Pages

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Con Ở Miền Nam Ra Thăm Lăng Bác

Trong quyển Lịch sử Tây Nam bộ 30 năm kháng chiến có đoạn ghi rằng:

“Mùng 2 Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi (1955), trong buổi chúc tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh thay mặt đồng bào Nam bộ dâng tặng Bác cây vú sữa.”

“Bác đã xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc. Cũng từ đó, cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam và của miền Nam đối với Bác Hồ. Nhưng ai là người trực tiếp gửi tặng Bác cây vú sữa, nguồn gốc cây vú sữa là ở đâu?”

Chèn ơi, sao mà hỏi khó nhau dữ vậy? Hồi đó, miền Nam cả đống người ái mộ Bác Hồ chớ đâu phải chỉ có một hay hai. Làm sao mà biết chính xác “ai là người trực tiếp gửi tặng Bác cây vú sữa” cho được, mấy cha?

Vậy mà hai phóng viên Hồ Văn Phương và Phương Nguyên, nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm những chuyến tầu tập kết, đã thực hiện được kỳ tích đó. Hai người lặn lội tuốt xuống xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau để làm một thiên phóng sự về vụ này.

Bài viết của họ (“Ai gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam” , trên Tuổi Trẻ Online) tuy hơi hoang đường nhưng vô cùng hấp dẫn, xin coi chơi một đoạn cho nó đã:

“Chúng tôi thuê tắc ráng xuôi kinh 10 tới thẳng nhà ông Nguyễn Văn Phận – một nhân chứng của những ngày tập kết lịch sử. Ngày trước ông là tổ trưởng tổ Đảng ấp 10, xã Trí Phải. Trong những ngày tháng tập kết đầy xúc động ấy, ông là người đón, đưa bộ đội về xã, về Vàm Chắc Băng chuẩn bị lên đường ra Bắc.”

“Ông kể: Khi lễ tiễn đưa sắp kết thúc, mẹ Tư hai tay ôm cây vú sữa nhỏ bước tới đưa cho anh Ba Kiên (khi đó là đại đội trưởng đại đội pháo của tiểu đoàn 307), nhắn gửi tặng Cụ Hồ. Ai nói gì thì nói, riêng tôi và nhiều người nữa ở xã này biết rõ cây vú sữa ấy là do mẹ Tư gửi tặng Bác Hồ. Nó được cô Bảy (con gái mẹ Tư, hiện còn sống ở kinh 9) bứng từ nhà ông Năm Đươn, cha nuôi của mẹ Tư hồi xưa.”

“Hồi đó, cô Bảy chỉ mới 14 tuổi. Cô kể: ‘Khi các chú với tía mang balô lên Vàm Chắc Băng tập kết, mẹ gọi tôi vào nói: Tụi nó đi mà không có gì gửi cho Cụ Hồ. Mày chạy xuống nhà ngoại bứng về cho má cây vú sữa gửi cho Cụ nhanh lên!”

“Chẳng ai trả lời được câu hỏi tại sao mẹ Tư lại tặng cây vú sữa mà không là cây khác.”

“Cô Bảy kể lại: ‘khi đã ở cái tuổi ‘gần đất xa trời,’ mẹ cô nói với con cháu rằng muốn được một lần ra thăm lăng Bác để coi lại cây vú sữa bà tặng Cụ Hồ bây giờ ra sao. Nhưng mong ước chưa thực hiện vì không có điều kiện thì mẹ đã ra đi mãi mãi. Bây giờ mộ mẹ nằm đó, bên cạnh mộ chồng. Còn cô Bảy, khi kể chuyện thỉnh thoảng lại hỏi chúng tôi: ‘Đã ra thăm lăng Bác lần nào chưa? Kể cho cô nghe với. Lăng có đẹp không? Vô đó có nhìn thấy Bác không? Cây vú sữa có sai quả không?’ Cô hỏi mà chúng tôi không kịp trả lời, mà cũng chẳng trả lời nổi. Họ là vậy đó, vẫn một lòng hướng về với Bác, với đồng bào miền Bắc như cái thời đất nước còn chia cách!”

Ông Nguyễn Hữu Thành – phó ban tuyên giáo tỉnh Cà Mau – cho biết do có quá nhiều ý kiến xung quanh sự kiện “Cây vú sữa miền Nam” nên Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức cho thẩm tra, và kết luận:

“Cây vú sữa miền Nam gửi tặng Bác Hồ năm 1954 là do gia đình bà Lê Thị Sảnh (thường gọi là mẹ Tư) đại diện nhân dân miền Nam gửi tặng Bác Hồ’. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho xây dựng bia kỷ niệm ‘Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ’ tại nhà bà Sảnh để kỷ niệm 50 năm những chuyến tàu tập kết.”

Thiệt đọc rồi mà muốn ứa nước mắt. Câu chuyện dù khó tin nhưng vẫn (cứ) vô cùng cảm động. Trên suốt đoạn đường, đi suốt từ Cà Mau ra Hà Nội, chắc anh Ba Kiên ăn không ngon ngủ không yên vì phải lo chăm sóc cây vú sữa. Không chừng, có lúc, anh (dám) bỏ uống luôn để lấy nước nuôi cây. Chớ không lẽ cây vú sữa mà mẹ Tư đại diện nhân dân miền Nam dâng Bác mà lại tưới bằng nước đái!

Chỉ có cái quyết định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, “cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ,” là có vẻ hơi nặng phần trình diễn. Tưởng gì chớ mộ bia, và bằng khen thì “những gia đình có công với cách mạng” – Bắc cũng như Nam – đâu có thiếu. Nhà nào mà sau vườn không ngổn ngang bia mộ liệt sĩ, và trên tường không treo (tá lả) cả đống bằng khen thưởng.

Thay vì xây bia, theo tui, nên để tiền cho cô Bẩy ra ngoài Bắc chơi một chuyến có phải đã hơn không? Hồi 1954, cô Bẩy 14 tuổi. Bây giờ cổ đã quá bẩy mươi. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Sợ rồi cô Bẩy (cũng như mẹ Tư) sẽ qua đời với ít nhiều ân hận là chưa được dịp đi tham quan lăng Bác, và (sẵn dịp) coi lại cây vú sữa năm xưa luôn cho mãn nhãn.

Lại thêm một lần 30 tháng Tư vừa trôi qua. Đất nước đã thống nhất hơn ba mươi năm rồi, và đã hơn hai mươi năm kể từ khi Đảng cương quyết (và dũng cảm) có quyết tâm đổi mới để đưa đất nước đi lên – thành một con rồng Châu Á – cho bằng với người ta. Chả lẽ Nhà Nước ta không chi nổi một cái vé tầu Thống Nhất cho cô Bẩy để đền ơn đáp nghĩa sao?

Thôi bỏ đi Tiến à! Đừng có tưởng vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thúi. Đảng ta không tạo cơ hội cho cô Bẩy ra Hà Nội đâu phải vì thiếu tiền mà chỉ vì sợ rằng con mẻ đi luôn, không chịu về thôi – sau khi đã thăm qua lăng Bác.

- Chớ ở lại ngoài đó làm chi, cha nội?

- Tham gia biểu tình, đòi lại đất đã bị cướp chớ làm chi!

- Ý Trời, có vụ đó nữa sao?

Ông Kha Văn Chầu trong chuyến ra Hà Nội để khiếu kiện đất đai bị cưỡng chiếm. Hình của các phóng viên PTCDVN tại Hà Nội .
- Chớ sao không, coi cái hình chần dần kìa – giữa vườn hoa Chí Linh, trước tượng Lenin – một người đang đi vòng vòng, tay cầm một tấm bảng nhỏ, ghi dòng chữ như sau: “KHA VĂN CHẦU, CÁN BỘ LÃO THÀNH, MỘT THƯƠNG BỆNH BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, KIỆN NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN BA LẦN CƯỚP ĐẤT.”

- Ủa, mà ông Kha Văn Chầu này ở đâu ra vậy cà?

Ổng là người cùng quê, và cũng cùng thế hệ (chống Mỹ cứu nước) với cô Bẩy đó, chớ ai. Hồi đó, ông Kha Văn Chầu gia nhập Mặt trận Giải phóng miền Nam, được kết nạp vô Đảng vào đúng ngày sinh nhật của Bác (19 tháng 5 năm 63) tại chiến trường Cà Mau, thuộc quân khu IX. Ổng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III nữa nha. Vậy mà bây giờ ổng (nỡ lòng nào) tố giác Đảng và Nhà nước (ta) là đồ ăn cướp!

Mà không phải mình ên ông Kha Văn Chầu kỳ cục (dữ) như vậy đâu nha. Không tin, ghé qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà coi. Từ nhiều năm nay, biết bao nhiêu người dân miền Nam kéo ra Hà Nội khiếu kiện theo kiểu đó. Trong số này thiếu gì những bà “Mẹ Việt Nam Anh hùng” (như mẹ Tư) và những người thuộc diện “gia đình có công với cách mạng” (như cô Bẩy).

Trong quyển Lịch sử Tây Nam bộ 30 năm kháng chiến, có đoạn ghi rằng: “mùng 2 Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi (1955), trong buổi chúc tết bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh thay mặt đồng bào Nam bộ dâng tặng Bác cây vú sữa.”

“Bác đã xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc. Cũng từ đó, cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam và của miền Nam đối với Bác Hồ.”

Tình cảm của những đồng bào ở những “vùng tận cùng của tổ quốc,” rõ ràng, đã đổi. Cây vú sữa ở Phủ Chủ tịch (ngoài Hà Nội) không biết có còn sống hay không chớ tấm lòng của một số người dân miền Nam đối với Bác, Đảng và Nhà nước thì hoàn toàn đã chết – và chết từ lâu rồi.

Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào: