Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Ngày 30 tháng 4 nói chuyện hòa giải


Đại Nghĩa (danlambao) - Nhân ngày 30 tháng 4 sau 36 năm chấm dứt chiến tranh lời kêu gọi Hòa giải Hòa hợp Dân tộc được dư luận quần chúng nói tới rất nhiều từ hai phía, âu đây cũng là một thời cơ xích lại gần nhau để đoàn kết dân tộc trước họa ngoại xâm.

Trong lòng dân tộc Việt từ bên này cũng như từ bên kia đều có chung một ước mơ hòa giải hòa hợp. Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người đang chờ ra tòa về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 trong bài“ Xóa bỏ hận thù: tại sao không?”, ông đã nói lên một ước mơ mà 85 triệu người cùng mơ ước.

“ Còn gì đẹp hơn hình ảnh hai chiến sĩ QĐNDVN và VNCH trong sắc phục cùng thắp nén hương trước bàn thờ Tổ quốc”. (Báo Tổ Quốc online ngày 23-4-2011)

Cùng tiếng gọi HGHH nhưng người của phe“ chiến thắng” đã có thật lòng hay không? Hay còn những toan tính gì ngoài tình tự dân tộc? Tôi xin phép được lạm bàn sau khi xem bài“ Nuôi thù hận, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai ” của tác gỉa Thu Hà trên TuầnVietnam.net ngày 26-4-2010 về lời phát biểu của ông Cựu đại sứ Võ văn Sung đại diện cho phía chính quyền, ông nói:

“ Lúc này nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì dần trở nên lạc lõng và thật sự có lỗi với tương lai của chính con cháu mình.”

Mới nghe lời của ông Sung tôi thấy cảm kích vô cùng. Hôm nay lại đến ngày 30 tháng 4 lần thứ 36 lời nói ấy thật đáng suy gẫm và hân hoan đón nhận. Thật vậy, nếu tất cả con dân Việt nam không phân biệt chính kiến, không phân biệt đối xử, “đốt bỏ lý lịch toàn dân và viết lại tính từ ngày 1 tháng 5 của một năm nào đó” như Giáo sư Phạm Toàn đề nghị thì thời gian nầy cũng quá đủ để cho chúng ta thành tâm mà khép lại hận thù vì không còn bao lâu nữa tuổi đời đi qua và con người của chúng ta cũng sẽ trở về cát bụi, thù hận cũng không nên để lại cho thế hệ mai sau, thành ra nên nói chuyện“ xích lại gần nhau” trước khi quá muộn.

Trong phạm vi bài này tôi xin được phép đưa ra chủ đề Ngày 30-4 nói chuyện hòa giải và thảo luận theo bài trả lời phỏng vấn của nhà ngoại giao Võ văn Sung.

Nhưng thưa ông Sung, đọc suốt bài trả lời của ông tôi còn có nhiều điều muốn hỏi lại, hỏi lại cho rõ và mỗ xẽ cho thông, vì“ tư tưởng không thông cái bình tong cũng nặng”, như vậy trước tiên tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề hòa giải vì có hóa giải được mọi dị biệt, mọi thắc mắc, mọi thù hận một cách chân thành thì mới mong có được một sự hòa hợp tốt đẹp và hiệu quả.

Hòa giải Dân tộc:

Ở giai đoạn hòa giải tôi xin được chia làm hai bước.

- Bước một: là ngay ngày hôm nay không nhắc lại chuyện quá khứ, không nhắc lại những lời khoe khoan khoác lác, không nhắc lại những hận thù hay đỗ lổi phải cho nhau, không kỳ thị, không phân biệt đối xử, hoàn toàn bình đẳng với nhau trên mọi phương diện cả về mặt pháp lý, cả về tư cách hợp tác trong nhiệm vụ của người công dân, có như thế chúng ta sang bước kế tiếp.

- Bước hai: là chúng ta thảo luận chuyện ngày hôm nay và về sau nhất là phải thành thật cởi mở vì chỉ có thành thật mới mong có được một sự thảo luận có hiệu quả như bao người mong muốn.

Trong bài trả lời phỏng vấn ông Sung có phát biểu:

“ Với ngày 30/4 chúng ta đã qua được chặng đường đầu tiên“ Nước ta hoàn toàn độc lập” để tiếp tục thực hiện“ Dân ta được hoàn toàn tự do”…ngày quốc khánh 2/9/1945 là“ Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”…

“ Tôi thấy rằng ngày 30/4 từ 35 năm nay đã là ngày lịch sử của dân tộc. Vì đó là ngày khao khát chờ đợi của bao thế hệ người Việt nam, là ngày đánh dấu sự kiện một nước“ nhược tiểu” đã bền bĩ “lấy sức ta giải phóng cho ta”…”
(TuầnViệtNam.Net online ngày 26-4-2010)

Trong trích đoạn này ông Sung hãy đọc kỷ lại những chữ đậm để tìm xem trên thực tế nó đã có hay không? tôi xin phân tích từng ý một để cùng nhận định:

1- “ Nước ta hoàn toàn độc lập?”… “ Lấy sức ta giải phóng cho ta?”:

Thưa ông Sung, hình như ai ai cũng biết rằng suốt trong thời kỳ chiến tranh miền Bắc VNDCCH đã nhận nhiều sự chi viện vừa nguời, vừa của, vừa dụng cụ chiến tranh từ các nước“ XHCN anh em”, tôi nghĩ điều này không ai chối cải được. Và do như thế nên khi đất nước ta vừa chấm dứt chiến tranh, chưa kịp xây dựng thì các đàn anh Liên xô, Trung quốc thi nhau đòi nợ. Đã thế họ còn bắt chẹt đủ điều. Tôi nhớ trước đây nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm giải thích trong cuộc hợp báo tại Hà nội ngày 03-02-1992 có nói như sau:

“ Vào lúc ấy Việt nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt nam xem Trung quốc là một nguồn hổ trợ to lớn và gía trị. Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta( tức ủng hộ Trung quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa)… “Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của VN trên các quần đảo Trường sa và Hoàng sa cả…” (Trích bài của Pv Lê Dân đài RFA online ngày 03-12-1992)

Đấy ông Sung thấy ngay cả việc biển đảo của Tổ quốc cũng đem ra thế chấp do đó câu “lấy sức ta giải phóng cho ta ” của ông Sung không được thành thật. Vì thế cho nên đất nước ta ngày nay vẫn không có độc lập, tự chủ. Hẳn ông Sung cũng biết“ đảng ta”, “ chính phủ ta” hiện bị đồng chí Trung quốc khống chế mọi mặt kể từ khi ngữa tay nhận viện trợ súng đạn và người để mở cuộc chiến tranh đẫm máu, cốt nhục tương tàn. Vì nhận viện trợ của“ đồng chí anh em” mà phải khoanh tay đứng nhìn đồng chí cướp mất Hoàng sa trong tay của Chiến sĩ VNCH mà lãnh đạo CSVN ta đành ngoảnh mặt làm ngơ.

Ngoài biển Đông ngày nay ngư dân ta không còn được tự do đánh bắt như ngày xưa nữa, tàu tuần của Trung quốc đâm chìm tàu đánh cá của nhân dân ta mà không dám gọi đích danh là tàu của Trung quốc mà bắt hơn 700 tờ báo và đài quốc doanh gọi là“ tàu lạ”, theo nhà ngoại giao Dương Danh Dy trả lời Pv đài RFA thì:

“ Tôi xin nói thẳng thắn với ông rằng chữ“ tàu lạ”mà báo chí Việt nam dùng thực ra muốn tránh nói đến tàu Trung quốc. Ta phải nói thẳng với nhau như vậy”. (RFA online ngày 20-7-2009)

“ Tàu lạ” cũng đã công khai bắn giết ngư phủ của ta, bắt người tịch thu ngư cụ, thuyền bè còn đem về đòi nạp tiền mãi lộ như bọn cướp biển Somali, chính quyền CSVN chỉ phản đối ậm ờ cho có lệ. Bạo hơn nữa chúng dám cho hàng trăm tàu đánh cá của chúng tiến sát vào gần bờ biển Quảng trị, Huế, Đà nẵng, Thuận an của ta nhưng ta chỉ“ lập biên bản” rồi thả đi...

Phía đông biển đảo thì vậy, phía tây Cao nguyên thì sao? Nhà nước VN dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN và Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã rước quân Trung quốc vào khai thác bauxite là phá hoại môi trường sống của nhân dân, hủy hoại tài nguyên của tổ quốc, và chuốc lấy hiểm hoạ bị Trung quốc xâm lăng bất kể lời can gián của các vị tướng lãnh khai quốc công thần cũng như của biết bao nhà khoa học, trí thức hàng đầu của đất nước, như vậy đâu còn gì là độc lập tự chủ?

“ Ngày 5-1-2009, đại tướng Võ nguyên Giáp đã gửi thư đến thủ tướng Dũng đề nghị ngừng triển khai dự án khai thác này. Ông Giáp, người từng theo dỏi chỉ đạo việc khai thác bauxite Tây nguyên hồi những năm 1980, nêu quan ngại về“ nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội” của dự án…”
(BBC online ngày 6-2-2009)

Trong Tuần Việt nam.net có bài “ Từ chiến thắng Buôn mê thuột nghĩ về địa thế chiến lược Tây nguyên” có đoạn viết:

“ Ai chiếm được Tây nguyên sẽ làm chủ Việt nam và Đông Dương”. Cha ông ta từ xưa đã nhận định vùng Tây nguyên quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây nguyên thì coi như đã làm chủ được VN và ĐD. Sau này, người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thực được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng:“ Đây là nóc nhà của Đông Dương” ( TuanVietnam.net online ngày 9-4-2009 )

Và lời phát biểu của Thiếu tướng PGS TS Lê Văn Cương trong bản báo cáo “ Về dự án khai thác chế biến bauxite ở Daknong và Lâm đồng”, ông viết:

“ Trung quốc vào Tây nguyên là họ có điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt nam, Lào và Campuchia. Đây là hậu quả khôn lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người quyết định cho Trung quốc vào Tây nguyên có biết điều này không?” (Đối thoại online ngày 23-4-2009)

Thậm chí sau này Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Phạm Toàn, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng phải thành lập trang báo điện tử Bauxite để gom góp những dữ kiện bất lợi của dự án bauxite và lập bản kiến nghị trong toàn giới trí thức khoa học gia và nhân dân để yêu cầu nhà nước cho ngưng ngay dự án khai thác bauxite có hại này, thế mà thủ tướng Dũng vẫn cương quyết thi hành, hành động nầy có được coi là hành động độc lập hay không?

Hai bên Đông Tây thì đã thế còn phía Bắc thì sao? Hiệp ước ngày 30-12-1999 về biên giới nhà thơ Bùi Minh Quốc trong bài“ Trò chuyện với một người”viết:

“Ải Nam quan tức hữu nghị quan lùi mẹ nó vào đất Trung quốc mấy kilomet rồi…” (Viet tide số 102 ngày 27-6-2003)

Còn giáo sư Trần Khuê trả lời phỏng vấn của đài LSR thì:

“ Bộ chính trị của Lê khả Phiêu đã nhường một phần đất biên giới cho Trung quốc. Tôi rất ngạc nhiên. Họ cũng phê bình, chê ông Phiêu là hậu duệ của Lê chiêu Thống. Bây giờ để mất trên đất liền, vừa mất cả vùng Hoàng sa, Trường sa thì tôi cho rằng đây là một tội ác lớn đối với dân tộc và lịch sử…”(Viet tide số 30 ngày 8-2-2002)

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy từng là đại sứ của VN lâu năm ở Trung quốc trước đây phát biểu trên RFA như sau:

“ Trên bộ xong rồi bây giờ trên biển đấy. Trên bộ thì họ còn cái bauxite, họ cắm cái dao găm vào đấy…còn cái biển thì bây giờ cái vấn đề nó nóng bỏng rồi, không lui được nữa rồi, chỉ có cách bây giờ mình giải quyết như thế nào?” (RFA online ngày 7-2-2009)

Xem thế, nước ta đang bị Trung quốc bao vây ba mặt mà nhà nước không dám lên tiếng chống Trung quốc mà còn cản trở, bắt giam những người có nhiệt tâm biểu tình nêu cao ý chí bảo vệ Tổ quốc, họ chẳng được công mà ngược lại bị bắt giam như nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải là nghĩa làm sao?

Những vị lãnh đạo của“ đảng ta”, “ nhà nước ta” thay phiên nhau đi chầu thiên triều một cách cúc cung tận tuỵ, ôm nhau thắm thiết trong khi ngư dân ta còn đang bị Trung quốc bắt giam, vùng biển của ta Trung quốc cho tàu chiếm tuần tiểu đêm ngày thì TBT Nông đức Mạnh trong một chuyến thăm Trung quốc nói:

“…Việt nam sẵn sàng hợp tác với Trung quốc để đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới”. (VOA online ngày 15-6-2009)

Trước việc các viên chức lãnh đạo ta và Tàu ôm nhau thắm thiết thì cựu chiến binh Trần Dũng Tiến chua chát phát biểu:

“ Các cơ quan truyền thông của hai phía đã đánh bóng mạ vàng 16 chữ:“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là để hợp pháp hóa việc nhượng một phần biên giới và lảnh hải của ta cho họ. Mà Quốc hội khóa X đang tâm bí mật thông qua nhằm phản bội Tổ quốc…” (Người Việt ngày 23-1-2002)

2-“ Dân ta được hoàn toàn tự do?”

Kính thưa ông Sung, như Ông đã biết chúng tôi sau một thời gian dài sống trên khắp thế giới hấp thụ được không khí tự do dân chủ nơi xứ người đã quen, chúng tôi theo dỏi tình hình trong nước bằng mọi phương tiện thông tin hiện đại, tôi thấy lời Ông nói chưa được thông lắm. Vì biết bao vụ án bỏ tù hoặc cho côn đồ khũng bố những nhà trí thức trong nước đấu tranh đòi tự do dân chủ, dù họ chỉ kêu gọi một cách ôn hòa, dù họ là những vị lão thành cách mạng hoặc họ là những nhà trí thức trẻ. Có biết bao người đòi tự do dân chủ hiện đang bị giam trong vòng lao lý, mời Ông nghe lời nhận định của những chứng nhân hiện đang sống trong nước:

-Theo kỷ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải trong Thư ngỏ gửi Quốc hội và nhà cầm quyền Hà nội, viết như sau:

“ Còn hiện nay rõ ràng trên đất nước ta không có dân chủ. Cái gọi là nền dân chủ XHCN ở VN hiện nay; xét về thực chất chỉ là thứ dân chủ lừa mị, gỉa hiệu; dân chủ cho thiểu số trong ban lãnh đạo của đảng CSVN…”(Người Việt ngày 13-12-2004)

-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, trả lời phỏng vấn của đài LSR ngày 1-1-2004:

“ Nhà nước thì lúc nào cũng nói sinh hoạt tại VN có tự do hoàn toàn, nhưng đó chỉ là tự do tuân theo, tự do ca ngợi và tự do làm nô lệ cho nhà nước” (Viet tide số 130 ngày 9-1-2004)

-Cựu chiến binh Trần Dũng Tiến, trả lời phỏng vấn của đài LSR:

“ Cuộc sống của người dân không có gì là tự do cả. Đàn áp tự do dân chủ còn hơn chế độ phát xít xưa..”(Viet tide số 57 ngày 16-8-2002)

-Giáo sư Hoàng Minh Chính: Trả lời phỏng vấn của đài LSR:

“ Nhà nước CS luôn tuyên bố rằng CNXH dân chủ gắp một triệu lần CNTB nhưng thực tế cho thấy, chế độ hiện nay( dân chủ ) không bằng một phần của chế độ Phát xít Hít Le thời xưa..” (Viet tide số 119 ngày 24-10-2003)

Ngoài ra còn không biết bao nhiêu tổ chức, quốc gia trên thế giới nói rằng Việt nam chưa có tự do dân chủ, điển hình Hội Ân xá Quốc tế trong bản tuyên bố ngày 30-6-2008 có viết:

“ Hiến pháp CSVN thì nói người dân có mọi thứ quyền tự do căn bản từ hội họp, báo chí, biểu tình, lập hội, phát biểu, tự do nghiệp đoàn, tự do tôn giáo, tự do xuất bản v.v.. Nhưng trên thực tế, các quyền này bị giới hạn tối đa”.(Người Việt ngày 1-7-2008)

Cụ Nguyễn Hộ, một nhà lãnh đạo cộng sản kỳ cựu khi bàn về hòa giải hòa hợp dân tộc đã tỏ ra thấu đáo khi viết:

“ Chừng nào còn chưa thiết lập nền dân chủ tự do đúng nghĩa của nó ở Việt Nam thì chừng ấy vẫn chưa xóa được mặc cảm, thành kiến,…chưa có thể hòa giải, hòa hợp dân tộc được. Nếu chỉ bằng những khẩu hiệu suông hay bằng những chiến thuật kinh tế cụ thể thì sứ mạng hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc sẽ khó hoàn thành”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)

Theo tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì:

“ Dân chủ đồng nghĩa với Đa đảng, càng có nhiều đảng phái chính trị tham gia tranh cử Quốc hội một cách sòng phẳng thì Dân chủ càng cao”. (BBC online ngày 18-1-2010), trả lời đài VOA ông nói:

“ Tôi kêu gọi ban lãnh đạo đảng cộng sản VN mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở VN bởi nếu không, Hòa hợp Hòa giải dân tộc sẽ lại trở thành Lừa dối dân tộc với hậu họa có thể nhìn thấy trước.”(VOA online ngày 29-4-2010)

3- “ Ngày khao khát chờ đợi của bao thế hệ người Việt nam?”

Ngày 30-4-1975 ông Sung cho là ngày lịch sử chống Mỹ xâm lược, thế nhưng 30-4-2011 là cái ngày“ hợp tác” với Mỹ có phải không? Ngày khao khát chờ đợi của bao thế hệ có như vậy không hay đây còn là luận điệu tuyên truyền cố hữu của đảng CSVN, chính ông Võ Văn Kiệt cũng đã xác nhận ngày này có “ hàng triệu người vui và cũng có hàng triệu người buồn”, như vậy ngày 30/4 có phải người nào cũng khao khát chờ đợi đâu!

Ông Sung có thấy khi quân“ giải phóng” đến Tây nguyên thì hàng trăm ngàn dân Tây nguyên kéo chạy bị bắn chết bỏ xác trên rừng, khi quân“ giải phóng” đến miền Trung thì hàng trăm ngàn dân miền Trung kéo chạy chết trên đường vào Nam, cuối cùng ngày 30-4 quân“ giải phóng” vào được Sài gòn thì có hàng triệu người trốn chạy bỏ thây nơi bển cả. Ngoài ra có hàng trăm ngàn quân, dân, cán, chính của miền Nam phải bị tập trung trong các trại cải tạo, hàng trăm ngàn người mất cửa mất nhà bị đưa vào những nơi rừng sâu nước độc của vùng kinh tế mới… chớ có“ khao khát chờ đợi” bao giờ. Đây mời ông Sung nghe tâm sự của một người nữ chiến binh bộ đội cụ Hồ khi tiến quân vào Sài gòn choáng ngợp với sự văn minh, phồn vinh mà người cộng sản gọi là“ phồn vinh gỉa tạo” thì bà ta đã ngồi bên vệ đường khóc cho ngày“ giải phóng miền Nam thay vì phải giải phóng miền Bắc:

“ Nhưng sau cuộc giải phóng thì tôi nghĩ tôi đã hoàn toàn sai lầm vì đây là một cuộc nội chiến, và đây là một cuộc chiến giữa hai ý thức hệ và cái phần chiến thắng nó lại mang tính man rợ, tại vì dẫu gì đi nữa thì cái mô hình tư bản chủ nghĩa vẫn khá hơn.” (Việt Tide số 23 ngày 21-12-2001)

Và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang viết trong bài“ Hòa giải và hòa hợp” kể lại cụ Nguyễn văn Trấn trong cuốn“ Viết cho Mẹ và Quốc hội” trang 264 nói lên cái tâm trạng của một quan chức cao cấp đã thổ lộ:

“ Thủ tướng Phạm văn Đồng vào Sài gòn một ngày đầu hậu chiến. Về Bắc, ông nói tình hình bằng một câu buồn:-“ C’est regrettable”. Đáng tiếc! Sao ông là thủ tướng mà ông nói lần nầy là lần thứ hai:-“ Ce n’est pas moi qui décide!”.(Người quyết định không phải là tôi)

“ Ba mươi năm sau, một vị thủ tướng CHXHCN Việt Nam khác, ông Võ văn Kiệt, cũng thấy“đáng tiếc”. Khi nói về Chiến thắng 30 Tháng tư, ông sám hối nhìn nhận“ Có triệu người vui và cũng có triệu người buồn”! (Thông Luận online ngày 14-1-2007)

Ngoài ra tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang còn cho chúng ta thấy được cái sự trả thù hèn hạ của người cộng sản sau khi chiếm được miền Nam như thế nào:

“Đằng này, hằng loạt nhà tù trắng trợn, nhà tù trá hình được dựng lên để cùm kẹp, để cải tạo, để giáo dục, để chính huấn…với đằng đẵng thời gian và muôn vàn phương thức đày ải…Đến nổi hàng vạn, hàng triệu người phải cắn môi, gạt nước mắt giã từ bè bạn, chia tay họ hàng, từ bỏ tài sản, rời bỏ quê hương đi biệt xứ…” (Thông Luận online ngày 14-11-2007)

Trong bài trả lời phỏng vấn ông Sung có nhắc đến câu chuyện nội chiến Nam Bắc ở Hoa kỳ điều này làm tôi nhớ lại bài: So sánh ngày April 8/4/1865 của Hoa kỳ và ngày April 30/4/1975 của Việt nam trong Báo Tổ quốc thuật lại cuộc chiến tranh Nam Bắc của Hoa kỳ kết thúc tốt đẹp như thế nào, liệu đảng ta có gì phải suy nghĩ không? Đây bối cảnh ngày“ đầu hàng” của Nam quân:

“ Nơi được chọn để nghị hòa là một căn nhà nhỏ mái ngói thuộc Appomattox, một thị xã hẻo lánh nằm vào phía Nam tiểu bang Virginia. Có độ chừng 20 căn phố, lèo tèo vài cửa hàng nhỏ, một lữ quán và tòa thị xã. Khi mặt trời leo lên cao là lúc tướng Lee đã đến điểm hẹn, ông bước theo sự hướng dẫn của vị sĩ quan tuỳ viên và một sĩ quan tham mưu thuộc Bộ tham mưu của tướng Grant. Tướng Lee uy nghi trong bộ binh phục đại lễ, hông đeo trường kiếm, ngồi xuống cạnh một chiếc bàn gỗ nhỏ. Giờ đây ông đã có mặt ngay trong lòng đối phương.

Vào khoảng nửa tiếng sau, tiếng giày nện trên sàn gỗ và tướng Grant bước vào. Khác hẳn với tướng Lee, tướng Grant không đeo kiếm, không mặc quân phục, quần và đôi ủng lấm đầy bùn. Theo yêu cầu của tướng Lee, tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện chính thức đầu hàng của quân đội liên hiệp miền Nam và sau tự tay trao cho tướng Lee xem lại. Chậm rãi, từ tốn, tướng Lee rút cặp kính đeo mắt, lấy khăn lau kỹ lưỡng, đeo kính lên và chăm chú đọc.

“…Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền chừng nào họ còn tôn trọng lệnh đầu hàng và tuân theo luật lệ địa phương nơi họ cư ngụ”…

“ Lần đầu tiên trong buổi hội kiến, gương mặt của tướng Lee tươi hẳn. Như vậy có nghĩa là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Có nghĩa là họ không bị đem ra bêu riếu diễn hành hạ nhục trên các đường phố. Có nghĩa họ sẽ không bị mang ra toà truy tố về tội phản loạn…

Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng. Họ liệng lên không trung mũ nón, giày, bao đạn, áo hay bất cứ vật gì có thể ném tung lên được. Họ ôm nhau, hôn nhau. Súng ống các loại, kể cả đại bác bắt đầu nổ. Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc.“- Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”,tướng Grant giải thích, “- Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người trong cộng đồng dân tộc Hoa kỳ.” (Báo Tổ quốc online ngày 18-4-2010)

Nhắc lại để học tập, rút kinh nghiệm. Xem qua câu chuyện trên ông Sung nghĩ gì về thái độ của binh sĩ và cấp chỉ huy của quân đội Bắc Việt ngày 30/4/1975? cái quân đội của một dân tộc tự xưng có trên 4.000 năm lịch sử. Có lẽ ông Sung và đảng CSVN biết mình đã từng đối xử với quân bại trận miền Nam Việt nam như thế nào rồi, chắc chắn không bằng một dân tộc chưa được 300 năm lập quốc. Họ không có được một quá trình lịch sử hiển hách như quân đội của Bắc Việt từng khoác lác nhưng họ có được một cách đối xử với nhau liệu có khi nào quân đội Bắc Việt học được không? Thái độ kiêu căng ngạo mạn dùng xe tăng ủi vào trụ cổng dinh Độc lập để bêu riếu, để quay phiêm nhưng được hai nhà trí thức hiện ở trong nước vạch trần thái độ đó như sau:

- Giáo sư Phan Huy Lê: Trích bài“ Ai sẽ viết lịch sử người tỵ nạn?”

“Xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc lập thật sự đó là chiếc 390…Thật ra, bức ảnh ấy không phải được chụp ngay trong thời khắc chiến thắng, nó được dựng lại để chụp vài giờ sau đó. Tất cả những người tham gia việc“ dựng cảnh” và chụp ảnh ấy hiện nay vẫn còn sống..”(Trích: Giai phẩm Xuân Người Việt năm 2006 trang 46)

-Tiến sĩ Hà sĩ Phu: Trích: trả lời phỏng vấn của Pv Việt Hùng đài RFA.

“ Ngày đó nội các của Dương văn Minh đã ngồi tề tựu cho người xuống mở sẳn cửa dinh Độc lập để đón người chiến thắng, người ta hành động đẹp như thế. Nghĩa là chiếc xe tăng mà vẫn thấy trên Tivi húc đổ cánh cổng thì thực ra cánh cổng đã được mở rồi, không có sự húc đổ. Nếu có hút đổ thì chỉ là sự hút đổ cái ta dựng để đóng phim thôi” (Người Việt ngày 8-8-2005)

Theo ông Sung thì:“ Đơn vị quân giải phóng tiến vào Sài gòn đầu tiên đã bắt buộc ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Về sự kiện này tôi nghĩ rằng anh em vào dinh Độc lập chắc là họ không thể làm khác…Vì vậy sau 35 năm nhìn lại sự kiện lịch sử, rất khó nói rằng có thể có cách gì khác hơn xảy ra vào thời điểm đó”. (TuanVietnam.net online ngày 29-4-2010)

Đấy ông Sung xem, những trò gian dối ngạo mạn ấy có đáng được hoan nghênh không? Ấy thế mà cứ vào ngày 30/4 hàng năm làm lễ lộc tưng bừng, hoành tráng với những bài diễn văn phát biểu theo lối truyên truyền sặc mùi hiếu chiến với những sáo ngữ y như trong những bài trong thời“ học tập cải tạo” 36 năm về trước. Đảng CS và nhà nước Việt nam cố tình khơi lại vết thương chiến tranh và hận thù dân tộc thì làm sao có cơ hòa giải được. Nghe chuyện người ta mà tôi nghĩ tủi cho giòng giống Tiên Rồng của chúng ta có trên 4 ngàn năm văn hiến, tự hào là đỉnh cao trí tuệ của loài người ấy thế mà khi tàn cuộc chiến đối xử với người anh em chỉ hơn được bọn Khmer đỏ. Thôi bây giờ nhắc lại chuyện 30/4 ngày ấy thêm buồn, đã 36 năm trôi qua, bao nhiêu thù hận cũ cũng đã phôi phai, có còn chăng là những việc làm hiện tại…Năm nay tôi cũng vui mừng nhận được một vài ý kiến muốn hoà hợp từ hai phía, nhưng tôi không đồng ý với cách mà ông Sung đã nói:

“…Đó chính là tinh thần “ chủ động chìa tay” của Tổ quốc”,

Người Việt ở nước ngoài chỉ tạm xa lìa tổ quốc vì không sống được dưới chế độ cộng sản toàn trị chớ đâu có thù hằn gì với tổ quốc mà tổ quốc phải chìa tay hòa giải. Tôi xin những người lãnh đạo cộng sản đừng tiếm danh tự xưng là tổ quốc. Sau cái“ chìa tay” mà ông Sung nói ấy còn nhiều điều chưa tin được, vì tôi còn nhớ câu“ Đừng nghe những gì Cộng sản nói, …”, Hòa hợp vì Tổ quốc hay vì đảng CSVN? Muốn hòa giải với “ khúc ruột ngàn dặm” thì trước hết nên hòa giải với những người đấu tranh đòi dân chủ ở trong nước.

Để kết luận bài này tôi xin mượn lời của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ một người yêu nước nặng lòng với việc hòa giải hòa hợp đã khẳn định rằng:

“ Không thể nào thực hiện được hòa hợp, hòa giải với người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước CSVN chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì diễn đạt mang đậm chất“ thắng- thua” như trên.”(VOA online ngày 30-4-2010)

Đại Nghĩa

danlambao

Không có nhận xét nào: