Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: “Chúng ta đã chậm mất hai thế hệ để hòa giải”
Ông Nguyễn Quí Đức cho rằng muốn hòa giải với người thì trước hết phải hòa giải với chính mình.
Nhà văn Nguyễn Qúi Đức là người đã giúp rất nhiều nhà văn Việt Nam chuyển ngữ và giới thiệu các tác phẩm của mình ra thế giới bên ngoài. Mặc dù đi nhiều, viết nhiều, nhưng ông xuất bản rất ít. Ông đã sang Mỹ sinh sống từ sau năm 1975. Trước đó, cha ông, một công chức miền Nam bị bắt trong cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968 và bị giam tù 12 năm. Năm 1989 ông trở về Việt Nam lần đầu tiên và tới năm 2006 thì về ở hẳn để mở quán café Tadioto trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Bay Vút: Thưa ông, dưới góc nhìn của một người lưu vong sau khi trở về Việt Nam, ông nhìn vấn đề ‘mâu thuẫn dân tộc’ như thế nào?
Nguyễn Quí Đức: “Còn tùy là nói chuyện với ai và ở thế hệ nào. Mỗi thế hệ có sự khác nhau về tầm nhìn, sự hiểu biết về câu chuyện. Có thế hệ bị ảnh hưởng bởi cuộc sống thời chiến, bị va chạm với những hình ảnh và âm thanh họ nghe và thấy được nên họ có suy nghĩ khác. Nếu như đang sống trong thời chiến, một người thấy phi cơ ném bom xuống làng mình thì chắc chắn tư duy người này sẽ bị ảnh hưởng.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thế hệ lớn lên sau này không phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên họ có cái nhìn bình tĩnh và mềm mỏng hơn. Bây giờ, rất ít người tò mò về quá khứ, về chiến tranh, vì người ta cũng mệt khi nghe chuyện này. Hậu chiến, đời sống cơm áo, gạo tiền, là đủ mệt rồi. Nhưng những người lưu vong sau 30/4 vẫn cảm thấy vương vấn về chuyện ấy, bởi vì nó vẫn chưa được nói ra một cách thỏa đáng.
Thoạt đầu những người sang Úc, Pháp, hay Mỹ cách đây mấy chục năm chưa có một chỗ đứng vững vàng, nên họ cần một cái định nghĩa: ‘Tôi là ai’. Lúc đó, để trả lời câu hỏi này thì đấy chính là cái quá khứ của chiến tranh, những mất mát, những tranh đấu mà họ đã từng trải qua. Và họ cho rằng đấy là điều quan trọng nhất trong con người của họ. Vì ra nước ngoài họ là một con người khác, phải sống cuộc sống và tiếp thu một nền văn hóa khác. Họ mất hẳn quá khứ đồng thời họ cũng bị bứng khỏi cái gốc rễ cội nguồn.
Sau này, khi họ tạo dựng được cuộc sống, tiếp nhận được nhiều thông tin thì câu chuyện nó cũng có khác đi. Và khi những người trực tiếp tham chiến già đi, đến gần cái tuổi gần đất xa trời thì họ suy nghĩ khác. Cái quan trọng đối với họ bây giờ là về lại nơi họ đã sinh ra, lớn lên. Một số muốn trở về để chết trên mảnh đất quê hương.
Mâu thuẫn khó khăn nhất của Việt Kiều là ở trong nước vẫn không công nhận cái thể chế miền Nam là một chính phủ. Chính quyền hiện nay có thể không còn gọi họ là “ngụy” nữa nhưng đồng thời cũng không gọi là ‘chính phủ miền Nam’. Thực ra, những người này vẫn có những thể chế, những niềm tin và lý tưởng, chứ họ không phải là những người chạy theo Mỹ, để bị gọi là ‘phản quốc’.
Có nhiều người miền Bắc nói với tôi rằng người lính VNCH là những người phản bội tổ quốc. Khi nghe như vậy tôi cũng không biết giải thích gì với họ. Do đó, cũng khó mà nói chuyện. Những người trẻ tuổi hơn thì nói họ mệt chiến tranh lắm rồi, họ muốn ô tô, vật chất và của cải, họ muốn tương lai. Đấy là sự khác biệt rất lớn: những người nước ngoài về thì muốn tìm quá khứ, nguồn gốc, còn người ở trong nước thì muốn hướng tới tương lai giàu có, vinh quang”.
Bay Vút: Hòa bình lập lại, có thể thấy số phận những người lính VNCH rất cơ cực và phải nói là bi đát. Nhưng cho tới tận thời điểm này, tình hình cũng vẫn vậy, nhất là về mặt tinh thần. Mỗi năm vào các dịp kỷ niệm chiến thắng này kia, có lẽ họ sẽ rất buồn khi xem tivi hay đọc những bài báo viết về dịp 30/4?
Nguyễn Quí Đức: “Tôi nhìn nhận chuyện này ở một phạm vi rộng hơn và ở dưới góc độ văn hóa. Nếu tôi là người chiến thắng và nếu tôi là người tự trọng, tôi tự biết tôi là ai thì tôi chẳng cần phải chê bai người khác, hạ bệ người khác để tôi được hay ho hơn. Cái tâm lý miệt thị một người khác chính là cái tâm lý muốn tự đề cao mình lên, trong khi bản chất của sự việc thì chẳng cần phải thế”.
Bay Vút: Có cảm giác phía bên này vẫn coi phía bên kia là những đứa con “hư” của dân tộc, nhưng các cụ ta có câu “con hư thì vẫn là con của mẹ”. Có lẽ chúng ta cần có cái nhìn nhân ái và bao dung hơn nữa, ông có thấy vậy không?
Nguyễn Quí Đức: “Tất nhiên là có. Chúng ta cần có thời gian để sự việc tự nó lắng xuống và qua đi, để có sự độ lượng. Bất cứ chính quyền nào cũng vậy, để bảo vệ chỗ đứng của mình, thì phải tự đề cao mình lên và đặt ra cái chỗ đứng thấp kém cho một người khác. Nhưng nếu họ vững tâm hơn, và nếu họ có cái lý chính đáng thì họ sẽ không cần cái đấy nữa.
Còn với người dân hằng ngày thì cái nỗi đau của ông bộ đội miền Bắc cũng giống nỗi đau của người mẹ miền Nam mất con. Chúng ta đã quên rằng đấy là nỗi đau chung. Về vấn đề này nói theo tinh thần nhà Phật hay Thiên Chúa Giáo thì bao giờ cũng cần cái sự độ lượng, mà độ lượng thì bây giờ đúng là cái xa xỉ. Tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa thì chuyện này mới có thể êm xuôi”.
Bay Vút: Bài học từ Đông Đức và Tây Đức năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, người dân hai miền đã ôm chầm lấy nhau và họ coi nhau là người Đức chứ không còn Đông hay Tây. Nhưng một số chính trị gia Tây Đức lại không coi như vậy mà vẫn có những quan ngại và định kiến về phía bên kia. Do vậy, tiến trình hòa giải dân tộc đã bị chậm mất một, hai thế hệ. Việt Nam dường như cũng đã mắc phải sai lầm đó, và chúng ta đã chậm mấy thế hệ và liệu còn phải chậm mấy thế hệ nữa thưa ông?
Nguyễn Quí Đức: “Đấy là điều đáng tiếc. Theo tôi thấy thì Việt Nam đã chậm mất hai thế hệ và có lẽ tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm. Có một số dấu hiệu đang thay đổi, và tôi nghĩ đến một lúc nào đó vấn đề hòa giải sẽ tự mất đi. Bây giờ thế hệ trẻ trong nước ít người quan tâm đến chiến tranh hay mâu thuẫn, còn thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài thì vì được sống trong một môi trường giáo dục, văn hóa khác nên họ cũng không quan tâm đến nó. Những người lính già rồi cũng sẽ chết đi. Khi già thì họ sẽ có cái nhìn trầm tĩnh hơn. Những bức xúc đau khổ về những người cần hòa giải sẽ được nhìn nhận bình tĩnh hơn.
Tôi chỉ mong nhà nước tự tin hơn, can đảm hơn để chấp nhận mọi thứ. Bây giờ Việt kiều về đây giúp tài chính, kỹ thuật. Nhưng cùng lúc đó ông ấy lại mang về những niềm tin, ý tưởng về dân chủ của cái xã hội khác. Đất nước có đủ niềm tin cho người ta có tiếng nói hay không? Do đó rất dễ hiểu là những người Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là những người không được nhà nước tin tưởng nhiều lắm.
Như tôi đây, khi trở về nước tôi đâu có xin visa làm báo chí được. Do đó vấn đề ở đây là: mình yêu đất nước nhưng đất nước có yêu mình không. Nhưng tôi không vì thế mà chống đối. Tôi về tạo dựng công ăn việc làm với quán café này, mang một cái thái độ ứng xử với mọi người khác nhau. Nhưng sau một thời gian sống ở đây thì tôi cảm thấy con người không còn cái tinh thần cộng đồng như trước nữa. Mọi người mệt nhọc quá. Họ chỉ muốn vật chất, giành giật nhau, chạy xe lỡ va quệt là đánh nhau.
Nhưng tôi lại thấy có những mâu thuẫn khác phát sinh. Ví dụ những người trẻ bây giờ được đi ra ngoài du học, tiếp nhận những ý tưởng mới và khi trở lại họ có được áp dụng và chấp nhận hay không? Đó lại là một chuyện khác. Đấy không còn là khác biệt vì chiến tranh, mà đấy là vấn đề liên quan tới tư tưởng của thể chế.
Lấy bài học từ chiến tranh, tôi cho rằng với những người như thế thì khi họ về nước họ có làm được gì hay không, có áp dụng được gì hay không. Hay là vì sống trong một môi trường đầy cạm bẫy như ở Việt Nam thì họ có trở nên ‘hư hỏng’ hay không. Tôi gặp những người ở độ tuổi 30 sau khi đi học ở nước ngoài về bị bất đắc chí, họ chán nản. Ở tuổi 30 họ chẳng còn cái lý tưởng nào để sống và làm việc. Một số ít thì lập nghiệp chính bằng sự quen biết, tiền bạc”.
Bay Vút: Qúa khứ là một điều không dễ gì quên, đặc biệt với bối cảnh chiến tranh ở Việt Nam giữa hai miền Nam – Bắc. Nhưng khi hòa bình lập lại, điều quan trọng là cách những người còn sống hành xử với nhau thế nào với nhau, đối xử ra sao với những người đã khuất. Theo ông, thế nào là cách hành xử có văn minh và hòa hợp với nhau nhất?
Nguyễn Quí Đức: “Tôi nghĩ cách hành xử văn minh nhất chính là im lặng. Tôi đặt ngược câu hỏi lại là nếu người miền Nam thắng cuộc thì người miền Nam viết sử như thế nào về người miền Bắc? Có tắm máu, có độ lượng, có thù hằn ai không? Tôi nghĩ là sẽ có, tệ hại hơn hay không thì chưa biết.
Ngày trước tôi đi làm phóng sự về một lính Mỹ giết một người lính Việt Cộng ở Thái Bình. Về sau người này tìm lại được hài cốt và mang trả lại cho gia đình người đã khuất. Trên đường đi làm phóng sự, khi tôi ngồi trên xe thì có ông lính người Bắc nói thao thao bất tuyệt về người lính miền Nam và cho rằng lính miền Nam rất man rợ, độc ác. Tôi ngồi nghe và lặng im chẳng nói gì vì chẳng biết nói gì lúc này cả. Về sau có người về kể lại với cái ông lính người Bắc ấy câu chuyện về gia đình tôi. Sau khi nghe ra, ông ấy gửi lời nhắn mời tôi về nói chuyện với thái độ rất nhã nhặn và hài hòa.
Mỗi năm không biết bao nhiêu chương trình trên các đài truyền hình nói về các trận chiến này, trận chiến kia. Các chương trình vẫn đều nói cùng một giọng điệu, vẫn một kiểu nói rằng con người miền Nam là con người xấu xa, tàn ác… Tại sao người trong nước là người thắng cuộc, thường dễ tha thứ cho người ta hơn, tại sao không làm được điều ấy?
Như bố tôi đi tù 12 năm, giờ tôi hận thù thì cũng chẳng đòi được 12 năm ấy. Cái gì qua rồi thì đã qua rồi. Đòi hỏi hòa giải nằm ở chính mình trước, đường hai chiều bắt đầu từ một chiều”.
Nguồn : Bay Vút
Tóm lược
Nguyễn Quí Đức sinh tại Đà Lạt, tốt nghiệp đại học ngành truyền thông tại San Francisco.
Anh là tác giả cuốn hồi ký Where the Ashes Are (Addison-Wesley, 1994), đồng chủ biên hai tuyển tập Vietnam: A Travelers’ Literary Companion (Whereabouts Press) và Once Upon A Dream (Andrew & McMeel).
Anh là dịch giả cuốn Behind the Red Mist ̣(Hồ Anh Thái) và The Time Tree (Hữu Thỉnh), giải chung kết Dịch thuật năm 2003 của Hiệp hội Phê bình Văn học tiểu bang California.
Các truyện và thơ anh dịch của nhiều nhà văn, thơ trong và ngoài nước như Phùng Nguyễn, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bá Trạc, Mai Kim Ngọc, Trịnh Công Sơn v.v… được đăng tải trên nhiều tạp chí và tuyển tập văn nghệ như Zyzzyva, Manoa Journal, Watermark...
Các sáng tác của anh đã được đăng tải trên Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Under Western Eyes, Vestiges of War, Manoa Journal, Salamander…
(Nguồn: Talawas)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét