Pages

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Thị trường chứng khoán VN có nguy cơ sụp đổ

SÀI GÒN (TH) - Giới đầu tư chứng khoán, không riêng gì người ngoại quốc, ngay cả người Việt Nam cũng đua nhau bán đổ bán tháo cổ phiếu “bỏ của chạy lấy người” suốt 10 phiên giao dịch gần nhất.

Hình ảnh vắng vẻ ảm đạm của thị trường chứng khoán Hà Nội (HNX-index) trong phiên giao dịch ngày 23 tháng 5, 2011. Cả giới đầu tư ngoại quốc cũng như người Việt Nam đua nhau bán tống bán tháo vì tin tức kinh tế Việt Nam quá tồi tệ. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)



Tin tức ngày Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011 cho thấy trong ngày này, chỉ số chứng khoán của Thị Trường Chứng Khoán Sài Gòn (Vn-Index) tuột mất thêm 16.23 điểm (tương đương 4.03%) và chỉ còn có 386.36 điểm.

Tại Thị Trường Chứng Khoán Hà Nội (HNX-index) cũng giảm mất 2.87 điểm (tương đương 3.99%) chỉ còn 69.01 điểm sau 12 phiên mất giá liên tiếp.

“Làn sóng bán tháo tiếp tục bao phủ thị trường. Cổ phiếu lớn nhỏ bị đổ ra bán sàn với số lượng lớn, trong khi lượng đặt mua nhỏ giọt.” Bản tin về thị trường chứng khoán Sài Gòn của báo điện tử VNExpress ngày Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011 mà báo này nói “chưa có điểm dừng” và “chỉ có bên cung, còn phía cầu ít ỏi.”

Tương tự, thị trường Chứng khoán Hà Nội cũng “bán nhiều hơn mua.”

Các nhà đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam cảm thấy hãi hùng khi thấy lạm phát ở Việt Nam ngày càng tăng tốc.

Theo kinh tế gia Prakriti Sofat của ngân hàng Barclays Bank chi nhánh Singapore, lạm phát ở Việt Nam vào hai tháng tới có thể lên đến 22% hay 23% nếu nhà cầm quyền Hà Nội không đưa ra các biện pháp kềm chế mạnh hơn nữa.

Tình hình này có thể dẫn tới tình trạng không những các người đầu tư chứng khoán ở Việt Nam trở thành tay trắng mà nhiều ngân hàng cũng chết chìm theo, ảnh hưởng không nhỏ cho cả nền kinh tế vốn đang khốn đốn vì lạm phát.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25 tháng 5, 2011, khoảng 11,200 tỉ đồng (tương đương với $560 triệu USD) trị giá tín dụng chứng khoán có nguy cơ trở thành “khoản nợ khó đòi” của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Báo này cũng nhắc lại vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty chứng khoán Hà Thành mới đây đã bỏ trốn để lại khoản nợ trên 80 tỉ đồng, tạo áp lực nặng nề cho những ai cố cầm giữ thế cân bằng của thị trường đầy rủi ro này.

Cũng theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đã cho vay tổng cộng 3,320 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn của họ cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán. Theo dữ liệu của báo Ðầu Tư hồi tháng 3 năm nay, các ngân hàng thương mại đã cho các nhà đầu tư chứng khoán vay gần 10,000 tỉ đồng.

Một loạt sự kiện dồn dập diễn ra, từ việc ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng đối với thị trường chứng khoán; công ty chứng khoán bán tháo bán đổ cổ phiếu để cắt lỗ; các nhà đầu tư bán cổ phiếu lấy tiền để rút chân dần khỏi thị trường đầy nguy cơ... đã tạo hàng loạt áp lực xấu đến sự tồn vong của thị trường chứng khoán non trẻ tại Việt Nam.

Người ta lo ngại trước tiên là sự sụp đổ của một loạt công ty chứng khoán đe dọa hệ thống ngân hàng thương mại trong một tương lai không xa, chắc chắn sẽ gây hiểm họa không ít cho nền kinh tế Việt Nam.

“Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các công ty chứng khoán đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các ngân hàng thương mại, thì sự sụp đổ của các công ty chứng khoán ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Ðây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.” Tờ SGTT viết. (TN)

Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào: