Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011
Lèn Cờ: Nỗi đau thắt ruột xót lòng
Quỳnh Chi (RFA) - Đã hơn một tháng, những những ngôi nhà xập xệ vẫn im ỉm đóng; những đứa bé mất mẹ vẫn còn ngơ ngác, chưa hiểu mẹ chết là đi đâu; những người vợ mất chồng vẫn ủ rũ; và những ông bố bà mẹ mất con vẫn than trách trời cao, ngâm câu thơ nghe mà nhói lòng: “Cành già còn ở trên cao, cành non rụng xuống… trời ơi hỡi trời”.
*
Tai nạn sập mỏ đá ở Lèn Cờ xảy ra đã một tháng nay nhưng dường như những đau thương còn chưa qua khỏi.
Lèn Cờ, một vùng núi chưa rộng quá 3 hecta nằm sâu hun hút trong xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Và nơi đây 18 nhân mạng đã vĩnh viễn nằm xuống.
Đã một tháng trôi qua, Lèn chưa được hoạt động trở lại, khu đất núi này đã vắng lại càng quạnh hiu làm người ta không khỏi thắt ruột xót lòng.
Nước mắt Lèn Cờ
Cũng là người gốc Yên Thành nhưng đã lập nghiệp tại Hà Nội, ông Phan Thế Thao cho biết mình vừa thăm gia đình các nạn nhân Lèn Cờ về. Cảm xúc của ông chỉ có thể gói gọn trong 2 từ “đau xót”: “Nói chung là đến chỗ nào tôi cũng thấy đau xót cả”.
“Xót thương” là từ người ta hay dùng để nói về tai nạn tại Lèn Cờ, nơi gần 20 công nhân tội nghiệp ra đi để lại 30 đứa trẻ mồi côi còn ngơ ngác chưa hiểu đời, để lại cũng ngần ấy ông bố bà mẹ thẩn thờ khi mất con, và để lại những phụ nữ bàng hoàng như khó có thể gượng dậy. Ông Thao đau lòng tâm sự:
“Những người mất chồng thì cứ nằm dẹp trên giường với đứa con nhỏ, chỉ còn bà mẹ già ra tiếp khách thôi. Những người mẹ mất con gái thì thất tha thất thẻo”.
Giờ người cũng đã nằm xuống, nước mắt khóc cho các nạn nhân giờ cũng chảy hết nhưng những bó nhang cắm dở dang còn đỏ cả Lèn Cờ. Những lá vàng mã trong đám tang tập thể còn trắng con đường đất đá khô cằn và những giọt máu vẫn còn in trên những phiến đá nằm chỏng chơ…cũng có nghĩa là mất mát và xót xa vẫn chưa thể nguôi vì còn quá nhiều ước mơ còn đang dang dở.
Chị Nguyễn Thị Quyên một mình vác đá nuôi con mọn và chuẩn bị sinh đứa con thứ 2. Trước khi tai nạn xảy ra, chị Quyên ban ngày khuân đá đắng mồ hôi, đêm về dùng đôi tay rướm máu vuốt vào bụng trò chuyện với đứa con đang lớn lên trong bụng. Vậy mà chị đã vĩnh viễn ra đi, mang theo ước mơ được nhìn thấy con mình.
Công nhân cõng đá - ảnh minh họa
Chị Trần Thị Sáu, nạn nhân lớn tuổi nhất trong vụ sập lèn, cõng đá hằng ngày kiếm vài chục ngàn nuôi 3 đứa con mồ côi cha. Chị mất để lại câu hỏi không lời giải đáp cho tương lai 3 đứa trẻ giờ đây mất cả mẹ lẫn cha.
Chồng đi làm đá ở huyện khác, chị Nguyễn Thị Ngân hằng ngày làm phu đá ở cái Lèn Cờ khét lẹt mùi đá xay mong nhìn 4 đứa con dại đến trường. Vậy mà tai nạn xảy ra mãi mãi chôn vùi vào lòng núi cái ước mơ giản đơn đó của chị.
Ông Phan Thế Thao cho biết: “Nghèo khổ thì mới đi làm như vậy chứ nghề đá này vất vả lắm bởi phải khiêng nặng, phải chui vào hầm đá, phải đưa vào máy để nghiền. Công việc nặng nhọc lắm”.
Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi vụ sập mỏ đá, những tiếng khóc, tiếng thét, và những đợt bụi mù của con đường đê trong đám tang tập thể cũng đã lắng xuống trả lại Lèn Cờ sự yên ắng vốn có của nó.
Thế nhưng giờ đây sự yên ắng nơi đây không mang ý nghĩa bình yên mà chính là nỗi đìu hiu khô khốc đáng sợ. Đến nỗi người ta có thể cảm nhận rõ nỗi đau của người dân nơi đây chưa hề được tan biến mà chỉ được cất giấu một nơi nào đó.
Trong ngôi nhà xập xệ, chị Thái Thị Sinh giờ đây phải nuôi 7 đứa con 1 mình. Anh Phúc chồng chị ra đi để lại 1 gánh nặng tưởng như quá sức đối với người đàn bà nhỏ thó này:
“Tôi đành gạt nước mắt mà lo cho con thôi chị ạ. Chứ bây giờ 6-7 đứa con còn đây mà tôi không lo thì không ai lo cả. Bây giờ tự mình động viên mình thôi chứ biết là sao hả chị”?
Anh Phúc đi lúc anh 43 tuổi, còn em 41 tuổi chị ơi. Tôi có 7 cháu. Cháu lớn nhất được 20, còn cháu nhỏ nhất mới 1 tuổi thôi chị à”.
Trong 7 đứa con, 5 đứa đang độ tuổi ăn học, hơn 1 tháng nay chị Sinh và bầy con sống nhờ vào lòng hảo tâm của bà con hàng xóm. Hằng ngày chị quần quật trên ba sào ruộng nhà nước cấp mỗi năm kiếm được vài ba tạ lúa.
Xe cần cẩu, đội cứu hộ, cứu nạn có mặt tại hiện trường. Ảnh: Sương Mai VNExpress
“Tội lắm chị ơi, 9 người mà có 2 sào 7 ruộng.
Nếu mà được thì mỗi mùa được 6 tạ lúa, còn mất mùa thì 1 sào cũng không được 1 tạ mô. Cho nên anh Phúc phải chạy đá lấy tiền sinh hoạt gia đình, lúa để lại cho các cháu ăn.
Ai kêu đi dập ruộng, làm đất khô, làm đất cấy, làm công gì anh cũng làm hết. Ai kếu đi chỡ đất, chở đá, chỡ gỗ…cái chi anh cũng làm hết.
Những mơ ước bị chôn vùi
Mỗi ngày từ tờ mờ sáng anh Phúc đã ra lèn để kiếm được 4 xe đá. Từ khâu khuân đá, chất đá lên xe và mang đá xuống đều một mình anh làm tất.
Buổi trưa chỉ dám tranh thủ nuốt chút đồ ăn vào bụng rồi gạt mồ hôi làm tiếp. Trước khi chết vài hôm, anh Phúc còn ngồi tâm sự với vợ mình. Có ai ngờ rằng đó là lần cuối cùng hai vợ chồng nói chuyện:
“Trong làng đây cũng 2 – 3 xe nhưng họ đi trưa thôi chị. Nhưng anh nói anh đi sớm để kiếm cho được gạo cho con chớ.
Anh nói với em là 1 ngày mà khiêng 3-4 xe đá là liệt đó nhưng mà phải cố gắng cho con ăn học chứ biết sao. Em cũng nói với anh là thôi chịu khó anh ạ, chứ biết làm sao được. Cõng nhẹ thì mình không có đá nên phải cõng nặng thôi. Hai vợ chồng vừa nói chuyện hôm trước thì hôm sau anh mất đó”.
Anh Phúc mất để lại 7 đứa con thơ và số nợ hơn 70 triệu đồng mà anh mượn của nhà nước và người thân để mua xe càng làm đá. Số tiền khổng lồ vốn dĩ đã là gánh nặng cho cả gia đình, nay bỗng chốc trở thành một núi đá đè nặng lên đôi vai bà mẹ góa:
Bố ra đi để lại nỗi đau khôn nguôi trong tái tim người vợ và 7 đứa con. Ảnh chị Thái Thị Sinh và 7 con. Source Zing
“Khó khăn lắm chứ chị, bây giờ số nợ đó em cũng không biết tính như thế nào. Hồi anh Phúc còn sống thì anh nói là lo cho con cái ăn học trước cái đã để sau này con cái lo lại cho hai vợ chồng. Nợ nần cứ để đó rồi anh đi làm đóng tiền lời hằng tháng”.
Khi anh Phúc vừa mất, cả 5 đứa con đang độ tuổi đi học cũng bỏ học đòi đi làm giúp mẹ. Có lẽ đứa con lớn của anh Phúc thấu hiểu được cái gánh nặng gia đình.
Thế nhưng không phải đứa con nào cũng ý thức được rằng cha chúng đã ra đi. Hằng ngày cúng cơm cho cha mà hai đứa con út vẫn không hiểu cha đã chết. Đứa kế út năm nay 2 tuổi rưỡi cứ bập bẹ đòi cha.
“Cháu còn dại lắm chị ơi. Chỉ mấy đứa lớn thì biết ba mất thôi chứ 2 đứa nhỏ thì chưa biết chị ơi. Khi nghe đứa kế út nói là ba không thương con nên mới chết là tôi cứ khóc ròng”.
Lúc còn sống, anh Phúc làm không ngơi nghỉ từ làm đồng, cắt cỏ, khuân đá…ai thuê mướn gì anh cũng nhận để đưa các con đến trường. Vậy mà chỉ còn 2 năm nữa là đứa con lớn tốt nghiệp đại mà anh cũng không thể chờ…
Cùng tình cảnh mất người thân, cho đến bây giờ cái không khí ảm đàm sầu bi vẫn còn bao trùm lên ngôi nhà ông Nguyễn Thọ Phượng (52 tuổi). Gia đình làm đá từ thời ông nội, cái nghề đá đã cứu đói gia đình ông Phượng từ mấy mươi năm nay.
Người ta hay nói “Sinh nghề tử nghiệp”, chắc có lẽ gia đình ông Phượng là người cảm nhận rõ ràng nhất. Ông nội ông Phượng trong 1 lần vào lèn làm đá cũng bị đá đè chết.
Bản thân ông Phượng cũng làm đá đến khi yếu quá không làm nỗi nữa. Rồi đến bây giờ, chỉ trong vòng 1 ngày 2 đứa con của ông đều bị đá đè chết.
Nguyễn Thọ Hoàng (sinh năm 1982) và Nguyễn Thọ Vũ (SN 1990) đã phụ giúp cha mẹ làm đá từ 10 năm nay và bắt đầu làm chính thức từ vài năm nay. Cả 2 chỉ học đến cấp 3 đành gác ước mơ đại học, vào kiếm sống trong những núi đá vôi chống chọi cái đói. Chia sẻ với đài RFA, ông buồn rầu nói:
“Nói chung trẻ em nông thôn đi giúp việc cho gia đình từ rất sớm, khoảng 15 tuổi là đi làm giúp gia đình rồi, vất vả mà. Có hôm kiếm được 50-60 chục ngàn 1 ngày và ít thì vài ba chục”.
Bà Phượng người mẹ có hai cậu con trai Hoàng và Vũ thiệt mạng, bị sốc khi nghe tin dữ. Source vnn.vn
Nguyễn Thọ Vũ là nạn nhân trẻ nhất trong vụ sập lèn (21 tuổi) và cũng là nạn nhân cuối cùng được lôi ra khỏi hang đá. Mỗi ngày Vũ đi làm đá, tay chân cũng vì thế mà chai sần, có hôm cầm tiền về mà tay rướm máu. Có bao nhiêu tiền Vũ đưa hết cho cha mẹ để dành dụm học lái xe tải. Ông Phượng nói tiếp:
“Vũ đi làm bao nhiêu mang về đưa cho gia đình cất hết để dành dụm học lái xe. Ý nguyện của Vũ là như thế”.
Hoàng ra đi bỏ lại người vợ trẻ với đứa con thơ. Vợ Hoàng nghe tin chồng chết đau buồn quá mà sẩy thai đứa con thứ hai, bây giờ vẫn còn nằm trên giường chẳng màn ăn uống. Vũ nằm xuống bỏ lại vị hôn thê tức tưởi trách trời cao.
Khi mang được thi thể của Hoàng và Vũ ra khỏi đống đổ nát, ông bà Phượng cũng không thể nhìn mặt con lần cuối vì thi thể đã nát tan, lúc đó chỉ còn là 2 mảng thịt lớn.
Điều đau đớn là nhà hai anh em Hoàng, Vũ chỉ cách lèn khoảng vài chục bước chân cho nên hằng ngày nhìn những khối đá lỏm chỏm trước nhà, ông Phượng như càng thấy lòng mình như bị những mỏm đá nhọn đó đâm trúng vào tim.
Ông bùi ngùi tâm sự, hai người con ông luôn ước mơ xây cho cha mẹ cái nhà đàng hoàng để sau này ông bà mất, còn có cái để thờ phượng. Vậy mà thoáng 1 cái, hai ông bà già bệnh tật lại phải thắp nhang cho hai con mỗi ngày.
“Nhà cửa của Hoàng thì coi như là ở tạm chứ cũng chẳng có gì đáng giá cả. Các cháu Hoàng và Vũ ước mơ nhiều lắm. Các cháu ước mơ thành đạt để đỡ đần cho cha mẹ vì cha mẹ đã vất vả nhiều rồi. Trước khi mất, các cháu đang phấn đấu để có thể giúp đỡ cha mẹ”.
Nhớ con, mỗi ngày bà Phượng ba lần cơm nước cho con mà chưa lần nào cầm được nước mắt. Bà Phượng nói:
“Con sinh ra không ốm đau mà tự dưng ra đi thì làm sao không nhớ. Nhớ lắm chứ, nhưng mà cố gắng khuây khỏa vì con cháu chứ làm sao được”.
Các đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân. Source Dantri
Xót con, hai ông bà già hằng ngày tựa cửa nhìn ra lèn đá mà mủi lòng. Thời gian đầu con mất, ông Phượng cứ tối tối lại ra mộ nói chuyện với con.
“Nói chung cuộc sống vất vả hơn. Về tình cảm thì khi mất người thân thì chúng tôi phải nói là đứt ruột, coi như là không có gì có thể bù đắp được”.
Lèn Cờ, kể sao cho hết những khó nhọc, những tổn thương mà nhiều người phải hứng chịu khi phải làm cái nghề đội nguy hiểm trên đầu này.
Đã hơn một tháng, những những ngôi nhà xập xệ vẫn im ỉm đóng; những đứa bé mất mẹ vẫn còn ngơ ngác, chưa hiểu mẹ chết là đi đâu; những người vợ mất chồng vẫn ủ rũ; và những ông bố bà mẹ mất con vẫn than trách trời cao, ngâm câu thơ nghe mà nhói lòng:
“Cành già còn ở trên cao, cành non rụng xuống… trời ơi hỡi trời”.
Thưa quý vị, ngày 1 tháng 4, tai nạn mỏ đá ở Lèn Cờ xảy ra làm 18 người chết. Trao đổi với RFA, chủ tịch xã Phan Thế Trung cho biết hiện tại lèn tạm ngưng hoạt động để điều tra. Một số người cũng chính vì thế mà phải đi tìm việc làm nơi khác. Ngôi làng đã hiu quạnh, nay lại càng quạnh hiu.
Tai nạn đã qua, người cũng đã chết, chỉ có một điều là làm thế nào để những đau thương như thế không xảy ra trong tương lai khi phu đá vẫn là một cái “nghề” của rất nhiều bà con?
Quỳnh Chi
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/len-co-never-ending-story-05172011071451.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét