Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011
Trách nhiệm cá nhân về các vấn đề xã hội
Chào các bạn,
Hôm nay BBC có bản tin rất đáng ngạc nhiên và thán phục. Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm thứ ba Học viện Hành chánh cơ sở Hà Nội, vừa chuyển lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao hai tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ và “tự thú” là đã tàng trử hai tài liệu này, và yêu cầu được xử phạt vì tàng trử các tài liệu đã được VKSNDTC cho là “có nội dung chống Nhà nước XHCN Việt Nam theo cáo trạng truy tố ông Cù Huy Hà Vũ”.
Tại một quốc gia mà thử thách các cơ quan nhà nước có thể đưa bạn vào tù vì “chống nhà nước” thì đây là một hành động rất can đảm. Hậu qủa cụ thể của hành động này đối với VKSNDTC đến đâu thì không quan trọng, nhưng hành động tự chính nó nói lên rất nhiều:
- Trách nhiệm của một công dân, dù rất trẻ, vẫn thấy mình có trách nhiệm đối với đất nước.
- Can đảm, không sợ cường quyền áp bức.
- Lòng tin vào sức mạnh của lẽ phải và công lý.
Như SV Nguyến Anh Tuấn nói: “Tôi không thể tiếp tục thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và sự hèn nhát của bản thân mình. Biết đến nhiều tấm gương dấn thân trong lịch sử và đọc nhiều về tư tưởng của họ, sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu.”
Sự thật là nếu ai đó trong VKSNDTC đọc thơ xong và bỏ vào sọt rác, thì coi như xong chuyện, vì VKSNDTC không cần phải làm gì về lá thơ đó cả. Kiểm sát viên của chính phủ luôn luôn có quyền chọn lựa nên làm gì với ai, như là cảnh sát có quyền phạt người này tội chạy nhanh nhưng không phạt người khác (vì không thể bắt phạt hết tất cả mọi người được). Đó là prosecutorial discretion, tạm dịch là “tự do truy tố”.
Nhưng dù là lá thơ sẽ vào sọt rác ngủ yên, nó vẫn như là hành vi của em bé Nhật 9 tuổi, tạo ra một năng lương tích cực lớn, cho tất cả mọi người trong nước thấy là mỗi chúng ta cần có trách nhiệm với những vấn đề đất nước, yêu cầu và thách thức các quan chức và cơ quan công quyền làm việc hợp lý và đúng pháp luật, sử dụng các quyền hiến định về tự do ngôn luận của mình để bảo vệ tính hợp hiến của các hành vi công quyền.
(Chúng ta dùng các từ như “yêu cầu” và “thách thức các cơ quan công quyền”, nhưng cho đúng nghĩa, ta nên hiểu là yêu cầu và thách thức của anh em một nhà, cùng xây dựng đất nước. Chính những hành vi “thách thức” trong khung cảnh pháp luật là các hành vi quan trọng nhất cho sự trưởng thành của một hệ thống pháp lý. Các bạn nghiên cứu về sự hình thành các hệ thống pháp lý trên thế giới, sẽ hiều tầm quan trọng của khái niệm “thử thách” này).
Một quốc gia không thể tiến bộ nếu mỗi công dân không tích cực đóng góp vào việc bảo vệ luật pháp và công lý quốc gia bằng các phương cách hợp pháp. Một quốc gia mà nhân dân thụ động trước những bất công, áp bức, hay bất cập của xã hội thì quốc gia đó đương nhiên là sẽ tràn đầy áp bức và bất công và không thể tiến được.
Đối với những người Tư Duy Tích Cực như chúng ta, chúng ta đã nói rất thường xuyên, như trong truyện Không Có Từ Tâm, là Tâm tĩnh lặng rất nhạy cảm với những đau khổ và bất công của mọi người quanh mình. Tĩnh lặng không có nghĩa là chai đá hay đui mù. Tĩnh lặng là nhạy cảm, nhưng không xung động, tức là không nhảy choi choi theo cảm xúc của mình. Nhưng tĩnh lặng suy nghĩ nên làm gì, hoặc là lờ đi vì không thật sự quan trọng đến mức mình phải làm gì cả, hay vấn đề sẽ tự giải quyết theo thời gian, hoặc là thấy quan trọng đến mức cần mình nhúng tay vào thì nên nhúng tay cách nào—hợp lý, hợp pháp, can đảm, không tạo nên xung đột không cần thiết, v.v…
Nếu mỗi công dân, chủ đất nước, mà không thường trực đòi hỏi đất nước phải là một đất nước trọng pháp, trọng tự do, trọng dân chủ, thì đất nước sẽ không có pháp luật, tự do và dân chủ.
Trách nhiệm của đất nước phải rơi trước hết vào tay chủ đất nước, tức là nhân dân, là mỗi người trong chúng ta. Không thể chỉ ngón tay vào người khác và nói “trách nhiệm là của họ”.
Chúc các bạn một ngày làm chủ.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét