Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

EVN: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”?

http://tintuchangngay4.files.wordpress.com/2011/09/kt-14-9-dien1.jpg?w=320&h=205Nguyễn Duy Xuân
 

Hồi còn sinh viên, đánh vật được với cái môn triết học mà thấy vã mồ hôi trán. Đến nỗi sau này hễ nghe nhắc đến triết là sợ hết hồn. Tại cái đầu ngu, chỉ quen lối tư duy chày cối nên gặm không được, vậy thôi. Chứ đấy là môn học cơ sở ưu việt nhất, chuẩn bị hành trang vào đời cho một viên chức tương lai. Bởi thế dẫu dốt, dẫu sợ nhưng cũng rán sức ép vào cái óc bã đậu của mình được một tí tinh túy tư tưởng của nhân loại.
Nhân cái vụ EVN lỗ thì to mà lương lại khủng bỗng nhớ đến chân lí được học từ cái môn triết thời ấy: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Bài học đó được ông thầy dạy triết phân tích kĩ càng, vẽ ra cả một viễn cảnh tương lai xán lạn, dường như sắp đến nơi rồi. Khi ấy đang là những năm đầu sau giải phóng. Thế mà hơn 30 năm sau, cái lí thuyết sách vở ấy đã có cơ thành sự thật, tuy chưa phổ cập cả nước nhưng cũng đã có ở cái tập đoàn con cưng, rường cột của nền kinh tế nước nhà là EVN. Mừng thay! Một minh chứng hùng hồn về CNCS đã thành hiện thực.

Lương bình quân tháng trong năm 2010 của EVN là 14 triệu. Cán bộ văn phòng – tầng lớp cổ cồn trắng – ngồi chơi xơi nước mà cũng hưởng mức lương khủng gần 30 triệu. Thế nhưng cũng chưa là cái đinh gì so với mức lương khoảng 200 triệu của các sếp ngồi trên đỉnh EVN. Bây giờ thì đã rõ. Lâu nay cứ trách oan ông Tổng EVN đau lòng giả. Ông đau thực đấy chứ. Bởi ông đang ngồi trên đống tiền 200 triệu ngó xuống thấy nhân viên của mình cầm trong tay chỉ mươi lăm triệu thì không đau lòng sao đặng?
Không hiểu công việc hàng ngày của cán bộ nhân viên EVN như thế nào, nhất là các sếp ngồi trong phòng lạnh chứ mấy anh thợ đường dây thì công việc quả thực là vất vả nhưng liệu có gấp năm, gấp sáu lần công nhân các ngành khác? Công việc một nhân viên văn phòng EVN liệu gấp bao nhiêu lần một giảng viên đại học hay một nhân viên ở các cơ quan hành chính sự nghiệp? Câu hỏi ấy chỉ có lãnh đạo EVN mới trả lời được. Điều đơn giản ai cũng hiểu là công việc các ngành nghề trong xã hội nếu so sánh về cường độ lao động thì không có sự chênh lệch quá lớn bởi khả năng thể chất của con người có giới hạn. Chỉ có mỗi yếu tố làm nên sự khác biệt đó là chất xám, cái mà xã hội ta thường lấy bằng cấp làm thước đo. Tài giỏi tầm cỡ thế giới như Giáo sư Ngô Bảo Châu mà cũng chỉ được chào mời về làm việc trong nước với mức lương có…5 triệu nữa là! Mà người như Ngô Bảo Châu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi nhé!
Vậy thì cơ sở nào mà cán bộ văn phòng EVN hưởng lương 30 triệu, sếp EVN hưởng lương hàng trăm triệu? Lãnh đạo EVN không thể sánh với CEO thế giới. Người ta làm cho công ti ngày càng phát triển, lãi ròng hàng năm tăng vùn vụt. Còn EVN thì triền miên kêu lỗ. Kinh doanh độc quyền, không bị cạnh tranh, không cần quảng cáo, cắt cúp bất cứ lúc nào, nước của trời, than dưới đất, thế mà vẫn lỗ. Lỗ nặng, lỗ triền miên nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng qui tội được cho ai. Lương của cán bộ, nhân viên vẫn tăng theo cấp số nhân so với năm trước. Thật lạ lùng! Phải chăng trong khoản lỗ khổng lồ đó có một phần không nhỏ EVN dùng để chi trả lương từ sếp to sếp nhỏ cho đến nhân viên? Đó không thể gọi là lương được nữa mà là những khoản chia chác dưới danh nghĩa lương. Cái nghịch lí ấy cứ mặc nhiên tồn tại hàng bao năm nay. Vì sao? Chỉ có cấp trên trực tiếp của EVN mới trả lời được câu hỏi này. Thế nhưng thất vọng vẫn là thất vọng. Mới đây nhất, hôm 27-12 ông thứ trưởng bộ Công thương đã vào vai “bào chữa” cho cái sự thất thoát, thua lỗ, tăng giá điện của EVN. Còn chuyện lương khủng thì ông đá sang cho bộ LĐ-TB &XH(?!)
Ngẫm chuyện EVN tự dưng nhớ đến bài học ngày nào, bỗng “ồ” lên một tiếng. Cứ ngỡ mình cũng như cụ Ác-si-met bên trời Tây xưa. Có điều mấy hôm nay lạnh quá, chả dại gì chạy nhông ra ngoài đường mà hét lên “ơ-rê-ca!”, “ơ-rê-ca!”
EVN quả là đã đi trước thời đại. Bái phục! Bái phục!
Tác giả gửi cho Quê choa

Không có nhận xét nào: