Những chuyển biến đi tới của thế giới loài người
Sau khi các cuộc cách mạng ở Trung Đông xảy ra, người Việt hải ngoại cảm thấy sung sướng và hy vọng cách mạng ấy chẳng bao lâu sẽ bành trướng, phát triển, và lan tới Việt Nam, trở thành động cơ thúc đẩy và lật đổ chính quyền Cộng Sản, để nước ta sớm có một chính phủ dân chủ, một nước tự do, v.v…
Trong nước thì sao?
Liệu người dân trong nước có biết gì về các biến chuyển vĩ đại nầy ở Trung Đông, có suy nghĩ và hy vọng gì hay vì sống trong chế độ độc tài, họ bị bưng bít thật kín, nên chẳng biết gì hết. Bưng bít thật kín là bản chất của các chế độ độc tài. Càng kín thì bọn thống trị càng ngồi được yên, được lâu. Liệu bọn chúng có lo không? Lo như thế nào và đang làm gì để đề phòng, nếu những cuộc cách mạng ấy tràn sang Việt Nam!
Họ quên mất một điều là nhân loại đang đi tới, nói như người ta thường nói là bánh xe lịch sử đang chuyển mình đi tới. Làm ngược lại, sẽ bị “bánh xe lich sử nghiền nát”.
Như thế nào thì gọi là “bánh xe lịch sử đang đi tới”?
Nói về thế kỷ ánh sáng chẳng hạn!
Thế kỷ ánh sáng (1) là một thời kỳ nhân loại – đầu tiên là ở Pháp – con người nhận ra bản thể của mình. Bản thể đó là nhân phẩm, là tự do, là bình đẳng… Con người phải được sống trong nhân phẩm, trong tự do, trong bình đẳng, bác ái, v.v…
Có người cho rằng những tư tưởng nầy có sẵn trong kính thánh của đạo Thiên Chúa. Nhưng mãi hơn một ngàn năm trăm năm sau khi Thiên Chúa qua đời, nhân loại mới nhận biết được nó. Những thế lực phong kiến phản động trong cộng đồng xã hội Châu Âu, kể cả những nơi được coi là có nền văn minh sớm của nhân loại như Hy – La (Hy Lạp – La Mã), kể cả sự phản động, bảo thủ, cố chấp của giáo hội Thiên Chúa La Mã, đã làm chậm sự phát triển tư tưởng của nhân loại. Mãi đến khi người châu Âu cởi bỏ được tất cả những ràng buộc cổ hủ, những luật pháp bảo thủ dã man của xã hội cũ, về tôn giáo cũng như chính trị, nhờ khoa học rọi sáng thì con người mới nhận ra bản thể của mình, và thực hiện những cuộc cách mạng tư tưởng và chính trị, làm cho bánh xe lịch sử tiến nhanh hơn.
Điều kỳ lạ và thích thú là những tư tưởng tiến bộ về văn minh, về tự do, bình đẳng và dân chủ thì được phát sinh ở châu Âu, nhưng nó lại được thực hiện ở Mỹ.
Bởi vì nguồn gốc cha ông và tiên tổ của người Mỹ là những người trốn chạy khỏi châu Âu vì bị kỳ thị tôn giáo và chính trị. Họ trốn chạy khỏi châu Âu vì những áp bức và đọa đày vì tín ngưỡng, nhất là những người theo đạo Tin Lành (2), một tôn giáo mới, cách tân và không được giáo hội Thiên Chúa La Mã chấp thuận, những người bị đàn áp chính trị vì những chế độ độc tài phong kiến ở châu Âu phải tìm đến Tân Thế giới. Họ đến đây để tìm một vùng đất sống, mong cầu được tự do giữ đạo của mình, và nhân phẩm được tôn trọng.
Đó là ý nghĩa đích thực của cuộc Cách mạng Mỹ, khởi đầu từ Tea Party ở Boston (3).
Điều buồn cười thích thú như tôi nói ở trên chính là tư tưởng cách mạng thì phát sinh ở Châu Âu mà thực hành thì ở Châu Mỹ!
Tại sao vậy?
Tại vì xã hội châu Âu còn ràng buộc trong những giây trói cổ hủ, bảo thủ, lạc hậu, phản động. Những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, phát sinh cũng từ trong những cổ hủ, lạc hậu ấy, và không thể bành trướng trong một xã hội như thế được.
Mãi đến khi cuộc cách mạng tiến bộ và văn minh diễn ra ở Mỹ, biến thành hiện thực ở Mỹ, năm 1776 thì 13 năm sau, hình ảnh nước Mỹ, tư tưởng tiến bộ của châu Âu đã dẫn dắt cho người Pháp thực hiện cuộc cách mạng (Tư sản Dân quyền) 1789. Đó là những gì đạo quân của La Fayette đem về cho nước Pháp (4). Từ cách mạng Pháp lan dần ra những cuộc cách mạng khác ở Châu Âu. Châu Âu đã thức tỉnh vùng dậy.
Tuy Cách mạng Pháp (1789) đi sau Cách mạng Mỹ (1776), nhưng ảnh hưởng của Cách mạng Pháp lại rất lớn, lan tràn khắp cả Châu Âu, đánh đổ các chế độ phong kiến, giải trừ quyền lợi ưu tiên của giai cấp tăng lữ, hạn chế hoặc loại trừ ảnh hưởng của giáo hội La Mã, thành lập các giáo hội quốc gia, tạo thêm ra các cuộc cách mạng về khoa học, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp… Cũng chính nó khơi nguồn cho cuộc cách mạng vô sản ở Nga năm 1917, và dần dần tiến tới các cuộc cách mạng khác ở khắp toàn thế giới.
Nhân loại tiến bộ không ngừng, và cách mạng đi tới cũng không ngừng. Hậu quả và ảnh hưởng của nó không bao giờ ngừng lại ở một nơi nào đó, ở một thời gian nào đó. Khi nó ngừng lại ở một nơi nào, có nghĩa là nó chuẩn bị đi tới một nơi khác nữa. Khi nó ngưng lại ở một thời gian nào, chính là lúc nó lấy hơi để đi tiếp xa hơn.
Khi người ta thấy rõ rằng cách mạng vô sản đã đi chệch hướng nhân loại, thì nó phải được điều chỉnh. Sự điều chỉnh đó được thực hiện ngay trong nội bộ của nó, (5) và cũng có tính cách giây chuyền. Khi Liên Xô tự thấy chệch hướng, thì tự nó điều chỉnh. Và những “quốc gia phiên ly” của Liên Xô bắt buộc phải đi theo, cho đến khi toàn bộ châu Âu đi đúng với con đường đi tới của nhân loại.
Các cuộc cách mạng nói trên, sau khi xảy ra, phát triển và hoàn chỉnh ở Châu Âu, thì lúc nầy đây, cũng từ ánh sáng của Thế kỷ Ánh Sáng, – không phải từ tư tưởng của Đạo Hồi -, đang diễn ra ở Trung Đông. Các dân tộc Ả Rập và châu Phi ở Trung Đông và Bắc Phi, muốn tìm con đường sống, để tồn tại, để có được tự do và nhân phẩm, họ không có con đường nào khác. Họ đang đánh đổ các thế lực phản động ở đó.
Trường hợp Libya là ví dụ điển hình.
Khadafi, sinh ở Libya năm 1942, thuộc bộ lạc Berber, vốn là một tu sinh Hồi giáo. Thế giới Ả Rập vào cuối thập niên 1940, đầu 1950 có nhiều biến chuyển lớn lao, ảnh hưởng sâu đậm đến tâm tính ông ta. Do đó, năm 1961, ông vào học trường quân sự, tu nghiệp ở Anh và ở Hy Lạp.
Sự bóc lột của các công ty dầu lửa Anh – Mỹ gây cho ông nhiều phẩn uất. Trong khi dầu lửa đó được dùng để chạy ở những nhà máy sản xuất điện, làm sáng thế giới thì dân tộc ông chìm trong bóng tối đêm đen, – theo đúng nghĩa đen -. Thời còn đi học, ông phải dùng đèn thắp bằng mỡ lạc đà, trong khi ngay dưới chỗ ngồi của ông là những mỏ dầu lửa, đang được các công ty Anh – Mỹ khai thác. Con đường đấu tranh của ông có thể nhen nhúm từ hoàn cảnh như vậy.
Năm 1969, ông nắm quyền sau một cuộc đảo chánh. Nhưng điều gì đã xảy ra sau khi ông giành được quyền bính?
Điều đáng buồn cho dân tộc ông là sau khi giải thoát khỏi ách cai trị của người Anh thì ông ta lại tròng lên đầu dân tộc Libya một vòng nô lệ khác, còn độc ác và tàn bạo hơn của đế quốc Anh.
Hoàn cảnh đó giống như Việt Nam ngày nay vậy! Cuộc cách mạng đang diễn ra hiện nay là do từ hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Khuynh hướng độc tài là khuynh hướng chung của nhiều kẻ cầm quyền. Do đó, Khadafi vừa ngu ngốc và vừa điên khùng trong đường lối cai trị của ông. Dziệt Cọng cũng vậy, họ không điên khùng như Khadafi nhưng tham vọng quyền lực, tham vọng muốn nắm chặt lấy quyền lực đã biến họ thành những kẻ ngu ngốc. Cũng như Khadafi, họ không thấy con đường đang đi tới của nhân loại.
Nhìn qua châu Á, sự phát triển của các đế quốc Tầu
Nhìn qua châu Á, người ta thấy Tầu là nước có nền văn minh sớm ở xứ sở nầy, và có những tư tưởng tiến bộ và nhân đạo không kém người châu Âu.
Cách đây hơn 2 ngàn 500 năm, Khổng tử đã có tư tưởng khiến ngày nay người Âu Mỹ rất khâm phục.
Một hôm, thầy Tử Cống hỏi đức Không Tử: “Có lời nào khả dĩ thi hành được chung thân hay không?”
Khổng tử đáp:
- “Hình như là chữ Thứ! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!”
(Điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác.)
Câu nầy có ghi trong sách Luận ngữ, nó bao gồm nhiều ý nghĩa: Sự bình đẵng giữa đồng loại cũng như lòng nhân ái và biết tôn trọng người khác….
Không rõ trong kính thánh có câu nầy hay không, hay do các môn đệ của chúa Giê-Su vẽ vời thêm ra: “Ne faites pas à autrui ce que vous ne voudriez pas qu’on vous fit.”
Tuy nhiên, văn hóa Tầu, cách đây hơn hai ngàn năm, đã có tư tưởng cao đẹp như vậy thì quả thật là tiến bộ lắm.
Điều đáng tiếc là người Tầu đã nghĩ ra mà không làm, hay làm ngược lại. Trong chính sách cai trị, người Tầu thường hô hào “Đức Trị” nhưng trong thực tế thì lại khác đi hay ngược. Kể từ đế quốc thứ nhất là nhà Tần của Tần Thủy Hoàng rồi kế tiếp về sau, có ông “thiên tử” nào là người đức độ, là có lòng nhân, là biết tôn trọng người dân của họ, biết thực hiện “Kỷ sở bất dục, vật thì ư nhân”. Không ít các ông “thiên tử” là các bạo chúa, kể các ông “vua cách mạng” Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình và cả các “thiên tử” hiện đang ngồi ở Trung-Nam-Hải.
Nước Việt Nam, từng chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh Âu Á như vừa nói ở trên, liệu tương lai sẽ như thế nào?
Trong tình hình chính trị xã hội Việt Nam hiện nay, điều chi sẽ xảy ra?
Chính trị:
Hiện nay, Việt Nam là một nước độc tài toàn trị, có nghĩa là quyền cai trị đất nước thuộc về tay một người, một gia đình, một nhóm người hay một đảng phái độc nhứt.
Sau đại hội đảng Cộng Sản vừa qua, mọi người thấy rõ ràng là các tay lãnh đạo Dziệt Cộng đang chuẩn bị cho việc cầm quyền lâu dài, nối tiếp lưu truyền nhiều đời cho 3 gia đình.
Ba gia đình đó là gia đình Nông Đức Mạnh có con là Nông Quốc Tuấn (vừa vào ủy viên trung ương đảng), gia đình Nguyễn Tấn Dũng có con là Nguyễn Thanh Nghị (cũng vừa vào ủy viên trung ương đảng), gia đình Nguyễn Văn Chi có con Nguyễn Xuân Anh (cũng vừa vào ủy viên dự khuyết trung ương đảng). Trong ba gia đình nầy, coi như thế lực của gia đình họ Nông Đức và họ Nguyễn Tấn, mạnh hơn gia đình Nguyễn Văn. Nhưng biết đâu, trong tương lai, với tài ba và thủ đoạn (nói tới Cộng Sản là phải nói tới thủ đoạn), người con của gia đình thứ ba sẽ vượt lên hàng đầu?!
Họ đã chuẩn bị như thế tức là chuẩn bị cho việc truyền ngôi hay còn gọi là “cha truyền con nối”. Có ba cái ghế lớn: tổng bí thư đảng, chủ tịch quốc hội và thủ tướng, họ sắp xếp cho con cháu tiếp nối ngồi lên ở các cái ghế đó.
Việc chuẩn bị có tính cách lâu dài như thế, cai trị hết đời nầy qua đời khác, thì không hy vọng gì dân chúng Việt Nam sớm được tự do dân chủ.
Khi thực hiện mưu đồ như thế, không biết các nhà lãnh đạo Dziệt Cộng có chủ quan không, nghĩ tới các trường hợp cha truyền con nối đã diễn ra trước kia, từ thời kỳ phong kiến xa xưa, hay như ở nước Bắc Việt Nam trước đây, kín nhất thế giới, khi Hồ Chí Minh dấu lén truyền ngôi cho đứa con hoang là Nông Đức Mạnh, hoặc như ở Bắc Triều Tiên nghèo đói mạt hạng, Kim Nhật Thành truyền ngôi cho Kim Chánh Nhứt. Kim Chánh Nhứt sắp đứt hơi, đang chuẩn bị cho Kim Chánh Vân lên nối ngôi cửu ngũ. Hay như bên nước Cuba sát nách nước Mỹ, anh râu xồm Phidel Castro truyền ngôi lại cho em là Raoul Castro?
Họ đều là người có học hết, làu thông kinh sử, há không biết làm như thế là đi ngược bánh xe lịch sử hay sao? Và liệu như thế họ có nghĩ tới việc sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát hay không? Người Việt Nam có ai tin rằng con em của ba gia đình nói trên sẽ ngồi lâu dài trên những cái ghế quyền lực để cai trị dân tộc?
Kinh tế:
Kể từ khi nghe lời Mỹ mở đường cho hươu chạy, Cộng sản Việt Nam theo gương Liên Xô “đổi mới hay là chết” thì thương nghiệp Việt Nam phát triển hơn, hàng nhập khẩu và nhất là xuất khẩu đem bán ở châu Âu, châu Mỹ nhiều hơn. Với tình trạng lương công nhân rẻ mạt, các chủ ngoại quốc đến mở các nhà máy may mặc, đóng giày, v.v… nhiều hơn, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho dân chúng. Cũng qua đó, nông nghiệp cũng phát triển theo.
Người Bắc, nhứt là người Bắc ở miền Bắc và người Bắc vào Nam sau 1975, biết lợi dụng cơ hội “mở cửa”, “đổi mới” nắm hầu hết thương nghiệp của cả nước. Họ cũng biết lợi dụng cơ hội để buôn bán đất đai, giàu có ức triệu (đôla).
Nhìn chung đời sống kinh tế có khá hơn trước, mặc dù khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng xa hơn, rộng hơn. Đằng sau những lầu đài đẹp đẽ hai bên đường phố, khu dân cư lao động nghèo đói càng ngày càng nhiều hơn và rộng lớn hơn.
Đặc biệt đời sống dân quê không thay đổi gì nhiều!
Khả năng nổi dậy:
Khả năng nổi dậy như ở Ai Cập, Tunisie, Libya… ở Việt Nam sẽ diễn ra ở đâu?
Dĩ nhiên, nếu có là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng, Cần Thơ… Các thành phố khác, người phản kháng sẽ không đông, không mạnh như ở Saigon, Hà Nội.
Lực lượng nổi dậy là ai?
Thông thường, người ta hy vọng ở giới trẻ: Thanh niên, sinh viên, học sinh.
Nhìn từng trường hợp:
Trong quá trình nổi dậy chống nhà Ngô hay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời Đệ nhị Cộng hòa, lực lượng chính vẫn là thanh niên, sinh viên, học sinh. Quách Thị Trang, người bị bắn chết ở bùng binh chợ Bến Thành vào sáng ngày 21 tháng 8 năm 1963, là một cô nữ sinh Saigon thời bấy giờ.
Thanh niên, sinh viên học sinh biểu tình chống chính quyền với lý do thông thường là vì chế độ chính trị hà khắc, vì đời sống khó khăn, vì nền giáo dục thiếu thốn và bất công, vì không tìm được công việc sau khi tốt nghiệp. Chính phủ Lý Thừa Vãn ở Đại Hàn sụp đổ hồi năm 1960 là vì đào tạo nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm.
Thời kỳ chống chế độ Ngô Đình Diệm, ngoài giới trẻ như nói ở trên, còn có tín đồ Phật giáo, kể cả những người lớn tuổi, các mẹ, các chị. Cuộc đấu tranh hồi đó ở Huế, tiểu thương chợ Đông Ba là một lực lượng đáng kể.
Bên cạnh lực lượng trẻ như vừa nói, còn có lực lượng Công nhân! Trong chế độ Cộng Sản, Công đoàn là tổ chức của đảng Cộng Sản lập ra là để kềm kẹp công nhân, không cho công nhân sinh hoạt chệch hướng. Tuy nhiên, tình hình công nhân ngày nay ở nước ta đã có khác. Tuy chưa lập được công đoàn cho chính họ, một công đoàn không thống thuộc “công đoàn quốc doanh”, công nhân ở các hãng xưởng của chủ ngoại quốc, đôi khi cũng tổ chức các cuộc lãng công, đình công đòi tăng lương, cải thiện đời sống, việc làm, v.v…
Người ta cần có một công đoàn ở ngoài công đoàn nhà nước như “Công Đoàn Đoàn Kết” ở Ba Lan trước đây, hồi thập niên 1980, mới có thể hy vọng lực lượng công đoàn lớn mạnh hơn, đông đảo hơn, đấu tranh mạnh hơn. Công đoàn Đoàn kết của Balan đã lật đổ chính quyền Jaruzelsky.
Hiện nay, ở nước ta, mặc dù giới làm nông nghiệp vẫn đông, nhưng họ chưa thể là một lực lượng đáng ngại với Dziệt cộng. Họ sống thưa thớt, ở vùng quê, nếu có tập trung được để biểu tình, số lượng sẽ không đông, không thể kéo dài ngày…
Dân oan khiếu kiện là một sự kiện đặc biệt ít khi xảy ra trước kia. Nhìn chung, họ là những người oan ức nhứt vì họ bị cướp đất, là bị cướp đoạt nguồn sống. Họ đấu tranh bền bĩ, dai dẳng, chịu khó, kiên trì, không những tốn công mà còn phải tốn tiền di chuyển, sinh sống. Điều đáng tiếc, việc cướp đất chỉ xảy ra ở những nơi chính quyền Cộng sản cần đất để bán cho ngoại quốc, để mở rộng đường sá, v.v… nên tình hình không diễn ra trên bình diện rộng, toàn bộ và đông đảo. Do đó, họ chưa thể là một lực lượng đáng ngại đối với Dziệt Cộng. Dziệt Cộng lo đối phó vì cần một bộ mặt sạch sẽ hơn là lo sợ họ có thể là một lực lượng làm lung lay chính quyền.
Một lực lượng đáng kể khác nữa là các cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Họ đòi lại những đất đai, cơ sở tu hành, xã hội, trường học đã bị Dziệt công tịch thu trước đây.
Đây là vấn đề khá phức tạp.
Nhìn chung, đây cũng là việc tranh giành đất đai, có nhiều điểm gần giống với “Dân oan khiếu kiện”.
Trước hết, trên nguyên tắc và trên thực tế, những thổ địa như tòa Khâm Sứ, Núi Thờ, Tam tòa, Cồn dầu, v.v… là của giáo hội Thiên Chúa Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ tiên khởi, dưới chế độ thực dân Pháp, việc thủ đắc những thổ địa ấy không phải hoàn toàn công bằng và hợp lý, bởi vì chính quyền thực dân không thể không có những thiên lệch khi cấp phát, lấy đất công thổ ở những nơi tốt nhất, đẹp nhất, cấp cho một tập thể nhỏ trong cộng đồng quốc gia rộng lớn. Bên cạnh đó, việc Dziệt Cộng dùng bạo lực để cướp lại số đất đai ấy là một việc làm sai trái không thể biện minh được. Thành ra, nhà nước Dziệt Cộng cần có một chính sách giải quyết tế nhị và khôn khéo, không làm mất lòng đồng bào theo đạo Thiên Chúa, mà tập thể đông đảo người Việt không theo đạo Thiên Chúa cũng đồng thuận và vui vẻ chấp nhận cách giải quyết ổn thỏa ấy. Cách xử sự của chính quyền Cộng Sản hiện giờ không thiếu tính cách bất nhất, thủ đoạn, có khi lại mang tính phỉnh gạt, lừa đảo giáo dân.
Không giải quyết ổn thỏa, việc đấu tranh của giáo dân sẽ tiếp tục mãi. Tuy họ chưa đủ khả năng kêu gọi toàn thể dân chúng đứng lên lật đổ chính quyền nhưng đó là một lực lượng có lý tưởng mạnh mẽ, tích cực nhứt, đoàn kết nhứt, quyết liệt nhứt mỗi khi đối đầu với nhà cầm quyền.
Động lực nổi dây:
Có hai động lực làm cho cuộc nổi dậy xảy ra: Một là từ bên ngoài, hai là từ bên trong
Động lực từ bên ngoài thứ nhứt là từ Trung Đông, tức là khu vực hiện nay đang có những cuộc cách mạng nổi lên lật đổ chế độ các nhà nước độc tài, phản dân chủ, v.v… Đó là một cuộc nổi dậy rộng lớn, ở nhiều nước và có thể lan tràn rộng ra thêm nữa. Tuy nó xảy ra ở Trung Đông, ở Bắc Phi nhưng ảnh hưởng sẽ dội tới Châu Á, Đông Nam Á làm cho các nước độc tài ở khu vực nầy cũng phải lo sợ, chuẩn bị ngăn chận, phản công, đàn áp khi hững biến cố như ở Trung Đông sẽ xảy ra tại đất nước của họ.
Nếu nước Tầu sẽ có những cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ, đòi lật đổ chính quyền thì nước Việt Nam do Dziệt cộng cai trị hiện nay cũng không thể yên ổn được. Việc xảy ra ở Tầu sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam mạnh hơn như là khi nó xảy ra ở Trung Đông. Cái thế răng môi, phên dậu, “láng giềng tốt” như Tầu Cộng hô hào là như vậy.
Tuy những cuộc nổi dậy nói trên xảy ra ở Trung Đông, muốn đạt kết quả mau chóng cũng không thể thiếu tay người Mỹ. Rõ ràng những lời tuyên bố của tổng thống Obama và những hành động của ông, kín đáo hay công khai đã làm cho ông Mubarak cuốn gói rời Le Caire mau lẹ hơn. Tương lai của Khadafi liệu có khác hơn chăng?
Nếu nói thế lực từ bên ngoài, người ta sẽ không quên cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp với hàng triệu người.
Khi Công đoàn Đoàn kết của Lech Walesa nổi lên chống chính quyền Cộng sản Ba Lan, ngoài sự tiếp tay của CIA, của giáo hội La Mã (xin đọc “Liên Minh Thần Thánh”, cuộc liên minh giữa giáo hoàng Jean Paul II và tổng thống Mỹ Reagan, cùng tác giả đã dịch) thì cộng đồng người Balan ở các nước trong Thế giới Tự do đã tích cực hoạt động hỗ trợ: tiền bạc, máy móc in ấn, điện tử thông tin… gởi về trong nước rất dồi dào.
Nói như vậy cũng để thử hỏi cộng đồng người Việt Hải ngoại đã làm gì chưa để các tin tức về những cuộc cách mạng Hoa Lài lọt vào trong nước, đã hỗ trợ gì về vật chất lẫn tinh thần để cho cuộc cách mạng trong nước có thể bùng nổ ra. Và khi nó đã bùng nổ ra rồi, người Việt hải ngoại phải hà hơi tiếp sức như thế nào để cuộc cách mạng cháy bùng lên, mau đạt thắng lợi.
Động lực từ bên trong là cần có sự phân hóa nội bộ của Dziệt Cộng. Nếu họ đoàn kết, nắm chặt lấy nhau mà bảo vệ quyền lợi, việc lật đổ sẽ không thể dễ dàng.
Cũng không phải là họ không có những mâu thuẫn để phân hóa nội bộ. Trước hết và thông thường là do quyền lợi, tranh ăn. Tranh ăn giữa những kẻ đã nghỉ hưu, về làm cố vấn nhưng thế lực vẫn còn mạnh. Đó là những Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu… Đó là những mâu thuẫn giữa phe người Bắc, người Trung, người Nam, giữa phe thân Tầu, phe thân Mỹ, giữa Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Chí Vịnh, v.v…
Sự phân hóa mâu thuẫn còn xuất hiện ở những kẻ có quyền, những người vô quyền nhưng có công trạng lớn, v.v…
Cuộc nổi loạn ở Thiên An Môn hồi tháng sáu 1989 cũng có lý do bắt nguồn từ những nhà lãnh đạo Cộng Sản Tầu mâu thuẫn với nhau. Triệu Tử Dương, phe cấp tiến ủng hô cuộc đấu tranh và Lý Bằng, đàn em Đặng Tiểu Bình, chủ trương quyết liệt đàn áp.
Về phía quần chúng, động lực đấu tranh là do sự giàu nghèo, bất bình đẳng, bất công, bị bóc lột, bị tước đoạt quyền sống, không có tự do, v.v… như đã nói ở trên.
Nhìn chung, nếu đặt vấn đề trên căn bản quyền lợi như giàu nghèo, sướng khổ, có quyền vô quyền, tham nhũng coi như đó là những lý do để dân chúng nổi lên đấu tranh thì chúng ta thấy tình hình ở nước ta hiện nay sẽ rất khó khăn.
Cuộc cách mạng vô sản là cuộc cách mạng triệt để, do đó, giai cấp vô sản được nâng lên hàng giai cấp thống trị.
Lấy ví dụ tình hình xã hội của Hà Nội chẳng hạn.
Sau 1954, bao nhiêu tầng lớp trí thức tiểu tư sản, tư sản, những người có dân trí (danh từ của cụ Phan Chu Trinh) về dân chủ, tự do, về nhân phẩm đã di cư vào Nam. Thay vào những chỗ trống của đất Hà Thành ngàn năm văn vật là những ai? Đó là giai cấp vô sản thôn quê theo kháng chiến thay thế vào. Cụ thể hơn, đó là những người như Tô Hoài đã mô tả trong “Ba người khác”, là những người mà ông Việt Thường đã mô tả qua hình ảnh người vợ đầu của Lê Đạt do đảng và nhà nước “xây dựng” cho, là cô gái mặc cái váy “dày như mo nang, ba năm chưa giặt.”
Chính Cộng Sản đã cứu vớt cuộc đời họ, từ tam đại bần nông nay trở thành kẻ cầm quyền, lãnh đạo ở cơ quan nầy, cơ quan khác, trong chính quyền, trong quân đội và nhất là trong ngành Công an.
Nhìn vào thực tế Saigon ngày nay, có người nói “Quận 1 là quận Bắc Kỳ”. Nói rõ ra, quận 1 và quận 2 của Saigon cũ nay toàn là những người Bắc vào Nam sau 1975. Chúng ta có thể đặt một câu hỏi! Nguồn gốc thành phần Saigon nầy là những ai, nếu không phải là con em của “Ba Người Khác” thì cũng tương tự như thế, cũng là những người được đảng (CS) cứu ra khỏi cảnh nghèo khổ triền miên từ nhiều đời. Họ là những công thần của chế độ.
Dĩ nhiên, quyền lợi của họ gắn chặt với sự tồn vong của chế độ.
Bên cạnh đó, không ít những người vì quyền lợi, “tiếp tay” với họ. Đó là những “người Saigon cũ” bắt tay với người mới từ Bắc vào Saigon sau 1975 cùng nhau làm lợi cho bản thân và giai cấp. Độc giả nghĩ sao về một người thuộc thành phần chế độ cũ qua Mỹ theo chương trình HO, nói câu sau đây: “Thằng em vợ tôi, ở lại Huế làm ăn, bây giờ giàu lắm.” Như vậy, ông ta lấy làm tiếc rằng ông ta đã đi Mỹ? Nếu ông ở lại thì ông có thể giàu như người em vợ. Hay ông ta lấy làm tiếc vì đã tham gia chế độ cũ, bị tù cải tạo hơn 3 năm nên đã rời Việt Nam. Nếu ông không tham gia chế độ cũ như người em vợ thì ông có thể đã ở lại Việt Nam và giàu có như người em vợ đã nói trên kia. Một ông bác sĩ qua Mỹ, lấy lại bằng bác sĩ ở Mỹ, cũng nói: “Thằng em tôi đổ bác sĩ trước 1975, nay ở Saigon, giàu lắm.”
Gạt ra ngoài lý do cá nhân, nhìn chung, trên bình diện xã hội, nhiều người ở lại Saigon, ở lại miền Nam, hợp tác với giai cấp thống trị mới và trở nên giàu có.
Cũng có thể, thêm vào đó, không ít là những Việt Kiều về nước làm ăn. Về nước làm ăn cũng có nghĩa là bắt tay, hợp tác với giai cấp thống trị mới ở Saigon và miền Nam Việt Nam hiện nay.
“Mở cửa”, “Đổi mới kinh tế” là tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu, nhất là những người có quyền lực trong tay tự ra làm ăn hay giúp đỡ cho gia đình, bà con thân thuộc ra làm ăn. Sự phát triển kinh tế nhờ “đổi mới, mở cửa” làm cho nhiều người giàu có, một giai cấp tiểu tư sản mới, tư sản mới, tư sản đỏ hay dựa vào tư sản đỏ…
Thành phần nầy, hiện rất đông đảo ở Saigon, Hà Nội và các thành phố lớn. Quyền lợi của họ cột chặt với quyền lợi của bọn cầm quyền. Trong tình hình như thế, liệu có dễ dàng cho các cuộc nổi dậy, biểu tình chống chế độ, đòi lật đổ chế độ diễn ra ở quận 1, quận 2 Saigon cũ? Một số người dân ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, – nói cho đúng cách của Cộng Sản -, hay Hà Nội bây giờ, liệu họ có tham gia biểu tình để tự họ tước đoạt quyền lợi của họ?
Vì chìm đắm vào quyền lợi trước mắt, phải có thời gian để họ thấy rằng “Cơm áo, chưa đủ”, cần có tự do nữa chứ! Điều đó không dễ gì “khai dân trí” ngay bây giờ, khi quyền lợi đã che mờ lương tri.
Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, người ta cần kết hợp các thành phần bất mãn với chế độ như những người nghèo khó, túng quẩn, những thanh niên sinhh viên, học sinh tìm không được việc làm, những công nhân đấu tranh ở các nhà máy, những dân oan khiếu kiện, những giáo dân đấu tranh cho tài sản giáo hội bị cướp đoạt… trở thành một lực lượng thống nhứt, đoàn kết, có tinh thần đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ, mới có thể bàn tới việc đấu tranh với Dziệt cộng.
Lực lượng quần chúng đông đảo là Phật giáo đồ hiện nay đang bị phân hóa và ru ngủ triệt để. Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhứt, đứng đầu là đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang bị Dziệt Cộng giữ chặt trong Thanh Minh Thiền Viện, không cho ra tới con đường Trương Tấn Bửu ngay trước mặt. Hoạt động của thượng tọa Thích Không Tánh tới đâu thì bị làm khó dễ, đàn áp tới đó, dù chỉ là những hoạt động xã hội. Sự phân hóa giữa các thượng tọa từng bị Dziệt Cộng lên án tử hình như Trí siêu, Tuệ Sĩ với thượng tọa Không Tánh rất khó hiểu, chính ngay thượng tọa Không Tánh cũng không diễn tả được. Thượng tọa Trí Siêu đang lo phát triển các trung tâm Phật giáo qua sự giúp đỡ của ngoại quốc để hy vọng Phật giáo chiếm một vị thế mạnh hơn chăng sau khi Dziệt Cộng sụp đổ, không còn bị “lép vế” như trong thời gian gần hai trăm năm qua, sau khi nước ta bị thực dân Pháp cai trị? Trong khi đó thì Phật giáo đồ bị mê hoặc vì những chùa chiền xây dựng thêm nhiều ra, sửa sang thêm cho đẹp đẽ, khang trang, lộng lẫy, với nhiều bùa phép, mê tín dị đoan của nhiều “tu sĩ quốc doanh” thiếu đức hạnh, tham lam tiền bạc, rơi vào cái bẫy ru ngủ tôn giáo của Dziệt Cộng.
Nhìn chung, tình hình Việt Nam hiện nay có đủ những yếu tính như vừa nói ở trên, nhưng liệu đã chín muồi chưa để có thể tiến tới những cuộc biểu tình lật đổ chính quyền?
Lực lượng chính quyền Cộng Sản
“Bạo lực cách mạng” là chủ trương của Dziệt cộng. Nó có nghĩa là dùng bạo lực để “tiêu diệt thành phần phản cách mạng” mà Dziệt cộng chủ trương theo đúng bài bản của chúng.
“Bạo lực cách mạng” gồm nhiều thành phần. Chính thức gồm có Quân đội và Công an. Ngoài ra, Dziệt Cộng có nhiều thành phần khác nữa như “dân phòng” là lực lượng bán quân sự, tình báo nhân dân bao gồm nhiều thành phần cùng khắp, như các đoàn thanh thiếu niên Cộng Sản, các tổ chức sinh viên, học sinh, tổ chức phụ nữ, công đoàn, các tổ dân phố, chính quyền ở hạ tầng cơ sở. Tất cả đều được coi là công cụ, là “tai mắt” của đảng, để phát hiện và trấn áp “thành phần phản cách mạng”.
Đặc biệt thành phần trẻ được giáo dục việc theo dõi và tố giác những ai “phản cách mạng” dù cha mẹ anh em của chúng. Không ai lạ gì chế độ Cộng Sản là chế độ “Con tố cha, vợ tố chồng.”
Cũng từ đó, các phương pháp giáo dục cua Dziệt cộng ở trường học không có gì là sai trái hay đi lệch đường lối, chủ trương của họ. Ngoài những mục tiêu chính trị “vì lợi ích của đảng”, ngày nay, trước tình hình kinh tế mới, đường lối giáo dục của Dziệt cộng là ru ngủ thanh thiếu niên vào sự hưởng thụ, bằng cách ăn mặc đẹp đẽ, xe cộ sang trọng, vui chơi hát xướng, đá gà, đá banh, v.v… như chính sách De Couroix của thực dân Pháp trước kia. Khi thanh niên vùi đầu vào sự hưởng thụ là chính thì mong gì việc đấu tranh ở họ. Hủy hoại một hay nhiều thế hệ thanh thiếu niên để họ sống không có lý tưởng là đường lối cai trị thâm độc của Dziệt Cộng, là có tội với dân tộc và tổ quốc.
Trước mắt, lực lượng Công an của Dziệt cộng hiện nay là điều rất đáng quan ngại.
Công an là công cụ chính, Dziệt cộng dùng để trấn áp tất cả các cuộc đấu tranh của bất cứ thành phần nào hiện nay ở nước ta. Bọn chúng có nhiều ưu đãi, che chở, dung dưỡng, nhiều quyền hạn, quyền lợi. Công an có nhiều biện pháp trấn áp dân chúng, từ những phương tiện hiện đại nhứt bằng điện, điện tử, cho đến sơ đẳng nhứt như đánh đập dữ dằn bằng tay chân, gậy gộc, và cả những thủ đoạn ghê tởm nhứt.
Trên danh nghĩa, Công an là lực lượng “thi hành luật pháp” nhưng trong thực tế, đó là bọn phi pháp, xử dụng luôn cả bọn “xã hội đen” là bọn vô luật pháp để đàn áp đồng bào đấu tranh.
Không như Quân đội Dziệt Cộng, bọn Công an được tuyển chọn kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Trước hết phải đúng “thành phần giai cấp”, đúng quan điểm lập trường, trung kiên với đảng, đối tượng đảng viên hay ít ra là đoàn viên trung kiên, con em đảng viên, lãnh đạo, v.v…
Công an là công cụ của đảng, tuyệt đối trung thành với đảng, lập trường kiên định nên Công an đàn áp thẳng tay, không chút thương tiếc, lương tâm với thành phần đấu tranh chống chính quyền, chống chế độ, chống đảng.
Dân chúng không dễ gì cảm hóa bọn nầy khi dân chúng nổi lên!
Viễn tượng:
Nhiều người không đồng ý với những nhận xét nói trên của tôi, nhưng đó là thực trạng xã hội Việt Nam ngày nay. Những nhận xét của tôi không có gì mới lạ. Nó rất xưa trong binh pháp, cái gọi là “biết mình, biết người”.
Biết mình, biết người không phải để bi quan, thất vọng, buông xuôi.
Điều khẳng định là chính nghĩa thuộc về dân chúng. Chính nghĩa không sai thì dân chúng không bao giờ thất bại.
Lực lượng nổi dậy chống đối chính yếu là ở trong nước.
Chúng ta làm gì cho họ, ngay bây giờ và ít lâu nữa, khi dân chúng đứng lên. Không thể ngồi trên máy bay rải truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi dậy, để cuối cùng dân chúng chỉ đi lượm truyền đơn đem về đọc lén Công An và… không làm gì cả. Cũng không thể kêu gọi thanh niên đổ ra đường chạy xe gắn máy suốt ngày để “cách mạng thành công.”
Chuẩn bị kỹ hơn là điều cần thiết. “Công đoàn Đoàn kết” là bài học hay và rất có giá trị. Chúng ta phải làm gì như người Ba Lan hải ngoại đã làm, khi Công đoàn Đoàn kết đứng lên.
Bài học lịch sử đó người Việt hải ngoại phải nghiên cứu, phải làm như họ, làm hơn họ. Đã có ai nghiên cứu viết thành tài liệu, phổ biến cho mọi người hay biết để học hỏi để cùng nhau mà làm là điều ích lợi biết bao nhiêu!
Người Việt chống Cộng ở Ba Lan, có đủ điều kiện về sinh ngữ, về nhân lực để tiếp xúc, phỏng vấn, bàn thảo, nghiên cứu viết thành tài liệu, bài bản, phổ biến cho mọi người là điều nhiều người mong mỏi. Tuy có chậm nhưng cũng còn hơn là không có gì!
Chúng ta có một niềm tin vững chắc vào sự tiến bộ của nhân loại. Con đường đi tới Tự Do là con đường nhân loại đã vạch ra, đã xây dựng và tiến bước trên nó kể từ mấy thế kỷ nay, từ sau các cuộc cách mạng Mỹ và Châu Âu ở thế kỷ 19.
Trong suốt thời gian sau đó, không ít những cái gọi là cách mạng nối tiếp theo sau, cũng núp dưới cái áo Tự do, Dân chủ, hay các chế độ độc tài phong kiến, tân thời, đi ngược với Tự do và Dân chủ đều phải sụp đổ.
Ở miền Nam Việt Nam, tình huống đó cũng đã xảy ra, đặc biệt dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa, núp lén dưới chiêu bài nầy hoặc lý thuyết kia, kể cả cái áo tôn giáo, đều đã bị lật tẩy và đánh sập.
Những người Cộng Sản miền Bắc chưa thông suốt tình hình chính trị miền Nam trước đây để rút kinh nghiệm. Do đó, sụp đổ là con đường đương nhiên và chắc chắn họ phải gặp, phải trả giá. Càng ngoan cố, càng cố bám, càng đàn áp thì hậu quả họ phải gánh chịu sẽ thêm nặng nề.
“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều.”
Đó là triết lý của dân tộc mà Nguyễn Du đã chứng minh trong truyện Kiều.
hoànglonghải
(1) Thế kỷ ánh sáng (Siècle des Lumières), là sự khám phá và phát triển của triết học Tây phương vào thế kỷ 18. Đó cũng là phong trào của giới trí thức Tây phương.
Các học thuyết về Tự do, Dân chủ của họ có liên hệ đến các cuộc cách mạng khoa học, khơi nguồn từ những tư tưởng tiến bộ của Galileo và Newton và không tránh khỏi sự đàn áp của các thế lực áp chế và phản động. Phong trào tư tưởng ấy khám phá ra những quan hệ rõ hơn giữa cá nhân, xã hội, chính quyền và tôn giáo. Nó tạo ra những tri thức cho Cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và Châu Âu như tác giả trình bày sơ lược trong bài. Cũng từ đó, nó tạo ra nên chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa Tự do, Dân chủ và cả chủ nghĩa Tư bản.
Những tư tưởng đó chính là nền tảng của đạo luật Nhân Quyền Mỹ và bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp.
(2) Đạo Tin Lành là một cuộc cách mạng tôn giáo phát sinh từ trong đạo Thiên chúa La Mã, do các tu sĩ Martin Luther (1483-1546) và Calvin (159-1546) lãnh đạo, chống lại giáo hội La Mã. Cuộc cách mạng tôn giáo nầy cũng khơi nguồn cho các trào lưu tư tưởng tiến bộ sau đó ở Châu Âu.
Các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng tôn giáo nầy chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do tư sản, chống lại những qui luật khắt khe của giáo hội Thiên Chúa La Mã, thừa nhận kinh thánh nhưng phủ nhận các lễ nghi phiền toái và khắc nghiệt của nhà thờ La Mã, chấp thuận cho các mục sư có vợ và tạo nên một tôn giáo mới gọi là Tin Lành.
Bị giáo hội Thiên chúa La Mã đánh phá kịch liệt, tín đồ đạo Tin Lành phải trốn chạy sang Tân Thế Giới để bảo vệ tôn giáo của mình. Từ kinh nghiệm cay đắng và đau đớn ở quê hương cũ, đạo Tin Lành ở Tân Thế giới chỉ thành lập hội thánh riêng cho từng địa phương, không thành lập một giáo hội thống nhứt cho toàn thể quốc gia.
Vì căn bản là tôn một giáo cách mạng, nghi lễ và cách thờ phụng Chúa có phần đơn giản, giản dị hơn. Họ không cần có những nhà thờ to rộng với những nghi thức rườm rà và không thiếu tính dị đoan của giáo hội cũ. Do đó, tôn giáo nầy dễ lôi cuốn quần chúng, ở ngay nước Mỹ hay ở những nơi nào họ đến giảng đạo và truyền đạo.
Vì tính cách ấy, Dziệt cộng rất sợ đạo Tin Lành. Họ vu cáo đạo Tin Lành là đạo của Mỹ và cho đó là “công cụ xâm lăng của đế quốc Mỹ”.
(3) Tea Party hay “đảng trà” là một cuộc phản kháng của công nhân cảng Boston xảy ra vào ngày 16 tháng 12 năm 1773, nhằm chống lại việc đánh thuế cao (Tea Act) vào trà của chính quyền thực dân Anh. Sự phản kháng dần dần được lan rộng khắp 13 tiểu bang đầu tiên của Mỹ. Biến cố lịch sử nầy thường gọi là Boston Tea Party, là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng giành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ.
(4) Marquis LaFayette là một nhà quân sự và chính trị Pháp, sinh năm 1757, chết năm 1834.
Từ những hứng khởi về bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, yêu thích chủ nghĩa Tự do và Nhân quyền, ông chỉ huy một đạo quân Pháp sang Mỹ tham gia cuộc chiến tranh 7 năm, đánh bại quân Anh, giành độc lập cho nước Mỹ. Trong cuộc chiến tranh nầy, ông từng bị thương nhưng lập được nhiều chiến công vẻ vang.
Sau khi Cách mạng Mỹ thành công, ông cùng quân đội của ông trở về Pháp năm 1784. Trở về Pháp, ông vừa tham gia hoạt động chính trị, có khi là đại biểu danh dự của vùng Auvergne, có khi chỉ huy quân đội tham gia các cuộc chiến tranh ở Châu Âu, rồi về nghỉ hưu ở lâu đài của ông tại La Grange, cách Paris 43 dặm.
Ông từ chối nhiều chức vụ quan trọng do chính phủ Pháp đề nghị, luôn cả chức vụ thống đốc tiểu bang Louisana của tổng thống Mỹ Jefferson năm 1805, sau khi Mỹ mua lại vùng đất nầy của Pháp. Ông ở ẩn tại lâu đài nói trên, nơi vợ ông qua đời năm 1807, và chôn cất tại đó.
Sinh nhật 68 tuổi của ông được tổ chức tạo Bạch Ốc.
LaFayette qua đời năm 1834. Ông vừa là vị anh hùng nước Pháp và cũng là anh hùng nước Mỹ.
Hiện nay, tại nhiều thành phố Mỹ, có nhiều con đường mang tên ông.
(5) Gorcbachov là chính khách hạng nặng của Liên Xô, là tổng bí thư cuối cùng của Liên bang Cộng sản nầy, trong thời gian 3 năm, từ 1988 đến 1991. Nhằm cứu Liên Xô khỏi bị sụp đổ hoàn toàn, ông tuyên bố “Liên Xô thuộc về Châu Âu” để giữ được vị thế của Liên Xô hay ít nhứt là của nước Nga, trong cái gọi là “Vận hội Kinh tế Thế giới mới”, thoát ra khỏi cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ mà nó có thể làm cho Liên Xô hoàn toàn tiêu vong.
Bằng những hành động gọi là cải cách, đổi mới, tuy ông không cứu được liên bang Xô Viết khỏi tan rã, nhưng ít ra ông cũng cứu được nước Nga của ông, để nó có được một vị trí như ngày hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét