đang có thêm lửa từ cuộc cách mạng hoa lài. Tuy nhiên, cách mạng không phải lúc nào cũng dễ dàng và đôi khi phải đổi bằng tù tội và mạng sống con người.

Không có nhận xét nào: