Pages

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Ố! ố.. ố.. ố.. ố.. ố..! Cúp điện!

Sau ngày 30/4/1975, người dân vùng nông thôn miền Tây Nam bộ từ chỗ đang dùng điện thắp sáng cũng buộc phải “quen dần” với ánh đèn dầu lửa leo lét. Dầu lửa đã thiếu mà đèn cũng chẳng có. Những loại đèn dầu hỏa sản xuất trước 30 tháng 4 xài riết rồi cũng phải hư hỏng. Thiếu đèn xài, người dân bèn biến việc thắp đèn dầu thành một thứ “thú chơi” đầy sáng tạo khi họ tận dụng tất cả các chai lọ thủy tinh trắng có sẵn trong nhà đủ thứ kiểu dáng cao, thấp, mập ốm, vuông, dẹp, tròn… để “chế biến” thành các loại đèn thắp dầu, kêu là đèn chai, để phân biệt với loại đèn dầu do các hãng sản xuất “chính quy” đúng mẫu đèn toàn thế giới đều biết. Những cái đèn chai này, nếu chưa được đốt lửa lên, chưa được giới thiệu rằng nó là cái đèn thì đố thằng Tây nào biết nó chính là cái đèn thắp sáng trong nhà hằng ngày của người Việt.

Đến thập niên 80 tình hình có khá hơn, tức là người dân có điện để dùng đèn, nghe radio- cassettte và xem ti vi trắng đen vào ban đêm. Thập niên 90 cho đến bây giờ thì xài ti-vi màu, điện có cả ban đêm lẫn ban ngày, nhưng không phải lúc nào cũng có, mà thường xuyên “ba chập ba nháng”. Ông nhà đèn thích cho có thì có, mà ổng thích cúp thì cúp, không thèm cho ai biết trước lý do. Ổng cúp giữa lúc mọi người đang say mê coi phim chưởng Hồng Kông hay đang hội họp, có làm hư hỏng đồ điện thì cũng “kệ m. mày”, ổng không cần biết, cũng chưa từng xin lỗi hay bồi thường cho bất cứ người nào vì lỗi cúp điện vô tội vạ.

Sau mấy chục năm “từng trải” kinh nghiệm bị cúp điện, tôi phát hiện ra một “nguyên lý”, xin kể bà con cô bác nghe:

- Nếu cúp điện vào ban đêm: Điện vừa tắt phụt một phát, mọi người già trẻ bé lớn gì cũng đồng thanh: “Ố! ố.. ố.. ố.. ố.. ố..!” lên dậy động làng xóm. Nếu đang xem phim, xem cải lương gặp lúc hay, lúc gay cấn thì sau tiếng “Ố..!” kéo dài là hàng tràng tên gọi bộ phận sinh sản nam, nữ (cùng chi tiết hoạt động của chúng) được “đính kèm” theo tên các vị nhà đèn tuôn ào ào ra với “công suất phát cực mạnh” từ miệng “các bậc người lớn đáng kính” trong xóm. Nếu sau đó có điện trở lại, cả xóm cũng phát ra hàng tràng dài “Ố! ố.. ố.. ố.. ố.. ố..!” nhưng không có “đính kèm” gì cả của đám người lớn, thay vào đó là đám trẻ em vừa vỗ tay vừa la: “Có điện!”, “Có điện!”, “Có điện!”…

- Nếu cúp điện ở cơ quan nhà nước (cụ thể là cơ quan tôi), vào lúc đang hội họp, lập tức cả hội trường cũng hú lên: “Ố! ố.. ố.. ố.. ố.. ố..!”. Những gương mặt đang ngáy ngủ, mệt mỏi bỗng nhiên bừng sáng, tươi tỉnh hẳn lên, trong bụng nhiều người hẳn thầm cảm ơn ông nhà đèn lắm lắm(?). Diễn giả giơ hai tay lên trời, tiu nghỉu bước xuống sân khấu, còn bên dưới thì vang lên tiếng lốp bốp, xào xào liên tục do động tác xô ghế đứng dậy đi ra ngoài của người tham dự ngồi bên trong hội trường. Nếu có điện trở lại, các nhóm đang túm tụm ngoài hành lang “tám” chuyện trên trời dưới đất dù đang “hăng máu” cũng phải lủi thủi trở vô ngồi chịu cảnh “tra tấn lỗ tai”.



Ngày thứ 4 lễ Tro (09/3/2011), đúng 5 giờ chiều là lễ thứ 3 trong ngày. Nhà thờ Kỳ Đồng đông nghẹt giáo dân dự thánh lễ. Phía trong giáo đường không còn ghế trống, người ngồi san sát vào nhau. Ngoài sân, người dự lễ cũng “chen vai thích cánh” chẳng kém. Thánh lễ vừa cử hành được 15 phút thì điện phụt tắt, bên trong thánh đường tối sầm lại, vị linh mục đang say sưa giảng cũng im bặt, nhưng ngài không giơ hai tay lên khỏi đầu tỏ ý đầu hàng, cũng không rời khỏi bục giảng, ngài thản nhiên đứng yên lặng tại chỗ. Tôi ngồi im chờ đợi và quan sát phản ứng của mọi người xung quanh xem có ai “Ồ”, “Á”, “Ê”… gì không và xem có ai đứng dậy đi ra ngoài không. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều ngồi im lặng, không thấy ai có phản ứng gì, gương mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra, từ trong ra ngoài im phăng phắc. 3 phút sau, điện lại bừng sáng. Không phải “nhà nước ta” cúp điện nhầm hay tử tế gì, đó là điện từ máy phát riêng của nhà thờ đã hoạt động. Thánh lễ lại tiếp tục.

Thánh lễ ngoài việc rước lễ như thường lệ còn có thêm nghi thức đặc biệt là xức tro. Có lẽ quý vị giáo hữu “thích” cha Giuse Đinh Hữu Thoại và cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, nên cả hai lần họ đều xếp hàng trước mặt hai ngài dài dằng dặc, làm hai ngài “phân phát” mệt nghỉ. Có nhiều quý cha khác đứng ở những vị trí khác để thực hiện nghi thức, nhưng đã kết thúc phần xức tro, phân phát Mình Thánh Chúa xong rồi mà chỗ cha Thoại và cha Phong phải mất hơn 10 phút mới xong. Vì vậy, những người khác phải chờ đợi nghi thức kết thúc đến người cuối cùng thánh lễ mới được tiếp tục. Dù vậy, không ai tỏ vẻ bực bội, nôn nóng cả.

Tan lễ, phần đông giáo dân đều theo cầu thang xuống tầng hầm lấy xe máy, những người này sẽ ra ngoài theo lối cửa trổ ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Một phần nhỏ (so với đám đông) đi xe “căng hải” ra cổng nhà thờ phía đường Kỳ Đồng. Ra tới đây, tôi mới biết là người dự thánh lễ đông kinh khủng. Những người đi xe “căng hải” bị “nghẽn mạch” tại đây, phải mất hơn 10 phút (cho khoảng 10 mét đường) tôi mới thoát ra khỏi cổng nhà thờ. May mắn cho tôi, lúc này cũng là lúc giáo dân bên ngoài bắt đầu tràn vào cổng để dự lễ 6 giờ 30 phút, tôi mà chậm chút xíu nữa là khó mà ra ngoài nổi. Ban đầu, tôi còn đứng ở vỉa hè bên phía nhà thờ để chờ xe đi về nhà, sau đó thì tôi phải nhanh chân “tẩu thoát” sang bên kia đường để tránh sức nóng hầm hập tỏa ra từ đám đông đang chen chúc vào cổng kia để tiếp tục chờ. Còn “tất cả các loại xe đều… kẹt” không đến gần nhà thờ được. Tôi nghĩ thầm, nếu cái đám đông này mà “Ố! ố.. ố.. ố.. ố.. ố..!” lên một lượt thì rung rinh cả nhà thờ chớ chẳng chơi.

6 giờ 30 phút, tiếng hát Thánh ca đã vang lên từ Thánh đường mà tại cổng đường Kỳ Đồng vẫn đang trong tình trạng “nghẽn mạch nghiêm trọng” vì mọi người đang cố chen chúc đi vào. Tuy nhiên, không có tiếng gào thét chửi nhau, không có ai xô đẩy, chen lấn giành chỗ, đạp lên đầu người khác để “hiên ngang tiến vào” trước bàn dân thiên hạ như chúng ta vẫn thấy ở các rạp hát, rạp phim khi có tuồng hay, phim “hot”.

Đẹp thay! Đám đông tham gia lễ Tro, trừ tôi ra, có lẽ chưa ai được “hân hạnh” tham gia phong trào “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh” do “nhà nước ta” phát động hơn chục năm nay, nhưng họ vẫn hành xử rất văn hóa, rất nhân văn trong sự bình thản, hạnh phúc được im lặng, được chờ đợi để đón nhận hồng ân Thiên chúa trong ngày lễ trọng này.

M. Tạ Phong Tần

11-03-2011

Theo Nhà Báo Tự Do Công Giáo

Không có nhận xét nào: