Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Sửa luật Thuế thu nhập cá nhân: sự “vội vàng” cần thiết


SGTT.VN - Trong khi nhà nước kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn ngay lập tức, chấp nhận giá điện tăng, xăng tăng, lãi suất tiền gửi không quá 14%… thì chuyện chia sẻ gánh nặng thuế lại bị cho là “vội vàng”.
■“Sửa vào lúc này là quá vội vàng!”
Cho rằng đặt vấn đề sửa luật Thuế thu nhập cá nhân lúc này là “quá vội vàng”, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội lý giải: “Hãy để nó (luật Thuế thu nhập cá nhân – PV) ổn định, đừng vì một vài sóng gió hôm nay (lạm phát – PV) mà thay đổi. Mong muốn nhất của ta hiện nay là ổn định chính sách. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng nhận xét chính sách ta thiếu ổn định”.


Trong khi nhà nước kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn ngay lập tức, chấp nhận giá điện tăng, xăng tăng, lãi suất tiền gửi không quá 14%… thì chuyện chia sẻ gánh nặng thuế lại bị cho là “vội vàng”. Ảnh: Lê Quang Nhật





Không rõ theo ý ông, sửa lúc nào là không “vội vàng”.

Ổn định là yêu cầu, điều kiện để phát triển. Sự ổn định của luật pháp nói chung, của một luật như luật Thuế thu nhập cá nhân là yêu cầu không chỉ của Nhà nước mà còn của người dân theo nghĩa giúp dự liệu được chi tiêu.

Việc sửa, đồng nghĩa với việc giảm tính ổn định của luật này đặt ra trong bối cảnh đang có những mất ổn định kinh tế vĩ mô mà lạm phát cao là biểu hiện tác động trực tiếp nhất đến đời sống người dân, người nộp thuế.

Ngay trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng luật này, đã có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung nhưng ban soạn thảo vẫn xin giữ quan điểm của mình. Từ đó đến nay, trong giới chuyên môn, dưới góc độ khoa học, những lo ngại về tính hợp lý của nó không phải đã hết. Nhưng chỉ khi lạm phát tăng vọt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân – người đóng thuế, nguyện vọng xem xét lại luật sao cho giảm thiểu gánh nặng đóng góp của người dân mới trở nên gay gắt và chính đáng.

Cũng không rõ sự “ổn định” mà ông Hiển muốn có là ổn định nào? Ổn định tuổi thọ của luật hay ổn định nguồn thu mà luật này mang lại. Nếu chỉ là ổn định tuổi thọ cho luật thì về mặt kỹ thuật xây dựng luật, kinh nghiệm thế giới cho thấy các nước đang phát triển (thường có lạm phát cao) thường chọn cách xây dựng luật hiệu chỉnh tự động theo lạm phát. Vì vậy, sửa luật theo hướng này, chấp nhận một sự thiếu ổn định bây giờ, sẽ đảm bảo tính ổn định lâu dài về sau.

Nếu là ổn định nguồn thu thì thật không công bằng cho người đóng thuế. Những lo lắng nếu miễn giảm đến mức nào đó thì thuế thu nhập cá nhân – đánh vào bất kỳ ai có thu nhập – sẽ thành thuế đối với người có thu nhập cao là có thể hiểu. Nhưng ở nước nào cũng vậy, thu nhập sau khi chi đủ cho nhu cầu bản thân mới bị đóng thuế. Những ghi nhận gần đây đều cho thấy mức chiết trừ gia cảnh hiện nay của ta là quá thấp. Không ít người phải đi vay mượn mới đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình mà vẫn phải đóng thuế. Sự không công bằng còn ở chỗ trong khi nhà nước kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn ngay lập tức, chấp nhận giá điện tăng, xăng tăng, lãi suất tiền gửi không quá 14%… thì chuyện chia sẻ gánh nặng thuế lại bị cho là “vội vàng”.

Giả thiết Quốc hội sẽ ra nghị quyết tạm ngừng thu thuế thu nhập cá nhân như năm 2009 bị ông Hiển bác bỏ với lý lẽ lúc đó kinh tế suy thoái, làm vậy để kích thích tiêu dùng, còn giờ lạm phát cao, “phải có chính sách hút tiền ra khỏi lưu thông, thắt chặt tiêu dùng nên thuế thu nhập cá nhân phải ngược lại”. Thắt chặt tiêu dùng tập trung vào thắt chặt chi tiêu công, sao lại bắt dân giảm tiêu dùng (vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu) để góp phần kiềm chế lạm phát? Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, cho dù có thu thuế để thu tiền về thì điều này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu Nhà nước để nguyên tiền không xài. Quá trình này có thể sẽ không diễn ra vì một trong những giải pháp giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP là tăng thu ngân sách 7 – 8%. Chỉ tiêu giảm bội chi là con số tương đối, nếu tăng thu được nhiều thì số chi (tuyệt đối) có thể không giảm mà có khi còn tăng.

Trong lúc Chính phủ đang bỏ tiền ra để lo chính sách an sinh xã hội cho người nghèo thì giảm gánh nặng thuế cho người phải đóng thuế có thể xem là giải pháp an sinh chủ động, vì nếu không may vì vậy mà họ rơi vào cảnh cần phải hỗ trợ thì Nhà nước cũng phải có giải pháp. Báo chí đưa tin thủ tướng của Trung Quốc, sau khi giao lưu trực tuyến với người dân, biết tình cảnh, nguyện vọng của họ trước lạm phát (vốn thấp hơn Việt Nam rất nhiều), đã thực hiện động thái kinh tế – chính trị an dân là đề xuất chính sửa luật – nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân.

Nếu đã thống nhất góc nhìn như vậy thì vấn đề còn lại chỉ là chuyện kỹ thuật. Việc sửa luật để phù hợp với diễn biến giá cả mang tính tình thế và sửa để có được một luật khoa học, vì vậy mà “ổn định”, thiết nghĩ không mâu thuẫn gì về mục tiêu.

NGUYÊN LÊ

Phản hồi của bạn đọc

Sau khi đăng bài phỏng vấn ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính-ngân sách Quốc hội (Thuế thu nhập cá nhân: sửa vào lúc này là quá vội vàng! – SGTT 23.3.2011), toà soạn Sài Gòn Tiếp Thị nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Xin lược giới thiệu:

Trong phát biểu thì nói có 330.000 người chịu thuế thu nhập cá nhân, còn số liệu đến 12.2010 của tổng cục Thuế thì số người chịu thuế này là 7,2 triệu người, chênh lệch quá lớn, hơn 20 lần! Như vậy phát biểu của ông chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội có giá trị không?

Lê Hùng Minh

Là người lập pháp, là người của cơ quan quyền lực cao nhất mà số liệu nắm không đúng thì xây dựng chính sách xã hội như thế nào đây.

long…@gmail.com

Khi bấm nút thông qua luật Thuế TNCN, các ông đã tự thấy mình lạc hậu rồi mà vẫn không thấy sai để sửa. Thật đáng thất vọng!

Mr To

Các số liệu mà ông Hiển này đưa ra theo tôi là chưa hợp lý. Tôi nhờ quý báo hỏi lại ông ấy xem trong 50 triệu người không đóng thuế thu nhập cá nhân ấy có bao nhiêu người thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng mà không đóng thuế do các cơ quan quản lý thuế không thu được. Hiện nay, chúng ta gần như không có khả năng quản lý được mức thu nhập của mọi người trong xã hội (ngoài một số ít cán bộ, công nhân, viên chức có thu nhập bị quản lý bởi các doanh nghiệp, công ty, cơ quan nhà nước). Nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân lên cao hơn hiện nay là chuyện rất cần thiết, vì chính sách thuế phải phù hợp với đời sống thực tế xã hội của toàn dân, và phải đảm bảo không mất công bằng giữa người nộp thuế và người không nộp thuế. Nếu không, sẽ rất thiệt thòi và có sự chênh lệch lớn giữa một số ít người phải nộp thuế và khá đông người có thu nhập chịu thuế nhưng không nộp thuế do nhà nước không quản lý được.

Đại Việt

Không có nhận xét nào: