Trong bài “Tại sao cần dân chủ?“, tôi có nêu lên một luận điểm của Robert A. Dahl: các quốc gia có nền dân chủ cao không gây chiến với nhau. Tất cả các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, đặc biệt từ năm 1945 về sau, đều là chiến tranh giữa các nước độc tài hoặc giữa các nước độc tài và các nước dân chủ.
Một điều cần được nhấn mạnh thêm là: trong các cuộc chiến tranh giữa phe độc tài và phe dân chủ, phe dân chủ bao giờ cũng thắng.
Viết câu trên, tôi nhớ ngay đến một người bạn vong niên trong giới cầm bút. Năm 2001, sau vụ khủng bố tấn công Mỹ và lúc Mỹ đang đánh Afghanistan và rục rích chuẩn bị đánh Iraq, ông rất quan tâm theo dõi tình hình chính trị thế giới. Trong sự quan tấm ấy, ông không giấu được cảm giác lo lắng. Ông thường tâm sự với tôi: bọn độc tài khi định tấn công ai thì âm thầm chuẩn bị, không ai hay biết gì cả. Còn Mỹ? Ngược lại. Trước khi đánh nhau thì mang ra Quốc Hội bàn. Bàn ở Quốc Hội chưa đủ, mang cả ra Liên Hiệp Quốc cãi. Phe bênh phe chống cứ inh ỏi cả lên. Báo chí loan tin. Truyền thanh truyền hình cũng cập nhật mọi toan tính từng ngày từng giờ. Cả việc chuyển quân cũng không giấu giếm. Máy bay chưa cất cánh, người ta đã biết nó sẽ đi đâu và chở bao nhiêu bom. Rồi trong lúc đánh nhau, phe đối lập và một số dân chúng cứ xuống đường la hét đòi ngưng chiến tức khắc. Vậy thì làm sao mà thắng chứ?
Có lần, chuyện trò qua điện thoại, ông bức xúc: “Lần này Mỹ thua to rồi anh ơi. Đánh nhau như vậy, không thua làm sao được? Từ xưa đến nay, có thứ binh pháp nào lạ lùng như thế đâu chứ? Chiến tranh gì mà cứ đòi công khai, minh bạch, không những đối thủ biết mà cả thế giới đều biết. Làm gì, toan tính gì, người ta cũng biết tỏng hết. Thua là cái chắc!”
Thật ra, vì quá bức xúc và quá lo lắng, người bạn vong niên của tôi quên mất những bài học rành rành trong lịch sử: nếu trong các cuộc chiến tranh riêng lẻ giữa hai nước, có khi một quốc gia có trình độ dân chủ cao hơn chưa chắc đã thắng quốc gia độc tài hoặc chỉ dân chủ một phần, ở phạm vi thế giới, trong các cuộc chiến tranh lớn giữa phe dân chủ và phe độc tài, ngược lại, hầu như phe dân chủ bao giờ cũng chiến thắng.
Bằng chứng có thể thấy trong ba cuộc chiến tranh toàn cầu trong thế kỷ 20 vừa qua.
Thứ nhất, trong đệ nhất thế chiến (1914-18), phe Đồng Minh, vốn có trình độ dân chủ cao hơn, đã thắng liên minh Đức – Áo và Hung.
Thứ hai, trong đệ nhị thế chiến (1939-45), phe Đồng Minh, một lần nữa, thắng phe phát xít, bao gồm ba nước: Đức, Ý và Nhật.
Cuối cùng, trong cuộc Chiến tranh lạnh, kéo dài từ 1945 đến đầu thập niên 1990, phe độc tài đã thất bại và tự sụp đổ.
Như vậy, ở phạm vi thế giới, tính ưu việt của phe dân chủ trong lãnh vực quân sự là điều rất rõ ràng. Họ luôn luôn thắng. Hoàn toàn không có ngoại lệ.
Vấn đề là: Tại sao các quốc gia dân chủ thường tiến hành chiến tranh một cách hiệu quả hơn các quốc gia phi-dân chủ?
Có nhiều cách trả lời khác nhau.
Nhiều người giải thích: lý do chính là các quốc gia dân chủ thường giàu có hơn, dành nhiều ngân sách cho an ninh hơn, hơn nữa, thường được dân chúng ủng hộ nhiệt tình hơn, do đó, mạnh mẽ hơn. Điều này hẳn nhiên là đúng. Đứng về phương diện kinh tế, nói chung khối dân chủ thịnh vượng và phát triển hơn hẳn khối độc tài. Nhưng đó chỉ là một phần. Phần khác được một số học giả nêu lên: chính quyền các quốc gia dân chủ thường đối diện với các cuộc bầu cử thường kỳ, ở đó, họ có thể mất hết quyền bính nếu không chiến thắng, bởi vậy, họ thường cân nhắc cẩn thận hơn trước khi khai chiến. Nói một cách tóm tắt: họ hiếu hòa hơn. Chiến tranh, với họ, chỉ là giải pháp cuối cùng. (Nhưng đây cũng lại là thế yếu của các quốc gia dân chủ trong các cuộc chiến tranh riêng lẻ: quần chúng không chịu đựng nổi các cuộc chiến tranh kéo dài, do đó, trong không hiếm trường hợp, chính phủ đành phải chịu thua quần chúng trước khi bỏ cuộc trước địch thủ.)
Ajin Choi, thuộc Đại Học Yonsei, Hàn Quốc, trong bài “Democratic Synergy and Victory in War, 1816-1992″ đăng trên International Studies Quarterly số 48, năm 2004 (tr. 663-682), bổ sung thêm một lý do khác: nhờ sự minh bạch trong chính sách, các quốc gia dân chủ thường hợp tác với các đồng minh một cách dễ dàng và hiệu quả, do đó, càng tăng cường thêm sức mạnh trong chiến tranh.
Gian Vittorio Caprara, trong bài “Will Democracy Win?” đăng trên tạp chí Journal of Social Issues số 64 năm 2008 (tr. 639-659), tuy không giới hạn trong đề tài chiến tranh, nhấn mạnh một ưu điểm làm nên sức mạnh của các chế độ dân chủ: Chỉ dưới các chế độ dân chủ, dân chúng mới có thể thực sự tham gia vào sinh hoạt chính trị, không phải chỉ dưới hình thức bầu cử, mà còn qua hình thức thảo luận công khai và bình đẳng. Hai hình thức này, thật ra, có quan hệ khắng khít với nhau: bầu cử có tự do và bình đẳng thực sự, dân chúng mới tin vào chính quyền và vào ý niệm tự do và bình đẳng nói chung, từ đó, mới thiết tha bảo vệ cả chính quyền lẫn những ý niệm cao cả như tự do và bình đẳng.
Nói cách khác, chỉ có dân chủ mới tập hợp được sức mạnh tập thể, không những của dân chúng trong một nước mà còn của cả thế giới nữa.
Nói cách khác nữa, ngược lại, ở những nước thiếu dân chủ, chính quyền không những không tập hợp được sức mạnh của quần chúng mà cũng không thể kết tập được một liên minh đáng tin cậy nào với quốc tế. Họ trở thành những kẻ bơ vơ.
Thời này, khi làn sóng dân chủ đang bùng lên khắp nơi, các nước độc tài càng trở nên thiểu số. Là thiểu số, họ lại càng bơ vơ hơn nữa.
Như Việt Nam, chẳng hạn.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét