Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011
Biển Đông thách thức quan hệ toàn diện Việt - Trung
Hai nhà ngoại giao Phạm Quang Vinh (trái - Việt Nam)) và Lưu Chấn Dân (Trung Quốc) phát biểu với nhà báo sau một cuộc họp của ASEAN tại Bali ngày 20/07/2011.
Reuters
Trọng Nghĩa
Quan hệ Việt Nam Trung Quốc gần đây đã có vẻ căng thẳng hẳn lên sau vụ tàu Trung Quốc bị Việt Nam tố cáo là đã lấn sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để cắt cáp thăm dò của hai chiếc tàu nghiên cứu địa chấn. Tuy nhiên cả hai phía như đều tìm cách làm cho tình hình Biển Đông không ảnh hưởng đến các lãnh vực hợp tác khác.
Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 2011, hai chiếc tàu nghiên cứu địa chấn Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam, đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc lao vào cắt cáp thăm dò.
Phản ứng của chính quyền Việt Nam thoạt đầu rất cứng rắn, đi từ chính thức lên tiếng phản đối, cho đến để yên cho cả ngàn người biểu tình chống hành động gây hấn của Trung Quốc, liên tiếp trong hai ngày chủ nhật (05/06 và 12/06), tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sau đó, thái độ của Việt Nam bắt đầu hòa dịu lại, cử đặc sứ qua Trung Quốc, đồng thời giới hạn tối đa các cuộc biểu tình, và thậm chí, trong hai chủ nhật gần đây (10/07 và 17/07), còn cho câu lưu một số người xuống đường tại Hà Nội.
Về phần Trung Quốc, nước này chủ yếu đối phó với phản ứng của Việt Nam bằng con đường báo chí và ngoại giao, bật đèn xanh cho một số phương tiện truyền thông chính thức đả kích hay đe dọa Việt Nam, đồng thời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, và quy trách nhiệm cho Việt Nam về việc gây nên sự cố.
Điểm khác thường được nhiều nhà quan sát ghi nhận là mặc dù tình hình có vẻ căng thẳng tại Biển Đông, trong các lãnh vực khác, kể cả lãnh vực quốc phòng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không thấy thay đổi.
Để hiểu rõ thêm về hai loạt sự kiện có vẻ mâu thuẫn nhau như kể trên, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ramses Amer, một chuyên gia về Biển Đông tại trường Đại học Stockholm (Thụy Điển), tác giả nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề biên giới, lãnh thổ Việt Nam, cũng như về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Trước hết, giáo sư Amer đã ghi nhận tính chất dữ dội khác thường nhưng không liên tục của các hành động của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam lần này, so với cả một chiến dịch sách nhiễu ngư dân Việt Nam kéo dài cả năm trời cách nay hơn một năm.
Tôi thấy rằng các sự cố cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu giữa Việt Nam và Trung Quốc rất đáng chú ý. Trước hết Việt Nam đã phản ứng đúng theo chờ đợi của mọi người khi xác định là họ chỉ thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của mình, bên trong giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngược lại, Trung Quốc cũng phản ứng đúng theo dự liệu, tức là tố cáo Việt Nam hoạt động trong khu vực bên trong tấm bản đồ hình chữ U trên Biển Đông, mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Điểm khá bất thường là tính chất hung hăng của Trung Quốc, vì cắt cáp là một hành động dữ dội hơn so với việc đơn thuần phản đối sự hiện diện của Việt Nam trong khu vực. Thông thường, Việt Nam và Trung Quốc phản đối lẫn nhau, nhưng không hề có những hành động cụ thể. Lần này thì khác, và Trung Quốc đã trình bày sự kiện một cách khác, tố cáo rằng chính ngư dân Trung Quốc đã bị phía Việt Nam tấn công trong khu vực đó.
Điều tôi chú ý là sau hai sự cố đó, gần như là không xẩy ra sự cố nào khác. Trái với tình hình trong hai năm 2009, 2010, khi các vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam liên tục xẩy ra trong hơn một năm… Vào khi ấy, có thể nói là Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch gay gắt, một chiến dịch chỉ kết thúc với chuyến ghé Hà Nội của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng 10 năm 2010.
Nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc có những hành động dữ dội khác thường đối với các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam thì rất nhiều, nhưng theo giáo sư Ramses Amer, hành động đó không ngoài việc khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông, vào lúc Việt Nam đang đẩy mạnh việc khai thác dầu khí ngoài biển khơi.
Vì sao Trung Quốc lại có phản ứng dữ dội khác thường vào lúc này, đây là điều cần phải xem xét kỹ hơn, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh muốn cho thấy là từ nay họ không chấp nhận bất kỳ một hoạt động nào trong khoảng hơn 80% vùng Biển Đông mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ.
Việt Nam vào lúc này như muốn cho thấy là trong vùng thềm lục địa của mình, họ sẽ tiến hành thăm dò khai thác dầu hỏa và như vậy sẽ mở rộng vùng thăm dò về phía Đông của Biển Đông, tức là sẽ vượt qua lằn ranh đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Không cho căng thẳng lây lan
Tình hình tại Biển Đông quả là căng thẳng, tuy nhiên theo nhận xét của giáo sư Amer, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có những động thái muốn hạn chế tác động của vấn đề Biển Đông trên quan hệ toàn diện song phương. Ví dụ rõ nhất của mong muốn này là sự kiện vài ngày sau các sự cố ở vùng phía nam Biển Đông, hải quân Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục chương trình tuần tra hỗn hợp ở Vịnh Bắc Bộ.
Điều đáng chú ý là bộ Quốc phòng hai bên vẫn tiếp tục gặp nhau vào đầu tháng Sáu, và như thông lệ họ ra những tuyên bố rất hữu nghị. Phải nói là trong những năm gần đây, công cuộc hợp tác giữa quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc rất chặt chẽ, với nhiều chương trình hơn.
Đó là một điều đáng ngạc nhiên, vì từ năm 2009 đến nay, tình hình căng thẳng và các bất đồng Việt Trung tại vùng Biển Đông lại rất nhiều, với rất nhiều sự cố, nhiều hơn hẳn so với giai đoạn 1999 - 2010. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào quan hệ giữa quân đội hai bên, thì ta lại có cảm tưởng là bang giao giữa hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như vây.
Điều đó có nghĩa là cho dù có những căng thẳng ở Biển Đông, nhưng các căng thẳng đó không lây lan ra những vùng địa dư khác và cũng không có tác động gì lớn trên quan hệ song phương Việt Trung. Điều đó giải thích vì sao, chỉ một vài hôm sau các sự cố cắt cáp ở Biển Đông, hải quân hai bên lại thực hiện cuộc tuần tra hỗn hợp lần thứ 11 trong vùng Vịnh Bắc bộ !
Cứ tựa như là hai bên cố gắng giảm thiểu tác hại của tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Chuyến đi Trung Quốc của đặc sứ Việt Nam Hồ Xuân Sơn phải được lồng vào toàn cảnh đó, tức là cũng nhằm mục tiêu giới hạn ảnh hưởng của tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
Chuyến công du Trung Quốc của đặc sứ Việt Nam Hồ Xuân Sơn, trong đó hai bên đồng ý về nhu cầu ‘định hướng’ công luận, theo giáo sư Amer, cũng không ngoài mục tiêu giảm thiểu tác hại của các sự cố trên Biển Đông giữa hai nước.
Điều đáng chú ý là hai bên cũng đồng ý là cần phải kiểm soát làng báo của nhau. Để hiểu rõ tầm mức của quyết định này, cần phải biết cách thức các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về Việt Nam. Báo chí Trung Quốc không quan tâm nhiều, không nói nhiều về Việt Nam, như so với Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Họ gần như chẳng biết gì về Việt Nam, và khi nói về Việt Nam, thì họ chỉ có nói xấu mà thôi. Chính quyền Trung Quốc dư biết điều đó, vì các phóng sự về Việt Nam đều rất tiêu cực. Và ở Việt Nam, còn hơn thế nữa, có rất nhiều nhà báo và tờ báo rất phê phán đối với Trung Quốc.
Báo chí như vậy đã trở thành một vấn đề cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam, Điều đó có nghĩa cả hai chính quyền đều thấy là cần phải hạn chế bớt giới báo chí, vì không muốn rằng dân chúng hai bên bắt đầu coi nhau là kẻ thù.
Theo tôi, điều đó giải thích vì sao cả hai phía đã quyết định là cần phải kiểm soát báo chí, kiểm soát các vụ biểu tình, cần phải gọi là ‘’định hướng dư luận’’, sao cho những căng thẳng cục bộ không tác động quá tiêu cực đến quan hệ song phương. Tuy nhiên, vấn đề là các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng vẫn tồn tại.
Trung Quốc bắt đầu cụ thể hóa đòi hỏi trên tấm bản đồ ‘lưỡi bò’
Lập trường đối nghịch hoàn toàn giữa hai bên, theo giáo sư Amer là căn nguyên khiến cho tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng Biển Đông khó giải quyết. Bên cạnh đó, theo giáo sư Amer, sau một thời gian giữ mập mờ về những đòi hỏi cụ thể trên tấm bản đồ hình "lưỡi bò", mới đây Bắc Kinh đã bắt đầu nói rõ hơn ý định của mình khi trả lời văn kiện phản đối của Philippines gởi đến Liên Hiệp Quốc.
Về tình hình Biển Đông, hai bên chỉ đồng ý được với nhau trên một điểm duy nhất : đó là thảo luận về quần đảo Trường Sa. Nhưng về hồ sơ này cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cũng phải thương thảo với các nước khác.
Còn về Hoàng Sa, thì cho đến giờ này, Bắc Kinh khăng khăng không muốn nói đến, trong lúc Việt Nam thì từ chối thảo luận về các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Trường Sa, Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam, tức là khu vực nằm bên trong 9 đường gián đoạn trong tấm bản đồ của Trung Quốc. Phía Việt Nam không muốn « chính đáng hóa » các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Nhất là khi mới đây, khi trả lời lập luận của Philippines nêu ra tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã tuyên bố rằng khu vực bên trong đường chữ U đó là vùng biển của Trung Quốc. Các phát biểu gần đây của Trung Quốc đã đề cập công khai đến các vùng biển của Trung Quốc chung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có thể coi các tuyên bố đó là việc làm rõ hơn thực chất các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc mà tấm bản đồ hình chữ U không nói đến.
Ngay từ đầu, khi Trung Quốc công khai công bố tấm bản đồ mập mờ đó, nhiều người đã từng cho rằng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển nằm trong 9 đường gián đoạn. Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy ngay từ năm 1996, khi Trung Quốc mới bắt đầu phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Các đường cơ sở (base lines) mà họ vẽ ra chung quanh quần đảo Hoàng Sa đã thể hiện rõ ràng quan điểm của Trung Quốc là đòi hỏi chủ quyền vùng biển chung quanh khu vực Hoàng Sa !
Theo tôi thì các hành động mới đây của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam, cũng như các tuyên bố của họ tại Liên Hiệp Quốc cho thấy là Trung Quốc đã bắt đầu cụ thể hóa các đòi hỏi chủ quyền, tức là đòi quyền trên các vùng biển tại Biển Đông – nghĩa là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế bên trong các đường hình chữ U của họ.
Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là làm sao xử lý vấn đề Biển Đông mà không mang lại tính chính đáng cho các đòi hỏi của Bắc Kinh ?
Theo tôi thì cả hai nước cần phải công nhận rằng mình có những bất đồng quan điểm. Trung Quốc phải thừa nhận là Việt Nam có những đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, chứ không thể nhắm mắt, xem đó là điều không tồn tại. Làm sao mà có thể đàm phán với nhau trên một cái gì bị ta coi là không tồn tại.
Và Việt Nam cũng vậy, vấn đề vô cùng khó khăn. Tại Vịnh Bắc Bộ chẳng hạn, vấn đề cửa Vịnh vẫn chưa thể giải quyết được giữa hai bên, cho dù phần bên trong vịnh đã xong xuôi.
Cứ như thể là khi ta bắt đầu ra khỏi Vịnh, tức là ta tiến vào Biển Đông, và lập tức ta gặp phải vấn đề những đường gián đoạn trên tấm bản đồ của Trung Quốc.
Trung Quốc coi nhẹ Việt Nam ?
Giải pháp cho tranh chấp Việt Trung trên vấn đề Biển Đông, theo giáo sư Amer, là phải tăng cường các quan hệ cấp lãnh đạo. Theo ông, trong quá khứ gần, tức là từ đầu thập niên 90 cho đến gần đây, chính các chuyến công du cấp cao của các lãnh đạo hai bên đã cho phép hai bên quản lý tốt những căng thẳng tiềm tàng. Mô hình đó có thể áp dụng cho Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền Bắc Kinh trong thời gian gần đây lại có dấu hiệu coi nhẹ quan hệ với Việt Nam.
Đối với tôi, rõ ràng là Việt Nam không thể trực diện đối đầu với Trung Quốc. Do đó, điều mà Việt Nam có thể làm là củng cố thêm đối thoại với Trung Quốc, tăng cường các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ.
Vấn đề là từ tháng Mười năm 2010 đến nay, không có một chuyến thăm cao cấp nào giữa hai bên. Cao cấp đây nghĩa là ở cấp Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Tổng bí thư Đảng. Trung Quốc đã tổ chức những chuyến công du ở cấp độ này qua Kazakhstan, qua Nga… ở Nga thì mỗi năm một lần, tại sao họ không lại chú ý đến Việt Nam ?
Câu hỏi đặt ra là nếu Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng quan hệ với Việt Nam là quan trọng, thì cớ sao họ lại ‘tẩy chay’ Việt Nam như thế ? Tại sao họ lại không chính thức gọi chuyến đi Hà Nội của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào Tháng 10 năm 2010 là một chuyến công du ?
Phải nói là quan hệ Việt Trung từ khi hai bên bắt đầu bình thường hóa bang giao từ đầu thập niên 1990 cho đến năm 2000 đã có những tiến triển đáng kể nhờ các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các lãnh đạo.
Theo tôi thì việc thủ tướng Việt Nam đi thăm Trung Quốc mỗi năm ba bốn lần chỉ vô ích nếu chỉ là để đi thăm các họi chợ thương mại !
Đối với tôi, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề Biển Đông, và giải quyết ở cấp lãnh đạo cao nhất, để rồi từ đó vạch hướng đi cho các bộ trưởng và khởi động trở lại các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia về vấn đề cửa Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông.
Đàm phán cấp chuyên gia, theo tôi rất quan trọng, vì trong những năm gần đây, không hề có thảo luận giữa các chuyên gia, mà hai bên chỉ gặp nhau ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Điều đó cũng giải thích vì sao hồ sơ không tiến triển.
Đối với giáo sư Amer, chính sách quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông đã đẩy nhiều nước, trong đó có Việt Nam, xích lại gần với Hoa Kỳ, điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn. Để khỏi làm cho tình hình chuyển biến theo chiều hướng đó, Trung Quốc phải thay đổi thái độ đối với Việt Nam.
Nếu Trung Quốc không muốn Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ, thì họ phải dành cho Việt Nam một vị trí quan trọng hơn trong nền ngoại giao của họ. Điều mà Trung Quốc phải làm theo chiều hướng này là mời các lãnh đạo Việt Nam công du Trung Quốc chẳng hạn.
Trên báo chí Việt Nam hồi tháng 2, tôi thấy có thông tin về việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua thăm Trung Quốc. Tôi cố tìm, nhưng không thấy nguồn tin này xuất hiện trên báo chí Trung Quốc.
Quả là Trung Quốc có chính thức đưa tin về chuyến đi thăm Trung Quốc vào tháng 2 vừa rồi của đặc phái viên của Tổng bí thư Việt Nam, nhưng họ không hề nói đến lời mời này. Chỉ có phía Việt Nam là đưa tin đó mà thôi.
Điều tôi muốn nói là hai bên phải cải thiện quan hệ với nhau, phải cố gắng nhiều hơn nữa để giảm thiểu căng thẳng tại vùng Biển Đông, điều đó không tốt đối với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc hoàn toàn không có lợi gì khi công luận Việt Nam đang rất chống Trung Quốc.
Nguồn RFI.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét