Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011
Cán bộ sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ dính líu đến đường dây buôn lậu ô tô
Sau khi bắt giữ Sumit Walia, 32 tuổi, Cục Tình báo Thuế vụ của Ấn Độ DRI đang điều tra một số cán bộ của đại sứ quán Việt Nam và Bắc Triều Tiên được cho là đã giúp đỡ Walia và mạng lưới của ông này nhập ôtô trốn thuế để kiếm lời.
Walia thường nhập các xe này – đánh cắp hoặc đã qua sử dụng – từ nước ngoài, tạo chứng từ xem đó là xe mới toanh để bán cho những người giàu có ở New Delhi và các thành phố lân cận.
Theo tin DRI, Walia bị bắt tối thứ Bảy, được đưa ra trình diện trước quan tòa hôm Chủ nhật và đã bị tạm giam. Các nhà điều tra của DRI tịch thu 41 chiếc xe loại cao cấp.
Cuộc điều tra cho thấy Walia có quen biết với các quan chức của đại sứ quán Việt Nam và Bắc Triều Tiên ở New Delhi, hàng tham tán hoặc lãnh sự. Những người này có quyền mua xe mà không phải trả thuế nhập khẩu.
DRI đang làm việc với bộ Ngoại giao để điều tra vai trò cán bộ các sứ quán của Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Cơ quan điều tra cũng phát hiện, một chiếc Aston Martin nhập khẩu miễn thuế mang tên chủ nhân là Đỗ Trọng Hiếu, một nhà ngoại giao Việt Nam.
Báo Ấn Độ nêu đích danh cán bộ sứ quán VN là Tùy viên Đỗ Trọng Hiếu có liên quan đến đường dây buôn lậu ô tô siêu sang
Nhờ các đấu mối bên Anh, Walia đã mua các xe đánh cắp hoặc xe cũ, hóa phép các giấy tờ để các xe này trở thành xe mới xuất xưởng. Sau đó xe được chở về Ấn Độ với tên của các quan chức hai đại sứ quán là chủ nhân.
Một nhà điều tra của DRI nói: “Khi về đến Ấn Độ, các xe được bán cho các đại gia, hoặc các nhân vật tiếng tăm. Các xe tịch thu mang các thương hiệu BMW, Range Rover, Ferrari, Lexus, Porsche, Mercedes và Aston Martin.”
Theo luật Ấn Độ, xe mới phải đóng 109% thuế , xe cũ 160% trên trị giá chiếc xe.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan ngoại giao của Hà Nội dính dáng tới việc buôn lậu. Trong những năm trước, ở Đông Âu, nhờ vào hộ chiếu đỏ, các sứ quán Việt Nam đã tiến hành nhiều vụ vận chuyển và buôn bán máy tính, thuốc tây.v.v. giữa các nước đông Âu và Việt Nam. Mấy năm trước, nhân viên sứ quán Việt Nam cũng bị tố giác, với băng hình kèm theo về việc buôn lậu sừng tê giác tại Nam Phi. Bà Bí thứ thứ nhất Vũ Mộc Anh, tiêu điểm của vụ buôn lậu đã bị triệu hồi về nước và từ đó tới nay không nghe nói gì tới việc bà có bị kỷ luật hay không. Người tiền nhiệm của bà, ông Nguyễn Khánh Toàn cũng bị cho là dính dáng tới buôn lậu sừng tê giác.
Nguồn: IndiaExpress, Đàn Chim Việt biên tập
© Đàn Chim Việt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét