Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Thảo luận với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Về tình hình chính trị ở Việt Nam

Đại diện TCQTYTCTNB đã có cuộc gặp gỡ các giới chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để thảo luận về vấn đề vi phạm nhân quyền và tình hình chính trị ở Việt Nam

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ sáu 4 tháng 3, 2011. BS Nguyễn Quốc Quân, đại diện TCQTYTCTNB đã gặp ông Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Daniel Baer, đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, để trình bầy và thảo luận về những vi phạm trầm trọng về nhân quyền vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam.
BS Quân đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc chính quyền Hà Nội tiếp tục kiểm soát tự do ngôn luận trong năm 2010, sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù hàng loạt nhà văn, nhà vận động chính trị và những người phê phán chính phủ một cách ôn hòa trên các mạng lưới điện tử toàn cầu, điển hình là các bloggers Điếu Cầy, anh Ba Sài Gòn, và gần đây nhất là luật gia Cù Huy Hà Vũ sắp bị đưa ra tòa xét xử.

Vẫn theo BS Quân, nhà cầm quyền CSVN cũng tiếp tục sách nhiễu, hăm dọa, tùy tiện tới nhà hoặc gọi lên làm việc các cựu tù nhân như trường hợp Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và mới tuần trước đây BS Nguyễn Đan Quế đã bị khám xét nhà một cách bất hợp pháp, tịch thu computer, điện thoại cầm tay… và bắt ông về trụ sở công an. Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Công an đã phải thả BS Quế sau 2 ngày giam giữ, nhưng vẫn tiếp tục đòi ông phải trình diện làm việc.

BS Quân cũng nêu lên trường hợp ông Christian Marchant, tham vụ chính trị thuộc Toà Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam đã bị lực lượng an ninh CSVN hành hung trong lúc ông đến viếng thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam. BS Quân nêu lên câu hỏi: Đối với một viên chức ngoại giao, đại diện cho chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, mà họ còn hành động như vậy thì đối với dân chúng Việt Nam họ sẽ còn đối xử như thế nào?

Đáp lời, ông Phó Phụ Tá Baer cho biết ông đã lên tiếng cực lực phản đối việc bắt giữ BS Quế và cho đó là hành động không thể chấp nhận được. Ông cho biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận cho đài VOA phát đi một bài bình luận nói rõ quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ là bảo vệ tự do internet và cực lực phản đối việc bắt giữ BS Quế. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ quấy nhiễu BS Quế và vụ xử LS Cù Huy Hà Vũ.

Buổi hội kiến với ông Baer chấm dứt vào lúc 3: 30 chiều. Ngay sau đó, BS Quân đã được ông Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Bộ Á Châu và Thái Bình Dương Joseph Y Yun tiếp kiến. Trong dịp gặp gỡ này, BS Quân đã trình bầy là mặc dầu chúng ta đã bắt đầu bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam vẫn còn trong tình trạng lạc hậu với chế độ độc đảng, không có phân quyền rõ dệt giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chính quyền từ trung ương đến địa phương, thao túng Quốc Hội, kiểm soát truyền thông đại chúng và tước đoạt của người dân Việt Nam mọi nhân quyền căn bản. Dưới chế độ Cộng Sản không có bầu cử tự do và công bằng, cũng không có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu công nhân người Việt. Những người dân bất đồng chính kiến phát biểu quan điểm của họ một cách ôn hòa đều bị bỏ tù.

Đảng Cộng sản và những cơ chế quái ác do họ lập ra đã đưa Việt Nam tới bờ phá sản qua lãng phí và những vụ đầu tư kém hiệu quả; tài sản kếch xù nằm trong tay một nhóm nhỏ quan chức tham nhũng, trong khi đại đa số dân chúng sống trong nghèo nàn; giá sinh hoạt tăng vọt; tiền điện, nước và săng dầu lên giá mỗi ngày; tiền đồng Việt Nam mất giá trong khi đồng lương thì cố định không tăng. Dân chúng, đặc biệt là giới lao động, phải cực nhọc ngày đêm mà vẫn không đủ sống. Tình trạng Việt Nam đã chín mùi cho một sự thay đổi. Người dân Việt Nam được khuyến khích bởi cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi và Trung Đông đang hoạt động hăng say để thay đổi.

Tiếp theo phần trình bầy về hiện tình chính trị ở Việt Nam, BS Quân đã đưa ra một số những đề nghị như sau:

1. Tình hình chính trị hiện tại ở Việt Nam là một cơ hội bằng vàng để Hoa Kỳ biểu lộ sự ủng hộ của mình cho một chế độ chính trị cởi mở hơn. Đặc biệt là, trước khi quá muộn, khuyến cáo chính quyền Việt Nam nên chấp nhận một thời biểu cho cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới quyền giám sát của Liên Hiệp Quốc, qua đó, nhân dân Việt Nam sẽ có thể chọn một thể chế chính trị mới cho đất nước phù hợp với nguyện vọng của mình.

2. Cái áo giáp chính trị quan trọng nhất là Điều 4 Hiến pháp, đặt để một cách bất hợp pháp vai trò lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cần phải được loại bỏ để Việt Nam có thể tiến tới một nền dân chủ pháp trị.

3. Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt quấy nhiễu, bắt giữ và cầm tù những công dân biểu lộ quan điểm của mình một cách ôn hòa. Họ phải thả tất cả những người bất đồng chính kiến và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị bỏ tù bất hợp pháp bởi nhà cầm quyền Việt Nam – nhiều người trong số này đã bị giam giữ lâu tới trên 20 năm.

4. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải chấm dứt đe dọa và quấy nhiễu các cựu tù nhân chính trị.

5. Chính quyền Hoa Kỳ nên coi việc trì hoãn hoặc cắt giảm viện trợ, đầu tư, và một phần của số 8 tỷ kiều hối do người Việt hải ngoại gửi về nước mỗi năm là những đòn bẩy hữu hiệu.

6. Hoa Kỳ đáng được và nên đòi một lời chính thức xin lỗi từ Hà Nội về thái độ hung hãn của nhà cầm quyền Việt Nam hồi tháng Một năm 2011 qua việc một giới chức Mỹ ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bị công an Việt Nam hành hung trong khi ông cố gắng tới thăm một linh mục Công giáo bất đồng chính kiến: Cha Nguyễn Văn Lý tại Huế.

7. Sau hết, BS Quân nhắc nhở ông Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Yun về những ý tưởng mà bào đệ của ông, BS Nguyễn Đan Quế, đã viết gần đây trên tờ Washington Post, trong bài “Ở Việt Nam, nhân quyền bị tấn công”: “Sự thật là Hà Nội cần Washington nhiều hơn là Washington cần Hà Nội. Vì ngay ngày hôm nay Việt Nam đang phải đối mặt với một Trung Quốc tái võ trang bên kia biên giới, một cuộc tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông, chưa kể tới các vấn nạn nội bộ gồm cả trì trệ về kinh tế, và một hệ thống giáo dục lạc hậu. Và nếu Washington đang mong mỏi Việt Nam là đối tác lâu bền cho hòa bình và ổn định trong khu vực, thì tốt nhất, Hoa Kỳ nên công khai nhận rằng chỉ có một Việt Nam tự do và dân chủ mới có thể giúp họ thực hiện được điều mong ước đó.”

Buổi hội kiến đã chấm dứt vào lúc 4 giờ 15 chiều cùng ngày, trong bầu không khí cởi mở và thân mật.

(Bản tin TCQTYTCTNB ngày 22-3-2011)

Không có nhận xét nào: